Home > Khai Thị Phật Học > Nguyen-Thu-Tam-Thuong-Tuy-Phat-Hoc
Nguyện Thứ Tám Thường Tùy Phật Học
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch


Chánh kinh:

Phục thứ, thiện nam tử! Ngôn thường tùy Phật học giả: Như thử Sa Bà thế giới, Tỳ Lô Giá Na Như Lai tùng sơ phát tâm, tinh tấn bất thoái, dĩ bất khả thuyết bất khả thuyết thân mạng, nhi vi bố thí: bác bì vi chỉ, tích cốt vi bút, thích huyết vi mặc, thư tả kinh điển, tích như Tu Di. Vị trọng pháp cố, bất tích thân mạng, hà huống vương vị, thành ấp, tụ lạc, cung điện, viên lâm, nhất thiết sở hữu? Cập dư chủng chủng nan hành khổ hạnh, nãi chí thọ hạ thành đại Bồ Đề, thị chủng chủng thần thông, khởi chủng chủng biến hóa, hiện chủng chủng Phật thân, xử chủng chủng chúng hội: hoặc xử nhất thiết chư đại Bồ Tát chúng hội đạo tràng, hoặc xử Thanh Văn, cập Bích Chi Phật chúng hội đạo tràng, hoặc xử Chuyển Luân Thánh Vương, tiểu vương quyến thuộc chúng hội đạo tràng, hoặc xử Sát lợi, cập Bà La Môn, trưởng giả, cư sĩ chúng hội đạo tràng, nãi chí hoặc xử thiên long bát bộ, nhân phi nhân đẳng chúng hội đạo tràng. Xử ư như thị chủng chủng chúng hội, dĩ viên mãn âm như đại lôi chấn, tùy kỳ nhạo dục, thành thục chúng sanh, nãi chí thị hiện nhập ư Niết Bàn. Như thị nhất thiết, ngã giai tùy học như kim Thế Tôn Tỳ Lô Giá Na.

Như thị tận pháp giới, hư không giới, thập phương tam thế, nhất thiết Phật sát, sở hữu trần trung, nhất thiết Như Lai, giai diệc như thị. Ư niệm niệm trung, ngã giai tùy học. Như thị hư không giới tận, chúng sanh giới tận, chúng sanh nghiệp tận, chúng sanh phiền não tận, ngã thử tùy học, vô hữu cùng tận. Niệm niệm tương tục, vô hữu gián đoạn. Thân ngữ ý nghiệp, vô hữu bì yểm.

(Lại này thiện nam tử! Nói thường học theo Phật nghĩa là: Như đức Tỳ Lô Giá Na[39] trong thế giới Sa Bà này, từ sơ phát tâm, tinh tấn chẳng lùi, dùng bất khả thuyết bất khả thuyết thân mạng để bố thí: lột da làm giấy, chẻ xương làm bút, chích máu làm mực, biên chép kinh điển, chất như núi Tu Di. Vì tôn trọng pháp nên chẳng tiếc thân mạng, huống gì ngôi vua, thành, ấp, xóm, làng, cung điện, vườn, rừng, hết thảy sở hữu và đủ mọi khổ hạnh khó làm. Cho đến ngồi dưới gốc cây thành đại Bồ Đề, thị hiện thần thông, khởi mọi thứ biến hóa, hiện các thứ thân Phật ở trong các chúng hội: Hoặc ở giữa chúng hội đạo tràng của hết thảy các đại Bồ Tát, hoặc ở giữa chúng hội đạo tràng của Thanh Văn và Bích Chi Phật, hoặc ở giữa chúng hội đạo tràng của Chuyển Luân Thánh Vương[40], tiểu vương, và quyến thuộc, hoặc chúng hội đạo tràng của Sát lợi[41], Bà La Môn, trưởng giả, cư sĩ, cho đến chúng hội đạo tràng của thiên long bát bộ[42], nhân phi nhân v.v… Ở trong đủ mọi chúng hội như thế, dùng tiếng viên mãn như sấm rền lớn, tùy lòng ưa thích của mỗi loại mà thành thục[43] chúng sanh, cho đến thị hiện nhập Niết Bàn. Hết thảy như thế, tôi đều học theo như đức Thế Tôn Tỳ Lô Giá Na ngày nay.

Như thế tận hư không giới, chúng sanh giới, mười phương ba đời hết thảy cõi Phật, trong tất cả vi trần, hết thảy Như Lai cũng đều như thế. Trong niệm niệm tôi đều học theo. Như thế tận hư không giới, chúng sanh giới tận, chúng sanh nghiệp tận, chúng sanh phiền não tận, sự tùy học này của tôi chẳng có cùng tận. Niệm niệm tiếp nối chẳng có gián đoạn. Thân ngữ ý nghiệp chưa hề chán mệt).

