Hàng phụ nhân khi sanh sản, nên niệm Quán Thế Âm Bồ tát, vì đức Quán Âm tâm cứu khổ rất ân cần. Lúc ấy phải ra tiếng niệm to lên, không nên niệm thầm, vì niệm thầm năng lực đã yếu, sự cảm thông cũng kém. Hơn nữa, trong khi dùng sức cho đứa con ra, nếu niệm thầm tất phải tổn hơi mang bệnh. Chẳng những sản phụ tự mình niệm lớn, mà những người giúp đỡ trong phòng sanh cũng niệm to lên. Và hàng quyến thuộc tuy ở nơi nhà, song cũng phải vì sản phụ niệm danh hiệu Bồ tát cầu nguyện giúp.
Rất không nên cho rằng: khi sanh sản lõa lồ không sạch, niệm sợ có tội. Nên biết, lý tuy hữu định, nhưng sự phải tùy cơ, chỉ căn cứ theo sự mà luận lý, chẳng nên chấp riêng bên lý để luận bàn. Ví như khi con cái té vào hầm phẩn hoặc nơi nước, lửa, kêu cha mẹ cầu cứu, cha mẹ liền chạy tới kéo lên, không khi nào ngại rằng con mình thân thể chẳng sạch, áo mũ không chỉnh tề, mà không chịu cứu vớt để mặc cho nó chết. Lòng từ bi của Bồ tát còn thâm thiết hơn cha mẹ đối với con vô lượng muôn ngàn lần. Đang lúc chúng sanh bị khổ, cầu cứu, Bồ tát chỉ có niệm cứu khổ, tuyệt không có niệm so chấp về thân hình. Vả lại việc sanh sản dĩ nhiên phải như thế, là lúc quan hệ đến mạng căn, không thuộc vào trường hợp có thể tỏ bày sự nghiêm kính sạch sẽ, thế thì còn chấp chi sự nghiêm sạch cùng không? Nếu ở trường hợp làm được mà không làm, thì thật là có tội. Trái lại, trong cảnh ngộ không thể tỏ bày tướng cung kính, thì chỉ nên luận sự quy hướng, chí thành nơi tâm, không nên chấp những lễ mạo nghi thức trên hình tích. Bồ tát không sự khổ nào chẳng cứu vớt, không tai nạn nào chẳng giúp đỡ xót thương, đâu có lý đối với hàng sản phụ mà bỏ sót ư? Dù trong kinh không nói rõ về việc này, ta cũng phải cứ theo lý suy hiểu tâm cứu khổ, để dứt sự khổ nạn lớn cho nhân sanh, và làm thỏa mãn lòng từ bi của Bồ tát. Huống chi trong Kinh Dược Sư, Phật đã từng bảo người nữ nên niệm danh hiệu đức Dược Sư Như Lai trong khi sanh sản ư? Kinh văn ấy nói: “Hoặc có người nữ đang khi sanh sản chịu nhiều sự khổ, nếu có thể chí tâm xưng danh lạy khen cung kính cúng dường đức Như Lai kia, (xưng danh thì sản phụ có thể làm được, còn lạy khen cung kính cúng dường là thuộc về việc người thân quyến làm thay thế) thì các sự khổ đều trừ. Đứa con sanh ra thân phần đầy đủ, hình sắc đoan chính, lợi căn thông minh, an ổn ít bệnh, người trông thấy đều vui mừng, sản phụ không bị loài phi nhân cướp đoạt tinh khí...”Thế thì biết, khi sanh sản niệm danh hiệu Phật, Bồ tát chẳng những không tội, mà mẹ con được an toàn, đã gieo trồng căn lành, lại có lợi ích lớn. Niệm Phật Dược Sư đã như thế, thì niệm Quán Thế Âm Bồ tát cũng như vậy. Hàng sản phụ niệm đã được lợi ích như trên, thì các người khác suy ra có thể biết.
Ở tỉnh Hồ Nam, vợ chồng cư sĩ Mã Thuấn Khanh và năm người con đều là đệ tử quy y của tôi. Năm Dân Quốc thứ 18, Mã có gởi thơ cho tôi thưa rằng: vợ y sanh năm đứa con gái, khi sanh hai lần trước còn bình an, đến lần thứ ba thì bị huyết băng; lần thứ tư, thứ năm lại càng nhiều hơn nữa. Nay người vợ lại sắp sanh, thảng như có huyết băng, chắc là khó sống, cầu xin tôi chỉ bày phương pháp cứu tế và vì đứa trẻ còn trong thai dự đặt pháp danh. Tôi liền bảo vợ chồng phải chí thành niệm Quán Thế Âm Bồ tát, dù khi sanh sản lõa lồ không sạch cũng vẫn cứ niệm, lại phải niệm ra tiếng không nên niệm thầm. Khi thơ tôi gởi đến, vợ chồng xem rồi vâng lời, người vợ qua ngày sau thì sanh, khi sanh cũng vẫn niệm, rốt cuộc mẹ con đều được mạnh khỏe bình yên. Sau khi vợ sanh, Mã liền hồi âm cho tôi biết; sự kết quả tốt đẹp ngoài ý định, Bồ tát thật là đấng đại từ đại bi.
Lại, một đệ tử quy y của tôi, vài năm trước ở tỉnh Tứ Xuyên, nhân đến thăm người bạn, nghe trong nhà có đàn bà rên khóc bi thương, liền hỏi duyên cớ. Người bạn tỏ thật vợ y chuyển bụng muốn sanh đã hai ngày mà sanh không được, sợ e khó sống. Đệ tử tôi bảo: “Nên khuyên chị mau niệm Thánh hiệu Quán Âm, còn anh phải lập bàn trước nhà, đốt hương quì niệm cầu Bồ tát cứu độ.”Người bạn nhất nhất y theo lời. Kết quả, trong giây phút vợ y sanh được, khi sanh cũng không tự biết, đến chừng nghe tiếng đứa trẻ khóc mới hay mình đã sanh. Sau khi ấy, sản phụ thuật lại rằng: “Lúc tôi muốn sanh, thấy có người dùng vải nịt chặt dưới hạ thể nên sanh không được. Đến khi niệm Thánh hiệu Quán Âm thì thấy miếng vải sút ra, đứa bé lọt lòng hồi nào không tự biết.”
Thế thì biết, người nữ khi sanh sản niệm Quán Thế Âm Bồ tát thật có lợi ích vô cùng. Vì đang lúc ấy, hoặc do trong mình đã đau yếu sẵn, hoặc do oan gia đời trước theo ám hại, sản phụ ở vào hoàn cảnh thập tử nhất sanh; nếu không tha thiết chí thành cầu Bồ tát cứu độ, tất mẹ con khó được an toàn. Ấn Quang tôi, từ mùa thu năm Dân Quốc thứ 15 trở đi, khi bộ Tăng Quản Văn Sao đã in rồi, bất luận văn tự gì, đều không giữ bản thảo để khỏi sự hao tốn về ấn phí. Gần đây, nhân biết rõ cái tệ chấp nhất của phụ nhân trong khi sanh sản, nên tôi thường đem việc lợi hại ấy nói với tất cả mọi người, mong cho kia đây truyền nhau, để dự cứu sự khổ sở cùng tánh mạng của sản phụ và sanh nhi. Nếu có ai không lượng xét, cho rằng tôi ưa nói việc đàn bà sanh sản, riêng tôi cũng không lấy chi làm ngại, chỉ mong cho mọi người đều sanh lòng chánh tín, bỏ sự cố chấp, được khỏi tai họa mà thôi.