Home > Khai Thị Niệm Phật > Dai-The-Chi-Bo-Tat-Niem-Phat-Vien-Thong-Chuong
Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương
Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa | Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch


Chánh Văn:

Ngài Ðại-thế-chí Pháp-vương-tử cùng với năm mươi hai vị Bồ-tát đồng tu một pháp môn, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ nơi chân Phật mà bạch Phật rằng: "Con nhớ hằng hà sa kiếp trước, có đức Phật ra đời, tên là Vô Lượng Quang; lúc ấy mười hai đức Như-lai kế nhau thành trong một kiếp, đức Phật sau hết, hiệu là Siêu Nhật Nguyệt Quang, dạy con pháp Niệm Phật Tam-muội. Ví như có người, một đằng chuyên nhớ, một đằng chuyên quên, thì hai người ấy, dầu gặp cũng không là gặp, dầu thấy cũng là không thấy; nếu cả hai đều nhớ nhau, hai bên nhớ mãi, khắc sâu vào tâm niệm, thì đồng như hình với bóng, cho đến từ đời này sang đời khác, không bao giờ cách xa nhau. Thập phương Như-lai thương tưởng chúng sinh như mẹ nhớ con, nếu con trốn tránh, thì tuy nhớ, nào có ích gì; nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con, thì đời đời mẹ con không cách xa nhau. Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, tưởng Phật, thì hiện nay hay về sau, nhất định thấy Phật; cách Phật không xa thì không cần phương tiện, tâm tự khai ngộ như người ướp hương thì thân thể có mùi thơm, ấy gọi là hương-quang trang-nghiêm. Bản nhân của con là dùng tâm niệm Phật mà vào Vô-sinh-nhẫn, nay ở cõi này tiếp dẫn những người niệm Phật về cõi Tịnh-độ. Phật hỏi về Viên thông, con thu nhiếp tất cả sáu căn, không có lựa chọn, tịnh niệm kế tiếp, được vào Tam-ma-đề, đó là thứ nhất".

Lược giải:

Ðại Thế Chí Pháp Vương Tử, dữ kỳ đồng luân, ngũ thập nhị Bồ-tát, tức tùng tọa khởi, đảnh lễ Phật túc, nhi bạch Phật ngôn:

"Ðại Thế Chí" tức là vị đại Bồ-tát có uy lực lớn. Ngài còn có tên là "Vô Biên Quang Xí Thân Bồ Tát" vì hào quang của Ngài tỏa khắp mười phương quốc độ. "Pháp Vương Tử": Phật là pháp vương, là vua các pháp. Quốc gia thì có quốc vương, trên trời thì có Ngọc Hoàng, tức là Thiên Vương. Phật là Pháp Vương, còn Bồ-tát thì sao? Bồ-tát là đệ tử của Pháp Vương, cho nên Pháp Vương Tử có nghĩa là đệ tử của Pháp Vương. Do đó có câu rằng: "Phật là Pháp Vương, tự tại nơi pháp."

Bồ-tát là người học Phật-pháp, cho nên là đệ tử của Pháp Vương. Vị Ðại Thế Chí Bồ Tát này là đệ tử của Pháp Vương. Chẳng những chỉ có Ngài mà còn có "dữ kỳ đồng luân, ngũ thập nhị Bồ-tát." "Dữ kỳ đồng luân" tức cũng là Bồ-tát như Ngài. "Luân" có nghĩa là loại, nghĩa là cũng y như Ngài. Tuy nói là Bồ-tát như Ngài nhưng ít nhiều cũng có điểm khác nhau, vì có Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Ðiạ, tất cả là năm mươi vị. Lại có thêm Ðẳng Giác và Diệu Giác Bồ Tát, cộng tất cả là năm mươi hai vị. Năm mươi hai vị Bồ-tát tức là năm mươi hai quả vị, và số Bồ-tát trong năm mươi hai quả vị thì vô lượng vô biên.

