Nhà vua ra chỉ thị, phàm các Bà la môn trong nước cần phải tẩy tịnh, nếu không sẽ bị phạt làm các việc nô dịch. Có một Bà la môn, cầm bình tẩy tịnh không nước, đi dạo khắp thành, nói dối là đã tẩy tịnh rồi, mỗi khi có người đổ nước vào bình, Bà la môn lại đem đổ, và nói rằng “ta không cần tẩy tịnh nữa, đức vua đã thừa nhận rồi ”. Đã không làm theo lệnh vua, lại muốn tránh lao dịch, nên dối gạt người là đã tẩy tịnh.
 

Phàm phu xuất gia cũng vậy, cạo tóc đắp y, bên ngoài làm vẻ trì giới, bên trong phá pháp, vọng cầu lợi dưỡng, trốn tránh lao dịch. Ngoại tướng như sa môn, bên trong thì hư ngụy dối trá, như người cầm bình không, chỉ có giả tướng.
 
Lời Bình :

Vua dụ cho chư Phật, quốc độ dụ cho cảnh giới tu hành, tẩy tịnh dụ cho thanh tịnh thân tâm, làm nô dịch dụ cho đọa lạc vào cảnh khổ. Bà la môn trong quốc nội phải thanh tịnh thân tâm dụ cho chúng sinh phải thanh tịnh thân tâm mới vãng sinh về cõi Phật, nếu thân tâm bất tịnh tất bị quốc vương phạt phải làm đủ mọi việc nô dịch khổ sở, dụ cho thân tâm cấu uế bị đủ mọi quả khổ. Nô dịch tất phải có hoàn cảnh của nô dịch, dụ như bị phạt làm nô dịch quét chuồng xí, tất thân phải trụ nơi chuồng xí, như vậy hễ làm nô dịch tất luôn trụ trong cảnh giới bất tịnh để hoàn thành hình phạt nô dịch.
 
Chính xác hơn cảnh giới đó là tam ác đạo, chúng sinh ở tam ác đạo đều làm nô dịch, đại để trong súc sinh đạo như trâu kéo cầy, ngựa kéo xe, chó trông nhà, heo gà vịt cá làm lương thực cho con người, đó là kiếp nô dịch của súc sinh. Súc sinh đạo là nô dịch và cảnh giới nô dịch.
 
Bà la môn dụ cho người xuất gia. Cõi người là cõi quyết định hoặc làm nô dịch nếu tâm cấu uế vô minh, hoặc lên thiên đường cho đến vãng sinh tịnh độ tùy theo trình độ tẩy tịnh thân tâm như kinh Duy ma dậy tùy kì tâm tịnh tức Phật độ tịnh”, vì vậy trong kinh thường nói”nhân thân nan đắc ”. Chúng ta cũng có thể hiểu rằng xuất gia tu hành là việc làm quyết định, một là từ sinh thiên hưởng phúc báo cho đến giác ngộ giải thoát viên mãn, hai là đọa lạc vào tam ác đạo, vì lợi dụng thiện pháp của tu hành hưởng dục, điều này đồng nghĩa với phá hủy con đường hướng thiện, hướng thượng, hướng giải thoát, bỏ con đường hướng thiện tất hướng tới ác đạo, bỏ con đường hướng thượng tất hướng hạ, bỏ con đường hướng giải thoát tất hướng đến trói buộc, do đó rơi xuống tam ác đạo.
 
Do cõi người có đủ phương tiện tẩy tịnh hay không tẩy tịnh, xuất gia hay tu học cũng vậy có đủ phương tiện giới định huệ để giải thoát, còn như chúng sinh trong ba ác đạo không có phương tiện hành thiện tu phúc, để diệt tội tăng phúc, nên “nhất thất nhân thân vạn kiếp nan phục” (một phen mất thân ngưòi muôn kiếp khó trở lại). Trái lại cõi thiên rất ít phương tiện hành ác, nên khó đọa, ở đó không ai phạm các trọng tội như sát sinh, thâu đạo…vì vậy tuổi thọ chư thiên tức sự hưởng thọ phúc báo rất lâu dài, cho đến khi nào phúc hưởng tận, tất cảnh giới phúc suy vi, từ từ xuống cấp, gọi cảnh ngộ đó là đọa lạc. Đến chư thiên hưởng phúc mà không biết trau dồi phúc báo, còn rơi vào cảnh phúc cạn đọa lạc, huống hồ phúc cõi người non kém so với cõi thiên mà lại chỉ ham hưởng quả không biết trồng nhân giữ quả, tất nhiên chỉ trong vòng vài chục năm là cạn phúc suy vi, và nếu do nơi hưởng phúc mà tạo tác các nghiệp ác tất phải đọa vào tam ác đạo.
 
Tẩy tịnh tất có cảnh giới của tẩy tịnh, tẩy tịnh tức không còn chút nghiệp nô dịch nào nên thoát ly tam ác đạo, từ nghiệp đến cảnh, vì vậy được an lạc, vô tai vô nạn, vô nghiệp vô chướng. Tẩy tịnh thực sự là phát bồ đề tâm, tâm dụ cho bình, nước dụ cho bồ đề. Bởi tâm chúng sinh mang sẵn mầm tham dục bất tịnh, nên chỉ thấy những thứ ngũ dục ác trược mới thật vui, và cho rằng tịnh không sao vui bằng dục, do đó nên cần tẩy tịnh bằng xả ngã chấp quay về với giác ngộ vô ngã, lúc đó mới thấy tịnh là an vui, trược là phiền não.
 
Người tu không tuân lời Phật dậy, lấy giới làm thầy, nương theo giới tu định huệ. Giới theo nghĩa tiểu là Thanh Văn giới, theo nghĩa đại là Bồ tát giới hay Bồ đề tâm giới. Hiểu theo nghĩa đại hay tiểu đi nữa thì giới đều có chung nghĩa đoạn ác hành thiện. Đoạn ác theo tiểu thừa là gìn giữ ba nghiệp không cho khởi ác, đó cũng là hình thức hành thiện đối với tha nhân. Đoạn ác theo đại thừa không những chỉ giữ cho ba nghiệp thanh tịnh mà còn tích cực dùng ba nghiệp ấy làm công cụ phụng sự chúng sinh, đó là hành nhất thiết thiện, do hành nhất thiết thiện phụng sự chúng sinh nên nếu muốn hành nhất thiết thiện tất phải phát tâm “thống lý đại chúng, nhất thiết vô ngại” tức “độ nhất thiết chúng sinh”. Do đó giới của tiểu thừa không chú trọng đến “hành nhất thiết thiện ” và “độ nhất thiết chúng sinh” như của đại thừa. Giới là pháp chính yếu cản trở tham dục, diệt trừ ngã ái bằng sự phát tâm “đương nguyện chúng sinh”. Tâm tham dục ngã ái là cấu tâm, tâm bồ đề là tịnh tâm, phát tâm bồ đề đồng với tẩy tịnh tâm cấu uế ngã ái.
 
Đức Phật truyền trao giới pháp Thanh văn cho những người không dám gánh vác chúng sinh, và trao truyền giới bồ tát hay bồ đề tâm cho những ai dám gánh vác. Giới pháp được biểu tượng bằng y pháp khoác trên thân, một số người sau khi nhận lãnh giới pháp, khoác trên người tấm y pháp biểu hiện cho sự thọ trì giới luật, nhưng họ lại cố ý hoặc vô tình cho rằng y pháp là giới, nên khoác y là khoác giới, và như thế là đã tẩy tịnh, mà không hiểu biết rằng y chỉ biểu trưng cho sự thọ trì giới luật để tẩy tịnh cấu tâm ngã ái, chẳng khác gì bình để đựng nước tẩy tịnh, bình chưa hề là tẩy tịnh, vác bình đi dạo để phô trương ta đã tẩy tịnh, tựa như người khoác y đi dạo biểu dương ta là người thanh tịnh giới đức. Những người này bao gồm hai hạng :
 
Một là mê muội ngỡ tấm y khoác trên người đủ là giới tẩy tịnh uế tâm, mà không hiểu rằng đó chỉ là vật nhắc nhở cho sự quyết định sống theo giới luật của chư Phật để tẩy tịnh thân tâm. Ngoài ra nó chẳng hề có công năng tẩy tịnh nào cả.
 
