Home > Thánh Tăng Truyện > Bo-De-Luu-Chi-Bodhiruci
Bồ Đề Lưu Chi (Bodhiruci)
| Thượng Tọa Thích Hằng Đạt, Việt Dịch


Ngài Bồ Đề Lưu Chi (dịch là Đạo Hỷ) vốn là người bắc Thiên Trúc, thông suốt ba tạng kinh điển, diệu nhập tổng trì, có ý chí hoằng pháp. Vào đời Bắc Ngụy, đầu niên hiệu Vĩnh Bình (508), Ngài vượt ngọn Thông Lĩnh, đến Đông Hạ. Nghe tin này, Tuyên Võ Đế bèn hạ lịnh nghinh đón Ngài về Vĩnh Ninh Đại Tự, ân cần tứ sự cúng dường. Ông lại sai bảy trăm vị Phạn tăngẠ hỗ trợ Ngài phiên dịch kinh điển.

Lúc đầu, y theo sắc lịnh, Ngài dịch kinh Thập Địa. Tuyên Võ Đế đích thân ghi chép. Các sa môn như Tăng Biện, v.v... thảo duyệt văn dịch. Phật pháp được hưng thạnh, và các bậc anh tài xuất hiện từ khi truyền bá những kinh điển này. Tuyên Võ Đế lại ra lịnh cho thanh tín sĩ Lý Khuếch soạn viết mục lục các bộ kinh vừa được ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch. Thanh tín sĩ Lý Khuếch vốn đã học thông huyền nghĩa, quán suốt kinh luận. Thanh tín sĩ Lý Khuếch viết rằng tam tạng pháp sư Bồ Đề Lưu Chi tại Lạc Dương và Nghiệp Đô, hơn hai mươi năm dịch được ba mươi chín bộ kinh, và một trăm hai mươi bảy quyển như kinh Phật Danh, Lăng Già, Pháp Tập, Thâm Mật, v.v... và luận Thắng Tư Duy, Pháp Hoa, Niết Bàn, v.v... Sa môn Tăng Lãng, Đạo Trạm, v.v... ghi chép.

Trong quyển 'Nội Điển Lục' đời Đường Trinh Quán, Lý Khuếch viết rằng trong gian phòng của tam tạng pháp sư Bồ Đề Lưu Chi có cả muôn bộ kinh chữ Phạn, và các quyển kinh được phiên dịch, đầy cả gian phòng. Huệ giải của tam tạng pháp sư Bồ Đề Lưu Chi tương đồng với sa môn Lặc Na Ma Đề, và thần ngộ minh mẫn, lại tinh thông chú thuật, mà không ai sánh bằng.

Lần nọ, Ngài định tắm mà nước trong giếng lại khô cạn. Các đệ tử cũng chưa kịp mang nước đến. Ngài bèn lấy một nhánh cây liễu, gia trì vài biến, rồi bỏ vào trong giếng. Một hồi sau, nước từ dưới đáy giếng vụt phun lên đầy khắp. Chư tăng ở nơi đó thấy chú thuật thần dị của Ngài như thế, đều kính phục, nên xưng tán Ngài là 'Đại Thánh Nhân'. Ngài liền bảo:

- Chớ vọng khen những lời như thế. Chỉ có phương này là không thường hành, còn tăng nhân ngoại quốc thường hành pháp thuật này. Sao dám gọi là bậc thánh!

Ngài sợ làm mê hoặc người đời nên không truyền pháp chú thuật. Những bộ kinh luận do ngài Bồ Đề Lưu Chi phiên dịch như sau: Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật (1 quyển), luận kinh Kim Cang Bát Nhã (3 quyển), kinh Nhập Lăng Già (10 quyển), kinh Chúng Mật Giải Thoát (5 quyển), kinh Pháp Tập (8 quyển), kinh Thắng Tư Duy Phạm Thiên Sở Vấn (6 quyển), kinh Đại Tát Giá Ni Kiền Tử Thọ Ký (10 quyển), kinh Phật Danh (12 quyển), kinh Bất Tăng Bất Diệt (2 quyển), kinh Sai Ma Ba Đế Thọ Ký (10 quyển), luận kinh Vô Lượng Thọ Ưu Ba Đề Xá (1 quyển), luận kinh Già Da Đảnh (2 quyển).

Ngài tịch vào năm 527.