Cho nên Ngài Ðại Thế Chí Bồ Tát cùng với năm mươi hai vị Bồ-tát "tức tùng tòa khởi." Lúc nói Viên Thông thứ hai mươi ba xong thì những vị Bồ-tát bèn từ chỗ ngồi của mình đứng dậy. Mỗi vị Bồ-tát đều có chỗ ngồi riêng của mình. Bồ-tát có ý kiến cần phát huy, muốn trình bày cái viên thông sở đắc của mình nên mới từ chỗ ngồi đứng dậy. Ðó cũng biểu thị:

Pháp chẳng tự khởi,
Theo cảnh mà sanh;
Ðạo chẳng hư dối,
Gặp duyên tất ứng.

"Tức tùng tòa khởi" cũng ám chỉ rằng Phật sắp nói pháp, và đồng thời cũng ám chỉ Bồ-tát cũng sẽ nói về đạo lý viên thông mà Ngài chứng đắc.

"Ðảnh lễ Phật túc," đây muốn nói đảnh lễ bằng cách gieo năm vóc chạm mặt đất, biểu lộ hết lòng cung kính. Lúc đảnh lễ Phật nên có một sự quán tưởng. Quán tưởng gì? Hãy quán tưởng rằng: "Năng lễ sở tánh không tịch," tức người lạy và người được lạy tự tánh cả hai đều rỗng lặng. "Cảm ứng đạo giao nan tư nghì," tức là tuy rằng rỗng lặng nhưng lại có một thứ cảm ứng đạo giao, một thứ cảnh giới khó thể nghĩ bàn hiện ra. Quý vị lễ bái một vị Bồ-tát, hoặc một vị tôn Phật đều phải quán tưởng vị Phật hoặc vị Bồ-tát đó.

Như vậy Ngài Ðại Thế Chí Bồ Tất và các vị Bồ-tát theo Ngài đều đảnh lễ Phật Thích Ca Mâu Ni, gieo năm vóc thân thể xuống đất, cúi đầu sát đất, hai tay chạm chân Phật để biểu lộ sự tôn kính tột độ.

"Nhi bạch Phật ngôn." Rồi mới thưa với Phật. Những câu Kinh văn nói trên là những lời lẽ được thêm vào lúc kết tập Kinh Tạng.

Ngã ức vãng tích, hằng hà sa kiếp, hữu Phật xuất thế, danh vô Lượng Quang, Thập nhị Như Lai, tương kế nhất kiếp.

Ðại Thế Chí Bồ Tát thưa rằng: Ngã ức vãng tích tức là Ngài nhớ lại vào thời kỳ xa xưa trước kia, lúc Ngài mới bắt đầu phát tâm. Bồ-tát sơ phát tâm không nhất định thành công. Quan trọng nhất là sau khi sơ phát tâm phải "niệm luôn không thối chuyển" thì mới có thể thành tựu Phật quả. Nếu mình phát bồ đề tâm rồi sau đó lại thối chuyển thì chẳng thể nào chứng được Phật quả. Mình vẫn có thể chứng được Phật quả nếu trong tương lai mình phát bồ đề tâm trở lại. Cho nên có bài kệ như sau:

Ngư tử am-ma-la
Bồ-tát sơ phát tâm
Tam sự nhân trung đa
Cập kỳ kết quả thiểu.

Ngư tử tức là trứng của con cá. Cá đẻ rất nhiều trứng, nhưng không nhất định mỗi cái trứng đều trở thành cá. Cây am-ma-la cũng vậy, trổ bông thì sum sê mà đậu quả thì chẳng bao nhiêu. Sơ phát tâm Bồ-tát thì cũng y như vậy; số người sơ phát Bồ-tát tâm rất nhiều, nhưng thực sự chứng đắc quả vị Bồ-tát thì rất ít. Sau đây là ý nghĩa của bốn câu trên: Trứng cá chẳng khác gì hoa am-ma-la và kẻ sơ phát tâm Bồ-tát: nhiều không thể kể xiết nhưng kết quả lại chẳng có là bao.

