Chúng tôi đã đi thăm viếng viện dưỡng lão và cô nhi viện của những người Hồi Giáo; phương pháp quản lý, tinh thần làm việc, thái độ thành khẩn của họ làm cho người ta kính phục. Trên phương diện kỹ thuật, họ lợi dụng máy vi tính dạy học, học sinh nhỏ nhất mới có bốn tuổi. Do đây có thể biết họ đối với việc truyền bá giáo nghĩa còn làm hoàn hảo hơn chúng ta nhiều, có nhiều chỗ đáng cho chúng ta học tập. Ðặc biệt là tinh thần đoàn kết, tập trung lực lượng là chẳng có đoàn thể nào khác có thể sánh bằng. Ðiều thứ ba trong Tam Quy Y là ‘Quy y Tăng, chúng trung tôn’. Chúng là đoàn thể, Tăng đoàn là đoàn thể đáng được người tôn kính nhất trong những đoàn thể của thế gian và xuất thế gian vì Tăng đoàn làm được ‘Lục Hòa Kính’. Chúng tôi thấy những người đạo Hồi này tuy chẳng có điều lệ Lục Hòa Kính nhưng sự đoàn kết và cách làm của họ phù hợp với Lục Hòa Kính, việc này đáng để cho chúng ta phản tỉnh.
Ðối với hết thảy sự lý, nghiệp nhân quả báo nhìn thấy được rõ ràng nhất, triệt để nhất là chư Phật, Bồ Tát. Ðó là ‘người đương sự thì mê, người bàng quan thì sáng suốt hơn’ . Chư Phật, Bồ Tát là người bàng quan, chẳng phải là người trong cuộc nên họ có thể nhìn thấy rõ ràng. Người trong cuộc có phân biệt, chấp trước, người bàng quan chẳng có phân biệt, chấp trước, hết thảy đối với họ chẳng liên can. Do đó có thể biết nếu muốn đạt được trí huệ giống như chư Phật, Bồ Tát, thì nhất định phải làm người bàng quan, và cũng tức là phải buông xuống phân biệt, chấp trước; đối với hết thảy sự lý, cảnh duyên, nghiệp nhân quả báo mới có thể rõ ràng, thấu triệt, mới biết xử lý công việc như thế nào.
Chân tướng sự thật rốt ráo chính là ‘vạn pháp đều là không’, người trên trời nói với Hồng lão cư sĩ ‘Ðến cũng không không, đi cũng không không’, đó là chân tướng sự thật rốt ráo. Ý nghĩa của hai chữ ‘Ðến’ và ‘Ði’ là chỉ cho sự sanh diệt của tâm niệm, tâm niệm sanh tức là ‘đến’, diệt tức là ‘đi’, đến đi đều là trong vòng sát na. Hiểu rõ ý tứ này thì đương lúc đó sẽ là ‘không không’. Phật pháp giảng về tam không – nhân ngã không, pháp ngã không, không cũng không, sau cùng ngay cả chữ không này cũng ‘không’ luôn, tức là ngay cả tâm niệm ‘không’ cũng chẳng thể phân biệt, chấp trước. Phân biệt không, chấp trước không thì vẫn chẳng không, vì vẫn còn cái ‘tâm niệm không’ này, cho nên mới nói ‘cái không này’ cũng phải không. Ðoạn hết sạch vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng sẽ hiện tiền, sẽ đạt được trí huệ giống chư Phật, Bồ Tát.
