Home > Khai Thị Phật Học > Tam-Vo-Thuong
Tâm Vô Thường
Thượng Tọa Thích Giác Thiện


Nói đến cái Tâm nó sanh diệt vô thường còn hơn cái thân rất nhiều. Nó sanh diệt rất nhanh từng niệm từng sát na. Hễ đối cảnh là sanh tâm vui buồn, thương ghét, giận hờn. Lúc thì hồi tưởng về quá khứ để nuối tiếc. Khi lại mơ mộng đến tương lai, bồn chồn lo lắng trong hiện tại không có lúc nào được yên. Nên Đức Phật gọi đó là tâm viên ý mã, giống như khỉ chuyền cành, ngựa chạy rong.

Phàm phu lầm chấp cho tâm mình là thật mà gây ra không biết bao nhiêu lỗi lầm, nào là độc đoán cố chấp, bảo thủ, tự hào, khoe khoang hay hăm dọa nói rằng: “Tánh tôi hay nóng lắm, yêu cầu đừng có đụng chạm đến tôi”. Cái tánh sân si, hung hăng xấu ác như vậy mà không biết cải sửa, còn đi khoe khoang thật là mê muội không sao nói hết? Nếu tự cho cái tâm mình là thật. Đức Phật nói: “Chẳng khác nào như nhận giặc làm con, lấy khách trần phiền não làm chủ để cho nó dẫn dắt mình làm người khách phong trần rày đây, mai đó, đọa lạc lên xuống trong ba cõi, sáu đường, chịu không biết bao nhiêu đau khổ”

Tôi xin trích dẫn mẩu chuyện chứng minh tâm vô thường biến đổi:

Thuở Phật còn tại thế, có một chú tiểu tên là Tăng Hộ. Cha mẹ chú qua đời, họ hàng thân tộc không còn ai, chú chỉ còn một người cậu ruột, khi cậu đi xuất gia, chú đi tu theo cậu được xếp vào hàng SADI. Một hôm chú được thí chủ cúng dường hai xấp vải, chú đem cúng lại cho Thầy, nhưng Thầy không nhận, vì đã có đủ tam y. Chú buồn quá nghĩ chắc Thầy không thương mình nữa.

Chiều hôm đó, chú cầm quạt hầu Thầy nhưng chú cứ nghĩ miên man không biết sẽ về đâu? Thầy không thương, họ hàng không có, chú chợt nghĩ: “À! Ta đem bán hai xấp vải lấy tiền mua một con dê đực, một con dê cái. Vài năm sau sẽ có một đàn dê, bán dê mua bò, bán bò mua trâu, bán trâu tậu ruộng vườn, khi đó mình đã lớn, cưới vợ sanh đứa con trai kháu khỉnh sẽ dẫn vợ con về thăm Thầy quy y. Trên đường đi vợ chú vấp rễ cây, thằng bé rơi xuống đất. Chú nổi giận quơ cành cây gõ lên đầu vợ “đồ hư” vừa lúc đó Thầy chú mở mắt ra nói “Ngươi gõ lên đầu vợ không trúng, lại trúng cái đầu trọc của ta”.

Tăng Hộ bừng tĩnh giấc mơ, hốt hoảng bỏ chạy. Các bạn thấy chú chạy như ma đuổi, liền chạy theo bắt lại, dẫn chú đến Đức Phật.

Ngài liền an ủi: “Này chú, cái tâm phàm phu thường lén lút đi rất xá, vô hình, vô dạng … Chú nên khéo phòng hộ tâm mình, như gã mục đồng chăn trâu vậy”.

Được nghe lời dạy của Phật, Tăng Hộ ở lại tu viện tu hành đến ngày chứng quả A La Hán.

Tâm vô thường luôn bị xáo trộn, nó len lỏi vào cuộc sống của từng người, cho dù xuất gia hay tại gia. Đối với người xuất gia, phải biết kiềm chế tâm, thực hành thiền định, quay lại chính mình trong từng niệm. Đối với người tại gia cũng phải hiểu rằng: vô thường không từ bỏ một ai, cho nên trong đời sống hằng nghĩ đến điều thiện, hướng về đạo đức, làm lành lánh dữ. Có như thế mới mong thoát khỏi cảnh phiền não khổ đau.

Trong Kinh Pháp Cú, Phật thường dạy các hàng đệ tử luôn đề cao cảnh giác phòng hộ tâm mình:

Người trí canh giữ Tâm
Như phòng hộ thành quách
Tự tâm mình cũng phải,
Nên phòng hộ như thế.

Dầu chỉ một giây phút,
Cũng chớ nên buông lung.
Nếu giây phút buông lung,
Tức thời liền sa đọa.

Phòng hộ tâm như thế nào? Chúng ta xem qua mẩu chuyện sau đây:

Thuở Phật còn sanh tiền có một nhà SƯ Potthila là Giáo Thọ Sư làu thông Tam tạng Kinh Điển, có điều là chưa chứng quả, mỗi lần sư đến viếng Phật, Thế Tôn thường gọi Ngài là ông Sư Rỗng, biết đức Từ Phụ nói như vậy là để cho mình cố gắng tu.

Cho đến một hôm lòng buồn tột độ, Tôn giả bỏ hội chúng đi vào rừng, đi mãi cuối cùng gặp 30 vị A La Hán vốn là học trò cũ của Sư. Tôn Giả Potthila đến đảnh lễ vị Thủ Tòa xin Ngài hoan hỷ chỉ cho cách tu.