Vị Ðại Thế Chí Bồ Tát này chẳng hề thối thất bồ đề tâm, cho nên Ngài nhớ được quá khứ, những việc từ xa xưa.

"Hằng hà sa kiếp:" Hằng hà tức sông Hằng ở Ấn Ðộ, chảy qua nước Xá Vệ, nơi Phật thuyết pháp. Ai ai cũng biết đến con sông này, vì vậy khi nói đến một con số to tát, Phật thường đề cập tới số cát sông Hằng. Ngài Ðại Thế Chí cũng dùng danh từ này để diễn tả thời gian lâu dài. "Kiếp," Phạn ngữ, gọi là "Kiếp ba" (kalpa), còn gọi là "trường thời phân" tức là một thời gian lâu dài.
"Hữu Phật xuất thế:" Thời đó có một vị Phật xuất thế. "Danh Vô Lượng Quang:" đức Phật xuất thế này danh hiệu là Vô Lượng Quang. Lại còn có các đức Phật Vô Biên Quang, Vô Ngại Quang, Vô Xưng Quang v.v...tổng cộng mười hai vị Như Lai, cho nên gọi là "Thập Nhị Như Lai."

"Tương Kế Nhứt Kiếp:" Trong đại kiếp ấy, liên tục trong một thời gian cực kỳ lâu dài như vậy, có 12 đức Như Lai kế tiếp nhau xuất thế.

Bây giờ còn một ít thời gian, tôi xin kể lại một chuyến hành hương lên Ðại Tiên Tự ngày hôm nay, thăm Ngài "Bất Thị Lão Hòa Thượng." Ngài là một vị hòa thượng không già.
Vị Hòa thượng này là ai? Là "Khai Thiền Bất Thị Lão Hòa Thượng." Vì sao tôi gọi Ngài là chẳng phải lão hòa thượng?" Vì Ngài tuy tuổi trên tám mươi nhưng rất hăng say làm việc, thân thể tráng kiện, tay chân vẫn còn bắp thịt, có vẻ đầy sức lực. Thấy Ngài như vậy cho nên tôi mới cho Ngài cái tên "Bất Thị Lão Hòa Thượng" (chẳng phải lão hòa thượng). Tôi hy vọng Ngài mãi mãi không già.

Vị lão hòa thượng này rất vui tính, có thể nói Ngài có đại trí tuệ, biện tài vô ngại; Ngài thích nói những câu ẩn ý, và dùng trượng đánh phủ đầu. Ngài có một bài kệ như sau:

Thủy lưu bình địa bổn vô thanh,
Dạ hữu cao đê nhi hữu thanh,
Ðại đạo vô ngôn chu Pháp Giới,
Nhân tham sân si nhi hữu tranh.
Nước chảy trên đất vốn không ra tiếng,
Ðất có cao thấp mới có tiếng,
Ðại đạo không lời trong Pháp Giới
Bởi tham sân si mà có tranh.

Ngài vừa nói xong thì có người lập tức lấy bút giấy ghi lại. Nhưng tôi nói với Ngài: "Bài kệ này vốn chẳng phải của Ngài. Tôi đã biết từ lâu và Ngài hãy nghe tôi đọc đây. Ngài đã đọc bài kệ này tôi." Tôi liền đọc bài kệ ấy, Ngài tỏ vẻ như hết sức kinh ngạc. Ngưng một lúc Ngài hỏi: "Như vậy Ngài đã sớm biết bài kệ này ư?
Tôi đáp: "Dĩ nhiên tôi đã biết từ lâu. Nếu không, thì tại sao Ngài vừa thốt ra tôi liền nhớ được ngay?"

Sau đó tôi và Ngài đàm đạo rất lâu. Trước khi kiếu từ tôi đến ngồi trên ghế của Ngài, rồi ngồi trên giường của Ngài một lúc. Rồi nói: "Bây giờ tôi không về nữa. Ngài hãy rời khỏi nơi đây, Ngài chẳng thể ở đây được."