Ðại Thừa giáo nói có ‘Tướng’, có thể thọ dụng. Nhưng phải hiểu ‘có’ này là huyễn có, Dụng cũng chẳng chân thật, vì Thể Tánh là không. Thể là tịch tịnh, tịch tịnh tức là chân không. Sâm la vạn tượng, y chánh trang nghiêm đều dựa vào nó mà sanh khởi, Duy Thức Tam Tánh nói ‘Y Tha Khởi Tánh’, chân không, tịch tịnh là ‘Viên Thành Thật Tánh ’. Nhất định phải hiểu được Viên Thành Thật thì mới hiểu được Y Tha Khởi. Sau đó mới biết vọng tưởng, phân biệt, chấp trước là ‘Biên Kế Chấp’, biên là biên kiến, kế là phân biệt, chấp là chấp trước. Buông bỏ Biên Kế Chấp thì Y Tha Khởi sẽ chẳng chướng ngại, do đó ‘lý sự vô ngại, sự sự vô ngại’
Chúng ta đối với hết thảy pháp trong thế gian và xuất thế gian đều lọt vào phân biệt, chấp trước mà chẳng biết buông xuống, đây chính là mê, chướng ngại trí huệ đức năng vốn sẵn có trong tự tánh, làm cho nó chẳng thể hiện tiền, do đó chư Phật, Bồ Tát, tổ sư đại đức chẳng ai không khuyên chúng ta buông xuống. Buông xuống là phước, nhìn thấy thấu suốt là huệ. Phước huệ của Phật viên mãn nên được xưng là ‘Nhị Túc Tôn’. Triệt để buông xuống thì huệ mới viên mãn.
Tây phương có một cuốn sách nói con người từ lúc lọt lòng liền quan sát cha mẹ và những người xung quanh, chẳng hay chẳng biết dần dần dưỡng thành tập quán ưa thích khống chế người khác và không chế hoàn cảnh, do đó sanh ra dục vọng đi cướp đoạt. Dục vọng này che phủ linh tánh của mình, làm cho đời sống cả đời này vô cùng đau khổ, tạo ra vô lượng vô biên tội nghiệp. Tác giả cuốn sách này chẳng có học Phật, cũng chẳng đọc kinh Phật, nhưng những câu nói này rất có đạo lý. Ðây là đoạn văn lưu lại từ vài ngàn năm trước ở Nam Mỹ châu.
Cho nên ưa thích khống chế người khác, cướp đoạt đồ vật của người khác làm lợi ích cho mình là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Mê càng sâu, phiền não tập khí càng nặng, tạo ra tội nghiệp càng lớn, thì làm sao có lý chẳng thọ quả báo cho được? Nghiệp nhân quả báo là mấu chốt của sự chuyển biến trong thập pháp giới. Phật nói: ‘Phật pháp cũng do nhân duyên sanh’. Phàm phu muốn thành Phật thì phải chuyển biến, chuyển về mặt thiện nhất, làm cho tự tánh khôi phục viên mãn rốt ráo, lúc đó được xưng là thành Phật. Ðức Phật độ chúng sanh là công việc này. Lúc nào chúng sanh giác ngộ, lúc nào gặp được duyên phần, mỗi người đều chẳng giống nhau. Chư Phật, Bồ Tát có trí huệ quán cơ, quán cơ là dùng ‘Căn Bản Trí’, cảm ứng đạo giao cùng hết thảy chúng sanh. Giáo hóa chúng sanh, thiện xảo phương tiện là thuộc về ‘Hậu Ðắc Trí’; biết thời tiết nhân duyên thành thục hay chưa, biết làm thế nào để tiếp xúc, làm thế nào thuyết pháp.
Không những chúng ta phải dùng Lễ để đối xử với các tôn giáo khác, đối với đồng tu học Phật cũng phải có lễ mạo. Mọi người tu học pháp môn khác nhau, nhất định phải tôn trọng lẫn nhau, chẳng thể phá hoại lẫn nhau. Nếu phá hoại lẫn nhau thì dù công phu tu học có tốt cách mấy cũng phải đọa tam đồ thọ quả báo. Ðó chính là ‘Thà khuấy động nước ngàn sông chứ chẳng động tâm của người tu đạo’, phá hoại đạo tâm của người khác, không hay không biết thì đã tạo nên tội ‘phá hòa hợp tăng’, quả báo sẽ là ở A Tỳ địa ngục. Thí dụ nếu bạn đến đạo tràng Thiền Tông khuyên họ niệm A Di Ðà Phật, tự cho là mình có công, thật ra là đã phạm một sai lầm rất lớn. Người ta tham thiền mấy chục năm gần thành công rồi, bạn lại đến phá hoại, đây là tạo tội nghiệp, chẳng có nhiều người biết được đạo lý này. Bởi vậy nên phần đông các đạo tràng chẳng dám tùy tiện mời pháp sư, đại đức để giảng kinh thuyết pháp là sợ họ chẳng biết quy củ, trái lại tạo ra tội nghiệp. Bất luận tông phái nào chỉ cần là pháp sư chân chánh biết quy củ, mời họ đến giảng kinh thuyết pháp, đối với đại chúng tuyệt đối có lợi ích. Pháp sư chân chánh biết quy củ sẽ biết tán thán đạo tràng của người khác, tán thán pháp môn của người khác, tán thán vị thiện tri thức chỉ đạo họ.
