Home > Nhân Qủa Nghiệp Báo
Ngài Chân Đế (Paramatha)
| Thượng Tọa Thích Hằng Đạt, Việt Dịch


Ngài Chân Đế tiếng Phạn gọi là Ba La Mạt Đà, và biệt danh là Câu La Na Tha (dịch là Thân Y). Ngài xuất sanh tại tây Thiên Trúc, tức nước Ưu Thiền Ni (Ujjaini). Bản tánh thông minh lanh lợi, khí chất phi phàm, thiên phú dị bẩm, tinh thông Phật pháp, hiểu rõ ngoại điển, có đầy đủ năng lực thần dị, và là vị danh tăng học giả tài đức kiêm toàn.

Lương Võ Đế (502 549) sùng kính Tam Bảo, nên Phật giáo nghiễm nhiên được hưng thạnh. Các vương quốc ở vùng Nam Hải thường đến triều cống rất nhiều. Lúc tiếp kiến với sứ giả nước Phù Nam (Cam Bốt), Lương Võ Đế yêu cầu nước Phù Nam gởi các vị tam tạng pháp sư, cao tăng danh đức, các kinh luận Đại Thừa, v.v..., sang Trung Thổ.

Ngài Chân Đế từ trung Thiên Trúc du hóa sang các vương quốc lân cận, và thường lui tới nước Phù Nam. Nhà Lương cùng nước Phù Nam giao hảo rất thân mật. Thuận lời yêu cầu của Lương Võ Đế, vua nước Phù Nam ra lịnh cho ngài Chân Đế mang kinh luận qua Tàu.

Ngài Chân Đế theo đường biển đến Quảng Châu vào rằm tháng tám năm 546, niên hiệu Đại Đồng, rồi tới Kiến Khang vào tháng tám năm 548. Lương Võ Đế ân cần hậu đãi, thỉnh ngài Chân Đế vào điện Bảo Vân cúng dường thâm hậu.

Mồng mười tháng tám năm 548, Hầu Cảnh cử binh phản loạn ở Thọ Dương, rồi vượt sông Trường Giang, đem quân bao vây Kiến Khang. Lương Võ Đế không kháng cự mà chết vì đói. Thành Kiến Khang bị chiến nạn, lửa cháy khắp nơi, dân chúng chết đói la liệt. Vì vậy, ngài Chân Đế phải rời khỏi nơi đó để đến Phú Xuân. Tại dinh huyện của Lục Nguyên Triết, Ngài bắt đầu phiên dịch kinh điển. Lục Nguyên Triết cũng triệu thỉnh danh tăng Bảo Quỳnh cùng hơn hai mươi người khác hỗ trợ việc phiên dịch. Song, vì thời cuộc biến chuyển, nên dịch chỉ được năm quyển kinh là phải đình chỉ.

Năm 552, ứng theo lời triệu thỉnh của Hầu Cảnh, ngài Chân Đế trở lại Kiến Khang thọ sự cúng dường. Năm kế, Hầu Cảnh bị giết chết. Tương Đông Vương lên ngôi, lấy hiệu là Lương Nguyên Đế. Lúc ấy, ngài Chân Đế lưu lại chùa Chánh Quán ở Kiến Khang, rồi cùng Nguyên thiền sư và hơn hai mươi người khác đồng dịch kinh Kim Quang Minh. Tháng hai năm 554, ngài Chân Đế rời Kiến Khang, đến chùa Bảo Điền ở Dự Chương. Nơi đây Ngài đã từng tạm trú trên tuyến đường từ Quảng Đông đến Kiến Khang. Lúc đó, Ngài thường qua lại với tăng nhân hiệu là Cảnh Thiều (508 583); vị này vốn là bậc giới sư ở vùng Dự Chương. Ngài rất tán thán Cảnh Thiều, một vị tăng tài đức kiêm toàn. Ngài bảo:

- Ta đã từng chu du qua nhiều nước, nhưng rất ít gặp được những người như Cảnh Thiều.