“Thường học theo Phật” là hồi hướng Bồ Đề. Bồ Đề là Phật. Học Phật muốn thật sự thành tựu nhất định phải có thầy tốt chỉ dạy; lại còn phải có đồng học, đồng tham đạo hữu tốt thường ra sức dùi mài nghiên cứu thảo luận. Ngoài ra, còn phải có những gương tốt khiến cho chúng ta tu học thật sự có mục tiêu. Như Mạnh Tử học Khổng Tử là một thí dụ: Mạnh Tử chiếu theo trước tác của Khổng Tử, tu hành đúng theo lời dạy, có điều gì không hiểu bèn thỉnh giáo đệ tử của Khổng Tử. Thiện tri thức khó cầu, chẳng tìm được thiện tri thức thì cầu nơi cổ nhân. Như Ngẫu Ích đại sư học Liên Trì đại sư: Đương thời Liên Trì đại sư đã vãng sanh, ngài xem Liên Trì Đại Sư Toàn Tập, thờ Liên Trì đại sư làm thầy, nghe theo lời răn dạy của Liên Trì đại sư, tu hành theo đúng lời thầy dạy, bèn thành công, trở thành vị tông sư đương thời.

Thầy Lý Bỉnh Nam dạy tôi lấy Ấn Quang pháp sư làm thầy, dạy tôi đọc Ấn Quang Văn Sao, y chiếu lời Ấn Quang pháp sư răn dạy mà tu hành. Phổ Hiền Bồ Tát là Đẳng Giác Bồ Tát, dạy chúng ta thường học theo Phật, bảo chúng ta học theo Phật. Phật đã tu chứng đến mức viên mãn rốt ráo, chúng ta lấy Phật làm gương hòng un đúc chính mình. Phật dùng tâm như thế nào, dùng thái độ như thế nào để xử sự, đãi người tiếp vật, chúng ta học theo Ngài. Thường nhật Phật sanh hoạt như thế nào, chúng ta cứ học theo Ngài. Quý vị học đức Phật đúng từng bước, từng nét thì xin chúc mừng quý vị, quý vị đã thành Phật rồi đấy!

Phổ Hiền Bồ Tát dạy chúng ta học theo đức Tỳ Lô Giá Na Như Lai tu học trong thế giới Sa Bà này, nhưng không giới thiệu A Di Đà Như Lai cho chúng ta. Mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc, rõ ràng là khuyên chúng ta đến Tây Phương Cực Lạc thế giới thân cận A Di Đà Phật, nhưng ở đây thường học theo Phật, Ngài bèn dạy chúng ta học theo Tỳ Lô Giá Na Phật. Nghĩa này phải hiểu như thế nào? Chư vị phải nhớ kỹ: Học Phật tiếp nhận sự giáo dục của Phật, tối khẩn yếu là đừng quên mất gốc. Phổ Hiền Bồ Tát là học trò của Tỳ Lô Giá Na, bởi thế Ngài dạy chúng ta học theo thầy Ngài. Tỳ Lô Giá Na là Báo Thân Phật[44], Thích Ca Mâu Ni Phật là thân ứng hóa của Tỳ Lô Giá Na Phật. Đây là lấy Phật làm tấm gương tu hành cho chúng ta. Chúng ta phải học theo đúng như Ngài.

“Từ sơ phát tâm”: Lúc Phật phát tâm tối sơ, chúng ta phải học theo Ngài phát tâm. Sau khi đức Phật đã phát tâm, trong một thời gian dài “tinh tấn chẳng lùi”, chúng ta cũng học làm theo đúng như thế. Thành Phật chẳng phải một hai ngày là đạt được, cũng chẳng phải là một hai đời thành tựu được đâu. Mỗi một vị Phật tu hành chứng quả đều là vô lượng kiếp. Thời gian dài lâu không cách gì tưởng tượng được. Bởi thế chúng ta phải phát tâm dài xa, phải có tâm nhẫn nại, việc này chẳng thể gấp rút được, phải nghiêm túc nỗ lực tu học. Lúc Phật còn tu nhân, sau khi phát tâm, thời gian tu hành dài lâu, phương pháp tu hành vô lượng vô biên.