Tôi ở Hương Cảng giảng kinh năm 1977, pháp sư Thánh Nhất ở núi Ðại Dự mỗi ngày đều đến nghe kinh, nghe xong rất hoan hỷ nên mời tôi đến thăm viếng chùa Bảo Liên. Ðây là một đạo tràng Thiền Tông mỗi ngày có bốn mươi mấy vị tọa hương, còn có mấy vị xuất gia người ngoại quốc, vô cùng quý báu! Tôi giảng khai thị ở thiền đường từ đầu đến cuối chẳng đề cập đến một câu A Di Ðà Phật nào cả. Tôi tán thán đạo tràng thanh tịnh trang nghiêm, tán thán Thánh Nhất pháp sư là một vị thiện tri thức chân chánh, tán thán đại chúng là tăng đoàn hòa hợp. Thế nên Thánh Nhất pháp sư mới dám mời tôi đến giảng, thầy biết tôi là người hiểu quy củ, sẽ chẳng phá hoại đạo tràng, sẽ làm cho thính chúng tăng thêm lòng tin đối với pháp môn và thầy giáo.
Năm 1987 lần đầu tiên tôi đến Tân Gia Ba giảng kinh, pháp sư Diễn Bồi mời tôi đến đạo tràng của thầy giảng khai thị cho tín chúng. Pháp sư Diễn Bồi tu Di Lặc Tịnh Ðộ nên tôi tán thán Di Lặc Tịnh Ðộ, tán thán đạo tràng của họ, tán thán pháp sư. Tôi chẳng nói đến một câu A Di Ðà Phật nào cả, và cũng chẳng nói Di Lặc Tịnh Ðộ chẳng bằng Di Ðà Tịnh Ðộ.
Nếu tín chúng không có một phương pháp và mục tiêu tu hành nhất định nào cả thì chúng ta có thể khuyên họ niệm Phật. Nếu đã có pháp môn tu học thì không nên thay đổi, thay đổi họ chỉ có thể nói lúc ở riêng nơi khác, nếu nói tại đạo tràng của họ thì sẽ phá hoại sự tu học, đây là tội lỗi rất lớn. Bởi vậy nên những pháp sư học giảng kinh nhất định phải hiểu lễ tiết.
Chúng tôi đến đạo tràng Hồi Giáo nhất định phải tán thán Thượng đế ‘Allah’ của họ, chẳng thể tán thán A Di Ðà Phật. Cũng giống như đến nhà người khác thì phải biết tôn trọng chủ nhân, đây là đạo lý của người làm khách, và cũng là điều kiện căn bản của việc làm người. Nhất định phải biết tôn trọng người khác, thương yêu người khác, giúp đỡ họ, tuyệt đối chẳng thể phá hoại, vì thành tựu cho người khác chính là thành tựu cho mình.
Ðức Thế Tôn đối đãi với những tôn giáo khác tuyệt đối chẳng khuyên họ buông bỏ tôn giáo của họ để đến cùng ngài tu học Phật pháp. Hành vi ấy cũng giống như khuyên họ bỏ cha mẹ để đi theo mình học, đó là sai lầm. Phật pháp được xây dựng trên cơ sở hiếu thân (hiếu dưỡng cha mẹ), sau khi học Phật thì càng phải hiếu kính cha mẹ hơn lúc trước, càng yêu thương Thượng Ðế của bạn, càng yêu thương anh chị em của bạn, đó mới là Phật pháp. Bởi vậy nên Phật pháp được hết thảy trời người tôn trọng, Phật được xưng ‘Thế Tôn’ là vì đạo lý này. Chúng ta làm đệ tử của Thế Tôn chẳng được đi đâu cũng phá hoại người khác. Nhất định phải biết, phải học tập những thường thức cơ bản của việc xử sự, đãi người, tiếp vật này.