Tại Dự Chương, Ngài dịch được kinh Tân Kim Quang Minh, Duy Thức Luận, kinh Niết Bàn, v.v...

Năm 554, niên hiệu Thừa Thánh thứ ba, Ngài rời Dự Chương, qua Tân Ngô trú tại chùa Mỹ Nghiệp, rồi đến Thủy Hưng trú tại chùa Kiến Hưng. Sau này, Ngài qua Quảng Đông, vào Giang Tây, rồi đến trú tại chùa Tịnh Độ ở Nam Khang. Ngài liên tục phiêu bạt vân du, trước sau không có một nơi cư trú cố định để chuyên tâm dịch kinh.

Năm 558, niên hiệu Vĩnh Định thứ hai, Ngài trở lại Dự Chương, trú tại chùa Thê ẩn. Lúc đó, Ngài đi khắp Lâm Xuyên, vượt qua dãy núi Võ Di, rồi trải qua bao dặm đường dài khổ cực, đến được Tấn An. Tại đó, thấy đường biển thuận lợi, nên Ngài định theo thuyền mà trở về cố quốc. Nơi ấy, Ngài gặp các danh tăng như Trí Văn, Tăng Tông, Pháp Chuẩn, v.v... Trí Văn vốn tinh thông Thập Tụng Luật. Vì lánh nạn vào cuối đời Lương nên đến vùng Mân Nam, rồi được Tăng Tông, Pháp Chuẩn cung thỉnh đăng đàn thuyết pháp. Nơi đó, Trí Văn cũng cảm hóa được rất nhiều người, khiến họ quy y Tam Bảo, cúng dường chư tăng, trừ bỏ những thói hư tật xấu như hút thuốc, uống rượu, cờ bạc. Nhờ tín phụng và hiểu rõ Phật Pháp, những ngư dân đốt lưới, bỏ nghề đánh cá, giữ giới không giết hại. Khi gặp được Ngài, Trí Văn cùng theo học Phật pháp.

Hoài bão của ngài Chân Đế là muốn sang Trung Thổ để hoằng dương chánh pháp, phiên dịch kinh điển. Tuy nhiên, gặp lúc thời cuộc loạn ly, nhân tâm rối loạn, tai nạn liên miên, nên thất chí, theo thuyền trở về Thiên Trúc. Trên đường, ngài ghé qua Quảng Đông, tới quận Lương An. Thái thú Vương Phương Xa cùng nhân sĩ trong vùng khẩn thỉnh Ngài ở lại. Tuy chấp thuận lời thỉnh cầu của họ mà lưu lại nơi đó, nhưng Ngài không có ý an trú lâu dài. Từ mồng một tháng năm đến ngài hai mươi lăm tháng chín năm 562, Ngài dịch kinh Kim Cang Bát Nhã (10 quyển), và Kim Cang Bát Nhã Sớ, do ngài Thế Thân chú giải.

Cuối cùng, vào tháng chín năm 562, Ngài lên thuyền từ Lương An trở về Thiên Trúc. Trên đường gặp giông tố, nên gió thổi thuyền chạy trở lại Quảng Đông vào tháng chạp. Thái Thú Âu Dương Nguy bèn cầu thỉnh Ngài trở về lưu trú tại chùa Chế Chỉ, tiếp tục công tác phiên dịch kinh điển. Từ đó, Ngài không còn có ý niệm trở về bổn quốc. Với sự giúp đỡ của đệ tử là Huệ Khải, Ngài phiên dịch kinh Quảng Nghĩa Pháp Môn, Duy Thức Luận. Thái thú Âu Dương Nguy cũng quy y, thọ giới Bồ Tát, làm đệ tử của Ngài.

