Home > Khai Thị Phật Học > Xung-Niem-Danh-Hieu-Chu-Phat-Va-Bo-Tat-Phan-2
Xưng Niệm Danh Hiệu Chư Phật Và Bồ Tát (Phần 2)
Cư Sĩ Phương Luân | Cư Sĩ Hạnh Cơ, Việt Dịch


Nam mô(1) Ca Sa Tràng Phật. Nếu có người nam hay người nữ nào, nghe tên đức Phật này, sẽ vượt thoát tội lỗi sinh tử trong một trăm đại kiếp.

Nam mô Đại Thông Sơn Vương Phật. Nếu có người nam hay người nữ nào, nghe tên đức Phật này, sẽ gặp được hằng hà sa số đức Phật, được nghe nói pháp, chắc chắn thành Phật.

Nam mô Phổ Kiến Phật. Nếu có người thọ trì danh hiệu(2) của trăm ngàn ức đức Phật, lại có người xưng niệm tên của đức Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi; thì phước đức của người sau sẽ lớn hơn phước đức của người trước, huống chi lại còn xưng niệm tên đức Phật Phổ Kiến!

Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát. Nếu có người thọ trì danh hiệu của sáu mươi hai ức hằng sa vị Bồ tát, suốt đời cúng dường các thức ăn uống, y phục, giường chiếu, thuốc men; lại có người thọ trì danh hiệu đức Bồ Tát Quán Thế Âm, cho đến lễ bái, cúng dường trong một thời gian ngắn; phước đức của hai người ấy thật không khác gì nhau, trong trăm ngàn muôn ức kiếp, hưởng thọ không bao giờ hết. Xưng niệm danh hiệu đức Bồ Tát Quán Thế Âm sẽ được công đức vô lượng vô biên như vậy.

Nam mô Địa Tạng Bồ Tát. Nếu có người nam hay người nữ nào, nghe danh hiệu của đức Đại Bồ Tát Địa Tạng, hoặc chắp tay kính mộ, hoặc tán thán lễ bái, sẽ vượt thoát tội chướng trong ba mươi kiếp.

Nam mô Tịnh Nguyệt Phật, Sơn Vương Phật, Trí Thắng Phật, Tịnh Danh Vương Phật, Trí Thành Tựu Phật, Vô Thượng Phật, Diệu Thanh Phật, Mãn Nguyệt Phật, Nguyệt Diện Phật.

Tất cả chúng sinh trong đời hiện tại hoặc vị lai, chỉ niệm danh hiệu của một đức Phật, thì công đức đã vô lượng, huống chi niệm nhiều danh hiệu. Những chúng sinh này, lúc sống lúc chết đều được lợi ích lớn lao, vĩnh viễn không đọa vào đường ác.

Kinh bản hai thời khóa tụng sáng chiều, trong bài văn sám hối lễ Phật buổi chiều, có danh hiệu 53 đức Phật, bắt đầu là Phổ Quang Phật, đến Nhất Thiết Pháp Thường Mãn Vương Phật(3) là hết. Nếu có người nam hay người nữ nào, được nghe danh hiệu của 53 đức Phật này, trong trăm ngàn muôn ức a tăng kì kiếp, người đó không bị đọa vào ác đạo. Nếu thường xưng niệm danh hiệu của 53 đức Phật ấy, đời đời sẽ sinh vào những nơi được gặp chư Phật trong mười phương. Nếu người nào chí thành kính lễ 53 đức Phật ấy, sẽ tiêu trừ được các tội tứ trọng, ngũ nghịch, hủy báng đại thừa, tâm ý hoàn toàn thanh tịnh.

Tiếp theo danh hiệu 53 đức Phật ấy, lại có danh hiệu của 35 đức Phật nữa, bắt đầu là Thích Ca Mâu Ni Phật, đến Bảo Liên Hoa Thiện Trú Ta La Thọ Vương Phật(4) là hết(5). Tất cả chúng sinh, nếu đã từng tạo các nghiệp dữ như năm tội nghịch, mười điều ác, mà trong muôn kiếp chưa từng sám hối, nay nên đảnh lễ 35 đức Phật này, chí thành sám hối, thì tất cả tội chướng đều được tiêu trừ.

Ngoài các đức Phật và Bồ tát trên đây, vẫn còn vô số chư Phật và Bồ tát khác, không thể kể hết ra đây được; hễ thấy có nêu lên trong kinh điển, liền xưng niệm, đều có công đức. Nếu quí vị hành giả muốn chỉ trong một niệm mà kính lễ khắp tất cả chư Phật và Bồ tát, thì nên niệm “Nam mô thập phương tam thế nhất thiết chư Phật Bồ tát”; thế là bao quát vô tận.


CHÚ THÍCH

01. Trong kinh Bảo Tích, đức Phật nói: Văn Thù Sư Lị về sau sẽ thành Phật, hiệu là Phổ Kiến Như Lai.

02. “Tứ trọng” cũng gọi là “tứ ba la di”, tức phạm bốn tội sát sinh, trộm cắp, dâm dục, và dối trá.

03. “Phương” là ngay thẳng, “đẳng” là bình đẳng, tức là lí trung đạo; có nghĩa là, đã ngay thẳng, lại sinh tính bình đẳng của Phật vậy. Tất cả kinh giáo đại thừa đều nói lên cái lí trung đạo, cho nên đều được gọi chung là giáo lí “phương đẳng”.


