Home > Khai Thị Phật Học
Ðiều Thứ Ba Giác Ngộ Rằng Tâm Ta Không Bao Giờ Biết Chán Đối Với Dục Lạc
Đại Sư An Thế Cao | Hòa Thượng Thích Viên Giác, Việt Dịch


I. Chánh Văn

Ðệ tam giác tri
Tâm vô yểm túc
Duy đắc đa cầu
Tăng trưởng tội ác
Bồ Tát bất nhĩ
Thường niệm tri túc
An bần thủ đạo
Duy tuệ thị nghiệp

II. Dịch Nghĩa

Ðiều thứ ba giác ngộ rằng tâm ta không bao giờ biết chán đối với dục lạc, luôn muốn dược nhiều, vì vậy tội ác tăng trưởng. Bậc Bồ Tát thì không như vậy, họ luôn nghĩ đến sự biết đủ, sống an vui thanh đạm để hành đạo, lấy trí tuệ làm sự nghiệp của mình.

III. Giải Thích Nội Dung

1. Như đã trình bày ở Bài trước, dục lạc có vị ngọt, sự hấp dẫn nhưng đồng thời nó cũng có vị đắng, sự nguy hiểm. Sự nguy hiểm ấy chính là không bao giờ thỏa mãn. Vì vậy, không bao giờ người ta biết dừng lại đối với các lạc thú thế tục. Con người luôn tìm kiếm lạc thú, những kích thích mới; nó đẩy con người đi về phía trước một cách mù quáng giống như những con thiêu thân lao vào ánh lửa. Một người đã bị một lạc thú nào đó hấp dẫn, trở thành mục tiêu hay lý tưởng của đời mình, như đối tượng là tiền bạc chẳng hạn, thì lòng họ không bao giờ biết đủ hoặc biết dừng lại. Lòng tham của họ sẽ là "vô đáy", như một guồng máy đã khởi động là không ngừng quay cho đến khi nào bị hư hay hết nhiên liệu, đây là một thực tế tâm lý. Vì vậy tội ác ngày càng nhiều do phải chiếm đoạt cho được mục đích vô tận ấy.

Xu hướng tìm kiếm lạc thú là xu hướng chung của loài người, các loài động vật cũng vậy, đó là bản năng thụ hưởng. Hạnh phúc là từ ngữ văn vẽ của từ lạc thú; hạnh phúc là mục tiêu của đời sống con người. Những quan niệm về hạnh phúc thông thường là chiếm hữu càng nhiều càng tốt các đối tượng dục lạc, thỏa mãn nhu cầu lạc thú của các giác quan mà trong kinh gọi là dục lạc, phàm phu lạc. Vì nhu cầu hưởng thụ là bản năng nên nó không tự dừng lại được. Có người đọc câu "Nghĩ đến thân thể đừng cầu không tật bệnh. Vì không tật bệnh thì tham dục dễ sanh", ở trong luận Bảo Vương Tam Muội, người ấy cho rằng đối trị tham dục bằng cách cứ để cho tật bệnh rề rề như vậy không cần chữa chạy dứt điểm. Họ quên rằng dù bệnh nặng tham dục vẫn tồn tại, chẳng qua "lực bất tòng tâm" mà thôi.

Làm sao dừng lại được lòng tham dục? Phải nỗ lực tu tập, phải "rèn luyện" mà thôi. Kinh Trung Bộ đưa ra công thức: "Nhàm chán đưa đến ly tham, ly tham đưa đến đoạn diệt, đoạn diệt đưa đến Niết Bàn". Vậy để dừng lại tham dục phải có thái độ nhàm chán. Bằng cách nào để được nhàm chán? Ðể giải quyết vấn đề, Ðạo Phật đưa ra tám vạn bốn ngàn pháp môn. Do vậy, có người cho rằng Ðạo Phật là đạo diệt dục, khô khan. Ðạo Phật chủ trương diệt dục nhưng dục ở đây là tham dục, dục vọng vị kỷ không phải dục hướng thượng, thiện dục hay pháp dục. Vấn đề nhàm chán trước hết tùy thuộc vào năng lực quán chiếu, thấy rõ bản chất của dục, sự nguy hiểm và không đáng kể về giá trị của chúng, một số phương pháp cụ thể được đưa ra ở trong kinh Nhất Thiết Lậu Hoặc, An Trú Tầm... nhờ quán thấy rõ mà đoạn trừ mầm móng tư duy bất thiện: Dục, sân, si. Sau đó là sự gần gũi, tu tập trong chánh pháp phát triển xu hướng ngược lại của thói thường như trong kinh văn gọi là "Thường niệm tri túc".