Trong năm đó, Âu Dương Nguy mất, con là Âu Dương Hột làm thỉnh chủ. Huệ Trí, trụ trì chùa Chế Chỉ, và chinh nam trường sử Viên Kính làm đàn việt hỗ trợ cho Ngài trong việc dịch kinh. Vào lúc ấy, Ngài dịch xong quyển Nhiếp Đại Thừa Luận. Các vị tăng ở Tấn An theo Ngài tu học khi xưa, lặn lội xuống vùng Lãnh Nam ở Quảng Châu để nghe Ngài giảng giải Phật pháp tân thuyết.

Tháng giêng năm 564, do lời thỉnh cầu của Huệ Khải, Pháp Nhẫn, v.v..., Ngài dịch Phẩm Hoặc trong quyển luận Câu Xá. Chưa dịch xong thì chợt có sự biến, nên Ngài tạm sang quận Nam Hải cư trú. Đến tháng mười năm đó thì Ngài dịch xong, được hai mươi hai quyển văn luận, một quyển kệ luận, và năm mươi ba quyển nghĩa sớ. Sau này, ứng theo lời cầu thỉnh của quan thứ sử, Ngài vào thành giảng kinh thuyết pháp. Thấy những bản dịch cũ có nhiều chỗ thiếu sót và sai lầm, Ngài dịch lại quyển luận Câu Xá từ tháng hai năm 565 đến tháng chạp năm 567 thì hoàn tất. Tháng giêng năm kế, Ngài dịch xong quyển Luật Nhị Thập Nhị Minh Liễu Luận.

Dẫu suốt đời bỏ công sức hoằng pháp lợi sanh, nhưng Ngài lại không có nhân duyên được đạo tràng và chùa chiền thanh tịnh để an trú hành pháp, mà lại gặp bao việc không vừa ý, nên có ý định tự vẫn. Đang giảng luận Câu Xá, nghe được tin này, Huệ Khải bèn trở về chùa ngay lập tức để cản trở. Chư tăng kẻ tục đồng đến an ủi Ngài. Thứ sử Âu Dương Hột cũng phái người đến hầu cận, rồi tự thân tới săn sóc Ngài trong ba ngày liền. Ông an bài cho Ngài tạm an trú tại chùa Vương Viên. Đệ tử Tăng Tông, Tăng Khải, v.v... định đưa Ngài trở lại Kiến Khang. Song, các học giả ở nơi đó sợ rằng một khi Ngài trở về thì thanh danh và quyền thế của họ bị lu mờ, nên đồng dâng biểu lên vua Trần Văn Đế:

- Tại vùng Lãnh Nam, Chân Đế phiên dịch Duy Thức Vô Trần Thuyết. Vị tăng đó vừa tuyên dương giáo pháp, vừa rong đuổi theo quyền thế chính trị. Điều này chẳng những không hợp tình mà còn tương phản với giáo nghĩa của nước ta. Loại người này, xin nhà vua hãy đuổi ra kinh thành để đến những miền xa xăm.

Trần Văn Đế y nhiên phê chuẩn, nên Ngài không thể trở về kinh thành được. Quyển 'Tân Duy Thức Luận' mà Ngài phiên dịch, cũng không được lưu truyền ra ngoài.

Trước kia, Lương Võ Đế tôn sùng Đại Luận, vì chính ông ta học Thành Thật Luận. Trần Văn Đế không giống như thế. Ông ta thường nỗ lực hoằng truyền kinh Đại Phẩm Bát Nhã, và quý trọng Tam Luận.

Tuy trải qua hai triều đại Lương và Trần, phong trào tu học tại Kiến Khang vẫn ưa chuộng lý Bát Nhã, Tam Luận.

Pháp Thái, đệ tử của ngài Chân Đế, giảng Nhiếp Luận Duy Thức, mà chư tăng cùng kẻ tục không thể lãnh hội được. Do đó, mọi người đều lạnh nhạt và không có ai muốn nghiên cứu giáo lý Du Già Duy Thức.

Ngài Chân Đế bỏ ra hết tâm huyết chú trọng vào việc dịch quyển Nhiếp Đại Thừa Luận. Đương thời các đệ tử như Tăng Tống, Huệ Khải cũng dụng hết công sức để nghiên cứu và hỗ trợ.

