Home > Khai Thị Phật Học
Có Đoàn Viên, Ly Hợp Mới Trưởng Thành
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Thich Quang Định, Việt Dịch


Tục ngữ có câu “trời còn trẻ lắm vì chưa thấu tình” (nguyên văn là: trời có tình, trời cũng già), điều đó muốn nói rằng tình thân, tình yêu, tình bạn mang lại sự ấm áp cho chúng ta, thế nhưng vẫn mang mầm mống đau khổ, nhất là khi phải đối diện với sinh li tử biệt. Vì thế, có người cho rằng chỉ cần cắt đứt tình cảm với mọi người thì không còn khổ vì nó nữa. Nhưng như đức Phật nói, chúng sinh là loài “hữu tình” (có tình cảm), chúng ta là chúng sinh làm sao tránh được tình cảm? Mạng sống của chính mình là cái mà chúng sinh yêu quý nhất, sau đó mới đến những người, sự việc và sự vật liên quan đến mình. Tình thân tượng trưng cho sự kéo dài của sự sống con người, vì con cái là hóa thân của bố mẹ. Tình yêu cũng thế, nhờ có sự kết hợp giữa nam nữ mới có con cháu đời sau nên nói tình yêu là sự nối dài của sự sống. Tình bạn bè tuy không liên quan trực tiếp đến sự sống của mình nhưng người sống trong đời ai không có bạn?

Bạn bè là người chia sẻ buồn vui, làm đời sống thêm thú vị, là một trong những suối nguồn của đời sống tinh thần nên tình bạn cũng góp phần rất quan trọng trong cuộc sống con người.

Tình yêu nam nữ có liên quan mật thiết đến sự sống con người, nhờ có tình cảm này mới có con người, đấy là sự thực không thể phủ nhận. Nếu chúng ta phủ định hoặc cắt đứt hẳn thứ tình cảm này, thực sự không hợp với quy chuẩn đạo đức thế gian, không hợp với đạo lí làm người. Xét theo quan điểm Phật giáo, bất luận là tình thân, tình yêu hay tình bạn đều do duyên sinh, có nhân có duyên mới khiến mọi người sống chung, gần gũi, hợp tác với nhau. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rõ rằng, nhân duyên tụ tán là lẽ tất yếu của tự nhiên, như chúng ta thường nghe nói “sông có khúc, người có lúc” hay “trăng có khi tròn khi khuyết, người có lúc tụ lúc tan”. Như thế đủ thấy rằng, sống chết, hợp tan đều là lẽ tự nhiên của trời đất.

Sum họp, chia lìa đã là sự thực tất yếu thì chẳng có lí do gì khiến chúng ta phải đau khổ cả. Giáo lí Phật giáo dạy chúng ta nên giữ tâm mình ở mức bình thường, vì “bình thường tâm thị đạo" (tâm bình thường chính là đạo). Nhờ có tâm đó mà khi sum họp ta không quá vui mừng, khi chia lìa ta không quá đau khổ. Hơn nữa, người ta sống trong đời phải có lúc tụ lúc tan, phải trải qua tất cả khổ đau của đời mới mong tiến bộ, trưởng thành. Nếu cuộc đời cứ phẳng lặng, đứng yên bất động thì chúng ta mãi mãi dừng lại tại một điểm cố định, không thể tiến bộ được. Ví dụ, hôm nay quen biết người này, ngày mai lại quen người khác, nhờ thế chúng ta mở rộng thêm mối giao du với mọi người, mở rộng mặt bằng giao tiếp. Thế nên, hợp tan trong đời là sức mạnh giúp chúng ta trưởng thành, vì nhờ mở rộng giao lưu với mọi người mà kiến thức sống phong phú hơn, đa dạng hơn, quả thực đấy là điều rất tốt. Vả lại, hợp tan thể hiện lẽ vô thường, không thể hợp mãi cũng không thể tan mãi. Hơn nữa, với sự phát triển của các phương tiện kĩ thuật hiện đại, chúng ta có thể liên lạc với nhau dễ dàng qua điện thoại, mạng toàn cầu, ... dù cách nhau bao xa cũng có thể nói chuyện trực tiếp, thấy mặt nhau được. Hơn nữa, con người thường chú trọng sự giao lưu về mặt tinh thần nên tuy không ở gần nhau được nhưng vẫn có thể thông tin, thăm hỏi nhau. Do đó, chuyện hợp tan đã không còn khổ như xưa nữa. Chia cách nhau sở dĩ làm cho người ta đau khổ bắt nguồn từ tâm lí chấp chặt, muốn người mình yêu thương mãi mãi bên ta. Vì thế, chỉ cần chúng ta thay đổi cách nhìn, thay đổi quan điểm, lấy tâm bình thường để ứng phó với tụ tán, li hợp bất thường trong cuộc sống, đồng thời phải nắm bắt cơ hội trưởng thành trong tan hợp hợp tan, chúng ta mới không còn bị yêu thương chia lìa làm đau khổ.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Có Đoàn Viên, Ly Hợp Mới Trưởng Thành