Ngày xưa, khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni hoằng hóa tại thành Bà đề thuộc nước Chi đề, nơi đó có một con rồng dữ, rất hung bạo, hay làm hại; người, chim và súc vật đều không dám tới gần; đến mùa lúa chín cũng bị phá hoại. Bấy giờ có một vị trưởng lão tên là Sa Già Đà, đắp y ôm bát, du hành khất thực, dần dần đến địa phương đó, nghe có con rồng dữ làm hại, bèn đến dưới cầu bên dòng suối, bày chỗ ngồi và ngồi xuống. Con rồng nghe hơi áo liền nổi giận, thân bốc khói. Trưởng lão liền nhập định, vận dụng thần thông, từ thân cũng phát ra khói. Rồng càng giận hơn, từ thân bốc lửa. Trưởng lão liền nhập định hỏa quang, thân cũng phát ra lửa. Rồng lại làm mưa đá, nổ sấm sét, mưa cung tên dao mác, mưa rắn độc, trùng độc; nhưng đều bị sức thần thông của trưởng lão, biến thành các đồ cúng trang nghiêm.
Sau khi trải qua cuộc tỉ thí đó, uy thế của rồng đã mất hết, không còn cử động được nữa. Trưởng lão bèn biến thân hình thật nhỏ, chui vào tai rồng, rồi nhảy ra từ mắt rồng; chui vào mũi rồng, lại từ miệng rồng bay ra; rồi bước đi trên đầu rồng. Rồng vô cùng kinh sợ, hướng về trưởng lão thưa: “Con xin quay về nương tựa nơi ngài.” Sa Già Đà Đáp: “Con nên quay về nương tựa nơi Ba Ngôi Báu, làm kẻ cận sự nam.” Từ sau khi qui y thọ giới, rồng không còn làm hại nữa; người, súc vật và thóc lúa đều được an toàn. Do đó, tiếng tăm của trưởng lão Sa Già Đà về việc hàng phục rồng dữ, vang dội khắp nơi xa nẻo gần, mọi người đều làm cơm cúng dường.
Có một người phụ nữ kia, vì sợ thức ăn của mình sau khi tiêu hóa có thể sẽ phát lạnh, cho nên đã lấy rượu lạt cho trưởng lão uống. Ông uống cạn, liền say, té nằm lăn kềnh bên cửa chùa, các vật dụng như áo tăng già lê, đãy lọc nước, bình bát, tích trượng v.v..., tung vãi các nơi.
Lúc bấy giờ, đức Phật cùng tôn giả A Nan du hành đến nơi ấy. Thấy tình trạng như vậy, Ngài bảo tôn giả A Nan lấy nước, sửa soạn chỗ ngồi, rồi tập hợp tăng chúng đến nghe pháp. Ngài hỏi đại chúng: “Lúc trước tại nơi này có một con rồng hung bạo, làm thương hại đến người, súc vật và thóc lúa. Về sau có người thiện nam Sa Già Đà điều phục, làm cho nó quay trở về con đường lành. Sự việc đó quí thầy có nghe thấy chăng?” Trong chúng, vị nào đã thấy thì thưa rằng có thấy; vị nào đã nghe thì thưa rằng có nghe. Đức Phật lại Hỏi: “Người đó hiện đang say rượu, nằm lăn kềnh dưới đất, có thể chiết phục được con ễnh ương chăng?” Đại chúng thưa: “Không thể.” Phật dạy: “Thánh nhân uống rượu còn gây lỗi lầm như thế, huống nữa là phàm phu! Từ nay về sau, các đệ tử Phật không được uống một giọt rượu.”
Nếu căn cứ theo kinh Phạm Võng, thì bán rượu là giới thứ năm trong mười giới trọng của Bồ tát, phạm tội ba la di; uống rượu là giới thứ hai trong bốn mươi tám giới nhẹ của Bồ tát, phạm tội nhẹ. Kinh cũng nói: “Uống rượu sinh vô lượng lỗi lầm. Nếu tự tay mình cầm đồ uống rượu đưa cho người khác uống rượu, trong năm trăm đời sẽ không có tay, huống gì chính mình uống rượu!” Xem thế thì có thể biết được cái duyên cớ vì sao mà trong các loại giới(2) đều có ghi giới điều “không uống rượu”.
