Home > Khai Thị Niệm Phật > Che-Do-Xa-Hoi-Ngay-Xua-Voi-Ngay-Nay
Chế Độ Xã Hội Ngày Xưa Với Ngày Nay
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Thượng Tọa Thích Nguyên Hùng, Việt Dịch


Chế độ xã hội ngày xưa với ngày nay không giống nhau. Nếu luận về mặt lợi và hại, chúng ta để tâm quan sát một chút sẽ thấy rằng, chế độ xã hội thời xưa so với xã hội hiện đại, thì có nhiều điều tốt hơn điều xấu. Xã hội hiện đại thực thi chế độ dân chủ, không thể nói là không tốt. Chế độ dân chủ là một chế độ tốt nhất trong tất cả các chế độ. Nhưng chế độ dân chủ muốn đạt hiệu quả cao, đòi hỏi phải được xây dựng trên nền tảng luân lý đạo đức, kiến lập trên tinh thần giữ giới của mọi người, thì chế độ này mới có thể phát huy được ưu điểm của nó, mới mang lại hiệu quả mỹ mãn cho xã hội. Nếu như quan niệm về luân lý đạo đức và tinh thần giữ giới khiếm khuyết, thậm chí hoàn toàn không có, thì chế độ dân chủ sẽ biến thành một đám cát rời rạc, năm bè bảy mảng, không đoàn kết, giống như một xã hội không có chính phủ, và nhân dân sống trong đất nước như vậy thật là thiếu phước.

Đất nước Trung Quốc vào thời cổ đại có truyền thống gia đình rất tốt đẹp, trong cuốn "Nhật tri lục" của Cố Viêm Vũ còn ghi lại rất nhiều. Trong đó có nói đến gia đình tiên sinh Trương Công Nghệ, có đến cửu thế đồng đường(1)! Đại gia đình này trên dưới có hơn trăm người. Ở Trung Quốc những gia đình như vậy đâu đâu cũng có thể thấy, chính như tiểu thuyết "Hồng lâu mộng" cũng có viết. Bấy giờ Hoàng đế đã từng hỏi ông: "Ông làm cách nào để giáo dục con cháu trong gia đình, khiến từ trên xuống dưới đều sống hoà thuận, thương yêu nhau như vậy?". Trương lão tiên sinh rất có hứng thú, viết liền 100 chữ nhẫn (忍) đưa cho Hoàng đế. Vua xem xong cười nói: "Tuyệt đẹp!". Tiên sinh thưa: "Đẹp thì đẹp thiệt, nhưng mà chưa thật toàn thiện!". Vậy cần phải làm thế nào để đạt được toàn thiện toàn mỹ?

Gia đình là một đơn vị cơ bản của xã hội, cho nên người xưa thường nói, có khả năng giáo dục gia đình thì có khả năng trị nước. Gia đình có cương thường, kỷ luật, pháp độ của gia đình. Cho nên người Trung Quốc thường nói: "Gia có gia quy, quốc có quốc pháp". Những gia tộc thuở xưa có gia quy rất hoàn thiện và rất nghiêm khắc. Sửa trị việc nhà cũng giống như điều hành đất nước, chẳng khác gì nhau, vì vậy mà nhà Nho thường dạy trước hết phải tu chỉnh bản thân, sửa trị việc nhà, rồi sau mới lo trị quốc, bình thiên hạ. Sửa trị việc nhà là gốc của việc trị nước. Vào thời Xuân Thu, các nước chư hầu có lãnh thổ không lớn như một quốc gia bây giờ. Các nước lớn thì có lãnh thổ tương đương với một thị xã, hoặc thành phố các nước nhỏ thì khoảng một thị trấn. Lãnh đạo các nước chư hầu cũng giống như những chủ tịch thành phố, hay chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện bây giờ. Chữ "bình" trong "bình thiên hạ" nó có nghĩa là người lãnh đạo quốc gia phải có khả năng phán quyết, ứng xử công bằng. Trong các sách cổ của Trung Quốc còn ghi lại là các quốc gia trong thiên hạ đều dùng nguyên tắc công bằng để cùng cộng sinh, cộng tồn, và cùng phát triển. Chúng ta có thể tra lại vấn đề này trong các sách xưa của Trung Quốc.

Xã hội hiện đại coi trọng chế độ tiểu gia đình, cho nên những tinh thần, phép tắc, quy củ, quan niệm sống chung trong một đại gia đình đã bị quên hết. Nếu như chúng ta có thể nghiên cứu một cách nghiêm túc, rồi đem áp dụng vào trong các công ty thương nghiệp, công xưởng, xa hơn nữa là các cơ quan nhà nước, bộ máy chính phủ. Làm được như vậy là đã kiến thiết một xã hội vững mạnh, đó là một đại gia đình hiện đại, nhất định sẽ đạt hiệu quả cao. Người đời không ai lưu ý đến điều này, và người Trung Quốc cũng đã lãng quên. Tuy nhiên, trên thế giới vẫn còn có người thông minh, đó chính là người Nhật Bản.

Người Nhật Bản đã đem những truyền thống tốt đẹp trong đại gia đình của người Trung Quốc như phép tắc, kỷ cương, luân thường, đạo lý ứng dụng trong công ty của họ. Từ người lãnh đạo tối cao cho đến nhân viên thấp nhất đều sống và làm việc như trong một đại gia đình, cho nên các công ty của họ phát triển vượt bậc lên hàng đầu thế giới về mọi mặt, các nước trên thế giới không làm cách nào để so sánh được. Vì sao người Nhật Bản làm được như vậy? Có một số người cho rằng đó là do tinh thần võ sĩ đạo của người Nhật Bản, ngày xưa dùng cho chủ nghĩa quân chủ, ngày nay ứng dụng trong thương trường. Nhận định đó không sai, nhưng đó không phải là điều căn bản. Điều căn bản là do họ đã biết tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Họ đã đem cơ sở luân lý này ứng dụng vào trong tập đoàn thương nghiệp, đó là nhân tố chính khiến họ thành công trên thương trường, đồng thời cũng phát huy được truyền thống tốt đẹp của đại gia đình trong xã hội hiện đại, đó là tinh thần đoàn kết, đồng cam cộng khổ, đồng tâm hiệp lực. Mục tiêu của các gia đình xưa là làm vinh quang giòng họ. Ngày nay, mục tiêu kinh doanh của các công ty Nhật Bản là đưa nền kinh tế nước nhà lên hàng đầu thế giới. Điều này khiến chúng ta khâm phục người Nhật Bản, họ rất thông minh, không những họ gìn giữ được truyền thống tốt đẹp trong gia đình mà còn phát huy sáng lạn, biến tinh thần truyền thống ấy thành sản phảm của thời đại mới.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Chế Độ Xã Hội Ngày Xưa Với Ngày Nay