Con người có cùng một tâm, nhưng ai nấy ưa thích khác nhau. Do ưa thích khác nhau nên tạo nghiệp sai khác, nhưng đều bận rộn tạo nghiệp như nhau. Kẻ thích giết chóc, tà dâm, trộm cướp, dối trá thuần là ác nghiệp. Kẻ ham công danh, học thuật thì hoặc là tạo ác hay làm lành. Chỉ có kẻ ưa làm điều lành ham bố thí là thuần thiện nghiệp. Tùy lòng ưa thích, ai nấy niệm niệm bận rộn tạo tác chẳng ngơi cho đến chết mới thôi, nhưng tâm với nghiệp vẫn chưa dứt.
Cổ đức nói: “Muôn thứ đều bỏ hết, chỉ mỗi nghiệp theo thân”. Theo nghiệp thọ báo, kẻ thiện sanh trong các đường lành trời, người, hết phước lại đọa xuống, khó được mà dễ mất; kẻ ác đọa trong các đường ác: ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục… trong thời gian lâu dài, chịu khổ nặng nề, dễ vào, khó ra. Luân hồi sáu nẻo chẳng lúc nào ngơi!
Ðấy đều là vì nhất niệm bất giác, mê chân đuổi theo vọng, phát khởi mê hoặc, tạo nghiệp chịu khổ vô cùng. Nếu một niệm giác ngộ thì sẽ niệm Phật, tâm ấy tương hợp tâm Phật, chuyển nghiệp đoạn Hoặc, phản vọng quy chân, viên thành Phật đạo, chứ chẳng phải chỉ nhanh chóng sanh về Cực Lạc, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi mà thôi đâu! Nếu có ai đã hiểu được lý này mà chẳng chịu niệm Phật thì đúng là không bao giờ có!
Có ba cách niệm Phật:
1. Một là chuyên niệm Tự Phật, tức là Thật Tướng Niệm Phật như trong các kinh dạy: Dùng trí Bát Nhã chiếu soi Uẩn, Nhập, Xứ, Giới, các pháp đều là không, chứng đắc tánh Chân Như mầu nhiệm chính mình sẵn có; cũng giống như phép Chỉ Quán của tông Thiên Thai, cách tham cứu hướng thượng của Thiền Tông v.v… Ðó là niệm đức Phật chính mình mình sẵn có trong tự tánh vậy. Chân lý ấy quá sâu, thật sự chẳng dễ tu hành, vì chỉ cậy vào Tự Lực, hoàn toàn không có Tha Lực giúp đỡ. Nếu chẳng phải là hạng túc căn thành thục thì chỉ giải ngộ không thôi đã cực khó, huống hồ là có thể thực chứng!
2. Hai là chuyên niệm Tha Phật. Cần phải có lòng tin sâu dày, tâm nguyện thiết tha thì mới cảm ứng đạo giao với Phật, mới được Phật tiếp dẫn vãng sanh Cực Lạc, một đời thành Phật.
Cách tu này lại gồm có ba phương pháp:
a. Một là Quán Tưởng Niệm Phật, tức là quán tưởng theo như Quán Kinh đã dạy: hoặc là chuyên quán tướng bạch hào, hoặc chỉ quán thân Phật cao một trượng sáu, hoặc quán Pháp Thân to lớn. Nhưng [xét ra] chúng sanh huệ cạn, quán cảnh vi tế mà tâm lại thô tháp, nên quán pháp khó thành tựu.
b. Hai là Quán Tượng Niệm Phật, tức là quán hình tượng Phật, tâm thường hệ niệm; nhưng chúng sanh chướng nặng, nên hễ rời tượng ra thì sự hệ niệm liền bị gián đoạn.
c. Chỉ có mỗi cách thứ ba là Trì Danh Niệm Phật, tức là nhất tâm chuyên niệm thánh hiệu của đức Phật A Di Ðà, thực hiện dễ dàng, thành công mau chóng. Chỉ cần thâu tóm sáu căn, tịnh niệm liên tục, niệm đến khi toàn bộ tâm là Phật, toàn thể Phật là tâm, ngoài tâm không có Phật, ngoài Phật chẳng có tâm, tâm lẫn Phật cùng hiển lộ mà cũng lại cùng mất cả thì diệu lý Thật Tướng sẽ hiển lộ toàn thể, y báo và chánh báo trong cõi Tây Phương sẽ phô bày trọn vẹn.
Ðấy chính là Trì Danh mà có thể thâm đạt Thật Tướng, chẳng cần phải tu Quán mà thấy thấu tột cõi Tây Phương; hiện tại đã chứng được Niệm Phật tam muội, lúc lâm chung quyết định vãng sanh Thượng Phẩm.
Nếu căn cơ yếu kém, chưa thể làm được như vậy thì cứ dùng tín nguyện trì danh như con nhớ mẹ, niệm luôn luôn không gián đoạn cho đến lúc lâm chung, chắc chắn sẽ nhờ vào sức từ bi của Phật, được mang nghiệp đi vãng sanh (đới nghiệp vãng sanh). Pháp Trì Danh này phổ độ khắp các căn cơ, lợi ích sâu rộng, thật ích lợi cho kẻ độn căn thời Mạt Pháp, phơi bày trọn vẹn bổn hoài xuất thế của đức Như Lai. Vì thế, vạn người tu, vạn người vãng sanh.