Ngài nói: "Vậy, tôi ra phía ngoài ở." Tôi nói: "Ngài cũng không được phép ở bên ngoài."

Vị hòa thượng này rất vui tánh. Ðã ba phen tôi có ý định ra về, và ba phen tôi quay trở lại. Tôi bèn nói: "Tôi rất thích túp lều tranh này. Trên thế gian này không có gì hơn nó được, chẳng những nó đứng hạng nhứt trên thế gian mà ngay trên trời cũng chẳng tìm ra. Cho nên lần này tôi nhất định muốn có túp lều tranh này. Vậy xin Ngài hãy rời nơi đây ngay!" Tôi muốn dời chăn mền của Ngài, nhưng Ngài vẫn không đi, rốt cuộc tôi phải ra về.

Tôi nói: "Tôi sẽ trở lại thiêu rụi túp lều này, thử xem Ngài sẽ ở đâu?"

Tôi và Ngài tranh luận rất lâu mà tôi vẫn không làm thế nào khiến Ngài rời khỏi túp lều tranh này được. Tôi muốn đón Ngài sang Mỹ. Tôi nói: "Ngài hãy mau sang Mỹ, chẳng nên ở đây."
Vừa rồi là những gì đã xảy ra cho tôi hôm nay.

Kỳ tối hậu Phật, danh Siêu Nhật Nguyệt Quang. Bỉ Phật giáo ngã niệm Phật tam muội. Tỷ như hữu nhân, nhất chuyên vi ức, nhất nhơn chuyên vọng. Như thị nhị nhơn, nhược phùng bất phùng, hoặc kiến phi kiến. Nhị nhơn tương ức, nhị ức niệm thâm. Như thị nãi chí, tùng sanh chí sanh, đồng ư hình ảnh, bất tương thừa di.

"Kỳ tối hậu Phật, danh Siêu Nhật Nguyệt Quang." Ðại Thế Chí Bồ Tát gặp mười hai vị Như Lai, đó là Vô Lượng Quang, Vô Biên Quang, Vô Ngại Quang, Vô Ðối Quang, Diệm Vương Quang, Thanh Tịnh Quang, Hoan Hỷ Quang, Trí Huệ Quang, Nan Tư Quang, Bất Ðoạn Quang, Vô Xưng Quang, và Siêu Nhật Nguyệt Quang. Ðức Phật ban sơ có danh hiệu là Vô Lượng Quang. Phật A Di Ðà cũng có danh hiệu là Vô Lượng Quang; nhưng 12 đức Như Lai này là kế tiếp nhau xuất thế trong một kiếp, cho nên tôi tin rằng đó là một vị cổ Di Ðà. Thích Ca Mâu Ni Phật có cổ Thích Ca, kim Thích Ca. Ðức Phật Vô Lượng Quang này có thể là cổ Di Ðà. Như vậy đức Phật sau cùng hiệu là Siêu Nhật Quang, hào quang của Ngài sáng hơn ánh sáng của mặt trời và mặt trăng cả trăm ngàn lần.

"Bỉ Phật giáo ngã niệm Phật Tam muội." khởi đầu từ thời Ðức Phật Vô Lượng Quang, và cho đến Ðức Phật sau cùng là Siêu Nhật Nguyệt Quang Như Lai, tôi đều ở chốn nhân địa tu tập pháp môn Niệm Phật. Tôi đã từng theo học pháp môn Niệm Phật với mười hai đức Phật này, cho nên tôi nói rằng những đức Phật đó đã dạy tôi niệm Phật Tam muội. "Bỉ Phật" tức là chỉ mười hai đức Phật kể trên. Ðại Thế Chí Bồ Tát tu pháp môn Niệm Phật đã phải trải qua một thời gian lâu dài đến một kiếp để học tập pháp môn Niệm Phật Tam muội. Tam muội là Phạn ngữ, phiên dịch ra Hán văn là "Chánh định" và "Chánh thọ."