Ngày nọ, trời lạnh rét buốt, nhưng ngài Chân Đế chỉ mặc y phục đạm bạc, dịch kinh đến suốt đêm, nên sức khỏe yếu kém. Lúc Ngài vừa định ngủ, Huệ Khải bèn nhẹ nhàng lén lấy y hậu đắp lên đôi bàn chân của Ngài để cho ấm, nhưng Ngài lại la rầy trách mắng. Việc này biểu thị cho tinh thần tri túc, chí khí chịu khổ nhọc, chuyên cần hoằng dương chánh pháp của Ngài. Do đó, các đệ tử ngày càng bội phục kính trọng.

Ngài cũng thường than rằng thời vận của mình không may, khiến nhân duyên hoằng pháp bị nhiều chướng ngại. May mắn là Ngài được các đệ tử hết lòng tôn sùng, dốc lòng hỗ trợ trong công tác phiên dịch kinh luận, nên được an ủi phần nào. Huệ Khải sợ pháp Du Già Duy Thức tương lai sẽ bị mai một. Ngài chỉ tay về hướng tây bắc, bảo:

- Nơi đó có một đại quốc, chẳng gần chẳng xa. Sau khi Ta mất đi, người ở xứ đó sẽ tuyên dương pháp này, khiến được hưng thịnh.

Lời tiên đoán của ngài Chân Đế thật không sai. Sau này tại phương bắc có ngài Đàm Tuyển hoằng dương Nhiếp Đại Thừa Luận, và dùng pháp này để làm nền tảng cho tông Nhiếp Luận.

Tại chùa Trí Huệ, Huệ Khải giảng được chín quyển luận Câu Xá, sớ Nghiệp Phẩm rồi thị tịch. Do đó, ngài Chân Đế thay thế, tiếp tục giảng thêm ba quyển. Giảng chưa hoàn tất thì Ngài viên tịch vào năm kế, tức ngày mười một tháng giêng năm 568. Ngài lại phó thác cho đệ tử là Trí Hưu và Pháp Hải ở chùa Tam Tạng lãnh thọ. Ngày thứ mười hai, chư đệ tử làm lễ trà tỳ rồi cho xây tháp thờ. Ngày thứ mười ba, Tăng Tống, Pháp Chuẩn, v.v... bàn luận định đến Lô Sơn. Đệ tử của Ngài là Trí Kiểu viết: "Ngài tam tạng Chân Đế vừa viên tịch thì các pháp lữ bèn đi tán hết. Tông tự không có người kế thừa".

Ngài Chân Đế ở Trung Thổ phiên dịch kinh luận từ năm 546 tới năm 569. Trải qua hai mươi ba năm, ngài Chân Đế phiên dịch được sáu mươi bốn bộ, và hai trăm bảy mươi tám quyển kinh luận. Công nghiệp của ngài Chân Đế ảnh hưởng rất lớn đối với Phật giáo sau này.