Hai là hạng “ngựa ô đuôi trắng”, cố tình dối gạt thế nhân, khoác y như cưỡi ngựa ô, song khoe đuôi trắng là phô trương ngũ dục tích lũy được nhờ hình tướng khoác pháp y. Thân khoác pháp y mà tâm không tẩy tịnh cấu nhiễm, ngược lại còn tích lũy ngũ dục, dương danh với phàm nhân, do bởi hết thẩy phàm nhân đều ngưỡng mộ và cho ngũ dục là công đức tu hành. Một khi tăng tục đều xu hướng như vậy, khi đó Phật pháp rơi vào thời kì “pháp nhược ma cường”, bởi ngay đệ tử Phật còn ưa thích hành pháp ngũ dục, vậy mới biết pháp nhược và Ma cường.
 
Vì sao đức Phật dậy đồ chúng “Này các Tỳ kheo, sau khi ta diệt độ, nên tôn trọng kính quý Ba La Đề Mộc Xoa, như tối tăm gặp ánh sáng, kẻ nghèo được của báu. Phải biết đó là bậc thầy của các vị, ta có ở thế gian cũng không khác như vậy”.
 
Bởi người lấy giới làm thầy tất mọi tư duy, hành động và nói năng của ba nghiệp đều y chỉ vào giới. Y vào giới tư duy gọi là chính tư duy, chính niệm. Y vào giới nói năng gọi là chính ngữ. Y vào giới hành động gọi là chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tiến.
Thường y vào giới không lìa gọi là chính định. Do y vào giới hiểu biết hết mọi tư duy và hành động gọi là chính kiến. Phàm thành tựu được tám chính đạo này tất tiêu diệt ngũ thú, được cảnh giới thanh tịnh niết bàn. Ngũ thú đã tiêu diệt tất không còn sự sinh tử luân hồi trong các cảnh này nữa. Cảnh giới tịch tĩnh không ngũ thú và luân hổi sinh tử thường an lạc gọi là niết bàn. Do đó tám chính pháp này được gọi là đạo đế đưa đến niết bàn của diệt đế.
 
giả như chư Phật có tại thế đi nữa, song hàng đệ tử không tu tám pháp này tất không chứng dược cảnh giới niết bàn liễu sinh thoát tử. Và cho dẫu Phật đã nhập niết bàn song bất kì ai tu hành tám pháp này đều chứng được niết bàn. Vì vậy Như Lai ngụ ý “ta có ở thế gian, các vị cũng vẫn phải cần đến giới pháp, không thể làm khác hơn được”. Như vậy thực nghĩa của lời dậy “lấy giới làm thầy” chính là tu tám chính đạo. Nếu chỉ y giới cú mà không tu tập tám chính đạo, thì bị giới trói buộc và không thể đạt được chính kiến và bẩy chi kia. Giới không phải là một pháp tu hình tướng, mà chính nghĩa của giới là để từ giới sinh định và huệ. Ngày nay người tu học không y nghĩa thường y cú, nên tu giới cú mà không hành giới nghĩa, vì vậy càng giới càng trói buộc và trở thành một đời sống khắt khe và gây nhiều rắc rối cho những người quanh họ. Hình tướng của Phật pháp chỉ thể hiện qua hành động độ sinh, song nhiều người lại quá chú trọng đến hình tướng này, cơ hồ vì hình tướng mà bỏ qua mọi sự độ sinh. Giữa độ sinh và hình tướng họ chọn hình tướng, nếu Bồ tát cũng làm như thế tất nhiên bồ tát không bao giờ chủ trương “ưng dĩ hà thân đắc độ giả, tức hiện hà thân nhi vị thuyết pháp” (nên dùng thân nào để độ, bồ tát dùng thân ấy). Như thế đủ thấy Bồ tát coi trọng độ sinh hơn bất kì hình tướng nào.
 
Ta cũng có thể dùng câu chuyện đối thoại giữa Mặc tử và nho gia Công Mạnh tử để làm sáng tỏ hơn về vấn đề hình tướng và hành động.
 
Công Mạnh tử mặc áo nho sinh, đội mũ chương phủ (một loại mũ cao đời Ân), tay cầm triều hốt (một thứ quan lại hay cầm khi vào triều) đến hỏi Mặc tử “Quân tử trước phải chú trọng phục sức, rồi mới đến hành sự: hay chú trọng hành sự trước rồi mới đến phục sức?”