Pháp môn niệm Phật tu tập như thế nào? Trước tiên đơn cử một thí dụ. "Tỷ như hữu nhơn, nhất chuyên vi ức, nhất nhân chuyên vong." Thí dụ có hai người, một người luôn luôn nhớ còn người kia thì chuyên quên. Hai người này hoặc là bè bạn, hoặc là cha con, hoặc là có quan hệ thân thuộc với nhau. Nhưng hai người này thì một người luôn nhớ người nọ, thí dụ ta nói ông A luôn nhớ ông B. Còn ông B thì sao? Ông B thì chuyên quên, chẳng nhớ gì đến ông A gắn bó với mình, ngay cả quên hẳn ông A là ai.

"Như thị nhị nhơn" Như hai kẻ này, ông A luôn nhớ, ông B lại chẳng hề nhớ chi cả, "nhược phùng bất phùng," tức là nếu có gặp nhau thì y như chẳng gặp, vì ông A thì nhớ, ông B thì quên mất. Trong trường hợp ông A gặp ông B thì ông vẫn nhớ rõ ông B. Rất tiếc ông A chẳng gặp ông B. Nếu ông B thấy ông A thì y như chẳng thấy vì ông chẳng nhớ chi cả, không biết đó là cha, bạn bè hay thân quyến của mình. Vì không còn nhớ nên nói có gặp như chẳng gặp.

"Hoặc kiến phi kiến" Hoặc thấy, thì cũng như chẳng thấy. Vì chỉ có một người nhớ còn kẻ kia lại chẳng nhớ, chẳng khác gì xòe một bàn tay vỗ trên hư không thì không phát ra tiếng, phải cần đủ hai món nhân duyên phối hợp mới thành tựu được. Cho nên, hai người này dù có thấy nhau cũng như chẳng thấy.

"Nhị nhơn tương ức, nhị ức niệm thâm." Thí dụ hai người đều nhớ nhau, chẳng quên nhau -- Ông A nhớ ông B và ngược lại, người này gắn bó với người kia, thì là hai mối nhớ nhung thâm sâu, ghi đậm vào tâm trí. "Như thị nãi chí, tùng sanh chí sanh." Như vậy, từ đời này sang đời khác hai kẻ này vẫn nhớ nhau sau, ghi đậm vào tâm trí mãi mãi. Cũng như Phật nghĩ đến chúng sanh và ngược lại. Trong thí dụ trên, Phật hằng nhớ đến chúng sanh, còn kẻ chuyên quên kia tức là những chúng sanh chẳng hề nhớ đến Phật. Tuy Phật hằng nghĩ đến chúng sanh, chúng sanh trái lại không nghĩ đến Phật, cho nên hào quang không hòa hợp được. Hào quang không hòa hợp, dĩ nhiên chẳng thể có sự cảm ứng.

Như vậy nếu hai người đều nhớ đến nhau, như Phật hằng nhớ đến chúng sanh và ngược lại, tâm niệm sâu đậm và thành khẩn, thì trọn kiếp này hoặc từ kiếp này đến kiếp sau, hoặc trong rất nhiều kiếp, hoặc trong nhiều đại kiếp, họ vẫn không xa rời. "Ðồng ư hình ảnh, bất tương thừa dị." Vì nỗi nhớ nhung sâu đậm giữa hai nguời cho nên họ y như hình với bóng. Thân chẳng rời bóng, bóng chẳng xa thân, như vậy cả hai chẳng thể nào không thấy nhau.

Thập phương Như Lai, lân niệm chúng sanh, như mẫu ức tử. Nhược tử đào thệ, tuy ức hà vi?

"Thập phương Như Lai." Chắc quý Phật tử đều biết rõ "thập phương," tức là đông, tây, nam, bắc thêm vào đó là đông nam, tây nam, đông bắc, tây bắc đó là tám phương thêm thượng phương, hạ phương, tổng cộng là mười phương. Thập phương thế giới đều có Như Lai, đều có Phật. "Lân niệm chúng sanh, như mẫu ức tử," tức là chẳng khác gì tình cảnh mẹ nhớ con. "Nhược tử đào thệ." Nhưng nếu con lại chẳng nhớ mẹ, bỏ mẹ mà chạy chơi nô đùa, thì "Tuy ức hà vi:" Tuy nhớ nhưng làm gì được? Lúc đứa con chạy ra bên ngoài, mẹ có nhớ con cách mấy chăng nữa, đứa con cũng không trở về với mẹ.

