Quá Trình Tu Tập Của Đại Thừa
Cư Sĩ Phương Luân | Dịch Giả :Cư Sĩ Hạnh Cơ

Tầng bậc tu tập của hàng tiểu thừa, chỉ lấy quả vị A la hán hay Bích chi Phật làm điểm cuối cùng – ở quả vị A la hán, đã được gọi là bậc “vô học”1(1). Nhưng điểm cuối cùng mà hàng đại thừa nhắm đến, là quả vị Phật; dưới Phật là bậc Đẳng giác, vẫn còn là “hữu học”(2), chỉ có Phật mới là bậc “vô học”. Luận về thời gian, quả vị Thanh văn, dài nhất cũng chỉ có sáu mươi kiếp; quả vị Duyên giác, dài nhất cũng chỉ một trăm kiếp; nhưng quả vị Phật thì phải kéo dài đến ba đại a tăng kì kiếp. Vì có sự khác nhau giữa đại và tiểu thừa như vậy, cho nên tầng bậc lập ra cũng theo đó mà không giống nhau.

Các pháp hạnh(3) thanh tịnh của đại thừa, từ địa vị phàm phu cho đến địa vị thánh nhân, được lập thành năm mươi hai bậc, gồm: mười bậc Tín(4), mười bậc Trụ(5), mười bậc Hạnh(6), mười bậc Hồi hướng(7), mười bậc Địa(8), bậc Đẳnggiác(9), và bậc Diệu giác(10). Mười bậc Tín là do tách ra từ bậc Phát tâm trụ (bậc đầu tiên của mười bậc Trụ) mà thành lập; cho nên, nếu đem mười bậc Tín này, thu vào lại trong bậc Phát tâm trụ, thì chỉ có bốn mươi hai bậc; trong đó, ba cấp Mườitrụ, Mười hạnh và Mười hồi hướng, được gọi chung là địa vị Ba hiền – chỉ được kể là địa vị Tư lương(11); đến cấp Mười địa, gọi là Mười thánh(12), mới là địa vị

Tu tập(13).

Giữa hai địa vị Ba hiền và Mười thánh, còn phải trải qua địa vị Bốn giahạnh(14), gọi là chuẩn bị để tiến vào bậc Sơ địa. Ở địa vị Bốn gia hạnh này, hành giả tu tập bốn phép quán “tầm tư”(15) để đạt được bốn trí như thật. Bốn tầm tư là: 1) Danh tầm tư: Suy tìm tất cả tên gọi của các pháp, hết thảy đều không thật. 2) Sự tầm tư: Suy tìm hiện tượng của năm ấm v.v..., đều là tướng phần biến hiện, trông giống như vậy trên tâm thức, đều do nhân duyên hợp thành, lìa thức thì không có; chúng vốn không có tự tánh. 3) Tự tánh giả lập tầm tư: Bất luận là tự tánh của tên gọi, hay tự tánh của sự tướng, tính độc lập của chúng đều không thể tìm được. 4) Sai biệt giả lập tầm tư: Suy tìm các tướng sai biệt của tên gọi hoặc hiện tượng các pháp, cũng đều do sự giả hợp mà có, hoàn toàn không chân thật. Hành giả đối với bốn pháp này, tìm cầu suy xét, thảy đều giả có, không thật, gọi là “bốn phép quán tầm tư”. Do phép quán suy tìm này làm nhân mà phát sinh trí quyết định, ấn chứng, không những biết rõ bốn pháp danh, sự v.v..., sở duyên sở thủ(16) chỉ là do tự tâm biến hiện, là giả có, không chân thật; mà còn biết rõ cả bốn pháp danh, sự v.v..., năng duyên năng thủ(17) cũng chỉ là giả có, không chân thật. Đó gọi là bốn phép quán như thật, hoặc bốn trí như thật(18). “Như thật” nghĩa là đúng như thật tánh chân như của nó, rốt ráo không(19).

Tu tập bốn phép quán tầm tư trên đây, và bốn trí như thật, đồng thời phải trải qua bốn bậc của địa vị Bốn thiện căn: Noãn, Đảnh, Nhẫn, và Thế đệ nhất. Ở đây, sự giải thích về bốn loại thiện căn cũng khác với tiểu thừa: Lấy trí giác của Phật dùng làm tâm mình, như lửa sắp cháy, gọi là bậc “Noãn”; do tâm mình thành Phật, như lên núi cao, thân nhập vào hư không, ở dưới có chút chướng ngại nhỏ, gọi là bậc “Đảnh”; chấp nhận và giữ lấy cảnh giới “vô sở thủ”(20), thuận nhẫn(21) tâm thức vô sở thủ, gọi là bậc “Nhẫn”; bậc Noãn lấy trí giác của Phật làm tâm mình, bậc Đảnh lấy tâm mình làm cảnh giới của Phật, bậc Nhẫn thì trí giác ở trung đạo. Từ đó lại tiến thêm, thì mê và giác đều không còn, không có ý niệm về trung đạo hay hai bên, tuy chưa đến được địa vị Kiến đạo(22) ở Sơ địa của xuất thế gian, nhưng chắc chắn đã đến nơi biên cương cuối cùng của cõi thế; dù vẫn còn thuộc trong vòng hữu lậu, nhưng đã đứng ở điểm tột cùng của thế gian, gọi là bậc “Thếđệ nhất”.

