Nâng Cao Tâm Người Tu Đạo
Đại Sư Diệu Liên

Quý Vị có muốn làm việc một cách vui vẻ không?

Bất cứ công việc gì người ta giao phó, mình cũng tiếp nhận một cách vui vẻ:

Woa! Tôi được phân cho làm công việc này thật là vinh hạnh, người ta đã coi trọng tôi. Nghĩ như vậy thì sẽ rất vui vẻ.

Nếu Quý Vị cứ nghĩ:

Tại sao lại đưa công việc này cho tôi, sao không kêu người khác làm?

Như vậy thì Quý Vị sẽ buồn bực từ sáng đến tối, thường cảm thấy phiền mệt vô cùng vì công việc, chứ không phải do công việc làm cho Quý Vị mệt mỏi.

Thay vì đau khổ mà làm việc, tại sao không vui vẻ mà làm chứ?

Làm việc với tâm trạng vui vẻ thì công việc và thân tâm đều tốt.

Ngược lại làm với lòng uất ức thì không những làm không tốt mà mình cũng khổ não, cớ sao phải tự tìm phiền não như vậy?

Đã đành nhất định là phải làm thì tại sao không làm với tâm vui vẻ, mọi người đều được vui không tốt sao?

Có cách nào hay để tiêu diệt lòng phiền não không?

Cách tốt nhất là nhịn nhục và rộng lượng, gặp chuyện phải nghĩ tới phương diện tốt, luôn nghĩ tới người. Tốt thì khen ngợi mà không tốt cũng đừng nói ra và để trong lòng. Như vậy thì sẽ không phiền não, được mọi người yêu chuộng. Đây là cách tiêu diệt phiền não.

Gặp người vô lý gây sự phải làm sao?

Tốt nhất là giữ cho tâm bình khí hòa, không cần tranh cãi, để tránh việc càng cãi càng thêm oán khổ. Quý Vị hãy chân thành trả lễ bằng một câu A Di Đà Phật, thế là được giải thoát khỏi ngàn vạn thị phi, tự tại không gì bằng.

Làm sao chuyển thù thành bạn?

Vì không có trí tuệ mà oan gia đã chọc tức Quý Vị.

Quý Vị chỉ cần dùng lòng từ bi để hòa hợp với họ thì ai mà chẳng cảm hóa được?

Quý Vị có thể hóa độ oan gia như hóa độ người thân, chứng tỏ tâm phàm phu của Quý Vị đã diệt trừ, chỉ còn tâm Phật thôi. Phật chẳng có thù địch, Phật và ma là một mà thôi. Đừng nên tự mình làm mình đau khổ. Gặp chuyện không may, người có trí tuệ sẽ nghĩ theo chiều hướng tốt.

Kẻ nghiệp chướng nặng sẽ càng nghĩ càng tức, thế là lòng sanh phiền não lớn, đó chẳng phải là tự tìm khổ để chịu sao?

Tại vì không nghĩ về điều tốt và nghĩ cách giải quyết.

Quý Vị có biết nóng giận là ngu xuẩn như thế nào không?

Oan gia rất thích Quý Vị tức giận, nếu Quý Vị tức giận là trúng mưu kế của nó. Tức đến sinh bệnh, không có ai uống thuốc đắng giùm cho mình. Cuối cùng tức đến nỗi chuyện gì cũng không thành, rút cuộc, người bị xui xẻo là mình thôi.

Quý Vị có biết mình là Bù nhìn không?

Người không biết nhịn nhục, người ta mới khen hai câu đã cười. Người ta nói không tốt một chút thì mặt thuỗn dải ra không vui.

Như vậy thì người ta muốn Quý Vị khóc thì Quý Vị khóc, muốn Quý Vị cười thì Quý Vị cười, Quý Vị chính là bù nhìn cho người ta chơi đùa rồi còn gì nữa?

Ngược lại, nếu Quý Vị là anh hùng hào kiệt thì sẽ không bị xỏ mũi mà kéo đi. Hỡi những người trong vòng danh lợi.

Có biết hay không?

Kẻ thù lớn nhất là ai?

Làm sao hóa giải?

Không có chuyện gì mà tự mình phiền não là kẻ thù lớn nhất, nếu Quý Vị cùng với kẻ thù mà sanh lòng phiền não thì đương nhiên không thể có sức mà giải thoát khỏi phiền não được.