Tử nhược ức mẫu, như mẫu ức thời. Mẫu tử lịch sanh, bất tương vi viễn.

"Tử nhược ức mẫu, như mẫu ức thời" Nếu con mà cũng nhớ mẹ một cách chí tình giống như mẹ nhớ con vậy, thì:

"Mẫu tử lịch sanh, bất tương vi viễn" tức là đời này qua đời khác mẹ và con chẳng xa lìa nhau.

Ðoạn kinh văn này ngụ ý nếu chúng sanh chúng ta nhớ nghĩ đến Phật cũng chân thành như Phật tưởng nhớ chúng sanh, thì nhứt định Phật sẽ tiếp dẫn chúng sanh chúng ta. Tiếc thay, Phật nhớ chúng sanh nhưng chúng sanh lại chẳng nhớ Phật, quên niệm Phật, quên nghĩ tới Phật, cũng chẳng khác gì mẹ nhớ con, song chỉ có mẹ nhớ con chứ con lại không tưởng nhớ mẹ, cho nên mẹ và con khó gặp nhau được. Nếu con cũng nhớ đến mẹ thì luôn luôn mẹ và con đều chẳng xa lìa, con không trốn mẹ chạy đi chơi. Vậy, nên chúng sanh chúng ta hằng niệm Phật thì sẽ chóng về được cõi Thường Tịnh Ðộ, tức là về cõi Phật.

Nhược chúng sanh tâm, ức Phật niệm Phật, hiện tiền đương lai tất định kiến Phật. Khứ Phật bất viễn, bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai.

"Nhược chúng sanh tâm" "Nhược" nghĩa là giả sử. Giả sử tâm chúng sanh; "chúng sanh," đây bao gồm quý vị, tôi, người khác, chúng sanh trong quá khứ, chúng sanh trong hiện tại, chúng sanh trong vị lai, tất cả đều ở trong hai chữ chúng sanh. Cho nên với câu Kinh này mình chớ nên nghĩ rằng đó là nói về một chúng sanh nào khác, mà phải thẳng thắn thừa nhận rằng chúng sanh đó chính là mình chớ không ai khác, một chúng sanh yếu hèn, một chúng sanh chẳng làm nên trò trống gì, một chúng sanh chẳng biết báo ơn Phật, một chúng sanh quên Phật. Nếu mình cứ hằng nghĩ như vậy tất phải sanh tâm hổ thẹn. Phật đầy lòng từ bi thiết tha đến giáo hóa mình mà mình bỏ ngoài tai, chẳng ưng nghe lời dạy của Phật, như vậy tức là trong tâm ta chẳng có Phật, ngay cả một chữ "Phật" cũng chẳng có.

Quý Phật tử nghĩ xem tại Ðài Loan nơi Phật Giáo đang thịnh hành, có thể mọi người đều biết Phật, biết lễ Phật, nhưng trên thế giới số nguời biết Phật, lễ Phật được bao nhiêu? Hãy cho rằng số người biết Phật rất nhiều và biết lễ bái cũng không ít, tuy nhiên lại phân ra nào lễ bái theo Phật giáo, nào là lễ bái của ngoại đạo, nào là lễ bái của bàng môn tả đạo. Cho nên hiện nay chúng ta chẳng hiểu pháp môn niệm Phật, có khi chúng ta còn bảo người khác đừng niệm Phật, đừng tin Phật, như thế có phải là điên đảo hay không?

