Home > Nhân Qủa Nghiệp Báo
Chi Khiêm
| Thượng Tọa Thích Hằng Đạt, Việt Dịch


Chi Khiêm tự Cung Minh, biệt danh là Việt, xuất thân từ nước Đại Nhục Chi. Thời Hán Linh Đế, tổ phụ dẫn cả trăm người sang nơi đất Hán, nhân đó đổi tên thành Chi. Chi Khiêm vốn là ưu bà tắc. Năm mười tuổi học kinh thư, có trí thông minh mẫn tiệp hơn người. Năm mười ba tuổi học sách vở tiếng Phạn, cùng thông thạo ngôn ngữ của sáu nước. Đời Hán Linh Đế, đệ tử của ngài Chi Sấm là Chi Lượng sang Trung Thổ. Chi Khiêm bèn theo Chi Lượng học Phật pháp. Cuối đời Đông Hán, Chi Khiêm chạy loạn đến nước Ngô. Tưởng vào nam lánh được loạn lạc, nhưng vẫn gặp khổ ách. Đương thời, Chi Khiêm cùng vài mươi người đồng hương qua đất Ngô. Họ phải đắp chăn ngủ trên đường lộ. Trong nhóm có một người khách; ông ta không có chăn để đắp. Thấy trời lạnh lẽo, Chi Khiêm gọi ông ta qua cùng đắp chăn để đỡ lạnh. Giữa đêm, người khách kia lén lấy chăn ngủ của Chi Khiêm đi mất. Sáng hôm sau, các người đồng hành thấy thế, bèn hỏi Chi Khiêm rằng chăn đắp đâu mất rồi. Chi Khiêm đáp:

- Đêm hôm qua người khách lạ đã lấy mất!

Họ hỏi:

- Sao không la lên?

- Nếu tôi la lên thì các vị chắc phải bắt trói hay gia hình kẻ trộm. Sao chỉ vì một tấm chăn mà làm lụy đến mọi người, hay hại kẻ khác!

Ngô Tôn Quyền nghe tiếng bác học, tài năng trí huệ xuất chúng của Chi Khiêm, nên triệu ông ta vào hầu cận, lại hỏi vấn về nơi thâm áo của Phật pháp. Chi Khiêm tùy theo căn cơ ứng đáp minh bạch trôi chảy những kinh điển khó hiểu cùng bao nghi vấn. Vừa nghe qua, Ngô Tôn Quyền rất vui mừng, bèn bổ nhậm Chi Khiêm làm Bác Sĩ, đảm nhậm chức Bổ Đạo Đông Cung. Đương thời, đã có rất nhiều kinh điển được truyền vào đất Ngô, nhưng hầu hết đều là kinh tiếng Phạn, nên khó lòng cho dân chúng hiểu nghĩa lý. Do thông thạo tiếng Tàu và tiếng Phạn, cùng ngôn ngữ của sáu nước, nên Chi Khiêm gom góp nhiều loại kinh lại rồi tự phiên dịch ra tiếng Tàu. Chi Khiêm phiên dịch khoảng hai mươi bảy bộ kinh, cùng chú thích các bộ kinh như Liễu Bổn Sanh Tử. Lúc thái tử lên ngôi, Chi Khiêm vào ẩn cư nơi núi Khung Ải, gạt qua mọi việc ở thế gian. Chi Khiêm cũng theo ngài Trúc Pháp Lan mà thọ năm giới, và trú nơi đó sáu mươi năm cho đến lúc qua đời.

Theo quyển 'Xuất Tam Tạng Ký Tập', từ đời Ngô Tôn Quyền, niên hiệu Hoàng Võ (222) đến đời Ngô Tôn Lượng, niên hiệu Kiến Hưng (252 253), Chi Khiêm dịch hơn ba mươi quyển kinh như sau: Đại Bát Nê Hoàn (2 quyển), Đoan Ứng Bổn Khởi (2 quyển), Tiểu A Sai Mạt (2 quyển), Huệ Ấn (1 quyển), Bổn Nghiệp (1 quyển), Pháp Cú (2 quyển), Tu Lại (1 quyển), Tư A Mạt (1 quyển), Vi Mật Trì (1 quyển), A Di Đà (2 quyển), Nguyệt Minh Đồng Tử (1 quyển), Nghiệp Túc (2 quyển), A Nan Tứ Sự (1 quyển), Sai Ma Kiệt (1 quyển), Ưu Đa La Mẫu (1 quyển), Thất Nữ (1 quyển), Bát Sư (1 quyển), Thích Ma Nam (1 quyển), Bột Sao (1 quyển), Minh Độ (4 quyển), Lão Nữ Nhân (1 quyển), Trai Kinh (1 quyển), Tứ Nguyện (1 quyển), Hối Quá (1 quyển), Hiền Giả Đức (1 quyển), Phật Đồ Thượng Sở Hành Tam Thập Kệ (1 quyển), Liễu Bổn Sanh Tử (1 quyển), Duy Minh Nhị Thập Kệ (1 quyển). Đấy là những kinh điển do Chi Khiêm dịch, và đã được ngài Đạo An liệt kê. Theo Tăng Hữu thì Chi Khiêm có dịch thêm sáu bộ kinh khác như kinh: Thủ Lăng Nghiêm (2 quyển), Long Thi Nữ (1 quyển), Pháp Kính (2 quyển), Lộc Tử (1 quyển), Thập Nhị Môn Đại Phương Đẳng (1 quyển), Lại Trá Hòa La (1 quyển).

Cách diễn dịch lời kinh của Chi Khiêm rất uyển chuyển, lưu loát. Trước kia, đa số các kinh điển được phiên dịch đều có rất nhiều từ ngữ tiếng Phạn, nên rất khó đọc. Sau này, Chi Khiêm dịch lời kinh theo ý tưởng của mình rồi kiểm thảo lại để phù hợp với ý của văn kinh. Nếu ý tưởng phiên dịch phù hợp với văn kinh thì duy trì nguyên văn, không sửa thêm gì, nên lời văn rất ít có chữ Phạn.