Trong bốn bậc Noãn, Đảnh, Nhẫn, và Thế đệ nhất, hai bậc đầu tu tập bốn phép quán tầm tư, quán sở thủ là không; hai bậc sau tu tập bốn trí như thật, quán cả năng thủ và sở thủ đều không. Nay xin đem năm địa vị(23) tu tập do tông Pháp Tướng thành lập, làm thành đồ biểu sau đây:




CHÚ THÍCH

01. Xin xem lại chú thích số 5, bài 18, sách Sơ Cấp Giáo Bản.

02. A tăng kì: cũng nói tắt là “tăng kì”, dịch ra Hán ngữ là vô số, hay vô ương số. Nếu lấy một vạn vạn tính làm một ức, một vạn ức tính làm một triệu, thì một a tăng kì bằng một ngàn vạn vạn vạn vạn vạn vạn vạn vạn triệu.

03. Trong năm mươi hai bậc tu tập hạnh Bồ tát, mười bậc đầu tiên tức là cấp Mười tín; nhân vì, muốn vào biển Phật giáo, tu tập vô lượng pháp môn, thì phải lấy lòng tin làm đầu. 1) Tín tâm: Tâm cùng với lí hòa hợp, xác thiết không dời đổi, diệt tất cả vọng tưởng, gọi là Tín tâm. 2) Niệm tâm: Tuy ở trong vô số kiếp, từng bỏ thân này thọ thân khác, nhưng đối với một niệm hiện tiền này, nhất định không quên mất, gọi là Niệm tâm. 3) Tinh tấn tâm: Không xen lộn gọi là “tinh”, không lùi gọi là “tấn”; tiến mãi đến chỗ chân tịnh, gọi là Tinh tấn tâm. 4) Tuệ tâm: Tâm thuần thục, hành động cẩn thận, trí tuệ tự phát sinh, gọi là Tuệ tâm. 5) Định tâm: Tất cả loạn tưởng đều tan biến, tâm thể lắng trong, gọi là Định tâm. 6) Bất thối tâm: Ánh sáng định bừng phát, tiến tu không lười biếng, thâm nhập tự tánh, gọi là Bất thối tâm. 7) Hộ pháp tâm: Tiến tới chỗ công phu thuần thục, bảo trì không để mất, được cùng với thân phận các đức Như Lai trong mười phương giao tiếp nhau, gọi là Hộ pháp tâm. 8) Hồi hướng tâm: Do sức bảo trì công phu tu tập mà được giao tiếp với hào quang chư Phật, gọi là Hồi hướng tâm. 9) Giới tâm: An trụ trong tịnh giới, tâm sáng tỏ thường xuyên lắng đọng, gọi là Giới tâm. 10) Nguyện tâm: Du hành khắp mười phương, giáo hóa chúng sinh, làm cho ý nguyện của họ đều được thỏa mãn, gọi là Nguyện tâm.

04. Lòng tin đã vững, đã trụ vào đất Phật, cho nên gọi là cấp Mười trụ. Lại nữa, nhân phát khởi tâm lớn, tiến vào đạo pháp nhiệm mầu, cho nên mười Trụ cũng được gọi là mười Phát thú. 1) Phát tâm trụ: Do phương tiện chân chính, nhờ công dụng của mười lòng tin mà viên thành tâm chuyên nhất, gọi là Phát tâm trụ. 2) Trì địa trụ: Lấy diệu tâm ở trước làm chỗ nương tựa vững vàng như đất, thì tất cả đều được an định, gọi là Trì địa trụ”. 3) Tu hành trụ: Những gì tâm biết được, đều rất rõ ràng, tu khắp các hạnh mà không bị trở ngại, gọi là Tu hành trụ. 4) Sinh quí trụ: Khế hợp diệu lí một cách sâu thẳm, hành động giống như Phật, cùng Phật cảm thông, trở thành dòng giống Như Lai, gọi là Sinh quí trụ. 5) Phương tiện cụ túc trụ: Lợi mình và lợi người, mọi phương tiện đều đầy đủ, gọi là Phương tiện cụ túc trụ. 6) Chánh tâm trụ: Tâm niệm giống như Phật, chỉ thuần chân chính, gọi là Chánh tâm trụ. 7) Bất thối trụ: Thân tâm tăng trưởng, không thối lui, không khiếm khuyết, gọi là Bất thối trụ. 8) Đồng chân trụ: Linh tướng, mười thân của Phật, trong một lúc mà đầy đủ tất cả, như đồng tử đáng quí trọng, gọi là Đồng chân trụ. 9) Pháp vương tử trụ: Nuôi lớn thánh thai, tiếp nối và phát huy dòng giống thánh, có thể làm người con của đấng Pháp Vương, gọi là Pháp vương tử trụ. 10) Quán đảnh trụ: Bồ tát đã là con Phật, thì Phật tất dùng nước trí tuệ rảy lên đầu, tỏ ý cho biết là đã “thành người”, gọi là Quán đảnh trụ.

05. Bồ tát trải qua hai cấp Mười tín và Mười trụ, đã trở thành con Phật, phần tự lợi đã đầy đủ, vậy phải nuôi lớn những công hạnh lợi tha, đó là cấp Mười hạnh, cũng gọi là mười trưởng dưỡng. 1) Tùy thuận chúng sinh, hoan hỉ theo các công đức mà chúng sinh tích lũy được, gọi là Hoan hỉ hạnh. 2) Đem lại lợi ích dồi dào cho chúng sinh, làm cho họ hưởng được nhiều lợi lạc trong giáo pháp, gọi là Nhiêu ích hạnh. 3) Đối xử với chúng sinh bằng tâm bình đẳng, không để ý tới lỗi lầm của họ, gọi là Vô sân hận hạnh. 4) Mười phương ba đời, hóa thân vô tận, gọi là Vô tận hạnh. 5) Tỏ ngộ các pháp môn, không còn chỗ nào nhầm lẫn, gọi là Li si loạn hạnh. 6) Đã không còn sai lầm thì các tướng trạng hiện rõ, khác nhau và giống nhau đều viên dung, gọi là Thiện hiện hạnh. 7) Mười phương hư không đầy ắp vi trần, trong mỗi vi trần hiện rõ mười phương thế giới; vi trần và thế giới giao tiếp hiển hiện, không ngăn ngại nhau, gọi là Vô trước hạnh. 8) Do duyên với trí bát nhã mà thành tựu hạnh không chấp trước, cho nên, trong sáu pháp qua bờ (lục độ), đặc biệt tôn trọng pháp trí tuệ, gọi là Tôn trọng hạnh. 9) Trong trí tuệ quán chiếu vi diệu, hiển lộ đức viên dung, nhập vào khuôn phép chánh pháp, gọi là Thiện pháp hạnh. 10) Đức và tướng đều viên dung, thanh tịnh vô lậu, tính chân vô vi khế hợp nhiệm mầu với thể chân thật, gọi là Chân thật hạnh.

