Lòng từ bi của sự cảm nhận và thông cảm với thân thọ có thể giúp chúng ta trừ bỏ được sự đắm trước, chống lại những điều mê hoặc, hấp dẫn của người khác. Nhưng trong xã hội biết bao kẻ mạnh hiếp đáp kẻ yếu như thế, cho dù ta có lấy lòng từ bi để đối xử với mọi người thế nào đi nữa thì chưa chắc họ đã đem lòng từ bi đối xử lại ta. Bởi vì, khi đứng trước sự tranh giành quyền lợi, tài sản và sắc đẹp, thật khó tránh khỏi lo lắng bản thân mình sẽ chịu thua thiệt.

Đem lòng từ bi đối xử với người khác, trước mắt xem ra như ta bị thiệt thòi, nhưng nếu đặt ở phạm vi lớn hơn thì chúng ta phát hiện ra chẳng bị thiệt thòi tí nào cả. Vả lại, cuối cùng đối với bản thân mình hay người khác đều có lợi ích. Ví như khi đi trên chiếc cầu độc mộc, nếu như hai người đang đi trên cầu không chịu nhường bước nhau thì kết cuộc là cả hai bên đều bị tổn thương chứ không thể khác được. Tục ngữ có câu: “Hai con hổ vì miếng mồi ngon mà tranh giành nhau, nếu như có một con chết thì con kia cũng bị thương”, đến nước này thì không ai có thể chiếm được lợi thế cả. Nếu chúng ta đem lòng từ bi đối xử với người khác, chịu nhường đường để họ đi trước, ngay lúc đó bản thân ta có lẽ chịu thiệt thòi, nhưng ít nhất cũng giữ được tính mạng của đôi bên, không bị tổn thương dù chỉ một sợi tóc.

Thế nên, khi chúng ta gặp phải đối thủ quá cứng rắn, mạnh mẽ, hai bên cứ giằng co mãi không thôi, bấy giờ chúng ta biết rằng nếu như tiếp tục tranh giành, cấu xé nhau thì cả hai bên đều bị tổn thương, tốt nhất là nên đem sự thành bại, được mất kia mà buông xả đi nhé! Cho nên mới nói “ở lại trên núi thì lo gì không có củi để đốt”, lòng từ bi không những có lợi cho người khác, mà nó còn bảo vệ cho bản thân mình. Khi mình rút lui để nhường đường thành công cho người khác, bấy giờ bản thân mình xem ra như người nhu nhược, mềm yếu, không có tài năng, là người thất bại, nhưng thật sự nó đang bảo vệ sự an toàn tính mạng cho mình, và cũng để bảo toàn sức lực, nên bản thân ta không bị tổn hại nặng nề.

Điều mà hiện nay con người ta khó buông bỏ được đó là vấn đề tình cảm, khi bản thân cho đi không ngừng, nhưng khi nhận về chỉ là những thứ họ không cam tâm, không tình nguyện. Thực ra, kinh nghiệm quý báu nhất của cuộc đời là rút ra nhiều bài học từ trong sự thua thiệt, giày vò và thất bại. Nếu chúng ta đã trao cho đối phương rất nhiều thứ mà vẫn bị thất tình, nhưng cứ một lòng mong muốn đối phương kia quay trở lại bên mình, điều này chẳng khác nào như người trèo lên cây mà bắt cá thì đâu có ích gì. Giống như có người đánh bạc thua mà trong lòng không phục, nên anh ta luôn nghĩ cách để gỡ lại. Khi thua hết sạch tiền rồi lại nghĩ cách mượn tiếp, mượn rồi lại đánh thua, thua rồi lại mượn tiếp nữa, như thế anh ta càng chơi càng lún sâu vào hố thẳm không cách nào thoát khỏi được, đây thật là một hành động vô cùng ngu xuẩn không gì bằng.

Khi đứng trước người khác cũng thế, nếu bản thân ta không phải là đối thủ của họ, ta đã thua hoàn toàn. Vả lại, khi không thể cứu vãn được tình thế, không nên lún sâu vào hố sâu đó nữa. Lúc bấy giờ chúng ta phải nhanh chóng rút lui kịp thời, cho dù ta có chịu thua, bị thiệt thòi một chút cũng chẳng sao, chỉ cần có thể ngăn chặn được tình thế này, rút ra được bài học kinh nghiệm là được. Đây chính là từ bi đối với bản thân mình vậy.

Khi đem lòng từ bi đối đãi với người khác, mặc dù có một vài người cảm ơn ta, nhưng đa số mọi người đều cho rằng đây là nguyên nhân khiến họ mạnh hơn bạn. Cho nên bạn không đạt được gì cả là bạn đáng đời, cái mà họ cướp được là họ đáng được hưởng, cũng không cần phải cám ơn bạn làm gì. Khi gặp phải tình huống này, ta không nên xem đó là sự sỉ nhục hay mất mát, cũng không nên mặc cảm, tự ti, vì lòng từ bi chủ yếu là nhìn từ một góc độ nào đó để suy nghĩ bảo vệ bản thân.

Người Trung Quốc thường nói “việc nhân đức thì không được nhường bất kỳ ai”. Khi bạn đem lòng từ bi để đối đãi với người khác, nhưng đối phương lại được đằng chân lên đằng đầu làm hại hết người này đến người khác, khiến ta không thể cứ tiếp tục nhượng bộ được nữa. Đứng trước cảnh tranh giành quyền lợi được mất, tất nhiên ta phải dùng trí tuệ để suy nghĩ tính toán, nếu như đã nắm chắc được điều gì thì phải dũng cảm tiến thẳng lên phía trước, phải dùng hết sức mình để giành đến cùng, nếu không thì đối phương sẽ còn làm tổn thương đến nhiều người khác nữa.

Lòng từ bi đối với người khác chính là nhường cho họ có một lối đi. Thế giới này là một cộng đồng mà ta và người cùng sống chung trong đó, khi ta nhường cho người khác có được hạnh phúc, vui vẻ, tự do, có hy vọng thì cuối cùng chắc chắn bản thân ta cũng sẽ được lợi ích. Cho nên lòng từ bi không chỉ làm lợi ích cho người khác, mà trên thực tế cũng chính là để bảo vệ cho bản thân mình. Nếu chúng ta luôn luôn khởi lòng từ bi, hết lòng thương yêu, giúp đỡ mọi người thì đó chính là ta đang giúp đỡ bản thân ta vậy.



Trích từ: An Lạc Từ Tâm


Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị