Ông Long Thư nói rằng: “Người ta khi còn sống có đủ mọi vật, như cha mẹ, vợ con, nhà cửa, ruộng vườn, bò dê, xe ngựa… cho đến bàn ghế, chén bát, y phục… Những vật ấy, dù lớn dù nhỏ, hoặc do cha ông để lại, hoặc tự mình làm ra, hoặc do con cháu hay người khác giúp cho mà có. Hết thảy những vật ấy đều là của mình.

“Đến như một tờ giấy mỏng là nhỏ nhặt, bị người khác xé rách cũng sanh lòng giận; một cây kim chẳng đáng là bao, bị người lấy mất cũng sinh lòng tiếc! Kho lẫm chứa đầy, lòng vẫn không thấy đủ; vàng lụa đã nhiều, vẫn sắm mãi không thôi. Mỗi một hành vi trong đời sống đều nặng lòng ái luyến, vướng chấp. Vắng nhà một đêm mà lòng đã canh cánh nỗi nhớ nhà. Người giúp việc chưa kịp về đã lo rằng đi mất. Không một công việc nào không ôm lòng lo lắng.

“Một mai khi cái hạn kỳ lớn nhất trong đời đã đến, mọi thứ đều phải vất bỏ hết. Đến như thân xác này cũng là vật bỏ đi, huống chi những vật ngoài thân?

“Lắng lòng mà suy xét, thấy cuộc đời này thật mơ hồ như giấc mộng!

“Cho nên Trang tử nói rằng: “Phải có sự tỉnh giác lớn rồi sau mới rõ biết được giấc mộng lớn lao này.”

“Người xưa nói:

Một mai vô thường đến,
Mới hay mộng đời dài.
Muôn vật đều vất bỏ,
Chỉ còn nghiệp mang theo.

“Lời ấy thật rất hay! Vì thế tôi mượn hai câu sau, thêm vào hai câu thành bài kệ rằng:

Muôn vật đều vất bỏ,
Chỉ còn nghiệp mang theo.
A di đà thường niệm,
Cõi Phật ắt sanh về.

“Nói nghiệp đó là chỉ cả nghiệp lành và nghiệp dữ. Cả hai loại nghiệp ấy sau khi chết đều mang theo. Vậy lẽ nào không thể dùng phép tu Tịnh độ làm nghiệp của mình hay sao?

“Có vị trưởng lão đã thấu triệt sáng suốt, rộng vì mọi người mà giảng giải. Ngài chỉ vào thân này mà nói: ‘Thân này là vật chết, nhưng bên trong có chỗ linh hoạt, đó là vật sống. Đừng dựa trên vật chết mà thực hành phương thức sống, nên dựa trên vật sống mà thực hành phương thức sống.’ Tôi rất thích lời dạy ấy nên thường đem ra nói với người khác.

“Nói chung mọi sự tham muốn những vật bên ngoài để cung phụng cho cái thân này đều là dựa trên vật chết mà thực hành phương thức sống. Người đời cho dù chưa ai thoát được việc ấy, nhưng trong cuộc mưu sanh để nuôi sống cái thân này, nếu có được một khoảnh khắc nào đó quay về soi rọi tự tâm, đem lòng hướng về Tịnh độ, thì đó chính là dựa trên vật sống mà thực hành phương thức sống.

“Bằng như cứ mãi hối hả gấp rút trong công việc làm ăn, thì cho dù giàu có đến như Thạch Sùng, sang quý đến bậc nhất phẩm, cuối cùng rồi cũng có hạn kỳ chấm dứt, lẽ nào sánh được với cõi Tịnh độ an vui mãi mãi hay sao?”

Trích từ: Quy Nguyên Trực Chỉ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