Home > Nhân Qủa Nghiệp Báo
Lòng Từ Bi Còn Kém
Hòa Thượng Thích Minh Châu


Ngày xưa, có một người đàn bà góa chồng, không biết quê quán ở đâu, rất nghèo nàn đói lạnh, nhưng về phụ hạnh vẹn toàn, khiến hàng phụ nữ và đấng nam nhân, ai ai cũng đều kính phục.

Nàng nghe thiên hạ đồn rằng: Có một ngôi chùa kia do một vị sư trú trì, hợp lực cùng mấy nhà từ thiện kiến lập trai đàn. Mục đích là cầu an cho bá tánh và bố thí gạo vải cho dân nghèo. Nghe tin ấy, nàng rất vui mừng, bèn bồng hai đứa con và dắt con chó đến chùa để xin bố thí.

Đến nơi, nàng thấy trai đàn trang nghiêm thanh tịnh, đèn thắp sáng choang, khói trầm nghi ngút, những nhà giàu sang thì đang đem tiền của cho người nghèo khổ, thuốc thang tặng cho những người đau ốm bệnh hoạn.

Nàng đứng xớ rớ trong đám người đi xem trai đàn, mà trong lòng thì tự nghĩ: Người ta giàu có, tiền của dư giả, đem ra làm chay làm phước để cầu phước báu về sau. Còn mình thì phước mỏng nghiệp dày, thiếu thốn đói khát, há mình không tìm được một cách gì để bố thí làm lành như những người giàu sang kia được?

Nghĩ như vậy rồi, nàng liền tự hớt đầu tóc của mình, đem vào dâng cho vị trú trì để làm vật bố thí.

Khi ấy chưa đến giờ thọ trai, Tăng chúng và thiện nam tín nữ còn đang hành lễ.

Bạch thầy, phận tôi cơ hàn, chồng thì đã chết, để lại cho tôi hai đứa con nhỏ đây, và một đứa con ở trong bụng. Thế mà người thân chẳng có, gia sản cũng không, nên tấm tân phải vất vả, nay đầu làng mai cuối chợ, ăn nhờ hột cơm dư của quần chúng. Nay tôi đến đây, xin thầy từ bi bố thí cho mấy mẹ con tôi một ít cơm chay để đỡ lòng, mẹ con tôi còn đi xin nơi khác. Vị trú trì nghe vậy, liền sai ông đạo nhỏ chạy xuống nhà bếp đơm cho nàng ba bát cơm thật đầy. Vị trú trì tưởng cho như vậy là đủ.

Ai dè, người đàn bà nhìn ba bát cơm một hồi, rồi thưa:

Bạch thầy, thầy từ bi cho thêm một bát cơm nữa, đặng cho phần con chó.

Vị trụ trì nghe nàng nói như vậy, thì trong lòng đã hơi giận rồi, nhưng cũng ráng dằn lòng xuống và bảo người đi xúc cho con chó một bát cơm nữa cho êm chuyện.

Nào ngờ, người đàn bà tiếp lấy bát cơm, lại thưa tiếp rằng:

Bạch thầy! Đứa nhỏ mà tôi đang mang trong bụng đây. Thiết nghĩ thầy cũng nên hoan hỷ cho nó một bát cơm nữa mới đúng!

Vị trú trì nghe nói như vậy nổi xung, liền lớn tiếng:

Kiếp trước nàng ôm lòng bỏn xẻn, không biết bố thí làm nhân, nên nay mới chiêu cảm cái thân bần nữ như thế, lại góa bụa không chồng, sống ăn nhờ của dân chúng, chết chẳng ích gì cho quê hương; vậy mà không biết thân, còn muốn ăn tham của Tăng chúng nữa. Vả lại xưa nay, có ai thấy những đứa nhỏ còn ở trong bụng mẹ mà người ta cho nó ăn cơm bao giờ, mà nàng đòi xin một cách trái đời như vậy! Thôi hãy đi chỗ khác, chớ đừng nói chuyện dây dưa mà làm trễ giờ của bần Tăng lễ Phật.

Câu nói của vị trú trì vừa dứt, thì năm sắc mây màu kết lại, rực rỡ trên hư không; rồi người bần nữ ấy hiện ra chân tướng của đức Văn Thù, cưỡi con sư tử rất hùng tráng oai nghiêm, hai bên thì có Thiện Tài và Ưu Điền Vương đứng hầu, làm cho ai nấy trông thấy đều hoảng kinh và cúi đầu đảnh lễ.

Đức Văn Thù liền đọc bài kệ:

Bầu đắng, đắng tận gốc

Dưa ngọt, ngọt cùng dây Ta đã siêu tam giới Còn bị chư Tăng rầy!

Khi đọc bốn câu kệ rồi, thì đức Văn Thù liền ẩn thân năm sắc mây lành lần lần tan biến.

Thấy vậy, vị trú trì thất thần biến sắc, mở hai con mắt nhìn trân trân, một chặp lâu mới định trí lại, và tự trách mình rằng: Tiếc bấy lâu nay tu hành, ăn cơm Phật, nhận mình đã vào cửa vô vi, mà lòng từ bi còn kém, đức nhẫn nhục chưa tròn, đến nỗi không thấy chơn Thánh như vậy, thì ta còn để đôi mắt làm chi?

Vị trú trì tự trách rồi, liền với tay lên muốn lấy con dao nhỏ để khoét đôi mắt, mọi người lật đật xúm lại giựt con dao và khuyên giải một hồi, thì ngài mới bớt lòng buồn rầu ân hận. Sau đó vị trú trì đắp y hậu đến trước Phật đài, chí thành đảnh lễ Tam Bảo để thành tâm sám hối.

Từ đó về sau, đối với mọi người, vị trú trì giữ được tâm từ bi bình đẳng để tiếp đãi, không còn phân biệt giàu nghèo, sang hèn nữa…

Còn đầu tóc của đức Văn Thù thị hiện bố thí đó. Thì nhà chùa xây dựng một ngôi tháp ngay chỗ Bồ Tát thị hiện xin cơm để tôn thờ, và hằng ngày chiêm ngưỡng cúng dường…

Giác Nhựt

Một sự bố thí đúng pháp, là sự bố thí phát xuất từ lòng thương vị tha và tự nguyện, mà không bị chi phối bởi động lực lợi danh, hoặc một lý do nào khác.