06. Đem tâm đại bi cứu hộ tất cả chúng sinh, gọi là “hồi hướng”. Hai địa vị Trụ và Hạnh ở trước, tâm xuất tục thì nhiều, mà tâm đại bi còn ít; đến địa vị Hồi hướng này, đem bi nguyện cứu giúp chúng sinh, ở nơi thế tục mà làm lợi ích cho chúng sinh, đem các hạnh lành chuyển đến muôn loài. 1) Hóa độ chúng sinh mà xa lìa cái tướng chúng sinh, đem tâm vô vi hướng đến đạo quả niết bàn, gọi là Cứu hộ nhất thiết chúng sinh, li chúng sinh tướng hồi hướng. 2) Hiển lộ lí trung đạo, qui về bản giác, chứng nhập pháp thân, không sức gì phá hoại được, gọi là Bất hoại hồi hướng. 3) Lí tính của bản giác vắng lặng thường trú, trí tuệ giác ngộ đồng với chư Phật, gọi là Đẳng nhất thiết Phật hồi hướng. 4) Trí giác tròn đầy, trùm khắp mọi nơi, gọi là Chí nhất thiết xứ hồi hướng. 5) Tất cả thế giới, qua hằng sa cõi Phật, tự tánh công đức lớp lớp không cùng tận, gọi là Vô tận công đức tạng hồi hướng. 6) Ở các cõi Phật, nương nơi nhân mà đạt đến quả, giữ lấy đạo quả niết bàn, gọi là Tùy thuận bình đẳng thiện căn hồi hướng. 7) Mười phương chúng sinh đều có đủ tính ngã, thân phận vốn cùng bình đẳng, không có cao thấp, gọi là Tùy thuận đẳng quán nhất thiết chúng sinh hồi hướng. 8) “Tức” tất cả pháp, “li” tất cả tướng, các pháp là duyên sinh, không có tự tánh, bản thể tức chân như, gọi là Chân như tướng hồi hướng. 9) Các pháp vốn không, tâm không vướng mắc, ở trong khoảng giữa căn và trần mà đạt được giải thoát, gọi là Vô phược vô trước giải thoát hồi hướng. 10) Biển tính viên thành, tâm bằng với pháp giới, hàm nhiếp cùng khắp, lượng bằng với hư không, gọi là Đẳng pháp giới vô lượng hồi hướng.

07. Về mười Địa của Bồ tát, xin xem lại bài 14, sách Sơ Cấp Giáo Bản.

08. Trong 52 thứ bậc của đại thừa, hàng Bồ tát ở bậc thứ 51 được gọi là “Đẳng giác”, nghĩa là ngang bằng với bậc Diệu giác (tức quả Phật). Cho nên, nếu quay nhìn về Địa thứ 10 là Pháp vân, đã có thể xưng là “Phật”; nếu nhìn lên địa vị Phật, thì vẫn còn cách một khoảng, chỉ được gọi là “Bồ tát Kimcang tâm”, hoặc “Bồ tát Vô cấu tạng”.

09. Địa vị Phật, ba sự giác ngộ đã viên mãn, không thể nghĩ bàn, cho nên gọi là bậc “Diệu giác”.

10. Xin xem lại chú thích số 1, bài 34, sách Sơ Cấp Giáo Bản.

11. Lúc chuẩn bị để tiến vào địa vị Tu đạo, phải cố sức tu tập thêm một đoạn nữa, gọi là “gia hạnh”.

12. Tông Pháp Tướng là một trong tám tông phái đại thừa, nói rõ cái lí lẽ “vạn pháp duy thức”, cho nên cũng gọi là tông Duy Thức.

13. Bồ tát tu tập hoàn mãn các pháp hạnh của vô số kiếp thứ nhất, mới bước lên bậc Sơ địa. Ở trong tâm “nhập” của bậc Sơ địa (mỗi một Địa đều có ba tâm: nhập, trụ và xuất) đó, đã thông đạt phần ít về nghĩa lí “ngã pháp hai không”, thể hội chân như, chợt thấy lí trung đạo, cho nên gọi là địa vị “Thông đạt”, cũng gọi là địa vị “Kiến đạo”.


PHỤ CHÚ

(01) Vô học: “Vô học” là đối lại với “hữu học”. Hành giả đã thông đạt cùng cực chân lí, không còn pháp nào để học nữa, cũng không còn thứ mê hoặc nào để đoạn trừ nữa, gọi là bậc Vô học; đó tức là quả vị A la hán của Thanh văn thừa, hay quả vị Độc giác của Duyên giác thừa, hoặc quả vị Diệu giác (Phật) của Bồ tát thừa. Riêng về quả vị A la hán, kinh Trung A Hàm chia ra có chín hạng Vô học khác nhau: 1) Hạng Thối pháp: Nếu bị bệnh tật hoặc một sự duyên nào khác, vị đó đã để cho thối thất quả vị mà mình đã chứng được; đó là hạng có căn tính trì độn nhất trong hàng A la hán. 2) Hạng Tư pháp: Vì sợ quả vị mình đã chứng đắc có thể bị thối thất, nên vị A la hán đó đã tự sát để bảo tồn chỗ sở đắc. 3) Hạng Hộ pháp: Luôn luôn phòng hộ giáo pháp mình đã chứng đắc, không để thối thất; nếu lơ là việc phòng hộ thì lập tức có mối lo sợ về sự thối thất. 4) Hạng An trú pháp: Nếu không có chướng duyên đặc biệt thì không thối thất; và nếu không có công hạnh gia tăng đặc biệt nào thì không chuyển đổi sang chủng tánh ưu việt hơn. 5) Hạng Kham đạt pháp: Không ngừng tu tập, tôi luyện thêm căn trí để chóng đạt được chủng tánh “bất động”. 6) Hạng Bất động pháp. 7) Hạng Bất thối pháp: Hai hạng Bất động pháp và Bất thối pháp này có căn trí bén nhạy nhất, đoạn diệt tất cả mọi loại phiền não, đạt được tận trí và vô sinh trí. – Trong hai hạng đó, do tu hành và tôi luyện căn trí làm nhân mà đạt được tận trí và vô sinh trí, gọi là “bất động”; nương nơi chủng tính vốn có xưa nay, gọi là “bất thối”. Bất động cũng tức là không để cho các thứ định đã chứng đắc bị hủy hoại; bất thối cũng tức là không để cho các thứ công đức bị thối thất. 8) Hạng Tuệ giải thoát: Dứt sạch các phiền não làm chướng ngại trí tuệ, ở nơi trí tuệ mà được tự tại. 9) Hạng Câu giải thoát: Dứt sạch các chướng ngại của định và tuệ, đoạn trừ cả cái trí biết về nhiễm ô, đạt được diệt tận định, ở nơi định và tuệ mà được tự tại. – Trong chín hạng Vô học trên, bảy hạng đầu là căn cứ theo căn tính trì trệ hay nhạy bén mà phân chia; hai hạng sau là căn cứ nơi mức độ dứt trừ phiền não chướng ngại mà phân chia. Mặt khác, trong bộ luận Thành Thật, tên của chín hạng trên được gọi (theo thứ tự tương đương) là: 1) Thối tướng, 2) Tử tướng, 3) Thủ tướng, 4) Trụ tướng, 5) Khả tấntướng, 6) Bất hoại tướng, 7) Bất thối tướng, 8) Tuệ giải thoát tướng, 9) Câu giải thoát tướng. Lại nữa, cả chín hạng trên đều thuộc quả vị A la hán, nên cũng được gọi là “chín hạng A la hán” (cửu chủng Ala hán). – Trong khi đó, theo luận Câu Xá, trong chín hạng Vô học trên, chỉ bảy hạng đầu là thuộc quả vị A la hán (của Thanh văn thừa), còn hạng thứ tám được kể là Độc giác (của Duyên giác thừa), và hạng thứ chín là Phật (của Bồ tát thừa).

