Home > Học Phật Căn Bản > Thien-Thu-11-Quy-Tin
Thiên Thứ 11: Quy Tín
Sa Môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch


Gồm có 3 phần: Thuật ý, Thành tâm nhỏ, Thành tâm lớn.

Thứ nhất: PHẦN THUẬT Ý

Than ôi! Đức tin là ngọn nguồn của công đức vào đạo; trí tuệ là căn bản của giải thoát xuất trần. Không có đức tin, không thể bước lên bè pháp; không có trí tuệ, không thể dứt bỏ mê mờ. Chân lý hiển nhiên này luôn luôn diễn ra trước mắt. Thường thấy kẻ ngu si không tin nghiệp nhân có thể sinh ra quả báo, cho giàu nghèo là chuyện tự nhiên, sướng khổ là bởi thiên tính, xấu đẹp không do nhẫn nhục, giận hờn; sang hèn không liên quan đến cung kính, lười biếng. Mọi người ngẫu nhiên chịu lấy, cũng giống như cây cỏ tốt xấu, vốn bởi tự nhiên, chẳng hề dính dáng đến lý nhân quả. Nay theo kinh Phật, khác hẳn với bọn ngoại đạo nói trên, chủ trương giàu nghèo gốc ở nghiệp duyên, sang hèn không do vận mệnh, ngu trí không thể biến đổi, xấu đẹp không thể thay hình. Thế nên, kinh nói: “Quả báo tốt xấu, định rõ ở nghiệp”. Thư nói: “Tướng số tốt xấu, đã nêu tại Trời”. Do đó, có thể nói rằng, người chịu nghiệp nghèo, giúp mấy cũng không khá; kẻ hưởng phước giàu, bỏ bê cũng vẫn đủ đầy. Xưa, vua Hán văn đến vì giấc mơ nên sủng ái Đặng Thông. Thầy tướng đoán Đặng Thông số nghèo, phải chết đói. Nhà vua phán: “Giàu có do ta quyết định, làm sao có thể nghèo được?” bèn ban cho núi đồng mặc sức đúc của. Về sau mắc nạn, phải bỏ trốn. Quả nhiên chết đói ở nhà dân. Lại nữa, Ninh Bẩm Ly vương có nô tỳ mang chửa, thầy tướng đoán, sinh ra con quý, mai sau làm vua. Nhà vua phán, không phải dòng giống nhà ta, muốn đem giết chết. Nô tỳ thưa, do khí thiêng từ Trời giáng xuống, nên mới mang thai. Đến ngày sinh, nhà vua cho là chuyện chẳng lành, sai ném vào chuồng heo thì heo khịt mũi bỏ đi. Liệng vào tàu ngựa thì ngựa mẹ nằm xuống cho bú. Về sau, quả nhiên làm vua đất Phù Dư. Mới biết, nghiệp duyên mệnh vận đã ngấm ngầm định sẵn, không thể cải biến đổi thay. Làm thiện sẽ được phước đức, làm ác phải chịu tai ương. Nghiệp báo đã rành rành trước mắt, cớ sao vẫn ngu muội không biết, không hay? Lại nữa, xưa kia, dưới đời vua Vũ Đinh, đất bạc có cây lúa và cây dâu cùng mọc chung ở sân chầu, quan thái sử đoán rằng, cây hoang mọc ở sân chầu, vương triều sẽ bị tiêu diệt. Nhà vua sợ quá, nghiêng mình sửa đức, cây lúa và cây dâu dần dần chết khô. Nhà Thương nhờ thế mới được trung hưng. Há chẳng phải làm lành sẽ được hưởng phước hay sao? Lại nữa, vào đời Đế Tân, có chim sẻ sinh ra quạ con ở góc thành, quan thái sử đoán rằng, nhỏ sinh ra lớn, nước nhà chắc chắn sẽ thịnh vượng. Vua Đế Tân ngã mạn tàn bạo, không lo tu sửa đường lối chính trị thật tốt lành, nhà Thương liền mất nước. Há chẳng phải làm ác sẽ bị tai họa hay sao? Dẫn chứng như thế cũng đã tỏ tường. Sao còn ngoan cố làm trái lịch sử? Mọi người đều thấy, mùa xuân có trồng trọt, mùa đông mới có cất dành. Giống như có bố thí, ắt phải hưởng phước báo. Có ra tay cứu giúp kẻ khốn cùng, hẳn phải có ngày được đền ơn xứng đáng. Nay nếu đem cúng dường chư Tăng một bữa cơm chay há chẳng có ngày được hưởng phước báo?

