Home > Khai Thị Phật Học
Hiểu Rõ Bản Thân Là Tiền Đề Trưởng Thành
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Khuyết Danh, Việt Dịch


Từ việc khẳng định, thăng hoa cho mình, đến giai đoạn hòa mình vào cái tôi chung của mọi người, chính là quá trình thay đổi chuyển hóa từ ngã đến vô ngã. Nếu chưa tự khẳng định bản thân, bạn sẽ không bao giờ đạt đến cảnh giới vô ngã. Vì thế, tu tập là quá trình đi từ khẳng định cái tôi đến thể nhập vô ngã.

Vậy khẳng định bản thân ở đây đồng nghĩa với việc tự nhận biết khả năng có thể đạt được của mình. Bất luận là hành động hiện tại hay quá khứ, chúng ta đều có trách nhiệm với chúng. Với tương lai, cũng nên vạch kế hoạch và định hướng cho mình.

Như vậy, cái tôi ở đây là gì? Cái tôi bao gồm tất cả hành động từ quá khứ đến hiện tại, từ hiện tại đến tương lai, trong đó bạn cần lấy giây phút hiện tại, giây phút đang là của bạn làm xuất phát điểm. Theo lẽ đó, tự ngã tức là tất cả hành động của mình trong quá khứ, hiện tại và cả trong tương lai. Ở đây nảy sinh thêm vấn đề nữa là quá khứ, hiện tại, tương lai là gì? Nhìn từ góc độ thời gian, thì phạm trù quá khứ có thể là năm vừa rồi, cũng có thể là đời trước, cũng có thể là một kiếp nào đó trong quá khứ vô tận. Hiện tại có thể được xem là cuộc đời này, kiếp này, cũng có thể là trong tháng, trong năm, trong giờ khắc này. Tương lai cũng có thể được hiểu tương tự. Lấy giây phút hiện tại làm cơ sở xuất phát điểm của quá khứ vô cùng, tương lai vô tận, bản thân mình nhất định phải từng giờ từng phút ý thức trách nhiệm của mình. Trách nhiệm và nghĩa vụ chỉ được hình thành khi nào chúng ta xây dựng mối quan hệ giữa mình với người khác, cũng từ đó mới có sự tồn tại và giá trị của bản thân. Xét trong phương diện tuyệt đối, thì dù chỉ mình mình đối diện với mình, chúng ta cũng cần có tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ đối với chính mình. Vì thế, chúng ta cần lấy giây phút hiện tại là cơ sở, làm xuất phát điểm cho mình, có tinh thần trách nhiệm với mình, với người, đồng nghĩa với việc mình đang chịu trách nhiệm về nguyên nhân và kết quả chính mình tạo nên. Chấp nhận nhân mình tạo, chấp nhận quả mình gặt, khi đó bạn sẽ hiểu rằng “giao nhân nào sẽ gặp quả đấy”, vì vậy việc nỗ lực làm điều thiện, cố gắng bỏ điều ác chính là thể hiện chính xác nhất của tinh thần trách nhiệm.

Có tinh thần trách nhiệm với bản thân, bạn sẽ ý thức tầm quan trọng của sự tự kiềm chế hành vi lời nói mình, giúp bạn vượt qua những cám dỗ của môi trường. Nếu trước đây nghiện thuốc lá, giờ bạn ý thức về trách nhiệm của mình trước thói quen đó, bạn từ bỏ thuốc, nhất định bạn sẽ cảm thấy khó chịu khi cơn nghiện trỗi dậy, lúc đó bạn cần biết tự khống chế bản thân.

Niềm vui sướng đam mê đối với năm thứ, ăn ngon, ngủ tốt, danh vọng, tiền tài, sắc dục, như năm thứ xiềng xích trói buộc con người. Thậm chí có người vì chúng mà phải vào vòng lao lý, vì thế, bạn cần tự biết khống chế, bạn phải tự hỏi “có nên làm hay không”, từ đó bạn mới làm chủ bản thân, chế ngự tham muốn bất chính của mình.

Nhưng không phải ai cũng hiểu rõ chính mình, thậm chí có lúc làm sai còn không biết mình đang làm sai, nói sai không hay mình nói, có quan niệm sai vẫn không hay biết… Sự ngoan cố, chấp trước không phải là sự tự khẳng định bản thân dựa trên phủ nhận người khác. Nếu bạn đuổi người khác đi, thì họ sẽ dùng chính hành vi đó để đối lại với mình. Khi bạn phủ nhận người khác, thì họ cũng sẽ làm thế với bạn. Cuối cùng, chính bạn là “hung thủ” tự cô lập mình. Cách khẳng định cái tôi như thế không những không có tác dụng, ngược lại còn là hành động tự đào hố chôn thân.

Vì thế, song song với việc tự khẳng định, yêu cầu bản phải hiểu rõ bản thân, tự phát hiện khuyết điểm. Tự xét mình xem có những điểm nào chưa tốt, có ý nghĩ gì không đúng? Khuyết điểm và quan niệm sai lầm không đáng sợ như ta tưởng, điều đáng sợ nhất là mình không biết chúng tốt hay xấu. Một khi biết chúng không tốt, bất lợi cho mình, bạn phải nỗ lực sửa đổi, sửa xấu thành tốt, sửa ác thành thiện, đấy mới là sự khẳng định cái tôi chính đáng, đúng đắn.

Nhưng ý nghĩ của chúng ta là thất thường vô định, thay đổi lăng xăng không dễ gì khống chế. Lúc không nên nghĩ đến lại nói, không nên làm lại làm. Sở dĩ như vậy, do tập quán xấu của chúng ta quá nặng nề, đồng thời, nó còn là biểu hiện tự nhiên của những phiền muộn trong lòng.

Vì thế, thường ngày chúng ta cần phải sửa đổi điều xấu, làm những việc tốt như niệm Phật, tụng kinh, ngồi thiền…

Thông thường, khi chúng ta không tu tập, sẽ không biết phiền não thực ra chỉ là sự suy nghĩ phiền nhiễu, lung tung.

Khi tụng kinh, niệm Phật, sẽ phát hiện phiền não bất quá chỉ là vọng niệm ảo tưởng xa xôi. Vọng niệm kia thường xuất hiện trong khi chúng ta tu tập. Nhờ tu tập, chúng ta đủ sức quán sát, sau khi quán sát, tự nhiên sẽ có phương pháp sửa đổi thích hợp, đây chính là quá trình tự khẳng định mình.

Điểm cần lưu ý trong việc tự khẳng định mình, phải là khẳng định ưu điểm, khẳng định mặt tốt, mặt tích cực của mình, khẳng định mình có khuyết điểm, sau khi khẳng định ưu điểm, thừa nhận khuyết điểm bạn sẽ tự trưởng thành.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Hiểu Rõ Bản Thân Là Tiền Đề Trưởng Thành