(02) Hữu học: Đối lại với bậc Vô học là bậc Hữu học. Đệ tử Phật, tuy đã hiểu biết Phật pháp, nhưng phiền não chưa trừ, cho nên còn phải gắng công tu học các pháp giới, định, tuệ, v.v... để đoạn trừ phiền não, chứng quả lậu tận. Vì còn có pháp môn để tu học và còn phải nỗ lực tu học, cho nên gọi là “hữu học”. Các hành giả chứng nhập bốn hướng bốn quả (xin xem phụ chú số 25 ở sau) của Thanh văn thừa đều đã là thánh nhân, nhưng ở bốn hướng và ba quả đầu vẫn còn là bậc Hữu học; chỉ có quả A la hán mới là bậc Vô học. Theo kinh Trung A Hàm, bậc Hữu học có mười tám hạng: 1) Hạng Tùy tín hành: chỉ cho các hành giả độn căn ở bậc Kiến đạo của thừa Thanh văn. Quí vị này nương vào người khác để được nghe giáo pháp của Phật, nhờ đó mà sinh lòng tin; do có lòng tin mà tu hành. 2) Hạng Tùy pháp hành: chỉ cho các hành giả lợi căn ở bậc Kiến đạo của thừa Thanh văn. Quí vị này tự mình phát huy trí tuệ, xem kinh giáo, suy nghĩ chín chắn, rồi y theo nghĩa lí mà tu hành. 3) Hạng Tín giải: “Tín giải” nghĩa là nhờ vào lòng tin thù thắng mà có được trí hiểu biết thù thắng, Đây là các hành giả độn căn ở bậc Kiếnđạo, sau khi viên mãn Tùy tín hành thì bước lên bậc Tu đạo, gọi là “Tín giải”. 4) Hạng Kiến chí: cũng gọi là “Kiến đáo”, nghĩa là do trí tuệ thù thắng mà chứng đạt chân lí. Đây là các hành giả lợi căn ở bậc Kiến đạo, sau khi viên mãn Tùy pháp hành thì bước lên bậc Tu đạo, gọi là “Kiến chí”. 5) Hạng Gia gia: Ở quả vị Nhất lai (Tư đà hàm), khi hành giả chưa chứng quả thì gọi là “Nhất lai hướng” (đang hướng đến quả Nhất lai). Hành giả ở giai đoạn Nhất lai hướng này, vì chỉ mới đoạn trừ được ba hay bốn phẩm tư hoặc đầu (của chín phẩm) của Dục giới, nên còn phải sinh đi sinh lại nhiều lần từ cõi người lên cõi trời, và từ cõi trời xuống cõi người, để tu tập cho đến khi chứng quả Vô sinh (A la hán). Bởi vậy, các hành giả này được gọi là “gia gia” (có nghĩa là từ nhà này sang nhà khác – tức là từ nhà người lên nhà trời, và từ nhà trời xuống nhà người). 6) Hạng Nhất gián: Hành giả đã chứng đắc quả Nhất lai, tiếp tục tu tập để đoạn trừ nốt ba phẩm tư hoặc cuối cùng của Dục giới để chứng đạt quả Bất hoàn (A na hàm); khi đang tu tập thì gọi là “Bất hoàn hướng” (đang hướng đến quả Bất hoàn). Trong giai đoạn này, khi hành giả đã đoạn trừ được bảy hay tám phẩm tư hoặc (trong chín phẩm), thì còn một hay hai phẩm nữa phải đoạn trừ. Để hoàn tất viên mãn giai đoạn này, hành giả phải thọ sinh trở lại trong một cõi trời Dục giới để tu tập, cho nên gọi là “Nhất gián”. (Chữ “gián” nghĩa là gián cách; tức là phải cách một đời mới chứng quả.) 7) Hạng Thân chứng: Khi chứng đắc quả Bất hoàn, hành giả nhập vào diệt tận định mà thân chứng được pháp lạc tịch tịnh giống như niết bàn. 8) Hạng Dự lưu hướng: Hành giả đã vượt khỏi địa vị phàm phu, tiến vào bậc Kiến đạo, đang tu tập để tiến đến chứng quả Dự lưu (Tu đà hoàn). 9) Hạng Dựlưu quả: Hành giả đã chứng quả Dự lưu – cũng gọi là “Sơ quả”. 10) Hạng Nhất lai hướng: Hành giả đã chứng quả Dự lưu, đang tu tập để hướng đến quả Nhất lai. 11) Hạng Nhất lai quả: Hành giả đã chứng đắc quả Nhất lai. 12) Hạng Bất hoàn hướng: Hành giả đã chứng quả Nhất lai, đang tu tập để tiến đến quả Bất hoàn. 13) Hạng Bất hoàn quả: Hành giả đã chứng đắc quả Bất hoàn. 14) Hạng Trung bát: “Trung” là chỉ cho thân “trung hữu”, hay “trung ấm”; “bát” tức là nhập niết bàn. Hành giả đã chứng quả Bất hoàn, khi viên tịch ở cõi Dục liền sinh lên cõi Sắc; tại đây, thân trung hữu của hành giả liền nhập niết bàn, cho nên gọi là “Trung bát”. 15) Hạng Sinh bát: Hành giả đã chứng quả Bất hoàn và sinh lên cõi Sắc, sau đó không lâu thì phát khởi thánh đạo, đoạn trừ các hoặc của cõi Vô sắc mà nhập niết bàn, gọi là “Sinh bát”. 16) Hạng Hữu hành bát: Hành giả đã chứng quả Bất hoàn và sinh lên cõi Sắc, rồi phải trải qua một thời gian dài gắng công tu tập thêm, mới nhập niết bàn, gọi là “Hữu hành bát”. 17) Hạng Vô hành bát: Hành giả đã chứng quả Bất hoàn và sinh lên cõi Sắc, nhưng không gắng công tu tập thêm, lần lữa trải qua thời gian rồi nhập niết bàn, gọi là “Vô hành bát”. 18) Hạng Thượng lưu bát: Hành giả đã chứng quả Bất hoàn và sinh lên cõi Sắc; trước tiên sinh vào cõi trời Sơ thiền, sau đó dần dần sinh lên các cõi trời cao hơn của cõi Sắc, cuối cùng, đến cõi Sắc cứu cánh (hoặc Hữu đỉnh) thì nhập niết bàn, gọi là “Thượng lưu bát”.

(03) Pháp hạnh: Ý nghĩa chung của từ “pháp hạnh” là y theo giáo pháp của Phật mà tu hành; đại khái, bao gồm mười phương diện: 1) Biên chép và quảng bá Kinh Luật Luận. 2) Tôn kính, cúng dường bất cứ nơi nào có kinh điển, có chùa, tháp Phật. 3) Giáo hóa quần chúng bằng cách giảng dạy chánh pháp, bố thí kinh sách, v.v... 4) Chăm chú lắng nghe người khác đọc tụng kinh điển. 5) Tự mình siêng năng đọc tụng kinh điển. 6) Chuyên tâm thọ trì giáo pháp, ghi nhớ không quên. 7) Dùng mọi phương tiện, tùy cơ thuyết pháp, giúp người nghe phát khởi lòng tin và hiểu rõ Phật pháp để tu hành. 8) Đọc tụng và tuyên dương kinh điển, làm cho người nghe sinh niềm hỉ lạc. 9) Dùng trí sáng suốt để suy nghĩ, tìm hiểu rõ ràng nghĩa lí lời dạy của đức Phật. 10) Tinh cần tu tập, thực hành những lời dạy của đức Phật trong đời sống. – Theo ý tứ trong bài học này, “pháp hạnh” là chỉ cho tất cả các pháp môn mà hành giả phải tu tập từ buổi ban đầu mới phát tâm cho đến khi thành tựu quả vị cứu cánh (A la hán đối với Thanh văn thừa; Bích chi Phật đối với Duyên giác thừa; và Diệu giác (Phật) đối với Bồ tát thừa).

(04) Mười bậc Tín. (Xin xem lại chú thích số 1, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ các bài 7, 8 và 9”, sách GKPH I.)