Thứ hai: PHẦN THÀNH TÂM NHỎ

- Như trong kinh Niết bàn, đức Phật có nói: Chúng sinh có hai hạng:

1. Là người có đức tin 2. Là người không có đức tin.

Người có đức tin gọi là có thể giáo hóa, sẽ được vào cõi Niết bàn, không bị tai ương tật bệnh. Người không có đức tin gọi là xiển đề, còn gọi là không thể giáo hóa”.

Lại nữa, trong kinh Tạp A Hàm, đức Phật có nói kệ cho người Bà la môn rằng:

“Đức tin là hạt giống, Khổ hạnh là mưa rào, Trí tuệ là tay cày,

Hổ thẹn là bắp cày,

Chánh niệm để giữ mình, Như thế là cày giỏi.

Giữ gìn thân và miệng Cẩn thận chuyện ăn uống.

Thẳng thắn là chân thừa,

An nghỉ không lười biếng,

Tinh tiến không buông tuồng, Đi thẳng không quay lại, Đến chổ hết lo âu.

Người cày ruộng như thế,

Sẽ được quả cam lộ Người cày ruộng như thế, Được thảnh thơi tự tại”.

Bấy giờ Bà la môn nghe kệ xong, liền phát tâm xuất gia, chứng được quả A la hán”.

Lại nữa, luận Thật tính nói: “Vì sáu hạng người, nên phải nói đến

Tam bảo:

1. Là bậc Điều ngự sư,

2. Là pháp của bậc Điều ngự sư.

3. Là đệ tử của bậc Điều ngự sư. 6 hạng người là gì?

1. Là hạng đại thừa

2. Là hạng trung thừa

3. Là hạng tiểu thừa

4. Là hạng tin Phật,

5. Là hạng tin pháp 6. Là hạng tin Tăng”.

Lại nữa, kinh Tăng già tra nói: “Bấy giờ, hết thảy các Bồ tát dũng mãnh bạch đức Phật rằng: “Thưa Thế tôn, vì nhân duyên nào, tất cả chúng sinh trong pháp hội này đều phát tâm Bồ đề?” Đức Phật đáp: “Này các Bồ tát dũng mãnh! Vào vô lượng kiếp trong quá khứ, có đức Phật tên là Bảo Đức ra đời hóa độ. Bấy giờ, ta là con nhà nho và chúng sinh trong pháp hội đương thời đều trụ vào trí tuệ của chư Phật. Được thế, là do vào thời quá khứ xa xưa hơn nữa, tất cả chúng sinh ấy đều làm loài nai. Bấy giờ ta phát nguyện rằng: “Đối với tất cả bầy nai này, ta đều làm cho an trụ vào trí tuệ của đức Phật”. Tất cả bầy nai nghe xong, đều phát nguyện được như thế. Này, các Bồ tát dũng mãnh! Tất cả đại chúng trong pháp hội hôm nay, nhờ vào căn lành ấy, đều sẽ chứng được quả A nậu Bồ đề”.

Lại nữa, kinh Chánh pháp niệm nói: “Nếu có chúng sinh tu thiện, đem lòng thanh tịnh quy ý Tam bảo, trong khoảng mười cái vỗ tay, không sinh tạp niệm, khi mệnh chung, sẽ được vãng sinh về cõi Trời Bạch Ma ni, tâm ý tận hưởng mọi thứ vui ngũ dục. Nhờ công đức quy y này, khi hết phước báo, sẽ được nhập vào cõi Niết bàn”.

Lại nữa, kinh Vô Thượng Xứ nói: “Đức Phật bảo các Tỳ kheo, có ba chổ Vô thượng:

1. Là chổ Phật Vô thượng.

2. Là chổ pháp Vô thượng 3. Là chổ Tăng Vô thượng.

Các chúng sinh thuộc các loài hai chân, bốn chân không chân hay nhiều chân, thuộc loài có hình tướng, không hình tướng, hữu tưởng, vô tưởng, phi hữu tưởng, phi vô tưởng, Như lai đem giảng giải các chổ Vô thượng ấy, nếu những chúng sinh ấy khởi phát đức tin vào đó, sẽ được phước báo Vô thượng trong các cõi Trời, người”.

