Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Quan-The-Am-Bo-Tat-Nhi-Can-Vien-Thong-Chuong-Tap-6

Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông Chương Tập 6
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Dịch Giả : Hạnh Chơn

Xin mở kinh ra, trang 146, hàng thứ sáu: “Sanh diệt ký diệt, tịch diệt hiện tiền”, bắt đầu xem từ đây.

Chúng ta xem kinh văn của ngày hôm nay, “sanh diệt ký diệt” nghĩa là đã lìa cả hai bên sanh diệt. Gọi là giác trí năng không, lý chướng sở không, tuy đều đã lìa năng và sở, nếu cho rằng như vậy là viên mãn, cho cảnh giới này đã viên mãn, cho là cứu cánh, vậy là sai. Vì sao vậy? Vì lại đọa lạc vào bên pháp thân.

Cho nên Phật pháp lên cao một bậc đều gọi là diệu pháp, năng không và sở không đều đã diệt. Cảnh giới không tệ, nhưng như thế nào? Không cách nào đi vào diệu pháp, vì sao vậy? Vì chữ diệt của năng diệt sở diệt lại trở thành chướng ngại. Cho nên ở trước nói, tâm bồ đề sanh, tâm sanh diệt diệt. Chư vị thử nghĩ xem, cảnh giới này có tốt không? Cảnh giới này vẫn có một sanh một diệt.

Bởi vậy nếu thật sự chư vị có thể ghi nhớ những lời trong Lục Tổ Đàn Kinh, sẽ hoát nhiên đại ngộ. Lục tổ nói với ngài Ấn Tông, Phật pháp là không hai pháp, hai thì không phải Phật pháp. Tâm bồ đề sanh là một pháp, tâm sanh diệt diệt lại là một pháp, đây không phải là hai pháp ư? Cảnh giới không tệ, nhưng không diệu, không thể nhập huyền, không thể nhập diệu. Do đó phải biết sanh và diệt rốt cuộc là gì, có sanh mới có diệt. Còn diệt thì sao? Diệt cũng không thể chấp trước, cũng phải xa lìa nó, như vậy mới thật sự đạt đến năng sở đều vong, mới đạt đến thanh tịnh.

Công phu của chúng ta khi đạt đến cảnh giới tương đối, cảm thấy tâm địa mình rất thanh tịnh, tâm thanh tịnh hiện tiền. Bản thân cảm thấy hiện nay rất thanh tịnh, rất thanh tịnh tức không thanh tịnh. Tôi rất tự tại, rất tự tại tức không tự tại, vì sao vậy? Vì trong tâm thanh tịnh của mình vẫn còn cái thanh tịnh, trong tâm thanh tịnh vẫn còn cái tự tại. Vốn không có một vật, đâu ra thanh tịnh hay tự tại? Bởi vậy ta có thanh tịnh hay tự tại, đã không còn thật sự thanh tịnh hay tự tại rồi. Đương nhiên so với cảnh giới của phàm phu thông thường thì cao hơn rất nhiều.

Hai câu này là nói cảnh giới của đại Bồ Tát, cũng là cảnh giới tịch diệt nhẫn. Trong kinh luận nói rằng, tịch diệt nhẫn là cảnh giới pháp vân địa trở lên. Thập địa Bồ Tát, Đẳng giác và Như Lai quả địa, cảnh giới của ba địa vị này, cho nên tiêu chuẩn này mới cao như vậy. Quý vị xem chứng được vô sanh pháp nhẫn, vẫn có năng chứng và sở chứng, vẫn có năng và sở. Cảnh giới tịch diệt nhẫn là năng sở đều không có, là năng sở đều vong, lúc này mới thật sự thấy đạo. Nghĩa là chứng được tất cả pháp thế gian, sanh tức vô sanh, là thật sự chứng được. Tất cả pháp xuất thế gian thì sao? Là diệt cũng vô diệt.

Cảnh giới hiện tại của chúng ta, trong pháp thế gian có sanh có diệt, trong pháp xuất thế gian có diệt có sanh, đây là cảnh giới hiện tiền của chúng ta. Nhưng nhất định phải thấu triệt, cảnh giới của chư Phật và đại Bồ Tát. Thấu triệt có những lợi ích gì? Biết cảnh giới hiện tại của chúng ta không cứu cánh. Hay nói cách khác, ta nhất định phải phát tâm, phải chứng sâu hơn, nghĩa là phải nâng cao cảnh giới chính mình. Không được dừng lại nơi sở đắc hiện tại, trong cảnh giới nhỏ bé này, như vậy là sai. Đã thật sự thấu triệt, sanh thuộc huyễn sanh, diệt cũng thuộc huyễn diệt. Giống như trong Kinh Kim Cang nói: “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, ở sau lại nói rằng: “tất cả pháp hữu vi, như mộng huyễn bào ảnh”. Trong pháp hữu vi này, cũng thông pháp thế xuất thế gian. Cho nên chúng ta đừng cho rằng, pháp thế gian này là hữu vi, xuất thế gian cũng thuộc về hữu vi. Tâm lượng của hữu vi, tri kiến của hữu vi, quán hết thảy pháp đều là pháp hữu vi. Đến khi sanh diệt đã diệt, cảnh giới tịch diệt hiện tiền, quán tất cả pháp thế gian đều là pháp vô vi. Cho thấy hữu vi, vô vi, trong tất cả pháp làm gì có hữu vi hay vô vi? Không có. Hữu vi, vô vi chính là giữa mê và ngộ, đại triệt đại ngộ tức là vô vi, mê hoặc điên đảo rơi vào hữu vi. Hay nói cách khác, pháp có hữu vi và vô vi chăng? Không có, hữu vi và vô vi đều là huyễn pháp, liễu bất khả đắc.

Những ý nghĩa này trong Kinh Lăng Nghiêm nói rất rõ ràng, trong Kinh Viên Giác cũng nói rất rõ ràng. Trong Chương Thanh Tịnh Tuệ của Kinh Viên Giác nói đến cảnh giới này, hoàn toàn tương đồng với cảnh giới trong đoạn này, có thể hỗ tương tham khảo.

 Nói đến đây chúng ta cần phải thấu triệt một sự thật, đó chính là gốc tu nhân quan trọng hơn bất kỳ điều gì. Trong hội Lăng Nghiêm, vừa mở đầu Đức Phật đã nhắc nhở tôn giả A nan, phải lấy tâm không sanh diệt làm gốc tu nhân. Sao gọi là tâm không sanh không diệt? Tâm hiện tại của chúng ta, lúc nghĩ đông, lúc nghĩ tây. Khi nghĩ đông, ý niệm đông khởi lên thì tây diệt. Khi nghĩ tây, ý niệm tây khởi lên đông liền diệt, đây gọi là tâm sanh diệt. Nếu lấy tâm sanh diệt làm gốc tu nhân, cầu vô thượng bồ đề, tuyệt đối không làm được điều này. Bởi vậy hy vọng chúng ta đặc biệt chú ý điều này. Tâm không sanh diệt là Phật nhắc nhở chúng ta, không những trong hội Lăng Nghiêm, trong tất cả kinh điển đại thừa Đức Phật đều nhắc nhở chúng ta như vậy. Tâm không sanh diệt là gì? Phải hiểu rõ điều này, tâm không sanh diệt mới là chân tâm. Phải dùng tâm này để tu hành, làm gốc tu nhân, trong đời này ta có thể chứng được vô thượng bồ đề.

Lấy cảnh giới của chúng ta để nói, vô thượng bồ đề trên lý luận mà nói, ngay đời này có thể chứng được không có vấn đề. Nhưng về sự mà nói, chúng ta quả thật không dám nói. Tuy nhiên tùy việc mà xét, nếu dùng gốc tu nhân không sanh diệt để tu vô thượng bồ đề, chúng ta niệm Phật được lý nhất tâm bất loạn, điều này có thể đạt được, chúng ta dám nói điều này. Nói cách khác, trong địa vị viên giáo Bồ Tát, chứng viên giáo sơ trụ nhị trụ, có thể làm được điều này. Quý vị nói đăng địa trong viên giáo, chứng đến pháp vân địa, Đẳng giác, điều này không dám nói, quả thật không dám nói điều này. Nhưng trong đời tu đến viên giáo sơ trụ, đúng là không vấn đề gì. Khi đã chứng đến viên giáo sơ trụ chính là pháp thân đại sĩ, lúc này phẩm Nhập Pháp Giới trong Kinh Hoa Nghiêm quý vị có phần, có tư cách.

Tâm không sanh diệt trong kinh này gọi tự tánh vốn định, rốt cuộc ở đâu? Ở trước chúng ta đã học mười lần hiển kiến, bảy chỗ trưng tâm, đây tức là lục căn căn tánh của chúng ta. Nếu ta dùng nó để làm gốc tu nhân, đó chẳng phải là những gì đại sư Giao Quang đề xướng sao? Đại sư Giao Quang dạy chúng ta, xưa nay sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, dùng căn tánh của sáu căn, đừng dùng sáu thức, đây là tu tự tánh vốn định. Như vậy trong đời này có thể tu vô thượng bồ đề. Vì sao vậy? Vì căn tánh của sáu căn là bất sanh bất diệt. Trong mười lần hiển kiến nói một cách rất rõ ràng, không đến không đi, không dơ không sạch, đây là thật.

Tu như thế nào? Ở trước đều nói rất tường tận với quý vị, dùng căn tánh của lục căn tiếp xúc với cảnh giới lục trần, gọi là tự thọ dụng, chứ không phải đối tha. Tha thọ dùng thì sao? Tha thọ dụng dùng sáu thức. Những khuyết điểm mà phàm phu chúng ta phạm phải, đối với bản thân là sáu thức thọ dụng, đối với người khác cũng là sáu thức thọ dụng, đây tức là mê! Nội ngoại đều là giả, đều là hư vọng, không phải chân thật.

Thọ dụng của Phật Bồ Tát, đối nội là thọ dụng thật, đối ngoại là giả. Bên ngoài như thế nào? Bên ngoài phải lợi ích chúng sanh. Lợi ích chúng sanh gọi là “thủy nguyệt đạo tràng, không hoa Phật sự”. Kiến lập rất nhiều đạo tràng, đạo tràng như thế nào? Giống như kính hoa thủy nguyệt vậy. Phật sự là gì? Phật sự là hoằng pháp lợi sanh, đây là Phật sự. Sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh giống điều gì? Giống như ở trước nói là mắt bị bệnh, thấy hoa giữa không trung, gọi là không hoa Phật sự, thủy nguyệt đạo tràng. Có thể thấy, Phật sự và đạo tràng là huyễn hóa mà có, không phải thật có. Do đó chư vị Bồ Tát đã khai ngộ, đối với đạo tràng Phật sự tuyệt đối không hề chấp trước, đối với tất cả chúng sanh tuyệt đối không có chấp trước. Không có phân biệt, không có chấp trước, trong ngoài nhất như. Tuy trong ngoài nhất như, nhưng trên thái độ biểu hiện, hầu như lại có phân biệt chấp trước. Sự phân biệt chấp trước này đều là giả, đều là diệu dụng hoằng pháp lợi sanh của họ. Không phải thật có phân biệt, cũng không phải thật có chấp trước. Nếu họ thật có phân biệt chấp trước, thì họ là phàm phu. Đây là dạy chúng ta nên dùng căn dùng thức như thế nào. Dùng căn là chân thật, dùng thức là phương tiện quyền xảo, mục đích không ngoài lợi ích chúng sanh. Tuy lợi ích chúng sanh nhưng không chấp tướng lợi ích chúng sanh, như Kinh Kim Cang nói, độ vô lượng vô biên chúng sanh, thật không có chúng sanh nào được độ, tuyệt đối không có chấp trước. Nếu chúng ta dùng tâm như vậy, gọi là tu hành, gọi là tu đại định Lăng Nghiêm. Dùng tâm như vậy để niệm Phật, tức là tu nhất tâm bất loạn, tương ưng với tịch diệt nhẫn của Như Lai quả địa. Đây cũng là kỳ vọng của chư Phật Bồ Tát đối với chúng ta. Cho nên phải biết, tự tánh vốn định chính là Như Lai tạng tánh. Thể là chân thường, tánh vốn là tướng tịch diệt, Như Lai quả địa hiện là tướng tịch diệt. Hiện tại chúng ta mê mất tự tánh, nhưng bổn tánh vẫn là tướng tịch diệt. Có tìm hiểu sơ về Kinh Lăng Nghiêm, có thể lãnh hội được ý này, căn tánh lục căn của chúng ta sao không phải tướng tịch diệt? Những điều khác không cần nói, như trong kinh nói về mười lần hiển kiến, chúng ta tánh thấy, tướng của tánh thấy là tướng tịch diệt. Cho thấy, đối với thánh không tăng, đối với phàm không giảm. Thể chân thường thanh tịch tịch diệt của chúng ta xưa nay không hề mất, hiện nay vấn đề phát sinh ở đâu? Vấn đề phát sinh ở vọng tưởng chấp trước. Nhưng vọng tưởng chấp trước này, nếu không thể tu tự tánh vốn định, không cách nào viễn ly vọng tưởng chấp trước, chúng ta cần hiểu rõ đạo lý này.

Tuy nói tiểu thừa A la hán đoạn phiền não chướng, phá nhân ngã chấp, quý vị suy nghĩ tường tận xem có thể nói như thế chăng? Họ không có nhân ngã chấp, nhưng vẫn còn pháp ngã chấp. Chúng ta hỏi, ai chấp trước pháp ngã chấp? Vẫn còn có ngã. Nếu không có ngã, thì ai chấp trước pháp ngã chấp chứ? Trong pháp đại thừa nói, tiểu thừa A la hán chỉ phá kiến tư phiền não trong tam giới, kiến tư ngoài tam giới vẫn còn, lý này mới có thể nói thông suốt. Kiến tư phiền não ngoài tam giới vi tế hơn nhiều so với trong tam giới. Trong tam giới là kiến tư phiền não thô trọng. Họ đã lìa xa, không còn bị chi phối bởi sanh tử luân hồi trong tam giới lục đạo, nhưng bên ngoài tam giới vẫn còn kiến tư phiền não vi tế. Nguyên nhân này là do họ không biết tu tự tánh vốn định, họ miễn cưỡng khắc chế phiền não, là dùng phương pháp này. Cho nên nó không cứu cánh, không thể đoạn gốc. Bồ Tát đến cảnh giới này là năng sở đều vong, hai loại chấp trước đã lìa xa, tam không cũng đã xả. Gọi là nhân không, pháp không, không cũng không, lúc này mới phá căn bản vô minh. Đó chính là chúng ta nói, nghiệp thức, vô minh nghiệp tướng trong a lại da thức. Trong này một phần động hướng cũng không có, cảnh giới này mới gọi là sanh diệt ký diệt, tịch diệt hiện tiền.

Tịch diệt hiện tiền là cảnh giới gì? Ở trước chúng ta từng nói đến, không sanh không diệt, thanh tịnh bổn nhiên, chu biến pháp giới. Đến cảnh giới này không phải chúng ta chỉ nói bằng miệng, hay là nghĩ đến nó, sao nghĩ đến được! Tự thân chứng được cảnh giới này, đây là thân chứng. Chúng ta dùng phá ngũ ấm để nói, đây là viên phá hành ấm, vượt thoát chúng sanh trược.

Xem tiếp phần kinh văn: “Hốt nhiên siêu việt, thế xuất thế gian, thập phương viên minh, hoạch nhị thù thắng”. Quý vị chú ý đến hai chữ “hốt nhiên” trong kinh văn, “hốt nhiên” trong Thiền tông gọi là đốn ngộ. Do đây có thể biết, đốn ngộ cần có công phu tương đối, như vậy mới có thể khai ngộ. Bởi vậy đốn ngộ cũng là tu từ tiệm ngộ, không có tiệm ngộ làm gì có đốn ngộ? Bản thân không tu tiệm ngộ, ngày ngày vọng tưởng đợi một lúc nào đó được đốn ngộ, chúng ta đã đợi từ vô lượng kiếp, đợi cho đến ngày nay vẫn chưa khai ngộ. Chư vị đồng tu có mặt trong hội, ai trong quý vị không phải tu hành từ vô lượng kiếp đến nay? Điều này tôi từng nói với quý vị rất nhiều lần, tu từ vô lượng kiếp đến nay vẫn như vậy, điều này có vấn đề. Không những tu hành không có tiến bộ, mà càng tu càng thoái chuyển. Khuyết điểm này quá lớn, đó là gì? Chúng ta không biết tu ngộ, không biết cầu ngộ. Nhưng nếu cầu khai ngộ, chướng ngại lớn nhất của việc khai ngộ là phân biệt chấp trước, đây là chướng ngại lớn nhất. Không những chúng ta phân biệt chấp trước đối với pháp thế gian, mà học Phật cũng phân biệt chấp trước. Đây tức là ngày ngày tu, ngày ngày tăng trưởng phân biệt chấp trước, như vậy sao khai ngộ được? Đây là đóng chặt con đường khai ngộ của bản thân.

Quý vị xem trong tất cả kinh luận đại thừa, Đức Phật dạy chúng ta, đầu tiên dạy chúng ta thấu triệt chân tướng tất cả pháp thế xuất thế gian. Chân tướng là gì? Chân tướng là mộng huyễn bào ảnh, chân tướng là tất cả pháp liễu bất khả đắc, chân tướng là tất cả pháp giai không, nghĩa là vạn pháp giai không. Nói rõ chân tướng mục đích ở đâu? Mục đích dạy chúng ta ở trong tất cả pháp đừng phân biệt chấp trước, đừng khởi tâm động niệm. Làm được điều này là có cơ hội khai ngộ, nhờ vậy là được đốn ngộ. Sau khi ngộ ở trong tất cả pháp mới được đại tự tại.

Người thế gian sợ hãi nhất chính là luân hồi sanh tử, người đốn ngộ sanh tử luân hồi không còn, tự tại biết bao! Hồi tưởng lại, từ vô lượng kiếp đến nay, chúng ta chịu nghiệp báo luân hồi sanh tử này, sanh từ bì lao, khổ không xiết kể. Lúc này đã giải quyết, giải quyết triệt để. Như một người nằm thấy ác mộng, thấy một ác một rất dài, bây giờ tỉnh dậy, rất nhẹ nhàng, được đại tự tại. Biết rằng tất cả sự sợ hãi trong mộng đều là giả, không phải thật, đột nhiên đại ngộ!

“Siêu việt” là nói đến điều gì? Đây là nói đốn đoạn vô minh, vô minh nhất định là đốn đoạn, chứ không phải tiệm đoạn. Tiệm đoạn là sao? Là phiền não, là mê hoặc. Chúng ta gọi đây là kiến tư phiền não, trần sa phiền não, đây là tiệm đoạn. Căn bản vô minh nhất định là đốn đoạn, đây là đốn chứng chỉ trong sát na, công phu này đã thuần thục.

Hôm qua chúng ta học trong Hoa Nghiêm, thứ nhất là dạy chúng ta sanh thiện căn, giai đoạn thứ hai là tăng trưởng thiện căn, giai đoạn thứ ba là thuần thục thiện căn, triệt để thuần thục sẽ đốn ngộ. Chư vị phải biết thiện căn khác với phước đức, thông thường chúng ta gọi thiện căn là ngộ tánh, sau khi nghe xong thấu hiểu triệt để, có thể sanh khởi tín tâm thanh tịnh, đây là thiện căn của ta. Đến lúc này là đốn chứng, đốn đoạn vô minh, mới biết minh và vô minh vốn là nhất thể, đây là thật sự đốn chứng. Nếu cho rằng minh và vô minh là hai, vô minh không phải minh, minh không phải vô minh, vậy thì không thể đốn ngộ được. Vì sao vậy? Vì tâm ta trú trong hai pháp. Phiền não không phải bồ đề, bồ đề không phải phiền não. Sanh tử không phải niết bàn, niết bàn không phải sanh tử. Hoàn toàn trú trong hai pháp, như vậy không thể đốn ngộ. Trước tiên chúng ta cần phải vào bất nhị môn, sau đó từng bước vượt qua, nếu còn ở trong nhị môn, không thể đi sâu vào hơn nữa. Trước tiên phải vào bất nhị môn, cảnh giới này viên phá thức ấm, vượt thoát mạng trược. Khi đến được cảnh giới này là công đức viên mãn, mới thật sự thấu đáo thông đạt Như Lai tạng tánh, diệu chân như tánh của mình, vốn đầy đủ tất cả pháp thế xuất thế gian, không có một pháp nào không đầy đủ.

Đây là những gì Lục tổ nói sau khi ngài khai ngộ: “đâu ngờ tự tánh, năng sanh vạn pháp”. Sau khi ngộ ngài nói một câu như thế, mà câu này hoàn toàn tương ưng với cảnh giới Đức Phật nói trong kinh điển đại thừa, có thể thấy ngài là bậc thật ngộ. Vì khi Lục tổ khai ngộ, ngài không hề xem đến kinh luận, cũng chưa từng nghe giảng kinh. Vậy mà ngoài ngộ được đạo lý này, nói ra lời này, không khác gì lời Phật nói trong kinh điển đại thừa, đây là thật sự khai ngộ.

Chư vị thử nghĩ xem, tự tánh vốn đầy đủ vạn pháp của thế xuất thế gian, nếu ta thấy tánh, chứng được tự tánh. Tất cả vạn pháp của thế xuất thế gian, sao có thể không thông đạt được? Làm gì có đạo lý này! Phật pháp gọi đây là lý luận y cứ một kinh thông tất cả kinh thông. Trong pháp môn tu học cũng như vậy, một pháp môn thành tựu thì tất cả các pháp môn đều thành tựu, chứng được một pháp môn thì mọi pháp môn đều chứng được, chính là cảnh giới này.

Người niệm Phật đâu có thể không cầu lý nhất tâm bất loạn, đây là chân tu hành, đây mới là thực sự hành trì. Đặt vào mục tiêu của sự nhất tâm bất loạn, đều gọi là hàng căn tánh thấp. Do đây có thể biết, Phật và chúng sanh chỉ là giác và mê bất đồng mà thôi.

Phàm phu mê tại thế gian, cho rằng mọi sự vật ở thế gian là pháp ngoài tâm, cho rằng đây là pháp chân thật, khởi phân biệt chấp trước đối với mọi sự vật. Bị hạn chế trong phạm vi của thế gian này, vĩnh viễn không vượt thoát. Thanh văn, duyên Giác tuy hơi thông minh, biết đối lập với pháp thế gian còn có pháp xuất thế gian, vậy là họ bị hạn chế trong phạm vi pháp xuất thế gian. Bản thân cục hạn trong pháp xuất thế gian, pháp thế xuất thế gian không thể viên dung, không biết là nhất thể. Pháp tiểu thừa tu chứng là pháp không diệu, bản thân được chút ít thọ dụng. Đâu giống như chư vị đại Bồ Tát, một niệm siêu việt chứng được tự tánh bổn tâm. Trong Phật pháp gọi đây là pháp cứu cánh, trong đại kinh gọi là tâm, Phật, chúng ta tam vô sai biệt. Chứng được tam vô sai biệt này, cho nên mới nói là: “mười phương viên minh”. Đều viên dung, mười phương với ba đời là một. “Mười phương viên minh” trong Kinh Hoa Nghiêm gọi là nhất chân pháp giới, trong Tịnh độ gọi là thường tịch quang Tịnh độ. Đây là cảnh giới mười phương viên minh, lúc này tự nhiên đạt được hai loại thù thắng.