Ở đây, Phổ Hiền Bồ Tát nêu ra một thí dụ: “Dùng thân mạng để bố thí”, tức là Nội Tài Bố Thí. Trong truyện ký có ghi lại những chuyện tu hành của Thích Ca Mâu Ni Phật trong đời đời kiếp kiếp, rất đáng để học theo. Lúc còn tu nhân, Phật tu Bồ Tát đạo, vì lưu thông kinh điển, trong chốn núi sâu tìm không ra giấy, Ngài tự lột da mình làm giấy, tách đầu xương làm bút, chích huyết làm mực để biên chép kinh giáo các vị cổ Phật đã nói để lưu truyền cho hậu thế ngõ hầu khỏi bị thất truyền. Đời đời kiếp kiếp tu hành như thế, biên chép kinh điển chồng chất cao như núi Tu Di, đời đời kiếp kiếp chẳng coi trọng nhục thân của chính mình, vị pháp vong thân. Thân thể còn chẳng coi trọng, huống gì vật ngoại thân? Vật ngoài thân càng chẳng để vào mắt. Khổ hạnh khó làm như thế, Ngài làm được. Nghĩ đến bản thân chúng ta học Phật, gặp phải chút khó khăn gì bèn bỏ cuộc ngay; so với Phật lúc tu nhân, chúng ta kém xa quá! Chẳng lạ gì Ngài thành Phật, chúng ta vẫn cứ luân hồi trong lục đạo.

Tôi giới thiệu A Di Đà Phật cùng quý vị đồng tu. Bởi lẽ Tỳ Lô Giá Na Phật chẳng dễ học, kinh điển của Ngài là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh. Một ngày niệm tám tiếng, chỉ niệm một lần thôi cũng phải mất nửa tháng [mới niệm xong toàn bộ kinh Hoa Nghiêm]. Chúng ta thờ A Di Đà Phật làm thầy, Thích Ca Mâu Ni Phật, Tỳ Lô Giá Na, mười phương hết thảy chư Phật Như Lai thấy quý vị chọn lựa như vậy mỗi Ngài đều vỗ tay, hoan hỷ rằng quý vị đã chọn đúng. Từ vô lượng kiếp đến nay, đời đời kiếp kiếp chúng ta chưa từng chọn lựa đúng, lần này chọn lựa đúng. Chọn đúng thì phải tu hành đúng như lời dạy, một đời này quyết định thành Phật, lẽ nào chư Phật chẳng hoan hỷ, chẳng tán thán?

Đối với chính mình phải có tín tâm, A Di Đà Phật chẳng khó học, kinh điển của ngài là kinh Vô Lượng Thọ. Kinh Hoa Nghiêm là cốt tủy của Đại Tạng Kinh, kinh Vô Lượng Thọ là cốt tủy của kinh Hoa Nghiêm. Quá khứ, Hoằng Nhất đại sư khuyên người học Phật nên nhập môn bằng Hoa Nghiêm Kinh Sớ Sao. Đáng tiếc con người hiện đại chẳng rành văn ngôn cho lắm, đọc Hoa Nghiêm Kinh Sớ Sao chẳng hiểu. Kinh Vô Lượng Thọ nói rõ ràng, gần gũi dễ hiểu, có thể nói là vô cùng khế cơ đối với người hiện thời. Hôm nay tôi khuyên các vị thường học theo Phật là học Phật A Di Đà, tu học theo sự giáo huấn của kinh Vô Lượng Thọ.

Kinh Vô Lượng Thọ phải thường xuyên niệm, phải niệm cho thật thuộc. Niệm Phật, niệm kinh là niệm cho hết vọng niệm, chẳng tạo nghiệp luân hồi sáu nẻo. Kinh điển niệm thuộc thì trong sanh hoạt thường nhật, khởi tâm động niệm đều nghĩ đến những điều kinh giáo huấn: Chúng ta có nên khởi những ý niệm này hay không? Chúng ta có nên nói lời này hay không? Chúng ta có nên làm việc này hay không? Phải tích cực tu học lời Phật A Di Đà giáo huấn, lâu ngày chầy tháng, quý vị sẽ tự nhiên biến đổi. Tâm phàm phu, tập khí phàm phu dần dần giảm thiểu, tập khí A Di Đà Phật ngày dần càng sâu, càng gần với đức Phật. Kinh điển chẳng thuộc, chúng ta khởi tâm động niệm chẳng có tiêu chuẩn; niệm thuộc thì mới có thể thường tùy Phật học.

Phải học phát tâm như Phật, phải học tu trì như Phật, phải học chứng quả như Phật, phải học hoằng pháp lợi sanh như Phật, mọi thứ đều phải học theo Ngài như thế. Cho đến tám tướng thành đạo chúng ta cũng phải học tập theo. Tám tướng thành đạo là diễn kịch, là biểu diễn cho hết thảy chúng sanh xem, chẳng những chỉ có ngôn giáo mà còn có thân giáo. Học A Di Đà Phật là học mười phương ba đời hết thảy Phật; bởi Phật Phật đạo đồng, một tức là nhiều, nhiều chính là một. Biết được đạo lý này, chúng ta bèn rất an tâm, tâm lý yên ổn, chẳng hoài nghi, chẳng lo lắng, dùng tâm chân thành cung kính để học.

[39] Tỳ Lô Giá Na (Vairochana): Hán dịch là Biến Nhất Thiết Xứ, ý nói: quang minh của Phật chiếu thấu khắp hết thảy mọi nơi; hoặc còn dịch là Đại Nhật Như Lai. Tỳ Lô Giá Na là Pháp Thân của Phật Thích Ca, Thích Ca là Ứng Thân của Phật Tỳ Lô Giá Na. Lô Xá Na là Báo Thân. Ngoài ra, còn có mười loại thân:

1) Chúng sanh thân: Thân tướng của chúng sanh trong lục đạo.

2) Quốc độ thân: Trong các thế giới khác nhau, vì thích ứng với căn cơ sai biệt của chúng sanh, Lô Xá Na Phật hóa hiện thân tướng khác nhau. Nói đúng ra, Quốc Độ Thân chính là thân Phật. Gọi là sai khác vì tùy theo thân lượng của chúng sanh từng quốc độ mà thân Phật lớn nhỏ, hào quang chiếu xa hay gần, chúng sanh chỉ thấy được Ứng Thân hay thấy được cả Báo Thân.

3) Nghiệp báo thân: Thân cảm ứng do nghiệp báo.

4) Thanh Văn Thân.

5) Duyên Giác thân.

6) Bồ Tát thân.

7) Như Lai thân.

8) Trí thân: thân do trí huệ tu chứng viên minh cảm thành.

9) Pháp Thân.

10) Hư không thân: tướng thanh tịnh lìa cấu, chẳng có hình tướng, nhưng thanh tịnh trọn khắp pháp giới, giống như hư không. 

[40] Chuyển Luân Thánh Vương: Vị vua cai quản toàn bộ tam thiên đại thiên thế giới, oai lực rất lớn, hưởng thọ phước báo rất lớn, có ngàn con, có đủ bảy báu vật, một trong số đó là bánh xe báu (bảo luân); luân có khả năng xoay tròn, bay lên hư không, đưa vua đi khắp nơi. Ngôi Luân Vương có bốn loại: Kim, Ngân, Đồng, Thiết. Thiết Luân Vương chỉ cai quản được Nam Thiệm Bộ Châu (Diêm Phù Đề).

[41] Sát lợi: Giai cấp thứ hai trong xã hội Ấn Độ, gọi đủ là Sát Đế Lợi (Ksatriya), Hán dịch là Điền Chủ hoặc Vương Chủng, giai cấp nắm quyền lực quân sự và chính trị, trực tiếp cai trị xã hội Ấn Độ cổ thời.

Bà La Môn: Hán dịch là Tịnh Hạnh, giai cấp thứ nhất của Ấn Độ, đa phần là người tu hành, nắm giữ đặc quyền tế lễ, biên chép, diễn giải kinh điển Ấn Độ Giáo.

Trưởng giả: Người đạo đức cao, tuổi lớn, giàu có thì gọi là Trưởng Giả.

[42] Thiên long bát bộ: Tám bộ chúng thường theo nghe giảng Phật pháp:

a) Thiên: các hữu tình thuộc hai mươi tám tầng trời.

b) Long: Loài rồng, thường sống trong biển cả, ao, hồ, sông, nước, có thần thông, tánh tình dữ dội nóng nảy.

c) Dạ Xoa: Loài quỷ bay được trên không, thích ăn người.

d) Càn Thát Bà: Nhạc thần của Đế Thích.

e) A Tu La: Người tu phước báo rất nhiều nhưng tâm sân hận quá lớn bèn đọa trong loài này, có phước báo như chư Thiên, nhưng thân hình thô xấu, thích đánh nhau với Đế Thích.

f) Ca Lâu La: Giống chim to, rất hung bạo, thích ăn nuốt rồng.

g) Khẩn Na La: Cũng là nhạc thần của Đế Thích, nhưng chỉ tấu pháp nhạc, diễn giảng Phật pháp.

h) Ma Hầu La Già: Một loại rắn thần lớn.

[43] Thành thục: hiểu theo nghĩa đen là làm cho chín muồi, hiểu theo nghĩa rộng là tác động sự vật gì khiến cho thành công. Kinh dùng với ý nghĩa đức Phật quán sát căn cơ của chúng sanh, biết là đến lúc chúng sanh thành tựu chứng quả, bèn dùng các phương tiện thuyết pháp, giáo hóa, thị hiện khiến cho chúng sanh được thành tựu, chứng đắc đạo quả, công đức viên mãn.

[44] Thông thường Tỳ Lô Giá Na Phật là Pháp Thân Phật, ở đây sách in là Báo Thân Phật, chúng tôi cứ dịch theo như thế.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Nguyện Thứ Tám Thường Tùy Phật Học