3. Ba là kiêm niệm tự tha Phật, tức là Thiền Tịnh Song Tu. Nếu ai có đủ tín nguyện cầu sanh thì tham Thiền chính là hạnh Tịnh Ðộ, hễ có nghi thì tham Thiền, không nghi thời niệm Phật, tự châm chước cách hạ thủ công phu.
Nếu chuyên tham cứu câu “người niệm Phật là ai?” để mong minh tâm kiến tánh, chẳng màng đến tín nguyện cầu sanh thì đúng là có Thiền nhưng không có Tịnh. Nếu như có chút tơ tóc Hoặc nghiệp nào chưa đoạn sạch, sẽ bị đi theo nghiệp, không có cách nào thoát khỏi nổi! Vì thế, cách này chẳng thể bằng cách chuyên trì danh hiệu, thâm nhập một môn!
Tôi do thiện nghiệp xa xưa nào mà nay được làm thân người, tuy ham thích chuyện vô ích, tạo nghiệp vô lượng; nhưng trong mạng sống thừa cuối kiếp này lại được Phật quang chiếu đến, bạn lành đề huề. Ðọc cuốn Long Thư Tịnh Ðộ Văn, tôi sanh ngay lòng tín nguyện, buông bỏ sạch hết những điều mình vốn ưa thích, chỉ còn thích niệm Phật.
Sau khi đến Ðài Loan, tôi được đọc Ðại Tạng, lại được xem nhiều kinh sách Tịnh Ðộ. Cứ hễ đọc đến đoạn nào liên quan đến phương pháp tu trì Niệm Phật thì liền ghi lấy, cóp nhặt của báu, ghi thêm lời nhận định. Dẫu là lời lẽ chưa đạt, nhưng lý chẳng ngoài những lời Phật dạy, Tổ răn, tuyệt không một chữ nào phát xuất tự ý riêng mình để khỏi mắc lỗi hoại pháp, lầm lạc mình. Tôi tập hợp những lời dạy ấy ghép thành bốn quyển, đặt tên là Niệm Phật Pháp Yếu.
Sách này vốn là để giúp mình tự tu, lấy lời dạy của cổ đức làm thầy hòng khích lệ mình tinh tấn để khỏi tu mù, luyện đui, hưởng quả quanh quẩn. Nhân có lời yêu cầu đăng tải của báo Sư Tử Hống, tôi trộm nghĩ đây chính là lúc thuận tiện, nhưng vừa mới đăng tải được một nửa thì đã được các vị đại đức trong ngoài nước quá ưu ái quyên tiền hối thúc ấn hành để sách được lưu truyền rộng khắp.
Phổ nguyện pháp giới chúng sanh những ai không có thời gian rảnh rỗi để tham học khắp các bậc minh sư hay thâm nhập kinh tạng sẽ nhờ cuốn sách này mà có được pháp yếu để làm chứng cứ, tuân theo lời dạy mà niệm Phật để cùng thoát khỏi khổ luân, đồng sanh Cực Lạc, đồng đoạn hoặc nghiệp, đồng chứng Bồ Ðề.
Trung Hoa Dân Quốc năm thứ 55 (1966), cuối xuân Bính Ngọ, Bồ Tát giới Ưu bà tắc Dịch Viên Mao Lăng Vân, nguyên quán tỉnh Hồ Bắc, kính ghi tại tịnh xá Tư Quy ở phụ cận thành phố Ðài Bắc.
QUYỂN I NIỆM PHẬT CHỈ NAM
Tịnh nghiệp đệ tử Dịch Viên Mao Lăng Vân cung kính kết tập
Kinh Ðại Tập dạy: “Ðời Mạt Pháp ức ức người tu hành, hiếm một ai đắc đạo, chỉ có ai nương theo pháp Niệm Phật mới được thoát khỏi sanh tử”.
Ngài Linh Phong bảo: “Trong hết thảy các pháp môn Niệm Phật, tìm lấy pháp giản dị nhất, ổn thỏa, thích đáng nhất, thì không có pháp nào bằng được pháp Tín Nguyện Chuyên Trì Danh Hiệu; chẳng nhọc công quán tưởng, chẳng cần phải tham cứu”.
Thế mà gần đây người niệm Phật thì nhiều, ít kẻ được vãng sanh; đều là do tín nguyện chẳng thiết, tạp tu chẳng chuyên, hoặc cầu phước báo trời, người, nên vẫn cứ luân hồi như cũ!
Ở đây, tôi trích tuyển pháp ngữ của chư Tổ, chẳng chọn lấy những lời bàn luận cao xa về cách tham cứu, quán tưởng, chỉ chọn lấy những lời pháp yếu về cách Trì Danh để hành nhân thường dễ đọc lược qua, hòng khích lệ chính mình tinh tấn; so với việc tham học thiện tri thức thì lại càng thiết thực hơn nữa.