Kinh văn bên dưới nói: “Thứ nhất, trên hợp với bổn diệu giác tâm của mười phương chư Phật, đồng nhất từ lực với Phật Như. Thứ hai, dưới hợp với tất cả lục đạo chúng sanh khắp mười phương, đồng nhất bi ngưỡng với chúng sanh”. Đây là Bồ Tát Quán Thế Âm chứng được, là cảnh giới gì? Đẳng giác Bồ Tát trong tịch diệt nhẫn chứng được. Hai loại thù thắng này chính là nghiệp dụng. Trong Tứ Thập Hoa Nghiêm chúng ta đọc rất nhiều. Quý vị xem, sau mỗi vị thiện hữu nói ra pháp môn chứng đắc của họ, nhất định phải nói ra tác dụng của pháp môn này. Trong cảnh giới này, Bồ Tát Quán Thế Âm chứng được mười phương viên minh, tác dụng là gì? Mười phương viên minh có lợi ích gì? Hai loại này chính là nghiệp dụng thù thắng. Thông thường mà nói, như nghiệp dụng này viên giáo sơ trụ là chứng được. Chứng được, chúng ta gọi là nghiệp dụng tương tự. Có như vậy, nhưng không thiết thực như Bồ Tát Quán Thế Âm, không viên mãn như thế.

Chúng ta cũng thấy như trong kinh Phật thường dùng trăng làm ví dụ, Viên giáo sơ trụ Bồ Tát giống như ánh trăng mùng ba vậy, như trăng mùng hai mùng ba. Đẳng giác Bồ Tát giống như trăng 14, đến 15 là viên mãn, sắp viên mãn. Đương nhiên hai loại thù thắng này của họ không giống nhau, đây gọi là hai loại thù thắng. Viên giáo sơ trụ chứng được hai loại nghiệp dụng này, có hai loại nghiệp dụng này, nhưng không thể gọi là thù thắng. Giống như trăng mùng ba mùng bốn, tuy có trăng, đó là ánh trăng thật sự không phải giả, nhưng sao? Mức độ chiếu sáng vẫn chưa đủ lớn, vẫn chưa sáng một cách trọn vẹn, tình huống này chính là như vậy.

Ở trước nói, trên hợp từ lực, nói rõ về “bổn diệu giác tâm”, đây là hợp với bổn diệu giác tâm của mười phương chư Phật. Bổn diệu giác tâm tức là chân như bổn tánh, cũng chính là trong kinh này nói Như Lai tạng diệu chân như tánh. Chân tánh, bất luận ở quả địa hay là ở nhân địa, đều không có phân biệt, cho nên Phật và chúng sanh đều như nhau. Về phương diện chân tánh nói là giống nhau, vốn không hai. Gọi là nơi Phật nó không tăng thêm, ở nơi phàm phu cũng không hề giảm, không tăng không giảm. Đây là từ đâu? Từ phương diện lý thể mà nói là như vậy. Từ tác dụng mà nói, tác dụng của Phật không có chướng ngại. Vì sao không có chướng ngại? Vì họ không mê, cho nên họ không có chướng ngại. Tác dụng của phàm phu có chướng ngại, vì sao có chướng ngại? Vì họ có mê, mê liền có chướng ngại, ngộ thì không có chướng ngại. Khi mê chướng ngại này thật sự chướng ngại ư? Không phải thật sự. Ở trước từng nói, khi thật sự ngộ nhập, hoát nhiên đại ngộ. Ngộ gì? Ngộ là mê ngộ không hai, lúc này mới quán thông tất cả. Mê ngộ là hai, ngộ đó là tiểu ngộ không phải triệt ngộ, vì sao vậy? Có năng ngộ, có sở ngộ. Có năng mê, có sở mê, chưa đoạn năng và sở. Về thể hoàn toàn tương đồng. Như trong kinh ở trước nói, căn tánh của sáu căn chúng ta, và căn tánh sáu căn của mười phương Chư Phật Như Lai, không có gì khác, hoàn toàn tương đồng. Trí tuệ đức tướng của chúng ta, với trí tuệ đức tướng của mười phương Như Lai, cũng hoàn toàn tương đồng, không có gì khác. Nhưng hiện nay xuất hiện vấn đề, bản thân chúng ta đều không dám thừa nhận. Nói với quý vị, điều này tôi không dám! Rất khiêm tốn, rất khách sáo, đều không dám nhận. Khi đáng khách sáo, khi đáng khiêm tốn thì không biết khách sáo khiêm tốn. Khi để quý vị trực tiếp gánh vác, lúc này quý vị lại khiêm tốn khách sáo, vậy là sai. Sở dĩ ta không dám nhận, nghĩa là đối với chân tướng sự thật này không thấu triệt, không minh bạch.

Bồ Tát Quán Thế Âm đến lúc này là hoàn toàn thông đạt, bởi vậy ngài trực tiếp thừa nhận. Vì thế nói, trên hợp với bổn diệu giác tâm của chư Phật, đây chính là đồng thể với Phật. Thật sự chứng được căn tánh sáu căn của tất cả chúng sanh, với căn tánh sáu căn của chư Phật Như Lai là nhất tánh không phải hai tánh, đây gọi là trên hợp. Khi thể hợp, đương nhiên dụng cũng hợp. Dụng của chư Phật Bồ Tát là đại từ đại bi, thông thường chúng ta gọi là tâm bồ đề. Tâm bồ đề chính là tâm Phật, tâm bồ đề tức là bổn diệu giác tâm. Trực tâm là thể, nghĩa là thể của thanh tịnh bình đẳng giác. Thể không hai đối với tất cả vạn pháp chính là trực tâm, thâm tâm tức là tâm thanh tịnh, tự thọ dụng. Tất cả không nhiễm, tất cả không chấp trước, viễn ly nhiễm trước. Tâm này là thâm tâm, chính là tâm thanh tịnh.

Trong Kinh Viên Giác nói, tịnh viên giác tâm, khởi tác dụng chính là tâm đại bi, đại từ đại bi. Lúc này nghiệp dụng tâm của Bồ Tát là đại từ đại bi, ban vui cho tất cả chúng sanh, nhổ sạch cái khổ cho tất cả chúng sanh.

