Home > Khai Thị Phật Học
Tánh, Thức, Ý, Tâm
Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa | Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch


Không bị ngoại cảnh chi phối, đó chính là tu hành. Bị ngoại cảnh chuyển, tức là đọa lạc.

Hỏi: Tánh, thức, ý và tâm khác nhau như thế nào?

Ðáp: Như đứa con nít mới sinh ra đời rất là vô tư, không có quan niệm gì về mình, về chúng sinh, về thọ mạng, thì đó cũng ví như là "Tánh." Khi đứa con nít biết được làm sao để bú sữa mẹ thì đó ví như là "Thức". Sau khi uống sữa mẹ, lại biết mặc áo, không mặc áo thì cảm thấy lạnh, biết hổ thẹn; rồi cảm thấy đói, khát, lạnh, nóng, thì giai đoạn đó ví như là "Ý." Cho tới khi lớn lên, lúc đó lại muốn cái này cái nọ, đó là có "Tâm" vậy. Ðây là bốn thứ tâm, nhưng cũng có thể nói là một, chúng nó hổ tương quan hệ không thể phân ly được, vì cùng một nhà. Tuy là bốn danh từ khác nhau nhưng bản tánh lại là một. "Nghiệp" là hậu quả căn bản mà chúng tạo nên.

Bây giờ nói rộng ra một chút, thế nào gọi là "Phật." "Tánh" tức là Phật. Thế nào là Thần? "Thức" của mình tức là thần. "Ý" là tâm phân biệt và "Tâm" là sự suy nghĩ vọng tưởng. Bản "Tánh" thì lúc nào cũng quang minh sáng suốt, không có mình, không có người, không có rơi vào số lượng. Nhưng khi có "Thức" rồi thì rơi vào danh số, rớt vào phân biệt. "Ý" cũng là sự phân biệt, cũng gọi là thức thứ sáu. Thức nầy so ra thì rất vẩn đục. Ngược lại thức thứ bảy và thức thứ tám thì thanh tịnh một chút. Thức có tám loại: mắt, mũi, tai, lưỡi, thân, ý là sáu thức đầu, cộng thêm thức thứ bảy và thức thứ tám. Bản thân của thức thì không phải là tám cái mà vì trên mặt danh từ nên phải phân làm tám. Nhưng nói một cách tổng quát thì chỉ là một, một nhưng lại có tám cương vị khác nhau. Tuy có tám cương vị khác nhau nhưng vẫn do một thức chi phối khống chế. Tám mà một, một mà tám. Tám không ngại một, một không ngại tám. Từ nơi một sinh ra tám, từ nơi tám thâu hồi thành một, đó gọi là thức.

"Ý" tức là tâm phân biệt của mình, tức là thức thứ sáu. "Tâm" không những phân biệt mà đầy dẫy vọng tưởng. Trong sáu thức đầu có thể nói là loại có tánh tri giác, là do nơi lục căn phát sáu thứ tri giác đó. Sáu căn tức là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý; phát xuất ra thấy (thị giác), nghe (thính giác), ngửi (khứu giác), nếm (vị giác), sờ (xúc giác), hiểu (tri giác). Con người tạo tội nghiệp là ở nơi sáu căn đó, tu hành cũng từ nơi sáu căn này. Nếu không bị ngoại cảnh chi phối thì đó chính là tu hành. Nếu bị cảnh giới bên ngoài làm cho xoay chuyển thì tức là đọa lạc.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Tánh, Thức, Ý, Tâm