CHÚ THÍCH
01. Người xuất gia có đạo đức và giới lạp đều cao, thì được tôn xưng là “trưởng lão” – như trưởng lão Xá Lợi Phất chẳng hạn. Chữ “trưởng lão”, đời Đường dịch là “cụ thọ”; đời Ngụy dịch là “tuệ mạng”.
02. “Tăng già lê” là một trong ba y của tì kheo, mặc trong những lúc thuyết pháp, vào cung vua, vào làng xóm, đi khất thực. Y này có chín phẩm khác nhau: a) Ba phẩm dưới là 9 điều, 11 điều và 13 điều, thì nối hai miếng dài và một miếng ngắn; b) Ba phẩm giữa là 15 điều, 17 điều và 19 điều, thì nối ba miếng dài và một miếng ngắn; c) Ba phẩm trên là 21 điều, 23 điều và 25 điều, thì nối bốn miếng dài và một miếng ngắn.
03.“Đãy lọc nước” là một trong sáu vật của tì kheo, là dụng cụ dùng lọc nước, khử trùng.
04. Tiếng Phạn là “bát đa la”, nói tắt là “bát”, là một trong sáu vật của tì kheo, dùng để đựng thức ăn. Hán dịch là “ứng khí”, hoặc “ứng lượng khí”, có nghĩa là, về cả ba phương diện thể, sắc và lượng, đều ứng hợp với pháp tắc.
05. “Trượng” là tiếng gọi tắt của chữ “tích trượng”, là một trong mười tám vật của Bồ tát tu hạnh đầu đà. Trên đầu trượng có bốn vòng và mười hai khoen, biểu thị ý nghĩa các giáo pháp bốn sự thật và mười hai nhân duyên. Vị tì kheo đến nhà người khất thực, khi tới trước cửa, nên khua động tích trượng, mười hai cái khoen sẽ kêu lên tiếng, báo cho người trong nhà hay biết. 06. “Ba la di” là tội cực nặng trong giới luật, Hán dịch là “đoạn đầu”, ví dụ như người đã bị đứt đầu thì không thể sống lại được; cũng dịch là “khí”, tức là bỏ ra ngoài; cũng dịch là “bất cộng trụ”, tức là không được nhập vào tăng đoàn; cũng dịch là “thối một”, tức là thối mất đạo quả; cũng dịch là “đọa lạc”, tức là đọa xuống địa ngục A tì. Phạm tội này thì không được gọi là tì kheo, không được xưng là sa môn, không còn là Thích tử; tức là, vị tì kheo phạm bốn tội trọng sát, đạo, dâm, vọng, gọi là “bốn tội ba la di”. PHỤ CHÚ
01) Rồng (long): Người ta cho rằng, RỒNG là loài quỉ (hoặc loài thú) hình rắn, sống dưới nước, có thần lực làm mây làm mưa. Trong kinh điển Phật giáo, rồng được liệt vào một trong tám bộ chúng (trời, rồng, dạ xoa, càn thát bà, a tu la, ca lâu la, khẩn na la, ma hầu la già), tức các vị thần đã qui hướng về với đức Phật, phát nguyện luôn luôn ở quốc độ của chư Phật để thủ hộ Phật pháp. Đứng đầu các rồng được gọi là “long vương”, hoặc “long thần”. Trong kinh cũng nói rằng, long vương thuộc về loài súc sinh, là quả báo của những người ngu si và sân hận. Long vương được phân làm hai giống: pháp hạnh và phi pháp hạnh. Long vương “pháp hạnh” tánh ít sân hận, thường nhớ tới phước đức của mình mà khởi lòng lành, tùy thuận pháp hạnh, giúp cho thế gian mưa thuận gió hòa, được mùa ngũ cốc. Long vương “phi pháp hạnh” thường làm các việc bất thiện, không kính trọng Tam Bảo, không tùy thuận pháp hạnh, khởi tâm ác làm mưa gió trái mùa, gây hư hại ngũ cốc ở thế gian. Trong thần thoại Ấn độ, rồng (Phạn ngữ: naga) là rắn được thần cách hóa. Đó là vị thần đuôi rắn mặt người, sống ở dưới lòng đất, hay ở long cung (dưới đáy biển). Lại nữa, từ cổ xưa cho đến bây giờ, Ấn độ có một chủng tộc gọi là “Naga”, không thuộc giống người Aryans (hiện sống rải rác ở các vùng Đông Bắc Ấn độ và Tây Bắc Miến điện), rất sùng bái rồng rắn; lại đều qui hướng về Phật giáo. Ở Trung quốc vào thời cổ, người ta cũng từng có tín ngưỡng về rồng. Đó là loài động vật có vẩy dài, khoảng tiết xuân phân thì bay lên trời, tiết thu phân thì vào lòng đất. Loài có vẩy thì gọi là “giao long”; loài có cánh thì gọi là “ứng long”; có sừng thì gọi là “cầu long”, không có sừng thì gọi là “li long”; không bay được lên trời thì gọi là “bàn long”. Người Trung quốc tin rằng, rồng có sức làm mây làm mưa, giúp đỡ người đời, nên liệt nó vào một trong bốn giống vật linh thiêng (tứ linh: long, lân, qui, phụng); lại được ví cho thiên tử, cho nên đã có các từ: long nhan, long thể, long bào, long tòa, long sàng, v.v...
(02) Các loại giới: tức giới của cư sĩ tại gia (5 giới); tám trai giới (8 giới); giới của sa di (10 giới); giới cụ túc của tì kheo (250 giới); v.v...
BÀI TẬP
1) Hãy lược kể câu chuyện trưởng lão Sa Già Đà hàng phục rồng dữ.
Khi nghe trong thành Bà đề có con rồng hung dữ đang làm hại dân chúng, súc vật và mùa màng, trưởng lão Sa Già Đà liền vào thành, đến dưới một chiếc cầu ngồi nhập định. Rồng dữ nghe hơi áo liền nổi giận, thân bốc khói. Trưởng lão liền vận dụng thần lực, làm cho thân mình cũng bốc khói. Rồng càng giận hơn, thân liền bốc lửa; trưởng lão cũng làm cho thân mình bốc lửa. Rồng lại làm mưa đá, nổ sấm sét, mưa cung tên dao mác, rắn độc, sâu độc; nhưng đều bị sức thần của trưởng lão hàng phục hết. Cuối cùng thì rồng thua cuộc tỉ thí, nằm yên bất động. Trưởng lão lại dùng thần lực làm cho rồng phải kinh sợ, hoàn toàn qui phục, hồi tâm hướng thiện, xin qui y Tam Bảo, không còn phá hại dân chúng, súc vật, mùa màng nữa. 2) Quí vị tì kheo dùng đãy lọc nước, bình bát và tích trượng để làm gì?
Quí vị tì kheo dùng đãy lọc nước để lọc nước, khử trùng trước khi uống; dùng bình bát để đựng thức ăn trong khi đi khất thực; và dùng tích trượng để khua động, báo hiệu cho thí chủ ở trong nhà biết, có tì kheo khất thực đang đứng đợi ngoài cửa. 3) Hãy thuật lại buổi pháp thoại, trong đó đức Thích Tôn tuyên bố trước đại chúng về việc Phật tử không được uống rượu.
Tại thành Bà đề, sau khi đại chúng vân tập đầy đủ, đức Phật hỏi đại chúng có biết về việc trưởng lão Sa Già Đà đã hàng phục được rồng dữ tại địa phương này không. Đại chúng đều thưa là biết. Phật lại cho biết, vị trưởng lão ấy hiện giờ đang say rượu, nằm lăn kềnh dưới đất, đã mất hết oai nghi, mà sức lực cũng tiêu mất hết, đến nỗi không đủ sức bắt một con ễnh ương. Trưởng lão Sa Già Đà là bậc thánh mà uống rượu còn gây lỗi lầm như thế, huống nữa là phàm phu! Bởi vậy, đức Phật răn dạy, tất cả đệ tử Phật không được uống rượu.
4) Trong giới Bồ tát, bán rượu phạm tội gì? Uống rượu phạm tội gì?
Trong giới Bồ tát, người bán rượu phải phạm tội “ba la di”, là tội rất nặng trong giới luật. Người phạm tội này thì mất hết đạo quả, bị trục xuất ra khỏi tăng đoàn, không được xưng là tì kheo hay sa môn, hoàn toàn bị vất bỏ, như người bị đứt đầu thì không thể sống lại được nữa. Trong khi đó, cũng trong giới Bồ tát, người uống rượu chỉ phạm tội nhẹ. 5) Nếu tự mình cầm rượu đưa cho người khác uống, trong đời vị lai sẽ bị quả báo như thế nào?
Nếu tự mình cầm rượu đưa cho người khác uống, trong năm trăm đời sau sẽ bị quả báo không có tay.