Chư vị thử nghĩ xem, họ còn chướng ngại chúng sanh ư? Họ còn làm khó chúng sanh ư? Tuyệt đối không có điều này. Luôn hết sức giúp chúng sanh. Giúp chúng sanh, chư vị biết Phật Bồ Tát giúp tất cả chúng sanh, mục đích là phá mê khai ngộ, chứ không phải giúp họ hưởng thụ về mặt vật chất hay tinh thần. Không phải như vậy. Đó là pháp thế gian, đó không phải Phật pháp. Phật pháp giúp người chính là phá mê khai ngộ, sau khi phá mê khai ngộ tự nhiên lìa khổ được vui, đó mới thật là lìa khổ được vui.

Đây là sự nghiệp của Phật Bồ Tát, trên đồng chư Phật, đồng thể với chư Phật. Dưới thì sao? Dưới hợp với lục đạo chúng sanh khắp mười phương. Trong này cần bổ sung thêm một câu, quý vị xem, trên hợp với bổn diệu giác tâm của mười phương chư Phật, bên dưới chắc chắn cũng như vậy. Dưới hợp với bổn diệu giác tâm của lục đạo chúng sanh, ý nghĩa này rất hoàn chỉnh, phải như vậy chăng? Đúng là như vậy. Như tôi vừa nói, bổn diệu giác tâm, sanh, Phật, tất cả vạn pháp là một không phải hai.

Trong Kinh Hoa Nghiêm Đức Phật nói, tình và vô tình, đồng viên chủng trí. Không những hữu tình chúng sanh cùng một bản giác diệu tâm, mà vô tình chúng sanh cũng cùng một bổn giác diệu tâm. Vì sao vậy? Vì thập pháp giới y chánh trang nghiêm, đều là huyễn tướng do bổn giác diệu tâm biến hiện ra. Thể tướng tương đồng, sanh và Phật đều đầy đủ tâm này, tình và vô tình cùng một tâm. Trên hợp đương nhiên dưới cũng hợp, dưới hợp trên nhất định cũng hợp. Không có nói trên hợp mà dưới không hợp, dưới hợp mà trên không hợp, không có đạo lý này. Thấy tánh không nói thấy một nửa, không có đạo lý này, không nói thấy một nửa, kiến tánh là viên mãn.

Bởi vậy nói, từ viên giáo sơ trụ, tôi vừa mới nói với chư vị chính là cảnh giới này. Đến tịch diệt nhẫn, tức là đạt được pháp vân địa, cảnh giới này thấy được gì? Thấy sự viên mãn, thấy sự cứu cánh, thấy mười phần thiết thực, cho nên tâm từ bi mới hiển lộ ra. Tâm từ bi tức là khởi dụng của bổn diệu giác tâm, với tất cả chúng sanh “đồng nhất bi ngưỡng”. “Bi ngưỡng”, bi nghĩa là ai cầu bạt khổ. Tất cả chúng sanh đều có khổ nạn, phải luôn cầu một sức mạnh giúp họ lìa khổ được vui.

Chúng sanh thế gian không biết, không hiểu rõ chân tướng sự thật, cầu thần minh của Tôn giáo giúp đở, đâu biết rằng thần minh của Tôn giáo vẫn là chúng sanh. Tôn giáo không thể giải quyết được vấn đề này, Tôn giáo không dạy người phá mê khai ngộ. Tôn giáo chỉ dạy ta, khi gặp đau khổ là cầu nguyện, cầu thần minh gia hộ. Đây là khả năng của họ, không giải quyết được vấn đề.

Ý nghĩa của ngưỡng, ngưỡng là hy vọng mong cầu, mong cầu ban cho họ niềm an vui. Bi là ai cầu, hy vọng họ cứu khổ, cứu khổ cứu nạn. Đây nghĩa là bi ngưỡng, phàm là người mê mất tự tánh đều có hai loại cầu này. Cầu bạt khổ, cứu khổ nạn cho mình. Lại cầu cho cuộc sống của mình được an vui hơn, mỹ mãn hơn, hạnh phúc hơn, cầu những thứ này. Người thế gian làm những điều mê hoặc điên đảo này. Gọi là mê hoặc điên đảo, nghĩa là những gì họ cầu không đúng đắn, lý luận y cứ lại không có phương pháp chính đáng. Tuy có cầu, nhưng kết quả sau cùng không có gì cả, trong Phật pháp gọi đây là cầu bất đắc khổ. Có một số người cũng biết bản thân cầu là cầu bất đắc khổ, họ cũng muốn cầu thử, vì sao vậy? Vì muốn an ủi tinh thần chính mình. Họ cũng biết như vậy là mê tín, cũng biết không có kết quả, những họ vẫn làm. Điều này hiển thị nỗi thống khổ nội tâm và nguyện vọng nội tâm của tất cả chúng sanh.

Chư Phật Bồ Tát thấu triệt rốt ráo tâm tình của tất cả chúng sanh. Cho nên Phật Bồ Tát ở thế gian dùng vô số phương tiện thiện xảo, dẫn dắt tất cả chúng sanh phá mê khai ngộ. Phật pháp giảng kinh thuyết pháp, đây là một phương pháp dứt khoát nhất trong vô số phương tiện thiện xảo, đây là dứt khoát nhất. Phương pháp dứt khoát nhất này, tiếp dẫn hàng chúng sanh nào? Chính là hàng chúng sanh căn tánh thuần thục, nếu không phải chúng sanh căn tánh thuần thục, dù ta có giảng kinh thuyết pháp họ cũng không muốn nghe, đó là căn tánh chưa thuần thục. Có thể nghe giảng kinh thuyết pháp, có hứng thú khi nghe, đây là chúng sanh căn tánh thuần thục, sự thuần thục này cũng có đẳng cấp. Sự thuần thục này có thể nghe kinh, có hứng thú đối với việc nghe kinh, đối với việc nghiên cứu kinh Phật. Đây là một giai cấp, họ đã thuần thục.