(05) Mười bậc Trụ. (Xin xem lại phụ chú số 1, bài 14, sách GKPH I.)

(06) Mười bậc Hạnh. (Xin xem lại phụ chú số 2, bài 14, sách GKPH I.)

(07) Mười bậc Hồi hướng. (Xin xem lại phụ chú số 3, bài 14, sách GKPH I.)

(08) Mười bậc Địa. (Xin xem lại bài 14, sách GKPH I.)

(09) Đẳng giác: cũng gọi là “Đẳng chánh giác”, có nghĩa là ngang bằng với bậc Chánh giác. Đẳnggiác là địa vị tối cao của hàng Bồ tát, trước khi trở thành một đức Phật, tức là bậc Vô thượng Chánhđẳng chánh giác. Khi vị Bồ tát tiến lên đến địa vị Đẳng giác, trình độ giác ngộ chân lí đã tương đồng với Phật, nhưng trên thực tế tu hành thì còn kém Phật chút ít. Vì ở trên còn có Phật, cho nên Đẳng giác cũng gọi là bậc “Hữu thượng sĩ” – còn Phật thì gọi là bậc “Vô thượng sĩ”. Ở địa vị Đẳng giác, vị Bồ tát chỉ còn một đời nữa là thành Phật, cho nên cũng được gọi là bậc “Nhất sinh bổ xứ”.

(10) Diệu giác: tức là quả Phật. Bồ tát tu tập tiến đến địa vị Đẳng giác, về trình độ giác ngộ thì tương đồng với Phật, nhưng trên thực tế tu hành thì vẫn còn vướng một phẩm vô minh vi tế. Khi đoạn trừ tuyệt sạch phẩm vô minh vi tế này thì hạnh giác ngộ hoàn toàn viên mãn, trí tuệ viên diệu, trở thành một vị Phật. Vậy, Diệu giác chỉ là một tên gọi khác của Phật; và có thể nói, Diệu giác, hay Phật, là địa vị rốt ráo, nấc thang tột cùng của tiến trình tu hạnh Bồ tát.

(11) Tư lương: Chữ “tư” nghĩa là trợ giúp; chữ “lương” nghĩa là lương thực. Như người đi xa cần có lương thực bên mình để tự nuôi thân, người tu hành cũng cần phải có lương thực để nuôi lớn huệ mạng; lương thực ở đây là phước đức và trí tuệ. Tư lương chính là vốn liếng để đi đến bồ đề niết bàn; vốn liếng ở đây là tất cả mọi pháp lành. Có bốn loại tư lương: 1) Tư lương phước đức: Tu tập các hạnh bố thí, trì giới, nhẫn nhục, v.v... 2) Tư lương trí tuệ: Tu tập quán chiếu để phát huy trí tuệ bát nhã. 3) Tư lương đời trước: Tất cả những nghiệp lành đã tu tập trong đời quá khứ. 4) Tư lương đời này: Tất cả các nghiệp lành đang tu tập trong đời hiện tại. Tông Duy Thức thành lập năm địa vị trên quá trình tu tập của Bồ tát thừa, Tư lương là địa vị đầu tiên – tức “Tư lương vị” (gồm các cấp Mười tín, Mười trụ, Mười hạnh, và Mườihồi hướng). Hành giả ở địa vị này, trải qua bốn mươi bậc, tu tập mọi pháp lành để tích tụ phước đức và phát triển trí tuệ, chuẩn bị hành trang trên đường đi đến quả vị vô thượng bồ đề. – Xin nói thêm: Mười bậc Tín (tức cấp Mười tín) vốn được chia nhỏ ra từ bậc “Phát tâm trụ”, là bậc đầu tiên của cấp Mườitrụ. Vì vậy, nếu thu mười bậc Tín ấy vào lại trong bậc Phát tâm trụ, thì bốn cấp thuộc địa vị Tư lương chỉ còn ba cấp Mười trụ, Mười hạnh và Mười hồi hướng. Ba cấp này, nếu được gộp chung lại thì gọi là địa vị Ba hiền. Do đó, địa vị Tư lương cũng tức là địa vị Ba hiền.

(12) Mười thánh: tức mười bậc thánh, chỉ cho mười địa của Bồ tát (từ Sơ địa đến Thập địa). Khi ở hai địa vị Tư lương và Gia hạnh, hành giả được gọi là “Hiền”; khi đã bắt đầu bước lên bậc Sơ địa, hành giả được gọi là “Thánh”. (Xin xem lại chú thích số 2, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ Các Bài 10, 11 và 12”, sách GKPH I.)

(13) Tu tập: là một địa vị trong quá trình tu tập của hành giả đại thừa, cũng gọi là địa vị Tu đạo. Hàng Bồ tát từ giai đoạn “trụ tâm” (xin xem phụ chú số 24 ở sau) của Sơ địa cho đến bậc Đẳng giác, thuộc địa vị này. Ở địa vị này, hành giả tinh cần đoạn trừ hoặc chướng, chuyên tâm tu tập để phát huy căn bản trí. Đối với Thanh văn thừa, từ hạng Dự lưu quả cho đến hạng A la hán hướng, thuộc địa vị Tu đạo. Các phiền não cần phải đoạn trừ trong địa vị này được gọi là “tu hoặc” – cựu dịch là “tư hoặc”.

(14) Bốn gia hạnh: Sau khi hoàn mãn địa vị Tư lương, hành giả cần gia công tu tập, trải qua thêm bốn bậc Noãn, Đảnh, Nhẫn, và Thế đệ nhất, phát sinh trí vô lậu, gọi là địa vị Bốn gia hạnh. Từ địa vị này, hành giả tiến vào bậc Sơ địa Bồ tát.

(15) Tầm tư: Tầm và tư (cũng gọi là “tầm và từ”, tương đương với “giác và quán”) là hai tâm sở bất định (có thể là thiện, có thể là ác, không nhất định. Ở đây, chúng là hai pháp tu tập của hành giả Bồ tát ở hai bậc Noãn và Đảnh, cho nên chúng là hai tâm sở thiện. “Tầm” là suy nghĩ, tìm hiểu sự lí một cách sơ lược; có thể nói, đó là bước đầu ý thức chú ý đến đối tượng và biết được cái bề ngoài của đối tượng đó, như ta chú ý đến cái hoa và đến đứng nhìn cái hoa, biết hoa tên gì, màu gì. “Tư” là suy nghĩ, tìm hiểu sự lí một cách kĩ càng, sâu sắc, là đi vào từng chi tiết của nội dung đối tượng; như khi đã nhìn cái hoa, ta lại đặt ra các câu hỏi: Hoa này do đâu mà có; cái gì nuôi sống nó; nó liên quan đến vũ trụ như thế nào; có phải là vật trường cửu không; ý nghĩa sinh diệt của nó thế nào; v.v..., và ta tìm những câu trả lời.

(16) Sở duyên sở thủ: Đây là chỉ cho cảnh. Khi thức duyên cảnh, thì cảnh được gọi là đối tượng “sở duyên” của thức. Thức duyên cảnh tức là thức nhận biết và bám lấy, nắm lấy, hay giữ lấy đối tượng, gọi là “thủ”; và trong trường hợp này, cảnh được gọi là đối tượng “sở thủ” của thức.

(17) Năng duyên năng thủ: Đây là chỉ cho thức. Khi thức duyên cảnh, thì thức được gọi là “năng duyên”. Thức duyên cảnh tức là thức nhận biết, bám lấy, nắm lấy, hay giữ lấy đối tượng, gọi là “thủ”; và trong trường hợp này, thức được gọi là “năng thủ”.

(18) Bốn trí như thật (tứ như thật trí): Ở địa vị Gia hạnh, nhân tu tập bốn phép quán tầm tư (danh, sự, tự tánh, sai biệt) mà phát sinh bốn thứ chánh trí: 1) Do quán chiếu về DANH mà phát khởi trí như thật: Bồ tát hiểu biết như thật về danh ngôn của các pháp, là tùy theo thế gian mà bày đặt ra, từ nơi danh ngôn đó mà thế gian khởi niệm tưởng, khởi tri kiến, khởi ngôn thuyết. Nếu không có danh ngôn giả lập đó thì cũng không có niệm tưởng, không có chấp trước, không có ngôn thuyết. Đó là trí biết như thật do quán chiếu về DANH NGÔN của vạn pháp mà có. 2) Do quán chiếu về SỰ mà phát khởi trí như thật: Bồ tát quán chiếu thấy rõ mọi hiện tượng như sắc, thọ, tưởng, v.v... đều là giả hợp mà có, thể tánh vốn không, không thể nắm bắt được. Đó là trí biết như thật do quán chiếu về SỰ TƯỚNG của vạn pháp mà có. 3) Do quán chiếu về TỰ TÁNH GIẢ LẬP mà phát khởi trí như thật: Bồ tát quán chiếu thấy rõ tự tính của vạn pháp là giả, không chân thật, không thể nắm bắt được, như bóng trăng dưới nước, hiển hiện rõ ràng đó, mà thật thể thì không có. Đó là trí biết như thật do quán chiếu về TỰ TÁNH GIẢ LẬP của vạn pháp mà có. 4) Do quán chiếu về SAI BIỆT GIẢ LẬP mà phát khởi trí như thật: Bồ tát quán chiếu thấy rõ sự sai biệt của các pháp cũng chỉ do giả lập mà có. Tính sai biệt của các pháp như sắc, thọ, tưởng v.v..., có thể nói năng mà cũng không thể nói năng. Đứng về tục đế thì các pháp có sai khác; đứng về chân đế thì các pháp không sai khác. Như thế thì chân và tục nương nhau; đó là ý nghĩa không hai (bất nhị). Đó là trí biết như thật do quán chiếu SAI BIỆT GIẢ LẬP của vạn pháp mà có.

(19) Rốt ráo không: Trong nguyên tác chữ Hán, tác giả dùng cụm từ “tất cánh bất khả đắc”. Từ “tất cánh” cũng có nghĩa như “cứu cánh”, tức là rốt ráo, cùng cực. Niết bàn là cảnh giới rốt ráo thanh tịnh, tuyệt đối không còn phiền não nhiễm ô, cho nên gọi là “tất cánh tịnh”; đức Phật là nơi nương tựa rốt ráo của chúng sinh, nên gọi là “tất cánh y”; cảnh giới giác ngộ của Phật là rốt ráo, tột cùng, không có gì hơn, nên gọi là “tất cánh giác”; v.v... Trong Phật học, từ “bất khả đắc” đồng nghĩa với từ “không”, có nghĩa là, dù tìm cầu thế nào cũng không thể nắm bắt được. Sự tồn tại của vạn pháp hoàn toàn không phải ở trong hình thái bất biến, cố định, cho nên, muốn quan sát, tìm cầu một hình thái bất biến, cố định, thì hoàn toàn không thể được, gọi là “bất khả đắc không”. Theo ý nghĩa đó, chúng tôi đã dịch cụm từ “tất cánh bất khả đắc” ra Việt ngữ là “rốt ráo không”.

(20) Vô sở thủ: là cái không nắm bắt được. Cảnh giới “vô sở thủ” tức là cảnh giới không tịch, vô tâm.