Phải tìm cách hòa giải, hòa giải thế nào?

Lùi một bước thì biển rộng Trời cao, lòng độ lượng lớn thì phước báo lớn.

Làm gì có chuyện hóa giải không được?

Chỉ cần thường nghĩ cho người khác thì sẽ không phiền não.

Có nên tức giận vì kẻ gian ác sống ngoài vòng luật pháp không?

Không cần phải căm phẫn, bất bình làm gì. Tuy rằng có thể thoát khỏi luật pháp thế gian nhưng sẽ không thoát khỏi bản án ở chỗ của Diêm Vương, kẻ đó tuyệt đối không thể tránh khỏi. Cái gọi là Lưới Trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt chính là Luật Nhân Quả không sai một mảy may.

Cái gì mới là việc tôn quý nhất?

Phục vụ đại chúng! 

Đầu thay vì đội nón thì đội chúng sanh vô lượng, đi dưới chân hàng chục ngàn người, đây là việc tôn quý nhất. Quả báo tương lai Quý Vị sẽ ở ngôi vị vô địch. Trên Trời, dưới đất duy chỉ có Quý Vị là độc tôn.

Bạn có biết hậu quả của việc không nhẫn nhịn là gì không?

Chúng ta đều biết việc nhỏ không chịu nhẫn nhịn thì sẽ làm loạn mưu đồ lớn, nhưng với cảnh trước mắt mà không dằn được, cứ lao vào tranh chấp ăn thua với người ta thì sẽ hỏng mọi chuyện, dù cho xuống Địa Ngục ngay cũng chẳng sợ. Rốt cuộc, đọa vào ba đường ác Ngạ Quỷ, Địa Ngục, Súc Sanh, chỉ vì một lúc không dằn được lòng tức giận đó. Người điên đảo.

Khi Quý Vị mắc Bệnh tương tư thì phải làm sao?

Chỉ cần thường xuyên thành kính xưng niệm và lễ bái Quán Thế Âm Bồ Tát, liền có thể khiến Quý Vị xa rời dục vọng, thân được an lành.

Đồng thời, phải nghĩ rằng tất cả đàn ông là cha tôi, tất cả đàn bà là mẹ tôi, nếu có kẻ nghĩ điều xằng bậy với Cha Mẹ mình thì sao có thể được?

Vậy thì mình cũng không được nghĩ điều xằng bậy với Cha Mẹ, anh em của mình được.

Vả lại, hãy nghĩ tới tất cả chúng sanh đều sẽ là Phật tương lai, thì cung kính cũng chẳng kịp, làm sao dám nghĩ bậy?

Tại sao làm ăn thường hay bị thất bại?

Do Quý Vị không có phước báo mà. Dù cho có trí tuệ mà không có phước thì có kiếm cũng không ra tiền. Nếu như có tiền thì cuộc sống cũng không được an vui tự tại. Phải tu thiện, tu phước nhiều thì sẽ được phát tài, an vui.

Làm cách nào khi bị người ta chọc tức mà không tức giận?

Người ta có phiền não của tham sân si thì mới chọc tức Quý Vị, cứ cho là người đó đã điên khùng, họ rất tội nghiệp, Quý Vị phải tha thứ cho họ. Thật ra, chính chúng ta cũng thường phạm lỗi với người khác, ý thức được như vậy thì sự nóng giận sẽ không còn, khi đó. Quý Vị là người vui vẻ rồi.

Vậy rút cuộc thì Quý Vị phải tranh giành cái gì?

Mọi người đều nên an trú tại thế gian này, đừng tranh chấp gì với thế gian, tất cả đều là người ta tốt, người ta đúng, chỉ có mình mới đáng hổ thẹn. Nhưng trên Phật Pháp thì phải tranh giành, đối với việc thành Phật này thì phải dũng mãnh, cố gắng hết sức để tranh lên phía trước.

Bị thiệt thòi có phải thật là ngu không?

Làm việc gì mà bị thiệt thòi, có vẻ như Quý Vị rất ngốc, thật ra là đã kiếm được phước đức. Quý Vị lùi một bước, trước mắt thấy là thua. Nhưng người thắng lợi và an lạc cuối cùng chính là kẻ ngu ngốc này đây, đó gọi là kẻ ngu có phước của sự ngu đấy.

Quý Vị sẽ khinh người và ghét người chứ?

Hãy đem cái tâm khinh người đó của Quý Vị chuyển thành khinh bản thân mình vô phước, vô huệ. Hãy dùng tấm lòng giận ghét người ta mà giận ghét bản thân mình quá vô đạo đức, như vậy thì có trí tuệ rồi.

Nếu có thể làm tất cả mọi việc lợi ích cho người khác thì ai mà lại không kính trọng Quý Vị như Phật vậy?

Tại sao giúp người lại còn phải cám ơn người ta?

Bởi vì làm lợi ích người khác tức là tự lợi ích cho chính bản thân mình. Do vậy, không những không cần người ta đáp tạ mình, mà mình còn phải cám ơn người ta. Nếu không có những người tội nghiệp cần Quý Vị giúp đỡ làm lợi ích, thì Quý Vị cũng sẽ không có đối tượng để tu phước, tu huệ. Nếu thế thì Quý Vị khổ chết đi được.

Quý Vị muốn được vui vẻ, thì hãy thường làm những việc khó làm trong những việc khó khăn. Phật Pháp quá ư vĩ đại, không học hỏi thì thật là tiếc thay.

Quý Vị muốn được người ta tôn trọng mình không?

Chỉ cần lúc nào cũng có tâm trạng tốt, không nóng nảy, thường xuyên giúp đỡ người, trong công việc thường chịu thiệt thòi, thường giải quyết khổ đau và cung cấp phương tiện cho người ta thì tự nhiên người ta sẽ kính trọng Quý Vị.

Quý Vị có thật sự yêu quý bản thân mình không?

Quý Vị có thể phát tâm Bồ Đề, hành đạo Bồ Tát, lợi ích cho tất cả chúng sanh, khiến cho mình và người đều được an lạc, thì tự nhiên sẽ thành Phật Đạo, đây mới là thật sự yêu quý mình. Nhưng đại đa số mọi người không biết y theo Phật Pháp mà tu hành, nên thường hay làm những việc khổ cho mình nhiều hơn, mà còn hại người khác không được giải thoát.

Quý Vị có nghĩ lão Hòa Thượng là chiến lợi phẩm độc nhất vô nhị không?

Tâm là Phật, Phật là tâm, Quý Vị vốn dĩ đã không phải là phàm phu, sở dĩ trở thành phàm phu là vì lòng hẹp hòi mà tạo ra nghiệp chướng.

Chỉ cần phát tâm lớn, tu Hạnh Nguyện lớn, nghiệp chướng nào mà chẳng tiêu trừ?

Chỉ cần Quý Vị Xuất Gia gần gũi lão Hòa Thượng, tinh tấn tu hành hai ba chục năm thì sau này cũng giống lão Hòa Thượng vậy.

Thật lòng mà nói:

Tất cả mọi người đều tốt hơn tôi, đều có thể thành Phật.

Bị lừa gạt tiền bạc rồi phải làm sao?

Người ta lừa gạt tiền của Quý Vị, Quý Vị cứ coi như là Bố Thí người đó đi cho rồi, nghĩ ngược lại được như vậy chẳng phải là sự Bố Thí của Bồ Tát sao?

Như vậy sẽ có lại phước báo trong kiếp sau không được sao?

Có tiền cho người ta gạt tức là cho họ vay nợ tới kiếp sau, kiếp sau mình vẫn còn có tiền xài đấy. Tấm lòng độ người của bậc Bồ Tát, Quý Vị phải nên học theo.

Những người có tâm Bồ Tát khi đối diện những người ác mà mình không thể hóa độ được, không những không chán ghét mà còn cảm thấy hổ thẹn sâu xa rằng:

Người đó tạo ác nghiệp sẽ gặp ác báo, tội nghiệp thay. Tôi lấy làm hổ thẹn vì đã không đủ phước huệ đế độ người đó.

Tại sao chúng sanh khó độ vẫn phải độ?

Tuy rằng mỗi một chúng sanh có vô lượng vô biên nghiệp chướng, Quý Vị cho họ ăn ngon, ngủ sướng, họ vẫn chưa vừa lòng đâu. Đồ ăn nấu cho họ rất cực nhọc, họ chẳng thèm nghĩ đến sự cực nhọc ê nọ.

Nhưng Phật Pháp đã nói:

Tất cả chúng sanh đã từng là Cha Mẹ anh chị em với nhau, với mục đích khiến cho chúng sanh đừng chịu khổ sở nữa, thì ta phải nhịn những gì khó nhịn, làm những gì khó làm để kết thành quả báo tốt, chúng ta vẫn nên đừng rời bỏ chúng sanh, bởi vì mỗi một người đều làm lợi ích lẫn nhau trong quá khứ và tương lai.

Làm cách nào để học hỏi phước huệ vĩ đại của Phật Đà?

Phật Đà từ bi với tất cả mọi chúng sanh, thà là tự mình chịu khổ để cho chúng sanh phải được an lạc. Đồng thời, lại cảm ơn chúng sanh được độ để Ngài có cơ hội tốt tu phước, tu huệ. Nghĩ như vậy mới có thể chuyển tính phàm phu thành trí tuệ của Bậc Thánh và viên mãn phước báo của Phật Đà.

Quý Vị có biết nghệ thuật nói chuyện không?

Những người biết nói chuyện mỗi tiếng phát ra khiến người khác vui vẻ, mỗi câu đều khiến người được lợi ích, thậm chí có thể thành tựu Pháp Thân huệ mạng của người khác. Những người không dùng tâm lành để nói chuyện, thì mở lời đã tạo khẩu nghiệp, khiến người ta lùi bước trước đạo Bồ Đề, sau này sẽ trờ thành câm, rất tội nghiệp.

Hãy cẩn thận đừng làm tổn phước báo của mình. Thấy người ta làm việc thiện mà không những không vui vẻ khen ngợi, thậm chí còn ganh tỵ chướng ngại, đây chính là làm tổn phước báo của mình.

Thử hỏi:

Ganh tỵ với người ta cuối cùng Quý Vị được lợi ích gì?

Làm sao để nhìn thấu chuyện đời mà phát khởi lên tâm đạo?

Phải tu Phép quán vô thường. Làm người không ai có thể sống tới một ngàn tuổi, trước sau cũng phải chết.

Đã đành đều phải chết hết thì tại sao cố gắng chuẩn bị cho chỗ sẽ sanh về sau khi chết?

Phép quán vô thường nếu trong lòng không thể sanh khởi thì hãy đến phòng cấp cứu mà xem, thậm chí hãy đến nhà xác mà xem đi. Đó không chỉ là đang Thuyết Pháp, mà còn là đang diễn pháp diễn pháp vô thường cho Quý Vị xem. Xem rồi chẳng lẽ Quý Vị không có một chút cảnh giác nào hết hay sao.

Quý Vị có muốn làm người Niệm Phật tinh tấn không sợ chết không?

Tướng sĩ phải chết nơi chiến trường, vì nghĩa xả thân. Học Sĩ phải chết nơi văn đàn, học không ngừng nghỉ. Người Niệm Phật phải chết nơi Phật đường, nhất định sanh Tây Phương mới có thể xưng là người Niệm Phật chân chính. Hãy nắm vững điều này nhé.

Quý Vị có biết sức ảnh hưởng của mình rất lớn không?

Mỗi người đều là một lỗ chân lông trong xã hội, lỗ chân lông này có thể hít không khí trong lành, cũng có thể hít không khí dơ bẩn. Bởi vậy, mỗi người đều có thể ảnh hưởng xấu và tốt đối với xã hội. Quý Vị xem, mình quan trọng biết bao.

Cho nên phàm làm tốt nhé. Hãy làm một đứa con ngoan, Cha Mẹ cũng được vinh dự.

Quý Vị có biết trong bụng mình đã chứa biết bao nhiêu tử thi oan hồn không?

Người ta chết thì chôn xuống mồ, thế thì Quý Vị ăn biết bao nhiêu cá thịt, bụng Quý Vị chẳng phải đã thành nấm mồ ghê gớm sao?

Hơn nữa, một khi ăn vào bụng thì oan hồn sẽ ở lại trong bụng, ăn bao nhiêu thì chứa bấy nhiêu oan hồn.

Có một ngày nào đó họ tìm Quý Vị đòi nợ, đòi mạng, Quý Vị có sợ không?