Vị Thủ Tòa mỉm cười nói:

– Làm sao tôi dám làm điều đó, khi trước kia Ngài là vị Giáo Thọ.

Tôn giả bị đẩy xuống vị Nhị Tọa cũng từ chối … cuối cùng Tôn giả đến trước vị A La Hán nhỏ tuổi nhất mới lên 7, van nài một cách khẩn thiết:

– Ô! Làm sao tôi dám làm điều đó, khi tuổi tác và sở học của tôi kém Ngài rất xa… e rằng Ngài có tin nổi hay không?

– Bạch Đại Đức! Lòng con tha thiết khẩn cầu mong Ngài từ bi chỉ giáo.

– A La Hán trẻ tuổi ôn tồn bảo:

– Này Tôn giả lúc còn tại gia Ngài có chơi đá dế không?

– Thưa biết ạ!

– Ồ! Tốt lắm. Giả sử có một cái hộp vuông chứa đầy dế, có 6 cửa, cửa nào cũng hé ra hết, thì các chú dế sẽ thò râu hoặc chân tay ra ngoài các ngõ ấy. Có phải thế không nào?

– Thưa vâng.

– Nếu cửa nào cũng mở rộng thì các chú dế sẽ chui ra ngoài hết, có phải vậy không?

– Thưa đúng như vậy.

Bây giờ muốn quan sát các chú dế ấy cho kỹ, ta phải đóng kín năm cửa chỉ chừa một cửa, rồi tập trung lại nhìn cho thật rõ ràng chăm chú vào các sinh hoạt của bầy dế, ta sẽ thấy rõ dế nào là dế than, dế lửa, dế cơm, chúng đang làm gì một cách rõ ràng!

Này Tôn giả, các cửa của cái hộp dế chỉ cho sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của ta. Những vọng tưởng lao xao và rộn ràng không khác nào bầy dế kia. Muốn điều phục chúng, không cách nào tốt hơn là ngồi im lặng, giảm bớt các hoạt động của ý thức… bình thản nhìn một cách rõ ràng, chăm chú, quan sát những vọng niệm của mình, không xen vào những ước muốn lấy, bỏ, loại, trừ…

– Bạch Đại Đức, con đã hiểu rồi… Tôn giả Potthila từ giã 30 vị A La Hán tìm một nơi yên tĩnh tọa thiền… Để khuyến khích Sư, Đức Thế Tôn gửi đến một bài kệ:

Tu thiền trí huệ sanh

Bỏ thiền trí huệ diệt

Biết rõ hai lẽ này,

Thế nào là đắc thất

Hãy tự mình nỗ lực

Khiến trí tuệ tăng trưởng.

Chẳng bao lâu Tôn giả Potthila đắc quả A La Hán. Nhiếp phục Lục căn hiền nhân có kệ:

“Sắc chi cũng không chinh phục được mắt,
Mắt tự do ngắm vật trong ngoài.
Đẹp không vọng niệm mê say,
Xấu không khởi ý chê bai gớm nhờm.

Tiếng chi cũng không làm tai mến,
Tai tự do nghe tiếng dở hay.
Dở không buồn ghét nơi tai,
Hay không buộc phải chuyển lay trong lòng.

Mùi chi cũng chẳng lung được mũi,
Mũi tự do để ngửi các mùi,
Thơm không làm nảy ý vui,
Hôi không thể khiến cho khơi lòng buồn.

Vị chi cũng chẳng sờn được lưỡi,
Lưỡi tự do nếm thử các vị,
Ngon không làm mến ưa chi,
Dở không sanh khởi ý gì chán chê.

Cọ đụng chẳng làm mê thân xác,
Thân tự do đụng các, lạnh nồng.
Lạnh nồng không nhiễm được lòng,
Cứng mềm cũng chẳng trói tròng nơi tâm.

Vật chi cũng không làm động ý,
Ý tự do xử trí vật danh.
Giàu nghèo ưa ghét chẳng sanh,
Có không cũng chẳng khiến tình chấp nê.

Cảnh không thể làm mê tâm trí,
Ý tự do tự trị lấy mình,
Trong sanh tử, vượt sanh tử,
Tuy mang xác tục mà tình thần tiên.

Đoạn này rất diệu huyền vô tận,
Người hạ ngươn nếu đặng dịp nghe.
Sẽ là tỉnh được giấc mê,
Bỏ điều hung ác theo bề thiện lương”.

Kinh Hoa Nghiêm Đức Phật dạy: “Tất cả chúng sanh đều có đầy đủ đức tính trí huệ của Như Lai”.

Muốn phát huy những đức tính này. Tổ Bồ Đề Đạt Ma dạy: “Chỉ cần quán tâm là đủ”.

Trong khi quán tâm hành giả phải tỉnh táo, để lòng rỗng rang, không cho vướng mắc những ý niệm, tính toán ta và của ta. Chính cái tâm không này nó phát sanh ra trí huệ. Khi đó tình thương yêu của ta ban rải khắp muôn loài vạn vật, nhờ có cái tâm không phân biệt ấy chúng ta thích ứng dễ dàng với ngoại cảnh bên ngoài, đương đầu với Bát phong một cách tự tại, vẫn thấy, nghe, hiểu biết rõ ràng, nhưng không còn dấu vết của tình chấp.

Bát phong:  Là tám ngọn gió lay động lòng người làm thương tổn thiện căn trong khi tu hành.