Niệm Phật một câu, tuy đơn giản như vậy nhưng không phải dễ dàng, chớ tưởng rằng bất cứ ai cũng có thể niệm Phật được. Nếu nghiệp chướng nặng nề thì muốn niệm Phật niệm cũng chẳng ra.

Quý Phật tử từng xem hát, có lẽ cũng biết về một tấn tuồng tên Phong Ma Tảo Tần. Nội dung vở tuồng nói về Ðịa Tạng Vương Bồ Tát muốn giáo hóa Thừa Tướng Tần Cối ở nước Nam Tống.
Thuở xua Tần Cối rất hiếu thảo với cha mẹ. Vì hiếu thảo với cha mẹ nên ông tạo được một ít công đức. Do đó đời này ông được giàu sang. Nhưng được giàu sang rồi ông không biết tiếp tục tạo căn lành như trước để vun bồi quả tốt cho tương lai và, ông ta đã tạo rất nhiều tội lỗi.

Có lẽ vào một đời nào đó trong quá khứ, Ðịa Tạng Vương Bồ Tát có quan hệ bạn bè với Tần Cối, cho nên Ngài nghĩ rằng người này nên được cứu độ. Nguyện lực của Ðịa Tạng Vương Bồ Tát rất lớn. Ngài bèn phát tâm độ ông Tần Cối này.

Ngài độ ông Tần Cối bằng cách nào? Ngài hóa thân làm một vị Tỳ-Khưu, viết chữ "Phật" trong lòng bàn tay rồi đến đưa cho Tần Cối xem. Chỉ cần Tần Cối nhận ra chữ này và nói đó là chữ Phật, thì tất cả tội lỗi mà Tần Cối đã tạo từ trước Ngài sẽ giúp được xá miễn. Ðịa Tạng Bồ Tát dùng phương tiện thiện xảo này để độ Tần Cối. Nhưng khi Tần Cối gặp Ðịa Tạng Vương Bồ Tát, ông chẳng sanh tâm cung kính. Vì ông không sanh tâm cung kính nên Ðịa Tạng Vương Bồ Tát dùng đại oai thần lực, lấy phất trần phủi một cái khiến ông tự động quỳ xuống, muốn đứng dậy cũng chẳng được. Ðịa Tạng Vương Bồ Tát chìa tay ra và hỏi ông rằng: "Ông hãy xem chữ gì trong lòng bàn tay tôi."

Tần Cối liếc qua rồi nói: "Tôi đậu Trạng Nguyên, nay làm Tể Tướng, văn tự các nước tôi đều thông, văn tự các nước mang đến xứ này đều qua tay tôi duyệt, hà huống chỉ có một chữ trong lòng bàn tay Ngài? Ngài cho rằng tôi không biết chữ đó hay sao? "Biết thì tôi biết đấy, nhưng tôi không muốn đọc cho Ngài nghe!"

Quý Phật tử nghĩ xem! Ðịa Tạng Vương Bồ Tát đầy lòng từ bi, muốn ông Tần Cối chỉ đọc một chữ "Phật" mà thôi. Ông ta biết chữ "Phật" đó nhưng chẳng thốt ra tiếng được, lại còn nói: "Tôi biết nhưng tôi không đọc cho Ngài nghe." Kết quả nghiệp chướng của y chẳng được tiêu trừ mà lại còn bị đọa địa ngục. Câu chuyện này đủ chứng minh niệm Phật chẳng phải là việc dễ dàng.
Nói về cái tâm chúng sanh, mình bảo họ nhớ Phật niệm Phật cũng chẳng phải là việc dễ dàng. Cho nên mới nói là "Nhược" tức là giả sử. Ðoạn Kinh văn này chỉ là giả thuyết từ. Giả sử cái tâm chúng sanh của mình "ức Phật niệm Phật," nhớ Phật niệm Phật. Tâm luôn tưởng nhớ Phật, miệng luôn niệm Phật, thì hiện tiền và trong tương lai nhất định sẽ được thấy Phật. Mình nhớ Phật, niệm Phật, hễ chuyên nhất tất sẽ có linh ứng, tâm phân tán thời linh ứng khó hiển hiện. Tâm niệm được chuyên nhất, niệm Phật một cách khẩn thiết, chí thành, đến nỗi nước chảy cũng là niệm Phật, gió thổi cũng là niệm Phật, niệm cho đến độ mọi âm thanh chung quanh đều là "A Di Ðà Phật," như vậy mới gọi là "nhớ Phật niệm Phật."