Đến lúc đó, ngay cả ban ngày cũng nhìn thấy quỷ ma đấy.

Tâm phàm làm sao trở thành tâm Phật?

Tinh Tấn Niệm Phật, phàm tâm buông xả tức là Phật tâm. Giống như chùi sạch bụi nhơ trên kiếng thì quang minh sẽ hiện ra.

Sợ nhất là anh không chịu xả bỏ ham muốn phàm phu, không thích Niệm Phật thì tâm anh mãi mãi là phàm, sao có thể thành Phật?

Quý Vị có biết khỏi tốn đồng xu nào mà ngày nào cũng phóng sanh được không?

Quý Vị có thể phát tâm ăn chay trường, đó cũng như việc khỏi tốn một xu nào mà đã thả sống hàng ngàn vạn sinh mạng. Nếu Quý Vị không làm được thì đừng mong được sống thọ và khỏe mạnh.

Quý Vị có biết bữa ăn nào cũng tạo sát nghiệp không?

Nếu bữa ăn nào cũng ăn mặn ăn thịt chúng sanh, đó chính là mội bữa ăn đều mang nợ và tạo ác nghiệp, làm sao tránh khỏi phải chịu ác báo?

Đừng gây khổ cho chúng sanh thì Quý Vị mới được an lạc. Đừng có làm cho Bồ Tát Hộ Pháp bị trừng phạt nhé.

Mỗi một người tu hành đều nên tin sâu rằng:

Chỉ cần giữ giới trong sạch, không hủy phạm oai nghi thì nhờ có Công Đức này tự nhiên có Hộ Pháp Long Thiên vui vẻ đến hộ trì. Nếu Bồ Tát Vi Đà không đến hộ trì Quý Vị thì Ngài sẽ bị trừng phạt. Vì phụng sự sứ mạng của Phật nên phải chịu trách nhiệm.

Quý Vị có biết là mình còn độc ác hơn là cọp dữ và rắn độc không?

Bữa nay ăn con cá, ngày mai ăn con tôm, cứ tích lũy như vậy, suốt đời không biết đã ăn bao nhiêu sinh mạng.

Nếu nói ra không biết còn độc ác hơn cọp dữ và rắn độc gấp bao nhiêu lần?

Mong Quý Vị đừng làm cọp dữ và rắn độc trong loài người, nếu không thì không những bị chết yểu mà tương lai còn phải đọa Địa Ngục, chịu khổ báo của núi dao và biển lửa.

Tại sao cứ nghĩ vớ vẩn lung tung?

Đó là vì trong lòng có quá nhiều ham muốn, diệt trừ ham muốn đi thì còn có cái gì để mà suy nghĩ nữa?

Không nghĩ lệch lạc, bậy bạ là an lành nhất.

Thật ra nếu có thể nghĩ tốt, làm lành, tư duy ngay thẳng, hành vi đúng đắn thì chẳng phải là không còn nghĩ vớ vẩn lung tung nữa sao?

Làm sao cho tâm trạng thoải mái?

Có người chửi lão già này thì lão tự nói đó là điều tốt. Có người đánh lão già này thì lão tự ngủ cho ngã xuống. Như vậy họ cũng tiết kiệm được sức lực, mà lão già này cũng không có phiền não. Tâm của Thánh Nhân chính là thoải mái như thế đó. 

Nếu anh không muốn làm phàm phu thì khi bị người ta chửi và đánh, không những phải nói tốt mà còn phải nghĩ rằng:

Nghiệp chướng tôi rất nặng, không có lòng cầu tiến, nếu không được người ta dạy dỗ đánh đập thì không thể tiến bộ được.

Ăn đồ Sơn Hào hải vị có thật sự là sướng không?

Thật ra sự vui sướng này chính là nguồn gốc của sự đau khổ, Quý Vị hãy cẩn thận, theo chữ Hán thì chữ thịt là do hai người tạo thành. Tàn hại sanh mạng tạo tội lỗi nghiệp chướng thì sau này ắt sẽ chịu quả báo ác. Nhà Phật lấy niềm vui Thiền Định làm thức ăn thì đó mới là sự vui sướng rốt ráo sau cùng.

Quý Vị có biết tính mạng của mình lúc nào cũng có thể gặp nguy hiểm không?

