a. Thâm nhập kinh tạng.

‘Khẳng định hư không pháp giới hết thảy chúng sanh chính là tự tánh’, đây là nhập tri kiến Phật, đây là chân tướng của vũ trụ nhân sanh.  Ðặc biệt là trong thời đại hiện nay nếu chẳng có nhận biết như vậy thì tai nạn của mình và hết thảy chúng sanh sẽ chẳng có cách gì tránh khỏi.  Muốn nhận biết sự thật này thì nhất định phải thâm nhập kinh tạng, nhưng ‘kinh tạng’ ở đây không phải chỉ Ðại Tạng Kinh mà là bất kỳ một bộ kinh nào trong Phật giáo, chân lý chứa đựng trong một bộ kinh có thể giải quyết vấn đề.  Chân lý chứa đựng trong bất kỳ một bộ kinh nào cũng đều giống nhau cho nên ‘pháp môn bình đẳng, chẳng có sai khác’.

Tu học Phật pháp y cứ bất kỳ một bộ kinh nào đều có thể nhập tri kiến Phật.  Còn việc lựa chọn một bộ kinh luận nào, pháp môn nào là do duyên phần của từng người, căn tánh, sự ưa thích và hoàn cảnh sinh hoạt [của mỗi người] chẳng đồng.  Chư Phật Như Lai giới thiệu kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa cho người lợi căn; giới thiệu kinh Vô Lượng Thọ cho người trung hạ căn, chúng sanh căn tánh trung hạ vẫn chiếm số nhiều hơn.  Pháp môn Tịnh Tông chẳng phải chỉ có một mình đức Phật Thích Ca Mâu Ni giới thiệu, mà mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai đều giới thiệu, vậy thì còn sai được nữa sao?  Vấn đề ở chỗ phải thâm nhập vào chân lý, chân tướng sự thật của vũ trụ nhân sanh chứa đựng trong kinh; nếu chẳng thể thâm nhập thì không thể đè nén phiền não tập khí, đè nén phiền não tập khí không nổi thì chắc chắn sẽ tạo nghiệp, tạo nghiệp nhất định sẽ tổn hại chính mình, và cũng tổn thương đến hết thảy chúng sanh.

Tổn hại mình thì chẳng sao cả, tương lai đọa địa ngục, biến thành súc sanh, đó là tự làm tự chịu; nhưng tổn thương đến rất nhiều chúng sanh thì tội này nặng lắm.  Ðoạn dứt pháp thân huệ mạng của hết thảy chúng sanh, chẳng có tội gì nặng hơn tội này, vì tội nghiệp này mới đọa địa ngục.  [Hãy thử nghĩ] người ấy từ vô lượng kiếp đến nay, đời này được thân người, có cơ hội nghe được Phật pháp, mà bạn đoạn dứt duyên phận này của họ, tội này bao nặng?  Chúng ta phải hiểu thâm ý của cách luận tội nói trong kinh Phật.  Ngược lại giúp đỡ hết thảy chúng sanh có cơ hội nghe đến Phật pháp, có cơ hội tu học Phật pháp, đây là công đức hạng nhất trong thế gian và xuất thế gian.  Trên thế gian này tuy có nhiều tiền, lắm của nhưng sau khi chết đi một đồng xu cũng chẳng mang theo được, đúng là ‘muôn vật đem chẳng nổi chỉ có nghiệp đi theo mà thôi’.  Mang gì theo được?  Có thể mang theo công đức giúp đỡ chúng sanh có cơ duyên được độ hóa.

Trong xã hội ngày nay rất nhiều người có địa vị, giàu sang nhưng chẳng biết đạo lý và sự thật này, chẳng có trí huệ, chẳng biết căn nguyên thật của kiết hung, họa phước, cho nên vẫn chẳng thể giữ kiết, tránh hung.  Những việc nhân quả báo ứng này không những cổ đức ghi chép rất nhiều, nếu chúng ta lưu ý một chút trong xã hội ngày nay thì chỗ nào cũng có thể thấy được.  Ngày nay chúng ta may mắn gặp được duyên phần này, thiệt là trăm ngàn muôn kiếp khó gặp được, nếu chúng ta còn không biết nắm lấy cơ hội, vẫn chẳng biết tu phước, trái lại còn tạo nghiệp, chướng ngại nhân duyên này, tội ấy rất nặng.  Thế nên gặp được duyên phần thù thắng này rốt cuộc là tốt hay xấu thì cũng khó nói, phải coi bạn dùng tâm gì.  Bạn dùng tâm thiện, chịu thành tựu cho chúng sanh thì đó là chuyện tốt.  Nếu tự mình có ý niệm muốn khống chế, chiếm giữ thì duyên phần này sẽ giúp bạn đọa vào địa ngục A Tỳ.  Ðây đều là sự thật, hoàn toàn sai khác trên sự nhận biết.