Những kinh luận do ngài Chân Đế phiên dịch như sau: Kinh Quang Minh (7 quyển), kinh Di Lặc Hạ Sanh (1 quyển), kinh Nhân Vương Bát Nhã (1 quyển), luận Thập Thất Địa (5 quyển), luận Đại Thừa Khởi Tín (1 quyển), Trung Luận (1 quyển), luận Như Thật (1 quyển), luận Bổn Hữu Kim Vô (1 quyển), luận Tam Thế Phân Biệt (1 quyển), sớ kinh Kim Quang Minh (13 quyển), sớ kinh Nhân Vương Bát Nhã (6 quyển), sớ luận Đại Thừa Khởi Tín (2 quyển), sớ Trung Luận (2 quyển), Cửu Thức Nghĩa Ký (2 quyển), Chuyển Pháp Luân Nghĩa Ký (1 quyển), kinh Phật A Tỳ Đàm (9 quyển), kinh Vô Thượng Y (2 quyển), kinh Giải Tiết (1 quyển), kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật (1 quyển), kinh Quảng Nghĩa Pháp Môn (1 quyển), Tăng Xút Đa Luật 1 quyển), Tu Thiền Định Pháp (1 quyển), luận Câu Xá Thích (21 quyển), Lập Thế A Tỳ Đàm (10 quyển), luận Nhiếp Đại Thừa (15 quyển), luận Phật Tánh (4 quyển), luận Tứ Đế (4 quyển), luận Tăng Già (3 quyển), Nhiếp Đại Thừa Luận Bổn (3 quyển), luận Đại Không (3 quyển), luận Trung Biên Phân Biệt (3 quyển), luận Kim Thất Thập (2 quyển), Câu Xá Luận Kệ (1 quyển), luận Kim Cang Bát Nhã (1 quyển), luận Luật Nhị Thập Nhị Minh Liễu (1 quyển), luận kinh Đại Bát Niết Bàn (1 quyển), luận Di Giáo (1 quyển), luận Tam Vô Tánh (1 quyển), luận Phản Chất (1 quyển), luận Tùy Phụ (1 quyển), luận Cầu Na Ma Đề Tùy Tuớng (1 quyển), luận Thật Hạnh Vương (1 quyển), luận Thành Tựu Tam Thừa (1 quyển), luận Chánh Luân Đạo Lý (1 quyển), luận Ý Nghĩa (1 quyển), luận Chấp Bộ Dị (1 quyển), Duy Thức Luận Văn Nghĩa Hợp (1 quyển), Chánh Luân Thích Nghĩa (5 quyển), Phật Tánh Nghĩa (3 quyển), Thiền Định Nghĩa (1 quyển), sớ luận Câu Xá (16 quyển), sớ Kim Cang Bát Nhã (11 quyển), sớ Thập Bát Bộ Luận (10 quyển), sớ kinh Giải Tiết (4 quyển), sớ kinh Vô Thượng Y (4 quyển), sớ luận Như Thật (3 quyển), sớ luận Tứ Đế (3 quyển), sớ luận Phá Ngã (1 quyển), sớ Tùy Tướng Luận Trung Thập Lục Đế (1 quyển), truyện Bà Tẩu Bàn Đầu (1 quyển), Chúng Kinh Thông Tự (2 quyển), Phiên Ngoại Quốc Ngữ (7 quyển), Nhân Thọ Lục (quyển I) luận Thập Bát Không (1 quyển), luận Tư Trần (1 quyển), luận Giải Quyền (1 quyển), luận Quyết Định Tạng (2 quyển), luận Hiển Thức (1 quyển), luận Chuyển Thức (1 quyển).

Luận Du Già và Duy Thức học ảnh hưởng rất lớn đối với Phật giáo Trung Quốc, mà vị tam tạng pháp sư có công nhiều nhất trong việc phiên dịch và truyền bá những bộ kinh luận đó là ngài Chân Đế. Tuy có chí hoằng pháp độ sanh, nhưng cuộc đời của ngài Chân Đế gặp bao cảnh trái ngang, bi đát: Không được nhiều đại thí chủ hộ trì; không có nơi cư trú nhất định, không có đạo tràng đàng hoàng để phiên dịch, v.v... Tuy nhiên, dẫu gặp bao gian nan chán chường, nhưng chí nguyện hoằng pháp của ngài Chân Đế vẫn kiên cường. Ngài phiên dịch cùng giảng giải kinh điển cho đến phút chót của cuộc đời. Thật xứng đáng là một bậc vĩ nhân trong lịch sử Phật giáo.

Sau này, đến đời Đường, do ngài Huyền Trang tổng quy mô chủ trì dịch lại những kinh luận Duy Thức, khiến cho những tác phẩm phiên dịch khi trước của ngài Chân Đế bị lu mờ mai một. Song, sự nghiệp phiên dịch kinh điển của ngài Chân Đế mãi mãi được ghi vào lịch sử Phật giáo.