1 – Lợi: Là tiền tài, lợi dưỡng.
2 – Suy: Là nỗi đau khổ khi tiền tài lợi dưỡng bị hao tổn.
3 – Hủy: Bị người nói xấu, hủy mắng.
4 – Dự: Được người đời tán thán, khen ngợi.
5 – Xưng: Được tồn xưng kính trọng.
6 – Cơ: Bị chê bai, khinh khi.
7 – Khổ: Đau khổ, hoạn nạn đến
8 – Lạc: Vui sướng khi được điều như ý.

Chúng sanh đứng trước tám ngọn gió trên, bị nó thổi mà tâm không lay động thì cuộc sống được an vui, tu hành mau thành chánh quả. Bằng ngược lại bị nó thổi liền sa ngã, vùi dập đau thương thì thật là nhu nhược thiếu dõng lực, chẳng phải là người chân tu phải bị chìm đắm mãi trong vòng sanh tử.

Chúng ta thử tìm hiểu cuộc gặp gỡ giữa Tổ Bồ Đề Đạt Ma và Huệ Khả.

Huệ Khả thưa:

– Bạch Tổ Sư tâm con bất an xin Ngài dạy cho con phương pháp an tâm.

Tổ Sư bảo:

– Đưa tâm đây ta xem!

Huệ Khả lúng túng nói:

– Con tìm mãi không ra.

Tổ đáp:

– Vậy là ta đã an tâm cho ngươi rồi đó.

Sở dĩ Huệ Khả tìm không ra vì tâm không có hình tướng, chẳng qua là chấp cho nó là có, rồi chạy đuổi theo trần cảnh làm cho tâm Ngài bất an. Khi xưa Tổ Huệ Năng được nghe bài kệ: “Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm”. Ngài liền giác ngộ.

Vô trụ ở đây là xa lìa bốn tướng: Ngã, Nhân, Chúng sanh, Thọ giả.

Trong Kinh Kim Cang Phật nói bốn tướng:

1. Ngã tướng: Tướng của mình.
2. Nhân tướng: Tướng của người khác.
3. Chúng sanh tướng: Là chỉ cho tất cả chúng sanh hữu tình và vô tâm.
4. Thọ giả tướng: Chấp thọ mạng dài hoặc ngắn.

Phàm phu lầm chấp tướng trạng hư giả cho là thật, nên mãi đắm chìm trong bể khổ trầm luân.

Kinh Đại Bát Nhã dạy:  Bồ Tát trong khi hành đạo quán sát thấy rõ ngũ uẩn đều không thật nên các Ngài tự tại vượt qua mọi khổ ách.
Ngũ uẩn gồm có:

1. Sắc uẩn: Là chỉ chung mọi thứ vật chất như là:
– Ngũ cán: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân.
– Ngũ trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc.
– Tứ đại: Đất, nước, gió, lửa.
2. Thọ uẩn: Là những cảm thọ vui sướng, buồn khổ, trơn nhám, cứng mềm, và không khổ, không lạc. Đó là những cảm thọ khi tâm đối với cảnh.
3. Tưởng uẩn: Đối cảnh nhận ra sự đen trắng, nhỏ to, dài ngắn … Đây là nhóm yếu tố tinh thần làm chức năng tưởng tượng hình dung ngoại cảnh.
4. Hành uẩn: Đối cảnh đem lòng ham muốn hoặc thương ghét, vui buồn … Của tâm đối với cảnh, do nhân duyên tạo tác các pháp hữu vi trôi chảy trong ba đời. Nói rộng ra hành uẩn thu nhiếp rất nhiều pháp trong đó gồm cả sắc, thọ, tưởng và thức.
5. Thức uẩn: Có công năng hiểu biết và phân biệt sự vật, khi tâm đối với cảnh. Như vậy chúng ta đủ hiểu sắc thuộc về thân và vật chất, còn thọ, tưởng, hành, thức chỉ cho tâm.

Đức Phật dạy Vua Bình Sa:

“Sắc giống như cây chuối không bền. Thọ như điện chớp có rồi mất. Tưởng hư ảo như hơi nước. Hành tựa bọt nước không thật. Thức chỉ là trò huyễn thuật giả tạo ra người và vật, chúng không có thực thể, tùy theo cảnh mà thức tâm nảy sinh ra mọi sự phân biệt, các pháp chỉ là  trò luống dối”.

Như một vị thiền sinh, trong lúc tọa thiền thường thấy xuất hiện trước mắt mình một con nhện, làm cho tâm thần bất an. Một hôm anh định mang con dao  chờ nó hiện ra, đâm chết cho rồi, nhưng may mắn là trước khi hành động gặp được một Thiền sư, anh liền đem chuyện ấy thuật lại cho Thiền sư nghe, nghe xong Ngai không nói gì, chỉ bảo khi nào nó xuất hiện lấy phấn đánh dấu ngay chỗ đó thì  người sẽ biết con nhện xuất phát từ đâu. Thiền sinh vâng lời  làm theo khi  phát hiện ra mới thấy dấu phấn trước ngực mình nên hốt hoảng, anh liền đến vị Thiền Sư nói: “Nếu không có Ngài chỉ dạy thì con tự đâm mình chết rồi”.

Nhân đó Thiền Sư nói: “Đó là những vọng thức bên trong của ngươi nó hiện ra, chớ chẳng phải ở ngoài. Nên nhớ nhiếp tâm chánh niệm, tỉnh giác soi lại bên trong, đừng để ngoại cảnh chi phối, mới mong dứt hết vọng tưởng huyễn hóa. Sau đó Thiền sinh nghe lời thực hành không bao lâu, con nhện kia không diệt mà tự mất”.

