Tám giới quan trai(1) cũng gọi là tám giới trai, hoặc tám giới. “Quan” nghĩa là cấm, tức là ngăn chận để không phạm phải tám thứ tội lỗi như giết hại, trộm cắp, dâm dục, nói dối, v.v... “Trai” tức là phép ăn đúng ngọ, tức là không ăn quá giờ ngọ – sau giờ đúng ngọ không ăn nữa. Tám giới trai này thông cả hai chúng xuất gia và tại gia; vì đức Như Lai muốn cho người tại gia cũng có cơ hội thọ giới xuất gia, cho nên đã đặc biệt chế ra loại giới pháp này, giúp cho người đời sau có được an lạc. Các giới điều của giới ấy như sau:
1. Không sát sinh. Đối với tất cả chúng sinh, dù nhỏ đến như loài côn trùng, không sinh tâm giết hại, không hành động giết hại, cho đến không khởi niệm đánh đập, không hành động đánh đập. Nên khởi tâm hoan hỉ, thương xót, làm việc ích lợi để giúp cho chúng sinh.
2. Không trộm cắp. Đối với tất cả của cải, người ta không cho thì không được lấy cắp; dù là một khúc cây, một cọng cỏ, nếu không phải là của mình, không được sinh lòng tham. Phải sinh niệm bố thí, hoặc làm việc bố thí.
3. Không dâm dục. Hễ có sự giao hợp giữa nam nữ thì gọi là “dâm”. Khi thọ tám giới trai, dù là người tại gia, cũng không được có hành động dâm dục; cho đến một niệm dâm dục cũng không khởi.
4. Không nói dối. Không nói lời không chân thật; cho đến không phạm bốn điều lỗi của miệng.
5. Không uống rượu; cho đến không vào quán rượu, không nghĩ đến chuyện uống rượu, cũng không khuyến khích người khác uống rượu.
6. Không dùng tràng hoa trang sức thân mình và không ca múa hát xướng. Đây chỉ là nói đại khái. Nếu nói chi tiết thì tất cả các loại phấn son, dầu thơm, bông tai, vòng đeo tay, áo hoa màu mè, v.v... đều không được dùng; lại cũng không được chơi bài bạc.
7. Không nằm ngồi trên giường cao rộng lớn. Giường nệm được trang bị sang quí có thể khiến cho huyễn thân phóng túng, rồi khởi sinh niệm dâm dục. Cho nên, ngoài giường cao rộng lớn, phàm chăn bông, ra thêu, màn lụa, giường cẩn vàng bạc, gối san hô, v.v... đều không nên nằm ngồi.
8. Không ăn phi thời – cũng nói là không ăn quá giờ ngọ. Chư thiên ăn vào buổi sáng, Phật ăn vào giờ ngọ, súc sinh ăn sau giờ ngọ, ngạ quỉ ăn ban đêm. Đệ tử Phật nên học theo hạnh của Phật, dứt trừ cái nhân sáu đường, cho nên hàng tì kheo, mỗi ngày đều ăn đúng vào giờ ngọ. Người tại gia, khi thọ tám giới trai, cũng thi hành phép ăn đó; tức là học theo hạnh xuất gia, gieo trồng cái nhân phước điền vậy.
Thời gian thọ tám giới trai là một ngày đêm. Quá thời hạn này, nếu muốn thọ tiếp tục, có thể cử hành nghi thức trở lại. Kinh Ưu Bà Di Đọa Xá Ca chép: “Phật bảo Đọa Xá Ca, pháp chánh trai của Phật chế, gồm có tám giới, khiến cho người được độ ở cõi thế, sẽ không bị đọa vào ba dường dữ, thường sinh vào những nơi phước đức; và cũng từ tám giới đó làm nhân duyên căn bản tiến đến thành Phật.” Pháp chánh trai được nói tới trong kinh, tức là, vào sáu ngày: mồng tám, mười bốn, rằm, hăm ba, hăm chín, và ba mươi, hành giả thọ trì tám giới trai nêu trên. Nếu hành trì đầy đủ một ngày đêm, phước đức ấy còn lớn hơn đem đồ trân bảo của 16 nước lớn(2) cúng dường cho chư vị tì kheo.
Tám giới trên kia, cũng có thể phân giới thứ sáu ra làm hai giới: không dùng dầu thơm cùng đồ trang sức, và không ca múa cùng xem nghe. Như thế thì thành ra có 9 giới; tám giới trước là “quan”, giới không ăn phi thời ở sau là “trai”, hợp lại gọi là “tám quan trai”. Hành giả thọ trì giới trai này, sau khi mãn một ngày đêm, nên đem công đức hồi hướng cầu sinh về thế giới Cực lạc. Như thế là khế hợp với lời nguyện của đức Phật A Di Đà, khi mạng chung sẽ được sinh về Tịnh độ.
CHÚ THÍCH
01. Chiếu theo kinh điển ghi chép, chữ “trung” trong ba chữ “bất quá trung”, là chỉ cho giữa ngày, tức lúc đúng ngọ, vào 12 giờ trưa. Như thế thì quá 12 giờ trưa, không nên ăn; trong mười giới thì gọi là “không ăn quá giờ ngọ”, trong giới tì kheo thì gọi là “không ăn phi thời”, đều cùng ý nghĩa.
02. Như trên.
03. Chữ “phạm” nghĩa là thanh tịnh; dứt bỏ dâm dục thì gọi là “phạm hạnh”. Vậy, “phi phạm hạnh” tức là hạnh bất tịnh – chỉ cho sự dâm dục. Cho nên, điều thứ ba viết “bất phi phạm hạnh” (không phi phạm hạnh), cũng tức là “bất dâm” (không dâm dục). Người tại gia, trong thời gian thọ trì tám giới trai, dù là người phối ngẫu, cũng không được hành dâm, huống chi không phải là người phối ngẫu.
04. Bốn tội lỗi của miệng là nói dối, nói thêu dệt, nói hai lưỡi, và nói hung ác.
05. “Hoa man” tức là trang sức bằng tràng hoa. Người Ấn độ cũng dùng hoa xâu lại thành tràng hoa, để trang sức thân mình; cho nên nói là “trang nghiêm thân thể”. Điều giới này cũng nói là “không thoa dầu thơm và trang sức”; tóm lại, tất cả những vật dùng để trang sức thân thể như phấn, son v.v..., đều không được dùng.
06. “Không ca múa hát xướng”, cũng có lúc chia ra thành một giới khác, gọi là “không ca múa xem nghe”, hoặc “không tự mình ca múa cũng không đi xem nghe”. Tóm lại, tất cả những gì liên quan tới sự vui chơi, đều cấm tuyệt, chứ không phải chỉ có ca múa mà thôi.
07. Đây tức là sáu ngày trai, là những ngày mà trời Tứ Thiên Vương xét các việc thiện ác ở thế gian; xưa nay đều lấy âm lịch làm chuẩn; nếu gặp tháng thiếu (chỉ có 29 ngày), thì hai ngày trai sau cùng nên đổi thành ngày 28 và 29.
08. Lời nguyện thứ hai mươi của đức Phật A Di Đà: “Nếu tôi thành Phật, chúng sinh khắp mười phương nghe đến danh hiệu của tôi, chuyên tâm nhớ đến nước tôi, trồng mọi công đức, thành tâm hồi hướng, muốn sinh về nước tôi, mà tôi không giúp cho toại nguyện, thì tôi không giữ ngôi chánh giác.” Cho nên, hồi hướng công đức là khế hợp với lời nguyện của Phật, nhất định được vãng sinh.
PHỤ CHÚ
(01) Quan trai giới: Chữ “quan” nghĩa là đóng; ở đây có nghĩa là đóng các cánh cửa giác quan lại, bớt tiếp xúc với các trần cảnh, để ngăn chận phiền não, tội lỗi, gây ra bởi trần cảnh. Chữ “giới” tức là giới luật, có công năng phòng hộ thân khẩu ý, không để chạy theo trần cảnh mà gây các nghiệp xấu. Chữ “trai”, nghĩa rộng là làm cho thân tâm thanh tịnh; nghĩa hẹp là ăn đúng giờ ngọ. “Quan trai giới” tức là một loại giới pháp (gồm có tám giới điều) được lập ra để giúp cho người cư sĩ tại gia có cơ hội sống 24 giờ (một ngày đêm) trong chùa, theo nếp sống li dục, thanh tịnh của người xuất gia.
Chữ “TRAI” ở đây cũng cần được nói thêm. “Trai”, chữ Phạn là “uposadha”, dịch âm chữ Hán là “bố tát”, nguyên là một phép tế lễ của Ấn độ thời cổ. Cứ mỗi 15 ngày thì các đạo sĩ nhóm họp một lần, mỗi người tự mình sám hối tội lỗi, để cho thân tâm thanh tịnh. Trong ngày ấy họ hoàn toàn nhịn ăn. Đến thời đại của Phật, các phái ngoại đạo, như Ni Kiền Tử, vẫn giữ phép tế lễ đó. Đức Phật thấy tập tục đó cũng giúp ích cho việc tu hành, nên cho phép tăng đoàn áp dụng; đó là nguyên ủy của lễ “bố tát”. Theo đó thì thấy, chữ “trai”, ý nghĩa nguyên thỉ là làm cho thanh tịnh; nhưng dần dần về sau nó biến nghĩa thành ra là ăn đúng giờ ngọ, hay không ăn quá giờ ngọ. Gìn giữ phép tắc ăn đúng ngọ này thì gọi là “trì trai”. Thức ăn dùng trong thời gian “trì trai”, gọi là “trai thực” (tiếng Việt nói là “ăn chay”). Ngoài ra, vật thực cúng dường chúng tăng trong các pháp hội, cũng được gọi là “trai” (đồ chay); và loại pháp hội như vậy, được gọi là “trai hội” (hội chay). Vào các thời kì Phật giáo Nguyên thỉ và Phật giáo Bộ phái, từ “ĂN CHAY” được đặc biệt chỉ cho giờ ăn, tức là bữa ăn vào giữa ngày, hay giờ ngọ; ăn sau giờ ngọ là không đúng pháp, tức không phải ăn chay. Đến thời kì Phật giáo Phát triển (đại thừa), lòng từ bi được đề cao trong tinh thần giữ giới, thì sự ăn chay không chú trọng vào giờ ăn nữa, mà chú trọng vào chất thể của thức ăn; vì vậy, ĂN CHAY có nghĩa là chỉ ăn các loại thực vật (rau đậu), mà không ăn thịt các loài động vật (thịt cá). Truyền thống ăn chay này vẫn được hành trì nghiêm túc ở các nước Phật giáo Phát triển, như Trung quốc, Việt nam, Nhật bản, Đại hàn, v.v..., và ngày nay thì lan tràn cả các quốc gia Âu, Mĩ, Úc; riêng Phật giáo Tây tạng (cũng theo truyền thống Phật giáo Phát triển), vì hoàn cảnh đặc biệt của đất nước, việc ăn chay này vẫn không được đặt thành vấn đề. Nói chung, cho đến hôm nay, những người theo truyền thống Phật giáo Nguyên thỉ (Phật giáo Nam truyền), thì “ăn chay” chỉ có nghĩa là ăn đúng giờ ngọ (không chú trọng đến thức ăn là rau đậu hay thịt cá), sau giờ ngọ không được phép ăn; cho nên, nếu vì lí do gì đó mà giờ ngọ không ăn được, thì phải chịu nhịn đói cho đến giờ ngọ ngày hôm sau. Trong khi đó, những người theo truyền thống Phật giáo Phát triển (Phật giáo Bắc truyền – ngoại trừ Phật giáo Tây tạng) thì “ăn chay” có nghĩa là chỉ ăn các loại rau đậu (các loài thực vật), không ăn thịt các loài động vật; còn giờ ăn thì có thể du di, nếu do hoàn cảnh bắt buộc mà không ăn đúng giờ ngọ được, thì cũng có thể ăn sau giờ ngọ. Hành trì phép ăn chay như vậy, gọi là “trì trai”; đáng lẽ nên ăn chay mà lại bỏ ngang, gọi là “phá trai”. Đã ăn chay thì tất giữ giới, cho nên trong Phật giáo có thuật ngữ “trai giới”. Mục đích của sự hành trì “trai giới” là làm cho thân tâm được thanh tịnh, để tiến tu đạo nghiệp. Hành trì trai giới là sự phát nguyện lớn lao của người Phật tử. Đã phát nguyện mà không hành trì, thì bị coi là “phá trai phạm giới”, thiện căn sẽ mất hết.
(02) 16 nước lớn: Trong thời đức Phật tại thế, bán đảo Ấn độ gồm có hàng trăm quốc gia, trong đó, mười sáu quốc gia được coi là lớn nhất (kể cả mọi mặt: đất đai rộng lớn, văn hóa phát triển, tôn giáo hưng thịnh, kinh tế phồn vinh, chính trị và quân lực hùng mạnh), gồm có: 1) Ma kiệt đà (Magadha), kinh đô là thành Vương xá (Rajagrha), thuộc miền Trung Ấn độ, nằm ở bờ Nam sông Hằng (Ganga); 2) Bạtkì (Vrji), kinh đô là thành Tì xá li (Vaisali), nằm ở bờ Bắc sông Hằng, tức đối diện với Ma kiệt đà; 3) Ương già (Anga), kinh thành là Chiêm ba (Campa), nằm ở phía Đông Ma kiệt đà; 4) Ca thi (Kasi), kinh thành là Ba la nại (Varanasi), nằm ở bờ Bắc sông Hằng và xéo hướng Tây Bắc của Ma kiệt đà; 5) Mạtla (Malla), kinh đô là Câu thi na (Kusinagara), nằm ở phía Bắc nước Bạt kì; 6) Kiều tát la (Kausala), kinh đô là thành Xá vệ (Sravasti), nằm ở phía Bắc của nước Ca thi; 7) Chi đề (Cedi), nằm ở phía Tây nước Ca thi; 8) Bạt sa (Vatsa), kinh thành là Kiều thưởng di (Kausambi), nằm ở phía Nam nước Chi đề và phía Tây của nước Ma kiệt đà; 9) A bàn đề (Avanti), kinh thành là Ổ xà diễn na (Ujayana), thuộc miền Tây Ấn độ, nằm ở hướng Tây Nam của nước Ma kiệt đà; 10) A thấp ba (Asvaka), kinh đô là thành Bổ đa lặc ca, nằm ở phía Bắc nước A bàn đề; 11) Tô la sa (Surasena), thủ đô là Mạt thổ la, nằm ở phía Bắc nước A thấp ba; 12) Bà sa (Matsya), nằm phía Bắc nước Tô la sa; 13) Cư lâu (Kura), nằm ở bờ Tây thượng lưu sông Hằng, xéo hướng Đông Bắc của nước Bà sa; 14) Bàn xà la (Pancala), nằm giữa nước Cư lâu ở phía tây và nước Kiều tát la ở phía Đông; 15) Càn đà la (Gandhara), kinh đô là Đátxoa thỉ la (Taksasila), chiếm trọn vùng Tây Bắc thượng lưu sông Ấn (Sindhu); 16) Kiếm phù sa (Kamboja), kinh đô là Đa môn (Dvaraka), nằm ở bờ Tây sông Ấn, phía Nam nước Càn đà la. (Xin xem thêm hai chú thích số 15 và 16 của bài “Bậc Đạo Sư Cao Cả”, trong phần “Phụ Lục”, sách GKPH I.)
BÀI TẬP
1) Trong phép trì trai, điều gọi là “không ăn quá giờ ngọ”, nếu tính theo đồng hồ, tức là mấy giờ?
2) Hãy kể ra tám giới điều của tám giới quan trai.
3) Tại sao người xuất gia không được ăn quá giờ ngọ?
4) Sáu ngày trai là những ngày nào trong tháng?
5) Nếu đem giới thứ sáu (trong tám giới) phân làm hai giới, thì thành ra chín giới. Trong chín giới này, những giới nào thuộc về “quan”? Những giới nào thuộc về “trai”?
6) Lời nguyện thứ 20 của đức Phật A Di Đà, nội dung nói gì?