Ngày đêm nghĩ vớ vẩn, không lo thu nhiếp tâm thì Pháp Thân tính mạng lúc nào cũng gặp nguy hiểm. Xin Quý Vị hãy suy xét thấu đáo và cẩn thận.

Quý Vị nghĩ rằng trí tuệ và lòng can đảm của mình vĩnh viễn có thể sánh với đấng tu hành ư?

Quý Vị trên thế gian này dù cho mạnh đến đâu cũng vậy đều trong khuôn khổ chật hẹp của Trời Đất, chỉ là khoe trí tuệ trước người ngu dốt, khoe sự can đảm trước người nhu nhược.

Làm sao bì được với đấng Xuất Gia có lòng từ bi và trí tuệ làm người lèo lái thuyền từ bi trong biển khổ, cứu tất cả chúng sanh thoát khỏi cái biển khổ này để đến bờ giác ngộ, giải thoát kia?

Khó mà làm người tốt phải không?

Thật ra làm người tốt là dễ nhất. Vì có sự gia hộ của các thiện thần và Chư Phật Bồ Tát mà.

Làm sao cho mình được nở mặt nở mày?

Hành vi cử chỉ của anh tốt thì được người ta kính trọng. Hành vi của anh xấu thì bị người khinh bỉ. Tốt hay xấu đều do tại nơi bản thân anh, con người bất kể làm việc gì cũng đều phải cầu tiến, phát huy tài năng của mình, như vậy phước huệ đều có thể tu, và được người ta tôn trọng.

Quý Vị có biết chuyện then chốt trong việc chuyển phàm thành thánh không?

Cái giỏi của phàm phu là tạo tội lỗi, nghiệp chướng rất hăng hái, còn tu thiện nghiệp thì nói:

Không được! Tôi không rảnh!

Nếu Quý Vị không muốn làm một kẻ phàm phu thì không thể lười biếng và phải dứt ác, tu thiện, giữ giới Niệm Phật.

Sợ chết thì làm sao?

Chúng ta ở Thế Giới Ta Bà này có sanh thì ắt sẽ có tử, nếu Quý Vị sợ chết thì phải cố gắng Niệm Phật cầu sanh Tây Phương, sanh đến Tây Phương rồi thì vĩnh viễn xa rời sáu đường luân hồi, khỏi chịu cái khổ sanh tử, đó mới là an lạc thật sự.

Khi chưa thoát khỏi sanh tử thì tất cả chuyện sống chết của Quý Vị đều nằm trong tay Diêm Vương, vậy bản lĩnh của Quý Vị ở đâu?

Thế anh vui vẻ cái gì?

Cứ coi như giàu sang thì sao nào?

Diêm Vương mà sợ Quý Vị sao?

Có kẻ giàu sang nào mà có thể thoát khỏi tay Diêm Vương chứ?

Khổ hay sướng rút cuộc do ai đem đến cho mình?

Tất cả khổ vui đều do chính mình tự gây ra hết. Anh có thể vui vẻ khi thấy mặt tốt của người khác, thì trong lòng vui sướng biết bao. Nếu anh chuyên môn chỉ thấy cái này không tốt, cái kia cũng không đúng thì chẳng những trong lòng khó chịu mà đi đâu cũng không được người ta ưa thích.

Có tiền thì vui không?

Chưa chắc. Có rất nhiều người vì tiền bạc mà dẫn tới tai họa. Phải dùng tiền để tu phước huệ, có đức hạnh rồi thì mới vui sướng được. Tối kỵ là giàu mà bất nhân.

Quý Vị nghĩ là làm lén chuyện xấu không ai hay biết phải không?

Làm sao không hay biết được?

Phàm tâm tức là Phật tâm, một niệm nẩy ra là Chư Phật đều biết hết. Phật lấy hư không làm thân, bởi vậy toàn bộ hư không là thân Phật, mắt Phật. Nếu làm chuyện xấu trong phòng tối hay dưới hầm đều không thoát khỏi Phật hết.

Quý Vị muốn mở mang trí tuệ không?

Hãy buông bỏ cách nghĩ tôi đúng anh sai, nghe lời chỉ dạy của người tốt mà kiên nhẫn học tập phụng hành. Thì không những anh có trí tuệ, mà còn có cả phước báo lớn nữa. Người không vui với những lời khuyên thiện lành thì phước huệ của anh ắt chỉ có hạn.