Cũng như có Thiền Sư tên là YA mỗi khi ngồi thiền thường tự nhắc nhở tâm mình mỗi khi nổi lên tham sân, tà kiến, cấu uế. Ngài liền nói: “Ông chủ ơi! Coi chừng bị giặc nó lừa đó”. Nói xong Ngài tự dạ. Nhờ hành trì nghiêm mật như thế mà Ngài mau chứng đắc thiền định.

Còn chúng ta bị vô minh điên đảo lầm chấp, cho cái thân này là của tôi, của cải và những suy nghĩ, phân biệt, ta, người, thương ghét, buồn giận… những ý niệm thiện ác đua nhau trình diễn, nên thường bị tẩu hỏa nhập ma. Vì thế gây tạo nhiều nghiệp chướng…

Chính vì vậy, trong Kinh Pháp Cú Phật dạy:

Trong các pháp do Tâm làm chủ,
Tâm dẫn đầu tạo đủ các duyên.
Nếu người làm, nói bằng tâm chẳng hiền,
Khổ đau theo mãi triền miên,
Như bánh xe ngựa theo liền với chân.

Trong các pháp do Tâm làm chủ.
Tâm dẫn đầu tạo đủ các duyên,
Nếu người làm nói bằng tâm hiền minh.
Hạnh phúc sẽ đến bên mình,
Như là cái bóng với hình không phai.

Hay là:

Nhất thiết duy tâm tạo
Vạn pháp duy tâm biến.

Phá Tướng Luận có giải: “6 nẻo luân hồi nghiệp báo trong 3 cõi đều do tâm sanh, chính cái tâm của ta. Nó là chủ nhân sáng tạo cho mình một thiên đường hạnh phúc huy địa ngục khổ đau”.

Bởi vì: “Địa ngục cũng tại tâm làm quấy, về thiên đường cũng tâm ấy tạo ra, cái chữ tâm là quỷ hay ma, Tiên hay Phật cũng là tại nó”.

Ma ma Phật Phật cũng do ta,
Ma Phật khác nhau chỗ chánh tà.
Giác Phật mê là ma đó vậy,
Chơn như là Phật vọng tà ma.

Thật vậy, nếu tâm tham, sân nổi lên mà mình không ngăn chận được, sanh tâm trộm cắp, đánh đập, giết hại người ta. Ngay lúc đó mình bị cảnh tù tội tức khắc, tới chừng đó mới ăn năn thì đã quá muộn, do đó trong kinh Đức Phật dạy: “Nơi nào có phòng hộ tỉnh giác thì nơi đó có an lạc, nơi nào không phòng hộ tỉnh giác là nơi đó đau khổ”.

Thí dụ: Trong gia đình vợ chồng, anh em, con cháu đang nói chuyện vui vẻ, không khéo phòng hộ, nó lạc qua đề tài đấu tranh, phiền não hồi nào mình không hay. Đến lúc tranh cãi chửi rủa mắng nhiếc đánh đập lẫn nhau làm cho gia đình đổ vỡ, ly tán, tới khi tỉnh ngộ thì không còn kịp nữa. Cho nên Đức Phật dạy chúng ta lúc nào cũng phải đề cao cảnh giác, nếu đang nói chuyện mà không hài hòa có thể xảy ra xung đột thì mình phải dừng lại ngay, đừng cho nó phát sanh thì làm gì có phiền não, khổ đau. Nếu như ai không nghe lời Phật dạy: “Hiện tại khổ, kiếp sau lại bị quả báu hồ đồ hỗn ẩu câm ngọng líu lo khổ sở”.

Con người ở trong cảnh ái dục, thường bị tham, sân, si, ganh ghét, đố kỵ … Chuyện nhỏ xé to, tranh giành bảo thủ, từ trong gia đình anh em, chồng vợ, thân bằng quyến thuộc có khi vì một lý do không đáng sanh ra bất hòa với nhau cũng đủ khó chịu rồi, cố lánh mặt nhau, định tuyệt giao hẳn, nhưng ngặt vì còn sống chung một nhà quyết không nói chuyện nhiều khi nín không được phải nói ra với sự ngại ngùng, giao thiệp lấy lệ thật là khổ! Tình cốt nhục, quyến thuộc mà còn hờn ghét lẫn nhau! Huống chi người dưng nước lã khác dân tộc giống nòi, một khi thù ghét rồi, tìm đủ mọi cách giết hại lẫn nhau, gây thành oán lớn hễ gặp nhau mắt tợ kim châm, giương cung, nắm gậy, cầm dao đâm chém, đánh đập, bắn giết lẫn nhau, cuối cùng đôi bên đều bị tổn hại.

Ở đời người ta não hại nhau là do giành quyền lợi và phần phải về mình. Như vậy người ta thua, quấy họ đâu có chịu, cứ như thế oan trái mãi chất chồng.
Muốn hóa giải oan trái, sân hận mau lẹ không gì bằng chấp nhận tất cả sự xấu khổ, nhường điều tốt lành cho người. Phật bảo người nào làm được như thế sẽ hóa giải hết oan trái, hận thù và sanh ra vô lượng công đức mau thành Phật quả.

Kinh Pháp Cú Phật dạy:

Lời ác hay mắng chửi,
Kiêu mạn khinh miệt người.
Gian tham và trộm cướp,
Đánh đập cùng giết hại.
Ai làm hạnh nghiệp này,
Thù oán sẽ theo đây.