b. Tầm quan trọng của việc nghe kinh

Làm thế nào để vun bồi trí huệ?  Phương pháp duy nhất là phải nghe kinh.  Năm xưa đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế thuyết pháp suốt bốn mươi chín năm chưa hề gián đoạn.  Trong các học trò của Ngài những vị xuất gia thường tùy chúng có một ngàn hai trăm năm mươi lăm người, ngoài ra những vị chẳng phải thường tùy chúng còn nhiều hơn nữa.  Rất nhiều người đi theo đức Phật Thích Ca Mâu Ni chẳng nỡ rời khỏi, mỗi ngày nghe Phật giảng pháp thậm thâm vi diệu.  Từ chuyện này chúng ta mới hiểu nếu chúng ta muốn đạt được trí huệ chân thật thì không thể tách rời kinh giáo, phải nghe mỗi ngày, phải giảng hằng ngày.  Nghe xong, chính mình đã hiểu thì phải giảng cho người khác nghe.  Cả đời Thế Tôn dạy chúng ta ‘thọ trì, đọc tụng, vì người diễn nói’, đã nói câu này ngàn vạn lần, chúng ta phải vô cùng vui vẻ, phải thích vì người diễn nói.

Hiện nay người giảng kinh rất ít, chúng ta lợi dụng phương pháp kỹ thuật tân tiến: mạng lưới điện toán (internet) và truyền hình vệ tinh để truyền bá, hoằng dương Phật pháp.  Thật sự muốn nhập tri kiến Phật, làm cho tư tưởng kiến giải được thuần chánh, chẳng sai lầm, nếu không nghe kinh, không đọc kinh thì tuyệt đối chẳng làm nổi.  Tôi học Phật bốn mươi bảy năm, kinh nghiệm từ nhiều năm nay cho tôi biết chỉ có cách phải huân tập hằng ngày, một ngày cũng chẳng thể gián đoạn; [được vậy thì lúc] xử sự, đãi người, tiếp vật trong đời sống hằng ngày, chúng ta mới chẳng tùy thuận phiền não, cũng chẳng tùy thuận ý tưởng của mình, vì mình còn mê, còn chưa giác ngộ.

Phật dạy lúc chúng ta còn chưa chứng A La Hán thì không thể tin theo ý tưởng của mình; ý tứ của mình đều sai lầm, đều là tri kiến của phàm phu, tri kiến luân hồi.  Tùy thuận theo ý tứ của mình thì chắc chắn sẽ tạo nghiệp luân hồi, Phật nói lời chân thật.  Bởi vậy nên trước khi khai ngộ thì phải tùy thuận theo lời dạy của Phật, nhưng nếu chưa thông thuộc kinh giáo, không thể thâm nhập thì chẳng làm nổi.  Ðến lúc tự mình đã đoạn phiền não, mức thấp nhất là phải đoạn dứt Kiến Tư phiền não, buông xuống hết thảy chấp trước, chứng được quả vị A La Hán, A La Hán được gọi là Chánh Giác, nghĩa là tư tưởng kiến giải chẳng còn sai lầm nữa, đến mức này mới có thể tin tưởng sự suy nghĩ của mình.  Bồ Tát còn cao hơn A La Hán, được xưng là Chánh Ðẳng Chánh Giác, đã đoạn Trần Sa phiền não, chẳng còn phân biệt;  Quả vị Phật là viên mãn nhất, chẳng còn vọng tưởng, vô minh, được xưng là Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.

Kiến Tư phiền não của chúng ta vẫn còn đầy đủ, trong đời sống hằng ngày vẫn còn thị - phi, nhân - ngã, tham, sân, si, mạn, tự tư tự lợi, đây đều là tâm luân hồi, những gì tạo tác đều là nghiệp luân hồi.  Khi tâm luân hồi, nghiệp luân hồi gặp Phật pháp thì thường thường đều chướng ngại Phật pháp, không những hiện nay như vậy, thời xưa cũng chẳng ngoại lệ.  Nhưng người xưa còn đỡ hơn người hiện nay vì phần đông người xưa đều được un đúc bởi đạo đức, vẫn còn quan niệm đạo nghĩa.  Hiện nay luân lý đạo đức chẳng còn, nếu bạn nói luân lý đạo đức với họ, không những họ không thể tiếp nhận mà còn bài bác nữa.  Họ cho rằng tự tư tự lợi là đúng, lợi mình hại người là đúng, trong đó họ có thể kiếm được chút lợi nhuận.  Họ chẳng biết [làm như vậy chỉ] được một chút lợi ích trước mắt, chớp mắt là phải đọa lạc vào địa ngục A Tỳ, Phật pháp gọi những người này là ngu si, chẳng có trí huệ mới làm những việc điên rồ như vậy.

Người giác ngộ tuyệt đối sẽ chẳng có tâm niệm tự tư tự lợi, tuyệt đối chẳng có tâm niệm và hành động khống chế, chiếm hữu tất cả người, sự, vật.  Vì họ thực sự hiểu được ‘ba tâm đều chẳng thể được’(ba tâm là tâm quá khứ, hiện tại, và vị lai), ‘vạn pháp đều không, nhân quả chẳng không’ thế nên họ sẽ chẳng khởi ác niệm, chẳng có hành vi lầm lạc, khi khởi tâm động niệm, tất cả hành vi tạo tác đều tương ứng với pháp tánh, trong Phật pháp gọi là ‘xứng tánh’.  Xứng tánh tức là Phật tri, Phật kiến, tức là Phật ngôn, Phật hạnh, thành tựu vô lượng vô biên công đức.  Dùng công đức ấy trang nghiêm pháp giới, trang nghiêm chúng sanh, được như vậy thì xưng là Phật, Bồ Tát.

