Home > Khai Thị Niệm Phật > Khong-Coc-Dai-Su
Không Cốc Đại Sư
Thích Như Sầm | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


(Đại sư họ Trần tên Cảnh Long, người ở Ngô huyện. Thuở còn bé ngài đã ăn chay, ưa ngồi ngay thẳng nhắm mắt, dường như người tu thiền định. Sau ngài theo Lai Vân Hòa Thượng học về đại pháp; đến 28 tuổi xuất gia ở Hổ Khâu. Kế đó, đại sư vào núi Thiên Mục, kham khổ tham cứu, một hôm bỗng nhiên tỉnh ngộ đến cầu chứng nơi ngài Lại Vân, được ấn khả, Đại sư tuy ngộ được tâm tông, song việc tự tu khuyên người, đều theo Tịnh Độ. Ngài từng làm 108 bài thi Tịnh Độ lựu hành ở đời. Ngài lại xây cho mình cái cốt tháp ở Tiền Đường tự làm lời minh, thường ở trong đó tu hành cho đến khi viên tịch)

* Đại sư nói: Một môn niệm Phật là đường lối tu hành thẳng tắt. Hành giả phải xét rõ thân này giả dối, việc thế như chiêm bao, duy cõi tịnh là đáng nương về, câu niệm Phật là có thể nhờ cậy. Rồi tùy phận mà niệm hoặc mau hoặc chậm, hoặc tiếng thấp tiếng cao, đều không câu ngại. Chỉ nên để cho thân tâm nhàn đạm, thầm nhớ chẳng quên, khi hưởn, gấp, động, tịnh, vẫn một niệm không khác. Niệm như thế, ngày kia xúc cảnh chạm duyên, bỗng nhiên tỉnh ngộ. Chừng ấy mới biết cõi Tịch Quang Tịnh Độ không rời nơi đây, Phật A Di Đà chẳng ngoài tâm mình. Nếu lập tâm muốn cầu tỏ ngộ thì trở lại thành chướng ngại, nên chỉ lấy lòng tin làm căn bản, chẳng tùy theo tạp niệm mà thôi. Hành trì như thế, dù không tỏ ngộ, khi chết cũng được sanh về Tây Phương, theo giai cấp mà tiến tu, không còn lo thối chuyển.

* Kinh Đại Tập nói: “Niệm Phật lớn tiếng có mười công đức: 1) Đánh tan hôn trầm mê ngủ. 2) Thiên ma kinh sợ. 3) Tiếng vang khắp mười phương. 4) Ba đường ác được dứt khổ. 5) Tiếng bên ngoài không xâm nhập. 6) Niệm tâm không tán loạn. 7) Mạnh mẽ tinh tấn. 8) Chư Phật vui mừng. 9) Tam muội hiện tiền. 10) Vãng sanh về Tịnh Độ.