(21) Thuận nhẫn: Chữ “nhẫn” nghĩa là an trú ở địa vị đã đạt được; chữ “thuận” nghĩa là tùy thuận chân lí, không trái ngược chân lí. “Thuận nhẫn” nghĩa là tùy thuận chân lí, nhờ vào chính sự tư duy của mình mà tỏ ngộ. “Thuận nhẫn tâm thức vô sở thủ” nghĩa là an trú nơi tâm vắng lặng.

(22) Kiến đạo: Đây là một địa vị trong quá trình tu tập. Dùng trí tuệ vô lậu quán chiếu thấy rõ nguyên lí bốn sự thật, gọi là bậc Kiến đạo. Hành giả, sau khi tu tập hoàn mãn địa vị Ba hiền, rồi địa vị Bốn giahạnh, thì trí vô lậu phát sinh, vượt khỏi địa vị phàm phu, tiến lên địa vị Kiến đạo. Vậy, Kiến đạo là bước đầu tiên trên con đường thánh nhân. Đối với Thanh văn thừa, Kiến đạo là giai đoạn Dự lưu hướng; đối với Bồ tát thừa, Kiến đạo là giai đoạn đầu (nhập tâm – xin xem phụ chú số 24 ở sau) của Sơ địa. Theo tông Duy Thức, hành giả ở địa vị Kiến đạo, đã chứng đắc trí vô phân biệt, dứt được tâm phân biệt năng thủ và sở thủ, thể nhập cảnh giới chân như bình đẳng, cho nên, địa vị này cũng được gọi là “Thông đạt”. Các phiền não cần đoạn trừ để đạt được địa vị Kiến đạo, gọi là “kiến hoặc”.

(23) Năm địa vị (ngũ vị): Quá trình tu tập của tiểu thừa cũng như đại thừa, từ lúc phát tâm tu hành cho đến khi đạt được quả vị tối thượng, đều trải qua năm địa vị:

a. Năm địa vị của tiểu thừa:

1) Tư lương: cũng tức là địa vị Ba hiền (xin xem lại phụ chú số 3, bài 13 ở trước).

2) Gia hạnh: cũng tức là địa vị Bốn thiện căn (xin xem lại phụ chú số 4, bài 13 ở trước).

3) Kiến đạo: tức quả Dự lưu, hay nói chính xác hơn, đó là bước đầu của quả Dự lưu, gọi là Dự lưuhướng (xem phụ chú số 22 ở trên).

4) Tu đạo: tức là hai quả Nhất lai và Bất hoàn, hay nói chính xác hơn, đó là địa vị bao gồm các hạng Dự lưu quả, Nhất lai hướng, Nhất lai quả, Bất hoàn hướng, Bất hoàn quả, và A la hán hướng (xem phụ chú số 13 ở trên).

5) Vô học: tức là quả A la hán, hay nói chính xác hơn, đó là hạng A la hán quả (xem phụ chú số 1 ở trên).

b. Năm địa vị của đại thừa:

1) Tư lương: (Xin xem phụ chú số 11 ở trên.)

2) Gia hạnh: (Xin xem phụ chú số 14 ở trên.)

3) Thông đạt: (Xin xem phụ chú số 22 ở trên.)

4) Tu tập: (Xin xem phụ chú số 13 ở trên.)

5) Cứu cánh: tức địa vị Diệu giác (xem lại phụ chú số 10 ở trên).

(24) Nhập tâm Trụ tâm Xuất tâm: Từ Sơ địa cho đến Thập địa, mỗi địa đều gồm ba giai đoạn, gọi là “ba tâm”: Giai đoạn đầu, “nhập tâm”: mới bước vào, chưa an trụ; Giai đoạn giữa, “trụ tâm”: thời gian an trụ ở địa đó; Giai đoạn chót, “xuất tâm”: thời gian cuối cùng, lúc sắp ra khỏi địa đó để bước lên địa bên trên.

(25) Bốn hướng bốn quả (tứ hướng tứ quả): Bốn quả Thanh văn, mỗi quả có hai giai đoạn: giai đoạn hướng tới, gọi là “hướng”; và giai đoạn chứng đắc, gọi là “quả”. Theo đó, bốn quả Thanh văn gồm có bốn Hướng và bốn Quả như sau: Dự lưu hướng, Dự lưu quả; Nhất lai hướng, Nhất lai quả; Bất hoànhướng, Bất hoàn quả; A la hán hướng, A la hán quả (xin xem lại bài 18, sách GKPH I). Như vậy, mỗi quả Thanh văn là một đôi, gồm hai hạng hành giả; và bốn quả Thanh văn là bốn đôi, gồm tám hạng hành giả; do đó, bốn hướng bốn quả cũng gọi là “bốn đôi tám hạng” (tứ song bát bối).
BÀI TẬP

1) Có 52 thứ bậc trong pháp hạnh đại thừa. 52 bậc này bao quát những gì? Tại sao lại nói chỉ có 42 bậc?

2) Hãy giải thích hai chữ “gia hạnh”.

3) “Bốn tầm tư” là gì?

4) Hãy giải thích “Noãn, Đảnh, Nhẫn và Thế đệ nhất” của đại thừa.

5) Năm địa vị tu chứng do tông Pháp Tướng thành lập gồm những gì?

6) Hãy vẽ đồ biểu về quá trình tu chứng của các hành giả đại thừa, từ phàm phu cho đến quả vị Phật, suốt ba đại a tăng kì kiếp, trải qua năm địa vị như tông Pháp Tướng đã thành lập, bao gồm 42 bậc và bốn gia hạnh.
Trích từ: Giáo Khoa Phật Học - Cấp Hai
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Học Phật Hành Nghi, Sa Môn Thích Minh Thông Tải Về
2 Học Phật Quần Nghi, Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học Tải Về