Phàm phu chẳng chịu làm những việc có lợi ích cho chúng sanh, niệm niệm đều nghĩ đến lợi ích của mình, tâm niệm đầu tiên luôn luôn là tự mình được lợi ích, bảo hộ mình.  Nếu hy sinh chính mình có thể đem lại lợi ích cho chúng sanh thì Phật, Bồ Tát cũng hoan hỷ làm.  Hy sinh sanh mạng của mình còn chẳng tiếc huống chi là những vật ngoài thân?  Chỉ cần làm cho chúng sanh được lợi ích chân thật thì chẳng có việc không khởi tâm hoan hỷ lớn lao, đây là chỗ khác nhau giữa Phật và phàm phu.  Chúng ta học Phật nhất định phải ‘làm thật sự’, nếu gặp chuyện thực sự có lợi ích cho chúng sanh mà còn suy nghĩ coi có lợi ích gì cho mình hay không, có đáng làm hay không, còn những tâm niệm như vậy là mê hoặc.  Tại sao lại có hiện tượng như vậy?  Thứ nhất là thiện căn phước đức của mình chẳng đủ.  Thứ nhì là ngoại duyên chẳng đủ, ngoại duyên là cơ hội nghe kinh, nghe thuyết pháp quá ít.  Nếu thường có người nói cho bạn nghe, lâu dần thì không hay không biết đều un đúc thành hạt giống.  Ðây là hạt giống Phật, hạt giống Phật là hạt giống giác ngộ.  Nếu hạt giống này có nhiều thì sẽ nảy sanh sức mạnh, khi gặp cơ hội thì bạn sẽ nắm lấy, nhất định sẽ chẳng buông bỏ cơ hội này.

Tôi đã già rồi nhưng vẫn phải giảng kinh hằng ngày là vì chúng sanh; nếu là vì mình thì tôi có thể về hưu rồi.  Trong sách xưa có ghi: ‘thất thập trí sĩ’, trí sĩ nói theo bây giờ tức là về hưu, cáo lão về quê.  Tôi cũng có thể về hưu, tìm nơi có hoàn cảnh thanh tịnh để niệm Phật cầu vãng sanh, còn phải nhọc sức bôn ba nữa sao?  Cũng vì chẳng có người giảng những kinh giáo này, nếu có người giảng thì tôi sẽ chẳng giảng nữa.  Chẳng có người giảng thì không thể không giảng, đây là hy sinh mình, giúp đỡ người khác.

Chư Phật, Bồ Tát vì người quên mình tức là giảng kinh thuyết pháp, Phật, Bồ Tát vì chúng ta thị hiện cách thức giảng dạy: Bất luận là tại gia hay xuất gia đều vạn duyên buông xuống, chẳng có gì hết, thanh tịnh vô vi, giúp đỡ chúng sanh.  Trong thế giới Sa Bà này nhĩ căn của chúng sanh bén nhậy nhất cho nên giảng kinh thuyết pháp là phương cách hay nhất; kế đó dùng thân thể thị hiện, làm một gương tốt cho xã hội đại chúng xem, chỉ là vậy mà thôi.  Chân chánh là đệ tử Phật, bất luận tại gia hay xuất gia, xuất gia phải học Phật, học cao tăng, tại gia phải học cao sĩ, những cao tăng, cao sĩ này đều là chư Phật, Bồ Tát ứng hóa đến thế gian, làm mô phạm, làm gương tốt nhất cho chúng ta.  Chúng ta phải hiểu, phải hết lòng nỗ lực học tập, thành tựu vô lượng vô biên công đức.
 
Trích từ: Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Phật Học Tinh Hoa, Hòa Thượng Thích Đức Nhuận Tải Về
2 Phật Thuyết Kinh Phạm Võng Phẩm Bồ Tát Tâm Địa, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh Tải Về
3 Phật Học Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Đức Trí Tải Về
4 Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn Tải Về
5 Kinh Đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật, Hòa Thượng Thích Trung Quán Tải Về
6 Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về
7 Các Tông Phái Đạo Phật, Cư Sĩ Đoàn Trung Còn Tải Về
8 Phật Thuyết A Di Đà Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
9 Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Thích Nguyên Anh Tải Về
10 Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh Tải Về
11 48 Pháp Niệm Phật, Sa Môn Thích Tịnh Lạc Tải Về
12 Phật Học Tinh Yếu, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
13 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
14 Đường Vào Ánh Sáng Đạo Phật, Cư Sĩ Tịnh Mặc Tải Về
15 Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về

Học Phật Tức Là Học Làm Người
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Cô Hồn Có Tánh Linh Theo Người Nghe Kinh
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm

Thành Kính
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Mục Đích Của Việc Tu Học Phật Pháp
Hòa Thượng Thích Tịnh Không