Lời ôn tồn hòa thuận,
Tôn kính chẳng khinh ai.
Biết đủ và bố thí,
Từ bi đối mọi người.
Mở trói buộc an nhẫn,
Thù oán tự hết ngay.

Khổng Tử dạy: Lấy oán báo oán, oán ấy chất chồng, Lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan.

Qua lời dạy của Phật và Thánh bảo ta phải hỷ xả những kẻ hại ta, thù oán hôm qua đừng giữ lại trong tâm, những kẻ phụ ta chớ ưu sầu, lưu luyến, không nên để lòng thù hận che mờ lý trí.

Sân hận âm thầm thiêu huệ mạng,
Lửa phiền ngùn ngụt đốt tâm can.
Sân si tạo nghiệp một đời,
Nghìn năm thọ khổ, muôn đời trầm luân.

Đó là những lời ân cần của các bậc Thánh Hiền nhắc nhở các hàng Phật tử, vậy mà có mấy ai nghĩ ra cứ mãi cho người hiền thường bị kẻ khác bắt nạt. Đó là quan niệm sai lầm nhiều người đã vướng mắc. Muốn khắc phục quan niệm này, ta phải vững niềm tin nơi Tam Bảo, tin sâu lý nhân quả. Tự hỏi tại sao người ta không lấn hiếp kẻ khác mà lại bắt nạt, gieo khổ cho mình? Khi đó nên nhớ lời Phật dạy, cố gắng nhẫn nhục coi như kiếp trước mình gieo khổ cho họ, bây giờ bị người ta làm khổ lại hoặc xem họ như người bệnh, hay kẻ điên, im lặng chấp nhận. Khi đó đối phương tự nhiên cảm thấy cụt hứng cuối cùng đành bỏ cuộc.

Nói đến nhân quả Phật dạy:

Rằng ai muốn biết nhân xưa,
Hãy xem hoàn cảnh bây giờ chịu đây
Muốn biết quả báo sau này,
Xem điều tội phước ta nay đang làm.

Nếu như ai không tin ra oai, hung dữ làm cho người xung quanh ngán sợ, kết quả chỉ thêm thù, kết oán mọi người kinh tởm xa lánh. Đó là nguyên nhân làm mất hết sự kính trọng, thông cảm, giúp đỡ của các thành viên trong gia đình. Khi đó ta mất hết chỗ đứng và làm xấu đi sự tương giao ngoài xã hội.
Than ôi! Quả bất thiện chưa trả lại vay thêm… Thực ra tranh cãi hành hung đều là biểu hiện, tánh dã man và lạc hậu mà người thông minh có đạo đức không bao giờ hành động như thế.

Nên nhớ trong lúc nóng giận, buồn phiền không nên nói năng hay hành động điều gì hết. Nếu nói làm phần nhiều nó chỉ đưa đến thiệt hại cho mình và người, tốt nhất là nên niệm Phật, hành thiền, quán chiếu nhân quả, hoặc đi giải trí, cho đến khi tâm bình tĩnh, nói làm mới có kết quả đẹp.

Muốn xây dựng một người nào trước tiên là khen ngợi những ưu điểm của họ. Như là anh, chị, bạn bè… Cái gì cũng tốt, nhưng có một điều chưa được hoàn chỉnh, cố gắng khắc phục thì thật là người gương mẫu trong đời. Như vậy người ta mới hoan hỷ chấp nhận sửa lỗi, ngược lại nếu mình chỉ đem toàn cái xấu của họ nói ra, nguy hiểm nhất là chỗ đông người. Chúng ta sẽ bị thất bại ngay không giải quyết được gì mà chỉ gây thù chuốc oán mà thôi.

Cách hóa giải những cuộc xung đột các nhà Tâm Lý Học nói nếu gặp trường hợp vợ chồng… đang gây gổ đánh lộn, điều cấm kỵ nhất là ta không được nói lỗi bên nào, mà chỉ nên nói những tai hại của nó. Như là nếu anh chị chửi rủa đánh đập với nhau, thì làm cho cả hai đều khổ và làm khổ luôn cho con cháu, ngoài ra còn bị lối xóm gièm pha chê cười…

Nếu mà vợ chồng không biết trân trọng với nhau. Bồ Đề Lão Tổ nói: “Hủy hoại vợ chồng kiếp sau lẽ bạn”.

Có nhiều người thấy ai đó đang tranh cãi họ liền đến nói lỗi chỉ có một bên, chẳng giải quyết được gì, mà còn làm cho tình hình càng căng thẳng thêm lên. Nếu không khéo vô tình mình lại bị tai họa lây. Muốn có cuộc sống hòa hợp tốt đẹp, chúng ta hãy nhìn cách cư xử của những bậc thoát trần ngày xưa.

Thuở Phật còn tại thế, một hôm Ngài đến thăm ba người đệ tử đang an trú tu tập trong rừng Bàn Na Mạn Xà Tự. Đó là Tôn giả A Na Luật Đà, Tôn giả Nan Đê, Tôn giả Kim Tỳ La. Khi hay tin Phật đến ba Tôn giả vô cùng hoan hỷ đồng ra tiếp đón, thỉnh Đức Phật vào, trải tọa cụ lên giường mời Phật an tọa, rồi đồng nhau đảnh lễ và vấn an sức khỏe xong.

Đức Phật hỏi:

– Này các con, sống ở đây có được an ổn, hòa hợp không?

Ba Tôn giả thưa:

– Bạch Đức Thế Tôn, chúng con sống rất là hòa hợp, an ổn.,

Phật hỏi:

– Cách sống của các con như thế nào mà được hòa hợp an lạc.

Ba Tôn giả nghe Phật hỏi như vậy, liền đảnh lễ thưa rằng:

– Bạch Đức Thế Tôn, chúng con sống hòa hợp là nhờ nghe lời Phật dạy, giữ gìn giới cấm, tu hạnh Từ, Bi, Hỷ, Xả, khiêm hạ, lễ phép, ôn hòa, nhã nhặn, thông cảm, khoan dung, độ lượng, nhẫn nại, nhịn nhường, tùy thuận, tận tình giúp đỡ lẫn nhau. Chúng con không bao giờ sống với cái tâm riêng tư của mình, mà lúc nào cũng quan tâm tìm hiểu người bạn bên cạnh cần gì để cố gắng làm vui lòng nhau, đồng tiến bước trên con đường giải thoát. Nhờ vậy mà cuộc sống của chúng con được hòa hợp từ Thân, Khẩu, Ý đều được trọn lành trước sau như một.

Sau khi nghe ba Tôn giả trình bày xong, Đức Phật vô cùng hoan hỷ tán thán:

Lành thay! Lành thay! Các con sống hòa hợp không tranh cãi, cùng hiệp nhất trong một tâm, chung một Thầy, như nước hòa với sữa, thật là tấm gương lành đáng để cho Trời, Người kính trọng noi theo.

Còn chúng ta bất bình chống đối nhau là do đâu? Có phải chăng do lòng cố chấp, bảo thủ, hẹp hòi, bắt người ta phải giống mình; nếu như ai không nghe lời làm theo thì mình tìm đủ mọi cách thẳng tay triệt hạ cho hả dạ, thật là độc ác bất công và vô lý Tại sao mình không giống người ta, mà lại bắt người ta phải giống mình? Phật dạy, con người sanh ra trên cõi đời đều mang theo cái nghiệp khác nhau, cho nên chuyện giống nhau là điều không thể có được, ngoại trừ các vị biết tu.

Đức Khổng Tử nói: “Nhân vô thập toàn”. Hễ có ưu là có khuyết, bắt lỗi người phải xét lỗi mình, đó mới là đáng bậc công bình, nẻo chánh trực trí người quận tử. Cho nên, trong Nghệ Thuật Xử Thế mình muốn người ta sửa lỗi, trước tiên mình phải tự sửa đổi, tận tình thương yêu giúp đỡ, đối xử tốt đẹp với tất cả mọi người. Thể hiện qua lời nói, cử chỉ, hành động chân thành đầy lòng bác ái vị tha, thì tự nhiên người khác đối xử tôt đẹp lại mình.

Người xưa có câu: “Ta vì tất cả mọi người, thì mọi người sẽ vì ta“.

Ở đời tôi thấy có nhiều người lúc nào cũng muốn người khác nghĩ đến mình, mong cầu phước báo, mọi sự như ý, nhưng chưa thấy họ làm được việc gì lợi ích cho ai, mà lại mong cầu đủ thứ, thật là khờ dại! Người trí không cần mong cầu gì cả, lúc nào cũng lập công bồi đức làm lợi ích cho chúng sanh quả lành kia không cầu mà tự đến. Muốn có đầy đủ phước báo, thân tâm an lạc điều quan trọng tâm phải thanh tịnh.

Trong Kinh A Hàm Đức Phật đưa ra 11 phương pháp tu tập để cho tâm được thanh tịnh giải thoát:

1. Tự mình là thiện tri thức, thân cận, gần gũi thiện hữu trí thức để học hỏi những điều hay lẽ phải

Người xưa bảo: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Thật vậy, gần người ác, tâm mình trở nên hung ác.

Thí dụ: Như mình hiền hòa mà chơi với những người bạn hung hăng, lỗ mãng, mỗi khi họ nói ra là chửi thề inh ỏi, nói trên đầu trên cổ, nếu nhịn hoài cảm thấy thua lỗ nên chửi lại cho huề; ngay lúc đó mình đã hóa ra người hung dữ. Hơn nữa, gần người ác tánh hung dữ của họ làm cho mình khổ và dẫn dắt ta đi vào con đường sa đọa tội lỗi, ngoại trừ bậc thượng căn đại trí gần người ác mới không bị ô nhiễm. Còn gần người thiện lành, học hỏi được những điều hay lẽ phải và nhờ đức tánh thiện lành, từ tốn của họ làm cho tâm mình được an lạc.

2. Phải giữ gìn giới cấm, thâu nhiếp oai nghi, phòng hộ các căn, dẫu cho thấy một lỗi nhỏ cũng canh cánh lo sợ

Nếu muốn cho Tâm mình được thanh tịnh điều quan trọng nhất là phải giữ giới, vì nhân giới mới sanh ra định, nhất định tâm được thanh tịnh. Nếu không giữ giới thì tâm sẽ loạn động, không bao giờ thanh tịnh. Ngoài ra, mình còn phải thâu nhiếp lục căn khi tiếp xúc với lục trần đừng để cho nó dính mắc, dù một lỗi nhỏ cũng không nên vi phạm.

3.  Điều thiện chưa sanh thì làm cho nó sanh. Điều thiện đã sanh làm cho nó tăng trưởng. Điều ác chưa sanh thì đừng cho nó sanh. Điều ác đã sanh rồi thì phải đoạn trừ.

Nghĩa là: Ác nhỏ không nên làm, thiện nhỏ đừng nên bỏ. Chúng ta chớ nên xem thường cái ác nhỏ, vì nhiều cái ác nhỏ thành ra cái ác lớn, còn nhiều cái thiện nhỏ thành ra cái thiện lớn.

4. Không nên tụ tập bàn nói những điều nhảm nhí vô ích, phi pháp

Mỗi khi nói ra phải như pháp mà nói, lúc nào cũng phải ca ngợi tán thán hạnh thiểu dục tri túc, nói về giới, định, huệ, giải thoát, tri kiến. Sở dĩ con người bị phiền não đau khổ là do thị phi. Đa phần phụ nữ thường nói chuyện thị phi, người này tốt, kẻ kia xấu, người này đáng thương, người nọ đáng ghét. Nói chuyện ngoài đời chưa đủ nói chuyện trong Chùa, ông Thầy này tu hay, ông Sư kia tu dở… Nhưng xin thưa với quý vị, người ta đang tu nên vẫn bị nghiệp chi phối, cho nên có cái làm được, có cái chưa làm được, mình đừng vì thế mà sanh tâm hủy báng lập bè, kết đảng chống đôi thưa kiện lẫn nhau, vô tình làm cho ngoại đạo chê cười.

Cho nên Đức Phật nói “Sư tử trùng thực sư tử nhục“. Nghĩa là con sư tử không có con vật nào ăn nó được, mà chính con vi trùng trong thân của nó mới giết nó được. Cũng vậy Đức Phật nói: “Đạo của Ta, tà ma ngoại đạo không thể phá hại được mà chính trong hàng tứ chúng (Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Thiện nam và Tín nữ) tự hủy diệt giáo pháp của Ta”.

Sở dĩ mình tốt là tại vì nghiệp nó chưa tới, chớ khi nó đã tới rồi mình còn hơn người ta nữa. Cho nên người xưa nói: “Ai hay nói lỗi người khác thường bị mắc quả báo”.

Cho nên Đức Phật thương hết tất cả chúng sanh cho dù người đó giữ giới hay phá giới, thiện hay ác, vì con đường đó ngày xưa Ngài đã từng đi qua. Những ai còn vướng mắc đó là những chúng sanh đáng thương chớ không đáng ghét. Mình nói xấu người khác, người ta không mất gì, chính mình mất cái tâm thanh tịnh. Hơn nữa đến tai người ta, lại sanh ra oán thù, đối chọi, hơn thua, sát phạt với nhau, nào có ích gì?

Nếu người tu không khéo vẫn bị như thường. Còn người nam ở không thì tụ tập kết bè đảng uống rượu, cờ bạc, hễ rượu vào là lời ra, câu mâu, quạu quọ, đấm đá lẫn nhau. Cho nên Thánh hiền nói: “Nhàn cư vi bất thiện” là vậy. Nếu như ai cũng nghe lời Phật dạy, giữ gìn khẩu nghiệp cho được thanh tịnh, gặp ai mình cũng khuyên nhắc lẫn nhau, cố gắng giữ giới. Vì giới là hàng rào ngăn chặn các điều ác, đồng thời cũng là chiếc áo giáp thần hộ mệnh, làm cho thân tâm mình được thanh tịnh an lạc. Nếu lúc nào cũng đem chuyện đạo đức ra nói hết thì làm gì có phiền não khổ đau.

Trong kinh Pháp Cú Phật từng dạy:

Phàm người sống ở đời
Miệng lưỡi chính gươm đao
Chửi rủa mắng nhiếc nhau
Là cầm đao tự hại
Không bàn luận thị phi
Suốt đời được an vui.

5. Quán thân bất tịnh

Quán 36 thể trược từ đầu đến chân, đầy dẫy sự bất tịnh. Nào là mồ hôi, nước mắt, nước mũi, dãi, răng, ghèn, ráy, máu, mủ, thịt, da, gân, xương, tim, gan, phèo, phổi, phẩn, tiểu… hay là quán thân bầm tím, sình chướng, nứt nẻ, hôi thối, ruồi đậu kiến bu, dòi rút rỉa; nhờ quán như thế mà tâm được thanh tịnh, xa lìa tham dục và ái nhiễm. Quý vị nên, lưu ý trong khi quán bất tịnh lấy mình làm đề mục để quán.

Thí dụ: Mình đang nhiễm sắc mà đem một cô mỹ nữ ra quán, vô tình làm tâm động thêm.

6. Quán tâm vô thường

Cái tâm nó luôn luôn sanh diệt vô thường, biến ảo không dừng do nhân duyên hợp lại, nên có con mắt, có cảnh để thấy vậy thôi; tâm không ở trong, không ở giữa, không ở ngoài, nếu đủ duyên thì hợp lại thấy biết, còn hết duyên là tan rã. Cũng như cái hộp quẹt có được lửa là do các duyên hợp lại nào là ga, đá lửa v.v… đủ duyên bật lên là cháy, thả tay hết duyên liền tắt, không thể chỉ nó ở đâu được. Tâm cũng vậy, tạm gọi là tâm chân, tâm vọng mà thôi, tâm chân là thấy biết tất cả mà không tham đắm trụ chấp… Còn thấy biết nghe mà tham đắm trụ chấp, đó là vọng tâm.