PHỤ CHÚ

(01) Trong Hán ngữ, hai chữ南 (nam) và無 (vô), ghép chung lại thì không có nghĩa gì cả, vì đó không phải là một từ. Riêng trong Phật điển, hai chữ đó đã được ghép lại để dịch âm chữ Phạn “namas”; và đã trở thành một từ có ý nghĩa. Nguyên, hai chữ 南無 này, âm Hán Việt đọc là “nam vô”, nhưng khi dùng để dịch âm tiếng Phạn, thì chữ 南 được đọc là “na” (theo Từ Nguyên), và chữ 無 được đọc là “mô” (theo Từ Nguyên). Vậy, đáng lí ra, từ 南無 phải đọc là “NA MÔ”, nhưng xưa nay người Việt vẫn đọc là “nam mô”; đó chỉ là do thói quen lâu đời. Nguyên ý của từ “nam mô” là lễ bái, nhưng đã được dịch ra Hán ngữ thành nhiều nghĩa: kính lễ, qui y, qui kính, qui mạng, tín tùng, cứu ngã, độ ngã. Vì từ này bao hàm nhiều ý nghĩa, cho nên, theo ngài Huyền Trang, đó là một trong năm trường hợp không dịch nghĩa, mà chỉ dùng từ dịch âm là “na mô”. Từ này được dùng để tỏ bày lòng tôn kính, tin tưởng và quyết chí học theo, đối với đối tượng (như Phật, Bồ tát, v.v...) mà mình đang đứng trước. Như nói: “Nam mô hắc ra đát na đá ra dạ da”, là biểu ý qui kính Ba Viên Ngọc Quí (Phật Pháp Tăng); “Nam mô A Di Đà Phật”, là biểu ý qui y đức Phật Vô Lượng Thọ.

(02) Trong Phật điển, từ “danh hiệu”, chủ yếu là dùng để chỉ cho tên của chư Phật và Bồ tát. Danh hiệu có công năng nêu rõ công đức của chư Phật và Bồ tát, cùng nói lên lòng tán thán, kính ngưỡng của chúng sinh đối với chư Phật và Bồ tát, nên cũng được gọi là “bảo hiệu, tôn hiệu, hay đức hiệu”. Danh hiệu biểu thị thể tánh chân như cùng công đức rộng lớn viên mãn của chư Phật và Bồ tát, cho nên, danh hiệu của chư Phật cũng tương đồng với pháp thể của chư Phật. Vì vậy, trong các kinh luận phần nhiều đều nói: nếu có người thành tâm xưng niệm danh hiệu của chư Phật, cho đến suy nghĩ, nhớ tưởng đến chư Phật, sẽ được tiêu trừ tội chướng, tai nạn, hoặc được vãng sinh về cõi Tịnh độ. Ví dụ, kinh Pháp Hoa nói: Cung kính lễ bái đức Bồ Tát Quán Thế Âm, và thọ trì, xưng niệm danh hiệu của Ngài, liền được phước đức... Hay kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: Nếu chí tâm xưng niệm “Nam mô A Di Đà Phật”, thì trong mỗi niệm có thể diệt trừ tội lỗi sinh tử trong tám mươi ức kiếp...

(03) Danh hiệu 53 đức phật này được lấy ra từ kinh Quán Dược Vương Dược Thượng Nhị Bồ Tát (cũng gọi là kinh Quán Dược Vương Dược Thượng Bồ Tát, hoặc kinh Dược Vương Dược Thượng), do pháp sư Cương Lương Da Xá (383 442), đời Lưu Tống (420 479), dịch.

(04) Danh hiệu 35 đức Phật này được lấy ra từ kinh Quyết Định Tì Ni, đời Đông Tấn (317 419), không đề tên người dịch.

(05) Cộng hai nhóm danh hiệu trên, có tất cả là (53+35=) 88 danh hiệu Phật, được ghi trong bài văn sám hối, – gọi là “Hồng Danh Sám Hối” – là một tiết mục trong thời khóa tụng (cũng gọi là “công phu”) chiều. Thật ra, trong bài văn “Hồng Danh Sám Hối” này, có tất cả là 89 danh hiệu Phật; và danh hiệu cuối cùng (sau 88 danh hiệu trên) là “Nam mô Pháp Giới Tạng Thân A Di Đà Phật”. Danh hiệu sau cùng này không thuộc trong hai nhóm danh hiệu nêu trên, mà được lấy ra từ kinh Diệm Khẩu (khoa thí thực cô hồn). Thời khóa tụng buổi chiều, cùng với thời khóa tụng buổi khuya, gọi chung là “Hai Thời Khóa Tụng” (hoặc “Hai Thời Công Phu”), được hành trì hàng ngày trong các chùa viện.


BÀI TẬP

1) Nghe danh hiệu đức Phật Đại Thông Sơn Vương, có được công đức gì?

2) Thọ trì danh hiệu đức Quán Thế Âm Bồ Tát, cho đến lễ bái cúng dường trong một thời gian ngắn, phước đức ấy ngang bằng với hạng người nào?

3) Nếu có người nam hay người nữ nào: a/ Nghe tên của 53 đức Phật, được điều tốt đẹp như thế nào? b/ Xưng niệm tên của 53 đức Phật, được điều tốt đẹp như thế nào? c/ Chí tâm kính lễ tên của 53 đức Phật, được điều tốt đẹp như thế nào?

4) Đảnh lễ 35 đức Phật để làm gì?

5) Hành giả nếu muốn chỉ trong một niệm mà kính lễ khắp tất cả chư Phật và Bồ tát, nên xưng niệm danh hiệu nào?