Mặc tử đáp “Quân tử chú trọng hành sự, mà không chú trọng nơi phục sức”

Công Mạnh tử hỏi  “làm sao biết được”

Mặc tử đáp “Xưa kia Tề Hoàn công đội mũ cao, đeo dây đai lớn, mang kiếm vàng. Tấn Văn công mặc áo vải thô, khoác áo lông dê. Sở Trang vương đội mũ rạng rỡ hoa lệ, mặc áo gấm rộng. Việt vương Câu Tiễn, cắt tóc ngắn, xâm hình trên thân. Bốn vị vua này ăn mặc khác nhau, nhưng đều trị quốc giỏi, đủ biết hành vi của quân tử với phục sức vô quan”

Công Mạnh tử khen “ Ông nói rất đúng, tục ngữ có câu ‘biết được một điều tốt, ma không làm ngay, tất sẽ bị tai họa’. Tôi bỏ hết mấy thứ này ngay, và trở lại gặp ông”

Mặc tử nói “ không cần phải vậy, cứ như thế này gặp tôi là tốt rồi. Nếu phải bỏ những thứ phục sức này rồi mới lại gặp tôi, thì hóa ra ông vẫn coi trọng phục sức hơn hành sự”.

Qua cuộc đối thoại trên Mặc tử đã giải thích cho Công Mạnh tử hiểu rằng “hành động mới là điểm chính yếu để thành Thánh nhân”, còn hình tướng chỉ là phụ thuộc. Đa số người học đạo giống như Công Mạnh tử, ngỡ mình đã hiểu đạo và từ nay sẽ hành trúng đường, nhưng chung cục vẫn chưa thực ngộ, vì cứ nghe sao hiểu y thế thì là oan gia, nên Mạnh tử nói “tận tín ư thư bất như vô thư”, tin đúng theo sách thì thà đừng có sách.

Rõ ràng Mặc tử mới thật là người có trí huệ, nên tuy đả bề ngoài nhưng không cần phải bỏ bề ngoài, không cần phải chống lại bề ngoài, nếu chống thì chống cái chỉ có bề ngoài mà không có nội dung và hành động, phàm nhân y cú nghe xong ngỡ là chỉ cần bỏ đi cái bề ngoài là đủ, mà không hiểu nghĩa là bề ngoài sao cũng được, chỉ cần có hành động lợi tha. Cho nên 4 vị vua kia ăn mặc không giống nhau, nhưng đều trị quốc an dân, nên đồng được hậu thế khen tặng.

Nếu Công Mạnh tử giác ngộ thì không cần bỏ cái Mặc tử đả kích, mà chỉ cần hành động lợi tha thì có ăn mặc thế nào cũng không bị Mặc tử phê bình.

Ta có thể nói Công Mạnh tử theo tiểu thừa Thánh Hiền nên chỉ trọng nghi quy hình thức. Còn Mặc tử theo đại thừa Thánh hiền nên không cần hình thức chỉ cần hành động lợi tha.Tiểu thừa trọng bề ngoài hình tướng, đại thừa chỉ trọng lợi tha, chẳng màng hình thức, nên Quan Âm bồ tát mới hiện đủ mọi hình tướng, mà không phải lúc nào cũng hiện tướng hòa thượng. Vì độ sinh phải hiện đủ hình tướng, còn tiểu thừa tự độ nên chỉ hiện 1 hình tướng, là tướng tăng uy nghi.

Ngày nay người học đại thừa miệng niệm Quan Thế Âm bồ tát mà không hành pháp độ sinh hiện vô lượng thân của ngài, lại chỉ hành theo tiểu thừa chú trọng hình tướng mà coi nhẹ chuyện độ sinh, khác nào Công Mạnh tử. Tinh thần của Mặc tử mới chính là tinh thần độ sinh của đại thừa nên không trọng hình tướng, hình tướng nào cũng chỉ vì độ sinh mới khoác vào.

Đây là điều cảnh cáo người học đại thừa đừng ngộ như Công Mạnh tử, mà nên giác như Mặc tử. Vì vậy mà đức Phật truớc khi Niết bàn cũng căn dặn “y nghĩa bất y cú”. Phàm y cú tất trọng hình tướng, hễ y nghĩa tất trọng hành động. Phàm nhân trọng bề ngoài và lý thuyết hơn thực hành vì thế mà biết bao người thọ bồ tát giới mà chẳng khiến chúng sinh được hưởng ơn mưa móc gì của họ, ngoài khoác cái y bồ tát giới đi khắp các chùa. Rõ ràng là vác bình đi dạo đó mà.
 
Trích từ: Kinh Bách Dụ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

Đòi Món Vô Vật
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Xem Thợ Làm Bình
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Vớt Vàng Dưới Ao
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Đệ Tử Tạo Vật
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