2. Vì biết rõ sự nguy hiểm của dục lạc và lòng ham muốn vô tận là cội nguồn sanh tử nên các bậc Bồ tát không nghĩ, không làm theo thói thường của phàm phu mà làm ngược lại. Bồ tát là chữ viết tắt của Bồ Ðề Tát Ðỏa (Bodhisattva). Nghĩa là chúng sanh giác ngộ (Bodhi: sự giác ngộ, trí tuệ, sattva: chúng sanh). Người giác ngộ gọi là Bồ tát (Hữu tình giác) và làm cho chúng sanh giác ngộ gọi là Bồ tát (Giác hữu tình). Bồ tát là người giác ngộ nên thấy rõ qui luật của hạnh phúc và khổ đau rằng tham muốn nhiều thì tội ác tăng trưởng, khổ đau có mặt; ít ham muốn, biết đủ thì trí tuệ tăng trưởng, hạnh phúc có mặt...

Người biết đủ là biết hài lòng với những gì mình có được, đó là hạnh phúc và giàu có nhất trên cõi đời nầy. Người giàu có là người thỏa mãn sung sướng. Ngược lại người nghèo là người luôn thiếu thốn, khao khát, người không biết đủ luôn luôn thiếu thốn khao khát, luôn tìm kiếm nên họ là người nghèo, cho dù tài sản của họ nhiều đến đâu đi nữa. Giàu hay nghèo, thiếu hay đủ, chỉ trong một ý niệm mà thôi. Trong kinh Di Giáo Phật dạy: "Tri túc giả tuy ngọa địa thượng do vi lạc, bất tri túc giả tuy xử thiên đường diệc bất xứng ý" (Người biết đủ dù nằm ở trên đất cũng thấy an lạc, còn người không biết đủ dù được ở thiên đường cũng không vừa ý).

Người giác ngộ (Bồ tát) hay là người Phật tử không có nghĩa là người hoàn toàn vô dục, vô cầu. Vô dục, vô cầu là đối với dục lạc phàm phu vị kỷ, tác hại đưa đến đau khổ.Người Phật tử hướng tâm mong cầu của mình về tha nhân và về pháp mà kinh Trung Bộ gọi là Thánh cầu (Dhamma chanda) kinh văn nầy gọi là Duy Tuệ Thị Nghiệp. Kinh Thánh Cầu, Phật dạy: "Cầu cái không sanh, không già, không bệnh, không chết, không sầu, không ô nhiễm". Ðó là sự mong cầu của Bồ tát hay của các bậc Thánh nhân, các đệ tử của Ðức Phật.

Tại sao tu hành là: "An bần thủ đạo"? Phải chăng đạo Phật muốn bần cùng hóa xã hội nhân sinh? Dĩ nhiên là không. Mục tiêu của đạo Phật là đời sống an lạc và hạnh phúc chân thật chứ không phải là đời sống giàu hay nghèo. Chấp thủ vào, bám víu vào những cái gì mà bản chất chúng là vô thường, vô ngã thì chắc chắn sẽ gặt hái khổ đau. Lòng tham là đầu mối của các bám víu, vướng mắc như vậy, cho nên rũ bỏ đi lòng tham vô độ thì đời sống của ta và của người mới nhẹ nhàng, thanh thản, mới có hạnh phúc. Vậy một người nghèo mà tham đắm nhiều thì sẽ khổ vô cùng, còn một người giàu mà ít tham đắm thì vẫn hạnh phúc, thanh thản như thường.

Mặt khác sống đạm bạc để hành đạo dễ hơn là sống với nhu cầu hưởng thụ cao."Giàu sang học đạo là khó" (Kinh Tứ Thập Nhị Chương). Thật vậy, khi mình có quá nhiều nhu cầu không chán thì phải hướng tâm tìm kiếm, phải đầu tư ý chí, tình cảm, sức khỏe, trí khôn và thời gian để đạt được những gì mình cầu mong. Như vậy, con người ta bị nô lệ cho dục vọng, bị cuốn hút vào hướng đi và mục tiêu vô bổ. Trái lại, biết tri túc an phận thanh bần để có thì giờ, sức lực, ý chí làm giàu đời sống tâm linh, đời sống trí tuệ. Hướng đời mình vào hướng đi thánh thiện và siêu thoát, chỉ có trí tuệ mới đáp ứng cho nhu cầu và hướng đi ấy nên gọi là Duy Tuệ Thị Nghiệp.

IV. Kết Luận

Có hai con đường mà ta phải chọn lựa: Một là lao đầu vào đời sống thế tục tìm kiếm lạc thú và đương nhiên hưởng thụ cả đau khổ, con đường đó được làm bằng dục vọng và tội lỗi. Hai là con đường xuất thế siêu thoát lên trên mọi cám dỗ dục lạc, thành tựu những an lạc siêu thế, chấm dứt khổ đau, con đường nầy được làm bằng tri túc và trí tuệ, đấy là con đường của đệ tử xuất gia, của người tu sĩ Phật giáo, đây là con đường của người cư sĩ thực hành Bồ tát hạnh.