Tại sao thông minh mà không có phước?

Tại vì làm gì cũng cho người ta thiệt thòi, chỉ cần biết lợi cho mình. Thông minh thì rất thông minh nhưng rất tổn phước, không có phước báo nào cả. Những ai có trí tuệ thì chuyện có lợi để cho người ta làm, còn chuyện thiệt thòi thì mình làm, như vậy mới có phước.

Chỗ tổn phước nhất của con người là ở đâu?

Đó chính là chướng ngại của lòng ganh tỵ. Thấy người ta làm việc thiện thì mắt cứ đỏ ngầu, trong lòng thì khó chịu, không những không tùy hỷ khen ngợi mà còn tạt gáo nước lạnh. Tâm địa hẹp hòi như vậy thì tất cả công đức đều không thể thành tựu. Đây chính là chỗ tổn phước khổ sở nhất của chúng sanh.

Hãy thay đổi lòng ganh tỵ đi, khen ngợi người ta hay giỏi được thì anh có phước rồi đấy.

Thế nào là môi trường tâm linh của Phật Pháp?

Thời nay ai cũng nói đến vấn đề bảo vệ môi trường, đó là bảo vệ môi trường theo thế gian mà chưa nói đến bảo vệ môi trường tâm linh. Ba ngàn năm trước Phật Đà đã dạy chúng ta dứt ác, tu thiện, tâm địa nên rộng lượng từ bi, đây mới đích thị là bảo vệ môi trường tâm linh.

Ý nghĩa của sinh mạng là gì?

Con người sinh ra ở đời quan trọng nhất đó chính là đừng có não hại người khác, mà còn phải tích cực làm lợi ích cho người khác, như vậy sinh mạng mới có ý nghĩa.

Làm sao để tích phước và tu phước?

Không làm các chuyện ác chính là tích phước, làm tất cả những việc lành tức là tu phước. Cứ tích phước, tu phước như vậy thì tự nhiên thân tâm được thanh tịnh, phước huệ sẽ rộng lớn.

Quý Vị có giống một người học Phật không?

Khi thấy người sai thì anh phải can ngăn ngay không chần chừ, hãy đem lòng từ bi như Cha Mẹ ra mà dạy dỗ đối phương. Đối với chuyện tốt mà mình biết cũng phải nói cho người ta biết, huống gì là khi người ta hỏi đến thì càng phải chỉ dạy vô điều kiện. Như vậy mới giống người học Phật.

Quý Vị không dám hóa duyên với người phải không?

Hóa duyên với người để cúng dường Tam Bảo, đừng nên nghĩ đây là xin tiền người ta mà không dám mở miệng, đây là tâm phàm phu. Thật ra đây là dùng lòng từ bi, khiến cho người có cơ hội bố thí xả bỏ thiện tài trong cửa Tam Bảo, trồng thiện căn phước đức. Dùng loại tâm này mà đi hóa duyên chính là đạo Bồ Tát.

Làm con cái nếu muốn khiến cho Cha Mẹ không lo lắng, thì phải cố gắng mà hoàn thiện nhân cách. Người Phật Tử chúng ta nếu muốn không làm buồn lòng Đức Phật, thì phải cố gắng mà giữ gìn giới thanh tịnh.

Trích từ: Pháp ngữ của hòa thượng Diệu Liên
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Bảo Thân Tiết Dục Pháp Ngữ, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
2 Liên Trì Cảnh Sách, Thượng Tọa Thích Quảng Ánh Tải Về
3 Pháp Ngữ Của Thiền Sư Hư Vân, Thượng Tọa Thích Hằng Đạt Tải Về
4 Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả Tải Về
5 Liên Tông Bảo Giám, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về
6 Ấn Quang Pháp Sư Gia Đình Giáo Dục Pháp Ngữ, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về

Khuyến Tấn Niệm Phật
Đại Sư Thiện Đạo Đời Đường

Tự Lực và Tha Lực
Đại Sư Thiện Đạo Đời Đường

Tịnh Độ Nghi Biện
Đại Sư Liên Trì

Kệ niệm Phật hạ thủ công phu
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

Bớt Duyên Chuyên Tâm Niệm Phật
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh