Home > Khai Thị Phật Học
Gia Hoà Vạn Sự Hưng
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Thượng Tọa Thích Nguyên Hùng, Việt Dịch


Ngạn ngữ có câu: "gia hoà vạn sự hưng", nghĩa là gia đình trên dưới hòa thuận thì mọi việc đều phát triển tốt đẹp. Luận ngữ cũng có câu: "Lễ chi dụng, hòa vi quý", nghĩa là tác dụng của Lễ, quý nhất ở chữ hoà. Con người sống ở đời không thể tách rời khỏi xã hội, không thể tách rời khỏi tập thể, quần chúng để tự sinh tồn. Hay nói cách khác, tính tất yếu của con người là sống với và sống cùng mà không thể sống đơn lẽ, tồn tại độc lập với mọi cá thể khác. Sống trong xã hội, trong cộng đồng, trong tập thể, thì hoà hợp là điều quan trọng nhất. Cho nên, đức Thế tôn cùng với các đệ tử của Ngài đã phải chế định giới luật cho Tăng đoàn, cũng gọi là công ước của Tăng đoàn. Công ước đó không ngoài "sáu pháp hòa kính". Đây là điều mọi người ai nấy đều phải tuân thủ.

Cùng xuất gia tu học, bốn người sống chung với nhau, gọi là một chúng (hay một đoàn thể). Nếu như bốn người này đều có thể thiết lập cuộc sống bằng nguyên tắc tuân thủ sáu pháp hòa kính, thì đoàn thể này được gọi là Tăng đoàn. Vì vậy, một Tăng đoàn tối thiểu phải có bốn người, nhiều hơn nữa thì bao nhiêu cũng được. Chúng ta thấy trong Kinh Luận luôn luôn ghi nhận thuở đức Thế tôn còn tại thế, Tăng đoàn của Ngài có đến 1250 vị tỳ kheo. Đó là một Tăng đoàn rất lớn. Nhưng bất luận Tăng đoàn lớn hay nhỏ, tất cả đều phải tuân thủ sáu nguyên tắc sống chung, đó sáu pháp hòa kính.

Điều hòa kính thứ nhất là Kiến hòa đồng giải, tức là cùng chia sẻ những hiểu biết cho nhau, đóng góp ý kiến xây dựng đoàn thể trên tinh thần hòa hợp mà xã hội ngày nay người ta gọi là kiến lập công thức. Đây là cơ sở để một đoàn thể hòa hợp. Mục đích tu học của đoàn thể Phật giáo là đạt được minh tâm kiến tánh, lấy đó làm mục tiêu hàng đầu trong cuộc sống. Mọi người ai nấy đều tìm cầu giác ngộ, mong muốn được minh tâm kiến tánh, cho nên sự hiểu biết, kiến giải của họ sẽ tương đồng. Ví dụ, tu tập theo pháp môn Tịnh độ, thì ai nấy đều mong muốn được vãng sinh về thế giới Tây phương cực lạc, được gần gũi đức Phật A Di Đà, được chứng Vô sinh pháp nhẫn.

? ngoài xã hội, một công ty kinh doanh, từ ông giám đốc đến các nhân viên, mọi người ai nấy đều mong ước tìm kiếm lợi nhuận cho công ty mình. Làm thế nào để nắm lấy cơ hội làm ăn tốt, làm thế nào để phát triển công ty, làm thế nào để có lợi nhuận, đó là một bài toán, đòi hỏi phải có công thức để giải quyết. Công thức duy nhất đưa đến thành công đó là sự đoàn kết. Tục ngữ có câu: "Ba người một lòng, sức mạnh phá thép". Đó là nói về sức mạnh của sự đoàn kết. Đoàn kết là thành công. Ngoài đời cũng vậy mà trong đạo cũng vậy.

Điều hòa kính thứ hai là "Giới hòa đồng tu". Giới luật chính là những điều mà ngày nay người ta gọi là luật pháp, hiến chương, qui chế. Đức Phật vì chúng ta mà chế định giới luật, chúng ta phải tuân thủ. Cuộc cống của chúng ta không thể tách rời khỏi xã hội, cho nên pháp luật của thế gian chúng ta cũng phải tuân thủ. Trong đó bao gồm cả những phong tục, tập quán, quan niệm đạo đức của xã hội, tất cả đều phải tuân thủ, như vậy mới có thể tạo nên một xã hội hoà bình, hạnh phúc và giàu mạnh được.

Giống như trong một công ty, họ có chương trình, kế hoạch, quy tắc… và từ giám đốc đến nhân viên, ai cũng phải tuân thủ theo chương trình và kế hoạch đó.

Điều hòa kính thứ ba là: "thân hòa đồng trụ", điều hòa kính thứ tư là: "khẩu hòa vô tranh". Hai điều hòa kính này đều là sự biểu hiện cụ thể của "giới hòa đồng tu". Mọi người ai nấy điều cùng làm việc, cùng tu tập, không có ý kiến bất đồng, thì không có gì để tranh chấp.

Điều hòa kính thứ năm là "ý hòa đồng duyệt", có nghĩa là cuộc sống của mỗi người đều tràn đầy niềm vui trong pháp. Bất kể là đời sống riêng tư hay sống chung với đoàn thể đều có thể sống một cách hoan hỷ, vui vẻ. Tâm hoan hỷ là suối nguồn của đời sống an lạc và hạnh phúc. Đó là điều mà tất cả chúng ta đều có thể đạt được trong hiện tại.

Điều hòa kính thứ sáu là: "lợi hòa đồng quân". Lợi có nghĩa là lợi dưỡng, tức là những vật chất trong cuộc sống, mọi người đều được hưởng thụ bình đẳng. Trong Tăng đoàn, không kể là thầy, là trò hoặc là trụ trì, phương trượng, hòa thượng, tất cả đều là chúng thanh tịnh trong một chùa, thì mọi vật chất như y áo, cơm nước, thuốc men… đều phải được phân chia đồng đều như nhau. Giống như trong một công ty, lợi nhuận có được là do mồ hôi nước mắt của mọi nhân viên, cho nên tất cả đều được trả lương hợp lý. Đương nhiên, tính chất công tác không giống nhau, chức vụ không giống nhau, thì lương bổng bất đồng, nhưng không giống như trong Tăng đoàn, Tăng đoàn là hoàn toàn bình đẳng, tuyệt đối bình đẳng. Luật pháp ở thế gian là phân công lao động và trả lương theo công việc, gọi là quân bình xã hội.

Một đạo tràng tuân thủ "sáu pháp hòa kính", thì đạo tràng đó được gọi là Tăng đoàn như pháp, tức là được chư Phật hộ niệm, được Long thần hộ pháp ủng hộ.

Ở ngoài đời, nếu một gia đình có thể tổ chức cuộc sống theo lời đức Phật dạy, tuân thủ "sáu pháp hòa kính", thì gia đình đó được gọi là "gia đình hòa hợp". Trong một công ty, từ giám đốc đến nhân viên, ai nấy đều tuân thủ theo "sáu pháp hòa kính", thì công ty đó được gọi là "một đoàn thể hòa hợp". Bất cứ một tổ chức nào sống theo nguyên tắc "sáu pháp hòa kính" nhất định đều được chư Phật, Bồ Tát, Thiện thần gia hộ, nhất định đều được thành công. Tất cả chúng ta phải ghi nhớ và nhận thức rõ điều này để nổ lực thực hiện.

Nếu như những kiến giải, những hiểu biết của chúng ta về giáo pháp của đức Phật mà khác biệt với đại chúng, thì gọi là "kiến giải bất hòa". Nếu "kiến giải bất hòa" thì phải nhanh chóng cầu xin chúng Tăng chỉ dạy để lấy lại chánh kiến, còn bằng không phải lập tức rút lui ra khỏi Tăng đoàn, nếu không sẽ phương hại đến Tăng đoàn. Đó là quyết định chính đáng. Vì sao? Bởi vì nếu gây ảnh hưởng xấu đến Tăng đoàn thì không những chỉ bản thân mình không được lợi ích mà còn mang tội "phá hòa hợp Tăng".

Tội "phá hòa hợp Tăng" rất nặng. Đức Phật nói đó là cái tội phá hoại đạo tâm của đại chúng, và phá luôn cả con đường tu tập chứng quả của đại chúng. Ở ngoài đời, trong một công ty, thì gọi là phá hoại hạnh phúc và lợi nhuận của công nhân. Tạo cái nghiệp như vậy, quả báo như thế nào có thể đã biết được. Làm trở ngại lợi ích của người khác thì quả báo chính là bản thân mình cũng không có lợi ích; phá vở hạnh phúc của người khác thì quả báo chính là bản thân mình cũng không có hạnh phúc. Nhân quả báo ứng một đường tơ kẻ tóc cũng không sai. Đó là chân lý, từ xưa đến nay không hề thay đổi. Điều đó không thể không biết!