Đến đây có thể nói, Bồ Tát Quán Thế Âm đem những gì đạt được và tu hành chứng quả của mình, hai loại nghiệp dụng thù thắng, nói ra tất cả với chúng ta. Văn tự không nhiều, trong mỗi câu đều bao hàm vô lượng nghĩa, mà có thể nói là nguyên tắc nguyên lý chỉ đạo cao nhất của việc tu học. Bất luận tu pháp môn nào, đều có thể áp dụng nguyên tắc nguyên lý này, bởi vậy chư vị có thể áp dụng nguyên tắc nguyên lý này vào pháp môn niệm Phật, niệm Phật của mình là lý niệm, cho nên đạt được nhất định là lý nhất tâm bất loạn.

Họ đã thành tựu, đồng nghĩa với tốt nghiệp trong Phật pháp. Sau khi tốt nghiệp thì làm gì? Sau khi tốt nghiệp họ hưởng phước, chúng ta xem họ hưởng phước báo đó như thế nào? Đây là điều chúng ta cần học tập.

Mời xem tiếp đoạn kinh văn: “Thế Tôn, do ngã cúng dường, Quán Âm Như Lai, mông bỉ Như Lai, thọ ngã như huyễn, văn huân văn tu, kim cang tam muội, dữ Phật Như Lai, đồng bi lực cố, linh ngã thân thành, tam thập nhị ứng, nhập chư quốc độ”. Đây chính là đại dụng của ngài hiện tiền, là sự hưởng thụ của ngài.

Có thể chư vị muốn hỏi, điều này không tu thành còn tốt hơn. Sau khi tu thành phải đi khắp nơi hoằng pháp lợi sanh quá mệt, điều này gian khổ biết bao! Ý niệm này là dùng tâm phàm phu của chúng ta để suy đoán cảnh giới của Phật Bồ Tát, đâu biết rằng sai lầm hoàn toàn, nó không phải như vậy. 32 ứng thân để đi vào các quốc độ này, là tùy loại hóa thân, là một loại như thế nào? Là một loại nghiệp dụng tự nhiên, không phải cố tâm, cũng không phải vô tâm. Tuy ngày ngày hoằng pháp lợi sanh, không lúc nào được nghỉ, như trong Phẩm Hạnh Nguyện nói: “Không hề mệt mỏi chán ghét”. Phàm phu chúng ta công việc quá nhiều, mệt mỏi, chán nản, vì sao có hiện tượng này? Vì chúng ta là tâm phàm phu, tức là dùng gì? Dùng tâm sanh diệt, vì thế mới có hiện tượng hư vọng này. Bồ Tát dùng tâm không sanh diệt, cho nên 32 ứng hiện của ngài, tùy loại hóa sanh, làm mà không làm, không làm mà làm. Làm và không làm là một không phải hai, sao họ có sự chán ghét mỏi mệt được? Làm và không làm là hai không phải một, thì có lúc chán nản, có khi mệt mỏi. Làm và không làm là một không phải hai, trong này không tìm thấy sự mệt mỏi, không có.

Chúng ta cũng như vậy, nếu nói đang ở trên tòa giảng kinh, nói không phải không nói, không nói không phải nói. Nói và không nói là hai không phải một, ở trên bục giảng ta cảm thấy rất mệt, rất uể oải, lâu ngày sẽ không chịu nổi. Giả dụ ta nói mà không nói, không nói mà nói, ngồi đây giảng suốt 20 tiếng đồng hồ cũng không mệt, càng giảng càng có tinh thần. Vì sao vậy? Vì không cảm thấy mệt. Nghe kinh cũng như thế, nếu ta nghe mà không nghe, không nghe mà nghe, quý vị ngồi đây không hề cảm thấy mệt hay chán, ngồi liên tục mười tiếng cũng không cảm thấy chán. Nghe và không nghe là hai vấn đề, không phải một vấn đề, như vậy dễ gây cảm giác mệt mỏi. Giống như đi học vậy, chúng ta định là một tiếng, sau một tiếng đồng hồ là không được, rất uể oải. Cần đứng lên vận động nghỉ ngơi chốc lát, không thể tiếp tục nữa. Vì sao vậy? Phật pháp thường nói: “tất cả đều do tâm tạo”. Tâm lượng chỉ lớn bao nhiêu đó, chỉ một tiếng đồng hồ thôi, thời gian một tiếng đã đến mà chưa nghỉ, sau đó không thể tiếp tục được.

Mọi vấn đề trong cuộc sống hằng ngày đều như vậy, một ngày chỉ ăn một bữa vì sao họ vẫn đầy đủ tinh thần? Vì họ cảm thấy một bữa là đủ, không cần ăn thêm bữa thứ hai, trước tiên về phương diện tâm lý họ phải kiến lập. Nếu đối với một số người như vậy không được, một ngày ba bữa vẫn chưa no, cần ăn thêm điểm tâm, đến giờ không ăn là đói. Đến lúc đó đói thật, vì sao vậy? Vì trong tâm nghĩ đến đói bụng, sao họ không đói được? Người ăn một bữa họ không nghĩ đến, họ không nghĩ đến cũng không đói. Có thể thấy vấn đề này đúng là vạn pháp do tâm.

Bồ Tát Quán Thế Âm đối với tất cả chúng sanh, ân đức lớn nhất là cứu khổ cứu nạn, đây là ân đức lớn của Bồ Tát Quán Thế Âm đối với tất cả chúng sanh. Đức lớn này từ đâu mà có? Nhất định có nguyên nhân, nghĩa là có căn cứ, ở đây nói ra cho chúng ta biết.

Ngài là “cúng dường Quán Âm Như Lai”, Quán Âm Như Lai là thầy của ngài. Trong việc cúng dường, chú trọng ở pháp cúng dường, thế nào gọi là pháp cúng dường? Y giáo tu hành, là cúng dường pháp chơn chánh nhất. Thầy của ngài nói cho ngài biết về nguyên lý này, về phương pháp tu hành này, ngài y cứ theo phương pháp và lý luận này tu hành, ngài cũng thành Phật. Đây gọi là cách cúng dường rốt ráo nhất, cũng như thế gian chúng ta gọi là sư thừa. Ngài học theo Quán Thế Âm Như Lai, cho nên danh hiệu của ngài cũng gọi là Bồ Tát Quán Thế Âm. Điều này nói rõ với chư vị, trong sự cúng dường, tu pháp cúng dường là rốt ráo nhất. Thứ hai là hoằng pháp cúng dường, thứ ba là truyền pháp cúng dường, trong Phật pháp đây là chân thật cúng dường. Khi bản thân thành tựu, như Bồ Tát Quán Thế Âm, phải làm như vậy. Khi bản thân chưa thành tựu giúp đỡ người thành tựu, đây là cách cúng dường. Như chúng tôi hiện nay chưa thành tựu, chưa thành tựu thì cùng mọi người giảng giải nghiên cứu bộ kinh này. Chúng ta giúp Bồ Tát Quán Thế Âm hoằng pháp, giúp ngài tu cúng dường, chính là tự chúng ta tu cúng dường. Chư vị đồng tu xúc tiến nhân duyên đạo tràng này, cũng là mọi người đang tu cúng dường. Phàm những ai đến đạo tràng này nghe kinh là tu cúng dường, quý vị bỏ ra một chút sức lực, hoặc là không có chút sức lực nào, nhưng sanh tâm hoan hỷ. Nghe nói ở đây có một đạo tràng, nghe nói có rất nhiều người ở đây nghe kinh, trong tâm rất hoan hỷ. Đây đều là cúng dường, đây đều được vô lượng phước.

Tận tâm tận lực cúng dường, phước báo đó càng thù thắng. Trong thập đại nguyện vương gọi đây là “tùy hỷ công đức”, là tùy hỷ công đức cúng dường. Chúng ta ở đây tận tâm tận lực xúc tiến đạo tràng, đó chính là trong thập đại nguyện vương “thỉnh chuyển pháp luân” cúng dường. Phước đức đó càng thù thắng, càng không thể nghĩ bàn. Mấy câu ở đây đều nói từ cương lĩnh, giống như viết văn đều nói đến đề mục.

“Mông bỉ Như Lai”, “bỉ Như Lai” là chỉ Quán Âm Như Lai. “Thọ ngã như huyễn”, hai chữ này là cương lĩnh chung. Cho nên tương lai_bây giờ chúng ta chỉ đọc đến đây, chưa học đến Tứ Thập Hoa Nghiêm, hiện tại chúng ta mới học đến tam địa. Thập địa xong đến Đẳng giác, Đẳng giác có 11 vị, thiện hữu tượng trưng đến những gì Đẳng giác tu, toàn là như huyễn tam muội. Trong Tứ Thập Hoa Nghiêm nó chiếm phân lượng hầu như hết ¼, nói với chúng ta về tam muội như huyễn. Ở đây chúng ta nói một cách đơn giản, gọi “như huyễn” là nương vào thanh tịnh giác tâm, cũng chính là Lục Tổ nói “bổn lai vô nhất vật”. Chư vị phải biết, trong tâm vừa có một vật tức là không giác, tức là mê. Trong kinh này Đức Phật nói: “tri kiến lập tri thị vô minh bổn”, thanh tịnh giác tâm là gốc giác. Nếu trong lòng ta còn có cái giác, đó là không giác. Thanh tịnh giác tâm là bổn minh, trong đó thêm vào cái minh nữa chính là vô minh. Vô minh từ đâu mà có? Vô minh sanh ra từ đó.

Quý vị xem trong Khởi Tín Luận Bồ Tát Mã Minh nói rất hay: “bổn giác bổn hữu”, không hề mất đi. “Bất giác bổn vô”, bất giác tức là vô minh, tức trong lòng ta có đồ vật. Trong lòng có đồ vật, đồ vật đó vốn không có. Vốn không có, ta nhất định chấp trước nó, đây chính là mê hoặc điên đảo, mê mất tâm bổn giác. Vì chấp trước có, chấp trước có cái tôi tức là chấp trước ngã tướng, chấp trước có người, chấp trước có chúng sanh, chấp trước có thọ giả, tứ tướng mê, đây gọi là bốn tướng cơ bản.

Sau khi có những điều này, không thể chứng được tam muội như huyễn, cũng không thể chứng được thế giới như huyễn. Coi những thứ giả này là thật, từ sáng đến tối để mãi trong lòng, do đó mà biến hiện ra thứ đáng ghét là luân hồi lục đạo. Bởi vậy luân hồi lục đạo là do mình biến hiện ra, là tự ta phải nhận lấy. Ví như một người gặp ác mộng, ai cho họ, là tự họ nằm mộng. Trong mộng họ gặp người ác, gặp mãnh thú, gặp ma quỷ, bản thân sống trong nỗi sợ hãi bất an. Toàn là giả, tự làm tự chịu. Bởi vậy nói tất cả chúng sanh mê hoặc điên đảo, vô lượng kiếp sanh tử luân hồi trong lục đạo, gọi là tự làm tự chịu. Không biết chân tướng sự thật, đến khi nào mới khai ngộ?

Tất cả kinh điển đại thừa, đích thực làm tăng thượng duyên rất tốt cho chúng ta. Thực tế mà nói, chúng ta không đủ thiện căn phước đức. Thiện căn là gì? Chúng ta nghe xong không thể lý giải, bởi vậy nghe rồi vẫn không khai ngộ, không sanh khởi tín tâm thanh tịnh, không đủ phước đức. Không đủ phước đức tức là không có kiên nhẫn. Như một bộ đại kinh này, một bộ đại kinh phải giảng mấy năm, nếu không kiên nhẫn nghe chính là không có phước đức.

Thôi, hôm nay chúng ta chỉ nói đến đây.

Hết tập 6

Trích từ: Kinh Thủ Lăng Nghiêm Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông Chương
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Lược Giảng, Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành Tải Về
2 Quán Thế Âm Bồ Tát Bổn Tích Cảm Ứng Tụng, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
3 Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Hòa Thượng Thích Tâm Châu Tải Về
4 Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Thánh Tri Phỏng Tải Về
5 Lăng Nghiêm Kinh Thế Chí Niệm Phật Viên Thông chương sớ sao, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
6 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Ni Sư Hải Triều Âm Tải Về
7 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
8 Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Hòa Thượng Thích Viên Lý Tải Về
9 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám Tải Về
10 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Thích Hằng Quang Tải Về