7. Quán pháp vô ngã

Quan sát thấy rõ các pháp không có gì là thật, bởi nó đều bị định luật vô thường chi phối. Cho đến cái thân này cũng là vô chủ, nó muốn bệnh hay chết giờ nào mình không sao ngăn được.

Thí dụ: Thân bệnh cho là khổ, hết bệnh cho là vui, thật ra khổ, vui, thường hay vô thường, tự tánh nó không có gì hết. Cho đến pháp của Phật cũng chỉ là phương tiện, như ngón tay chỉ mặt trăng, hay là thuyền bè để vượt qua sông mê. Pháp của Phật giống như lương dược tùy bệnh mà cho thuốc. Vì chúng sanh đa bệnh Phật pháp đa phương, có gì mà phải chấp tu thế này là đúng, thế kia sai, cao, thấp v.v…

8. Quán thọ thị khổ

Càng thọ nhiều, càng khổ nhiều, cũng vì VÔ MINH lầm chấp cho thân này là thật, nên mãi tìm đủ trăm phương ngàn kế để cầu ăn mặc, tham đắm sắc dục. Những thứ ấy họ cho là vui sướng, nhưng họ nào có biết vui là gốc của sự khổ đau.

Thí dụ: Muốn ăn ngon, mặc đẹp thì phải cực thân nhọc trí, việc ác gì cũng làm được, bất chấp thủ đoạn, miễn sao cho mình được vinh thân, phì da, của cải đầy rương, đầy tủ, ai khổ mặc kệ. Khi có của cải nhiều lại sợ gian phi, trộm cướp rình mò.

Cho đến dâm dục, họ cho là vui sướng, nhưng trong cái vui ấy chứa đầy những thứ ghen tương khổ đau, phiền muộn. Chẳng qua là lấy khổ làm vui, vui trong sự khổ mà thôi, cái vui ở thế gian phù du tạm bợ, phía sau của nó chứa đầy những thứ ưu bi, khổ nạn. Cho nên người xưa có câu:

Vui trong tham dục vui là khổ
Khổ để tu hành khổ hóa vui
Mong sao tập tánh không vui khổ
Mới thoát ra ngoài cảnh khổ vui.

9. Quản sổ tức

Muốn cho tâm không tán loạn phải theo dõi hơi thở vô ra. Thở ra biết mình thở ra, hít vô biết mình hít vô. Hít vô đếm một, thở ra đếm hai … lần lượt đếm đến mười, rồi trở lại bắt đầu từ một. Cứ đếm như thế suốt thời gian tọa thiền nhờ vậy mà tâm không tán loạn. Nếu ai tu Tịnh Độ nương theo phương pháp này, niệm hồng danh Đức Phật Di Đà đếm từ một đến mười và trở lại bắt đầu từ một. Cứ như vậy luân lưu mãi mau được nhất tâm bất loạn vãng sanh Cực lạc.

10. Tu tâm từ

Người nào tu tâm từ sẽ diệt trừ được sân nhuế, thân tâm an lạc, người đời kính mến, chư thiên gia hộ, tà ma ngoại đạo, độc trùng, ác thú không thể hại được, thức ngủ yên vui, diệt trừ oán nghiệp, oán thù tự giải. Muốn có tâm từ chúng ta phải mở rộng lòng thương yêu tất cả chúng sanh, gặp ai
mình cũng khiêm hạ, lễ phép, kính trọng tận tình giúp đỡ cả người lẫn vật một cách bình đẳng vô tư, đó gọi là Từ tâm của bậc Thánh. Chính cái tâm bình đẳng này, nó sanh ra vô lượng công đức và diệt trừ tất cả phiền não, sân nhuế.

11. Tu vô thường tưởng

Đức Phật dạy: “Người nào tu Vô Thường Tưởng, thời vị đó đắc được Vô Ngã Tưởng, đoạn trừ hết ngã mạn”. Có nghĩa là quán tất cả các pháp do duyên hòa hợp, không thật, cho nên diệt trừ được ngã mạn, chấp ngã, chấp pháp, dẫn đến thành tựu đạo quả, cứu cánh giải thoát Niết Bàn, bất sanh, bất diệt.

Nói tóm lại, vạn pháp đều do tâm tạo, phàm trong khi tác ý muốn làm việc gì cần phải lấy trí tuệ, tư duy quán xét, nếu như việc nói năng hành động đem đến lợi ích cho mình và người, thì nỗ lực làm, còn nếu đem đến thiệt hại cả hai, hoặc lợi mình, hại người thì phải đoạn trừ.

Muốn cho có trí huệ sáng suốt, điều quan trọng là tâm phải thanh tịnh, muốn cho được thanh tịnh, tự mình là thiện tri thức và phải gần người thiện lành, cố gắng giữ giới, phòng hộ các căn, khi nói ra phải như pháp mà nói lời đạo đức, tích cực làm việc thiện, quán thân mình là dơ bẩn, vật chất là giả tạm, tâm không thật, pháp chỉ là phương tiện.

Có nghĩa là thấy biết tất cả mà không bị ô nhiễm vướng mắc, trụ chấp đó là tâm chân thường, chân lạc, tự tại, giải thoát. Đây là phương pháp nhiếp tâm để duy trì chánh niệm, phản tỉnh thanh lọc làm cho tâm được trong sạch thanh tịnh. Động, Tịnh, Khổ, Vui, những môi trường hoàn cảnh xung quanh chúng ta tốt hay xấu đều do tâm tạo ra mọi cảnh ngộ.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Tâm Vô Thường