Thứ ba: PHẦN THÀNH TÂM LỚN

Như kinh Xuất sinh Bồ đề tâm nói: “Bấy giớ, Bà la môn Ca diếp bạch đức Phật rằng: “Thưa đức Thế tôn, người phát tâm Bồ đề sẽ được chừng bao nhiêu phước đức?” Đức Phật bèn đáp kệ rằng:

“Các chúng sinh trong quốc độ này,

Nếu có tín tâm và giữ giới

Số lượng phước đức tối thượng ấy.

Chẳng bằng đạo tâm mười sáu phần.

Các chúng sinh trong quốc độ này,

Nếu giữ tín tâm trong pháp thân,

Số lượng phước đức tối thượng ấy, Chẳng bằng đạo tâm mười sáu phần. Vô số quốc độ như hà sa,

Nếu đều dựng chùa để cầu phúc

Và dựng tháp cao như tu di Chẳng bằng đạo tâm mười sáu phần.

Vô số quốc độ như hà sa,

Đều đem bố thí đầy thất bảo,

Số lượng phước đức tối thượng ấy Chẳng bằng đạo tâm mười sáu phần. Nếu có chúng sinh vì cầu phúc Xây dựng nhiều tháp thờ đức Phật Như núi Thiết vi rất cao lớn.

Chẳng bằng đạo tâm mười sáu phần.

Nếu có chúng sinh đem trọn kiếp,

Đầu đội vai mang các pháp sự, Nếu đem so sánh công đức ấy, Chẳng bằng đạo tâm mười sáu phần.

Nếu có chúng sinh được diệu pháp,

Tìm đạo Bồ đề độ tha nhân, Những chúng sinh ấy thật cao cả Không thể sánh ví, không thể hơn. Vì thế, được nghe các pháp này,

Kẻ trí thường sinh tâm mến pháp,

Thường được vô lượng vô biên phúc,

Mau chóng chứng được quả Vô thượng”.

Lại nữa, kinh Niết bàn nói: “Đức Phật tán thán cùng Ca diếp rằng:

“Nếu có chúng sinh đã phát tâm Bồ đề ở hằng sa chổ của đức Phật bên sông Hy liên, sau đó, trong đời mạt pháp xấu xa, có thể thọ trì kinh này mà không sinh lòng phỉ báng. Này thiện nam tử! Nếu có chúng sinh đã phát tâm Bồ đề ở một hằng sa chổ của đức Phật, sau đó, trong đời mạt pháp xấu xa, không phỉ báng mà hâm mộ kinh này. Tuy nhiên, chưa thể biện minh giảng giải ý nghĩa cho người khác. Nếu có chúng sinh đã phát tâm Bồ đề ở hai hằng sa chổ chư Phật, sau đó, trong đời mạt pháp xấu xa, sẽ không phỉ báng mà biết tin tưởng hâm mộ, thọ trì đọc tụng kinh này. Tuy nhiên, chưa thể giảng giải ý nghĩa cho người khác. Nếu có chúng sinh đã phát tâm Bồ đề ở ba hằng sa chổ của chư Phật, sau đó, trong đời mạt pháp xấu xa, sẽ không phỉ báng mà thọ trì đọc tụng, sao chép kinh này. Tuy có thể giảng giải cho người khác, nhưng chưa hiểu rõ ý nghĩa thầm trầm. Nếu có chúng sinh đã phát tâm Bồ đề ở bốn hằng sa chổ của chư Phật, sau đó, trong đời mạt pháp xấu xa, sẽ không phỉ báng mà thọ trì đọc tụng, sao chép giảng giải cho người khác một phần mười sáu ý nghĩa của kinh này. Tuy cố giảng đi giảng lại, cũng không thể nói trọn vẹn ý nghĩa, nếu có chúng sinh đã phát tâm Bồ đề ở năm hằng sa chổ của chư Phật, sau đó, trong đời mạt pháp xấu xa, sẽ không phỉ báng mà thọ trì đọc tụng, diễn thuyết rộng rãi cho người khác nghe tám phần mười sáu ý nghĩa của kinh này. Nếu có chúng sinh đã phát tâm Bồ đề, ở sáu hằng sa chổ của chư Phật, sau đó trong đời mạt pháp xấu xa, sẽ không phỉ báng mà thọ trì đọc tụng kinh này và giảng giải mười hai phần mười sáu ý nghĩa. Nếu có chúng sinh đã phát tâm Bồ đề ở bảy hằng sa chổ của chư Phật, sau đó, trong đời mạt pháp xấu xa, sẽ không phỉ báng mà thọ trì đọc tụng, diễn thuyết cho người khác nghe mười bốn phần mười sáu ý nghĩa của kinh này. Nếu có chúng sinh đã phát tâm Bồ đề ở tám hằng sa chổ của chư Phật, sau đó, trong đời mạt pháp xấu xa sẽ không phỉ báng mà thọ trì đọc tụng, khuyến khích người khác sao chép đọc tụng. Người này lại khuyến khích người khác đều biết đọc tụng”.

Lại nữa, kinh Đại bi nói: “Đức Phật bảo A nan: “Nếu có chúng sinh đã từng một lần phát tâm tin tưởng vào cửa chư Phật, mầm thiện ấy sẽ không bao giờ mất đi, huống gì các mầm thiện khác? Giống như có chúng sinh chẻ một cọng lông thành trăm cọng nhỏ, rồi lấy một cọng nhỏ ấy nhúng vào nước, dính một giọt nhỏ, mang đến cho ta và nói rằng: “Tôi đem giọt nước này gửi gắm cho đức Cù đàm. xin giữ y nguyên, không hao hụt, không để nắng gió làm khô, không cho chim muông uống hết, không cho nước khác hòa chung. Xin lấy đồ đựng lại, đừng để rơi xuống đất”. Khi ấy, ta liền nhận lời, đem bỏ vào sông Hằng, không cho trộn lẫn chung, cũng không cho các vật khác đụng vào. Giọt nước ấy không bị cản ngăn, không bị chim muông uống mất, y nguyên như thế, theo dòng trôi ra biển cả. Giả sử chúng sinh ấy thọ một kiếp, ta cũng thọ một kiếp, khi gió tỳ lam nổi dậy, thế giới bị tiêu diệt, chúng sinh ấy đến nói với ta rằng: “Thưa đức Cù đàm, giọt nước tôi đem gửi gắm, nay có còn không?” Bấy giờ, ta biết giọt nước ấy đang ở chổ nào trong biển cả, riêng rẽ không hòa chung, y nguyên như cũ. Ta bèn lấy về, trả lại cho chúng sinh ấy. Này A nan! Như lai là Ứng Chánh Biến Tri, có thần thông lớn, thấu suốt vô cùng, không bị che lấp, là bậc thọ ký chí tôn Vô thượng. Thế nên, dù gửi gắm cho ta một giọt nước nhỏ nhoi như thế, trải qua vô lượng thế gian, vẫn không hao hụt chút nào. Này A nan, xét về ý nghĩa, phải biết rằng, cọng lông nhỏ bé ví với lòng thành. Sông Hằng ví với dòng sinh tử luân hồi. Giọt nước nhỏ nhoi ví với mầm thiện nhú lên trong một lần phát nguyện. Biển cả ví với Như lai Ứng Chánh Biến Tri. Người gửi gắm ví với các Cư sĩ, Trưởng giả Bà la môn thuần thành tinh khiết. Thọ một kiếp ví với Như lai nhận gửi gắm giọt nước không bao giờ để hao hụt, cũng như chúng sinh ấy gửi gắm giọt nước, trải qua vô lượng thời gian vẫn y nguyên. Này A nan! Như thế, nếu ai một lần đã mở lòng tin tưởng vào cửa Phật, mầm thiên sẽ không bao giờ mất đi, huống gì các mầm thiện khác! Ta bảo rằng người ấy chắc chắn sẽ chứng quả Niết bàn, dù các mầm bất thiện khác đáng bắt đọa vào ba đường ác. Như lai biết thế, đã nhổ giúp cho và đưa lên trên bờ vô úy, khiến chúng sinh ấy nhớ biết mầm thiện đã gieo có thể diệt trừ mọi tội lổi, tiêu tan mọi khổ não, chứng được mọi quả an vui “.

Lại nữa, kinh Phật thuyết Vô uý nữ nói: “Bấy giờ, Vua A xà thế có công chúa tên Vô Úy Đức hết sức xinh đẹp, đã thành tựu công đức vô cùng tuyệt diệu. Mới lên mười hai tuổi, công chúa mang dép vàng nạm ngọc, lên ngồi trên đài cao của vua cha. Gặp các Thanh văn đi đến, công chúa vẫn ngồi yên, không đứng dậy nghinh tiếp, hỏi thăm, hành lễ và nhường chổ mời ngồi. Thấy thế, nhà vua hỏi: “Con không biết rằng đây là những đệ tử lớn, đã đắc pháp của đức Phật Thích ca, là phước điền của thế gian, vì thương xót chúng sinh nên mới đi khất thực? Tại sao con không đứng dậy, chạy ra nghinh đón, hành lễ, hỏi thăm và nhường chổ, mời các ngài ngồi?” Công chúa Vô Úy Đức thưa: “Không rõ phụ vương từng nghe thấy qua bậc Chuyển luân vương gặp các tiểu vương, phải đứng lên nghinh tiếp chăng?” Nhà vua trả lời “không”. Công chúa lại hỏi: “Không rõ Sư tử chúa gặp chồn hôi, phải đứng lên nghinh đón chăng?” Nhà vua đáp: “Không”. Công chúa lại hỏi: “Không rõ Thiên vương Đế thích đứng lên nghinh đón chư Thiên chăng?” Nhà vua trả lời: “Không”, “Không rõ Long vương ở biển cả phải kính lễ thần Hà Bá ở sông hồ chăng?” Nhà vua đáp: “Không”. Bấy giờ, công chúa mới tâu rằng: “Thưa phụ vương, như thế, một bậc Chuyển luân vương đã phát tâm Bồ tát đại từ đại bi hướng đến A nậu Bồ đề cần phải cúi đầu đảnh lễ một tiểu vương thuộc hàng Thanh văn, xa lìa tâm đại từ đại bi chăng? Lại nữa, thưa phụ vương, chúa tể sơn lâm Sư tử đã phát tâm cầu đạo chánh giác Vô thượng, cần phải đảnh lễ chồn hôi tiểu thừa chăng? Lại nữa, đã mong muốn đạt đến biển trí tuệ bao la, mong muốn biết rõ núi chánh pháp vĩ đại, lại cần đến hàng Thanh văn có tri thức cạn cợt như dấu chân trâu chăng? Thưa phụ vương, nếu có người muốn gần gũi hàng Thanh văn thì người ấy chỉ phát tâm Thanh văn. Nếu có người muốn gần gũi hàng Duyên giác, thì người ấy chỉ phát tâm Duyên giác. Nếu có người muốn gần gũi bậc chánh chân chánh giác, thì người ấy sẽ phát tâm A nậu Bồ đề”. Bấy giờ, vua A xà thế bèn bảo công chúa Vô Úy Đức rằng: “Con kiêu ngạo quá! Tại sao gặp các vị Thanh văn lại không biết cung nghinh?” Công chúa thưa rằng: “Thưa phụ vương, xin đừng nói thế, vì phụ vương cũng còn kiêu ngạo. Tại sao phụ vương không nghinh đó những kẻ nghèo khó trong thành vương xá này?” nhà vua đáp rằng: “những người ấy không ngang hàng với ta, làm sao ta nghinh đón họ?” Công chúa thưa rằng: “Kẻ mới phát tâm Bồ tát cũng thế, tất cả các Thanh văn cũng không ngang hàng với con”. Nhà vua bảo con há chẳng thấy các vị Bồ tát đều cung kính đối với tất cả mọi chúng sinh?” Công chúa thưa rằng: “Thưa phụ vương, vì muốn hóa độ mọi chúng sinh kiêu ngạo có lòng quy y sám hối, các vị Bồ tát mới kính lễ tất cả chúng sinh, cốt làm Tăng trưởng mầm lành trong tâm của họ”.

Khi Bồ tát Vô Úy Đức, vốn là con của hoàng hậu Nguyệt Quang, mệnh chung, được sinh lên cõi Trời Đao lợi, mang danh hiệu là Quang Minh Tăng thượng Thiên Tử. Ngày Bồ tát Di lặc thành Phật, Quang Minh Tăng Thượng Tử sẽ xuất gia và lần lượt gặp gỡ, cúng dường chư Phật trong hiền kiếp. Sau đó, được làm đại vương, hưởng thụ đầy đủ thất bảo ở quốc độ của đức Phật Ly cấu, với danh hiệu là Địa Trì, sau khi cúng dường đức Phật này xong, sẽ thành Phật với danh hiệu Biến Quang”.

Tụng rằng:

Đắm trong tăm tối lâu nay,

Bồi hồi giữa giấc mộng say mê mờ.

Bụi lòng chưa rửa vết nhơ,

Vì còn ngại nước cam lồ rất thiêng.

Cha lành tỏa sáng lung linh, Soi ta thấy ánh bình minh ngập tràn. Gặp thầy, bạn tốt giỏi giang,

Giúp ta thêm chút hào quang dẫn đường Ngộ rồi, lòng sáng như gương, Từ đây mới biết chán chường nhân gian. Chư Tăng cốt cách nghiêm trang, Cùng bao đồng đạo an nhàn thảnh thơi. Ai nhìn lòng cũng vui tươi,

Cúi đầu xin hướng về nơi Phật đài, Nếu còn chất chứa điều sai, Tai ương sẽ đến nay mai khôn lường.

NHÂN DUYÊN CẢM ỨNG:

1. Sa môn Trúc Pháp sư đời Tấn.

2. Cư sĩ Viên Bính đời Tống.

3. Sa môn Thích Đạo Tiên đời Tùy.

1 Đời Tấn, Sa môn Trúc Pháp Sư ở Cối Kê, giao du thân thiết với Vương Hằng Chi tại Bắc Trung. Hai người cùng bàn luận về sống chết, báo ứng và tội phước. Thật ra, cả hai người chưa hiểu rõ và chưa biết có nhân quả hay không, nên hẹn nhau, nếu ai chết trước, sẽ về nói lại cho nhau nghe. Sau khi chia tay, Vương Hằng Chi đang ở ngôi miếu tại kinh đô, bỗng thấy Trúc Pháp Sư đi đến. Họ Vương kinh ngạc bảo: “Hòa thượng từ đâu đến đây?” Đáp: “vào ngày giờ nọ, bần đạo đã qua đời. Tội phước đều có thật, báo ứng linh nghiệm không sai. Thí chủ nên cố tu hành để được siêu thoát lên cõi cao. Vì có lời ước hẹn trước đây, nên bần Tăng đến báo cho thí chủ biết rõ”. Nói xong, liền biến mất. (Chuyện trên đây rút từ Tục sưu thần ký)

2 Đời Tống, Viên Bính, tự là Thúc Hoán, vốn người ở quận tRần. Niên hiệu Thái Thủy (465) đời Tống Minh đế, làm tri huyện tại Lâm Tương. Họ Viên chết đã lâu năm, bỗng thân hữu là Tư Mã Tốn mơ màng thấy Bính hiện về lúc mờ sáng. Chào hỏi kể lễ nỗi niềm xa cách xong, bảo Tốn rằng: “Suốt đời, chúng ta thường bàn luận rằng sống là vất vả bon chen, chết là thật sự yên nghỉ. Nay mới biết không hẳn như thế.

Thường xót xa chuyện người đời chạy chọt kiếm chác bạc vàng đút lót cho nhau. Ở cõi âm, chuyện này cũng giống hệt”. Tốn hỏi: “Báo ứng tội phước ra sao?” Bính đáp: “Điều hiểu biết của ta hồi còn sống và lời kinh điển nói ra đều không đúng lắm. Chẳng qua chỉ là lời nói gò ép của Thánh nhân. Theo điều chứng kiến hiện nay, việc xử phạt thiện ác không khác mấy, chỉ có tội sát sinh là nặng nhất. Cố tránh, đừng để mắc vào”. Tốn nói: “Điều ông vừa chỉ bảo, ta không kể cho ai hay, nhưng nên báo cho quan Thượng thư biết với”. Bính đáp: “Thật hay! Cũng nhờ ông lựa lời bẩm lại cùng thượng thư”. Bấy giờ, Giản Mục vương đang làm thượng thư bộ lại. Bính và Tốn đều là gia khách thân thuộc trong nhà, nên mới nhớ đến. Hai người trò chuyện khoảng mấy trăm lời rồi Bính chia tay. Tốn hỏi: “Xa cách đã lâu, thường mong gặp mặt để thăm hỏi, cơ hội chẳng có mấy. Sao không nán lại một lát nữa?” Bính đáp: “Chỉ tạm giây lát, không thể ở lâu và mọi chuyện cũng không thể đem ra nói hết”. Dứt lời, liền ra đi. Khi Bính đến, Trời vẫn còn tối, Tốn không hiểu tại sao có thể nhìn rõ mặt Bính. Kịp lúc Bính đi, Tốn bước xuống sập tiễn chân. Mới dẫm lên dép, Tốn thấy trên chân Bính có khoảng sáng lên chừng một thước vuông, chiếu sáng luôn hai chân của mình, trong lúc chung quanh vẫn tối tăm. (Chuyện trên đây rút từ minh tường ký)

3 Đời Tùy, Sa môn Thích Đạo Tiên ở chùa Trúc Lâm thuộc núi Quán Khẩu tại đất Thục, vốn người nước Khang Cư, chuyên nghề buôn bán đường xa. Từng qua lại hai xứ Ngô Thục để thu gom châu báu, vốn liếng đến mười vạn quan tiền, sau lên núi Ngưu đầu ở Tử Châu, gặp cao Tăng thuyết pháp, hiểu ra tiền bạc chỉ là phiền não, liền đem của cải thả xuống sông, rồi xuất gia ở chùa Trúc Lâm. Khi thế phát, ngài thề cùng đại chúng rằng: “Nếu không ngộ đạo, sẽ không bao giờ rời khỏi chùa”. Ngài quyết chí xa lánh mọi người, ở chung với muôn thú. Mỗi lần nhập định lâu đến năm ngày. Có khách đến thăm, ngài ngầm biết trước, bèn xuất định để tiếp đón. Vắng khách, lại tịnh tọa giữa thiền phòng, tịch lặng như hư không. Đôi khi ngài báo trước số lượng khách, hình dáng y phục. Khi khách đến, đều đúng như lời. Bấy giờ, gặp cơn hạn lớn, dân chúng hoảng hốt, sợ lúa chết khô, kéo nhau đến xin ngài cầu mưa. Ngài lên hang rồng, gõ mạnh đầu gậy vào cửa, kêu lớn: “chúng sinh khốn khổ, cớ sao vẫn ngủ say?” vừa dứt lời, rồng thần giật mình thức dậy, kéo mây đen khắp bốn phía xong, mưa lớn ào ào trút xuống. Dân chúng được nhờ ơn đức, đến làm lễ tạ ơn và tôn sùng ngài như thiên thần. Khi Thục Vương Tú đến trấn giữ vùng Mân Lạc, có người đem chuyện tâu lên, vương cho người đến mời, nhưng ngài không tuân chỉ. Tức giận, vương thân hành kéo quân lên bắt, nếu ngài cố ý chống lại, sẽ đem hành hình. Nghe tin, ngài vẫn điềm nhiên tự tại, mặc áo ca sa ngồi tụng kinh. Vương vừa đến chân núi bỗng nhiên mưa đá đổ xuống, sấm sét nổ vang. Chốc lát, nước dâng đầy sông suối. Quân như ướt hết, tính mạng khó toàn. Lâm vào thế cùng, vương đành sám hối quy y, cúi đầu đảnh lễ. Liền đó, mây tạnh Trời quang, đường sá khô ráo bằng phẳng. Vương lên núi, cung kính khom mình nhận lổi. Ngài thuyết pháp cho nghe. Vương pháp thành tâm ân cần mời ngài xuống núi, đến chùa Tịnh Chúng ở Thành Đô, cúng dường rất hậu hỹ. Mọi người đều cung kính tôn ngài là Tiên Xà lê. Giữa niên hiệu Nhân Thọ (601 604) đời Tùy Văn đế, ngài trở về chùa Trúc Lâm. Khi viên tịch, được an táng tại đó. (Truyện trên đây rút từ Đường Cao Tăng truyện)