"Hiện tiền đương lai." Hiện tiền là ngay trong đời này; đương lai tức tương lai hoặc là đời sau của chúng ta.

"Tất định kiến Phật." Mình nhất định có thể thấy được Phật, vì thệ nguyện lực của Phật là chỉ cần mình niệm Phật thì Phật nhất định nhiếp thọ mình. Cho nên "Khứ Phật bất viễn," tức là không còn xa Phật.

"Bất giả phương tiện." Mình chẳng cần tìm những pháp môn phương tiện đâu đâu xa xôi để tu trì pháp môn niệm Phật này. Niệm Phật là con đường tắt trong những con đường tắt, phương tiện trong những phương tiện, một pháp môn viên đốn nhứt, đơn giản nhứt, dễ dàng nhứt. Cho nên không cần tìm kiếm một pháp môn hay phương tiện nào khác. Pháp môn niệm Phật là phương pháp hay nhứt.

"Tự đắc tâm khai." Tâm khai tức đã giác ngộ, đã thấu hiểu thì khoát nhiên tâm liền khai ngộ, khoát nhiên thông suốt, khoát nhiên đắc niệm Phật Tam muội, do đó tự đắc tâm khai.
Như nhiễm hương nhơn, thân hữu hương khí, thử tắc danh viết hương quang trang nghiêm. Ngã bản nhân địa, dĩ niệm Phật tâm, nhập vô sanh nhẫn, kim ư thủ giới, nhiếp niệm Phật nhơn, quy ư Tịnh Ðộ.

"Như nhiễm hương nhơn." Cũng như người nào có thấm nhiễm hương thì "thân hữu hương khí" tức thân kẻ này toát ra mùi thơm như hương. Vì có mùi thơm nên: "Thử tắc danh viết hương quang trang nghiêm" cảnh giới này gọi là "hương quang trang nghiêm."

"Ngã bản nhân địa." Ðại Thế Chí Bồ Tát tự xưng là "vô ngã chi ngã." Cái tôi vô ngã. Bồ-tát vốn vô ngã, nhưng Ngài đối với chúng sanh thuyết pháp nên nói có ngã. Ngã bản nhân địa nghĩa là lúc tôi còn ở tại nhân địa.

"Dĩ niệm Phật tâm" tức dùng cái tâm nguyện niệm Phật để "Nhập vô sanh nhẫn" tức chứng đắc vô sanh pháp nhẫn.

"Kim ư thử giới, nhiếp niệm Phật nhơn" Tôi hiện ở tại thế gian này, tức là thế giới Ta bà của chúng ta, để nhiếp thọ, tất cả những người niệm Phật. Kẻ nào niệm Phật thì tôi giúp đỡ người đó, kẻ nào niệm Phật thì tôi tiếp dẫn người đó. Chỉ cần kẻ đó niệm Phật, tôi liền tiếp dẫn kẻ đó vãng sanh thế giới Tây Phương Cực-Lạc. Người niệm Phật chẳng khác gì miếng sắt, tôi y như cục nam châm để hút sắt. Chỉ cần chịu niệm Phật thì tôi hút về thế giới Tây Phương Cực-Lạc.

"Nhiếp niệm Phật nhơn, quy ư Tịnh Ðộ" Tôi nhiếp thọ những kẻ niệm Phật đều được sanh về thế giới Tây Phương Cực-Lạc, về cõi Thường Tịch Quang Tịnh Ðộ của đức Phật A Di Ðà.
Phật vấn Viên Thông, ngã vô tuyển trạch, đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế, đắc Tam Ma Ðịa, tư vi đệ nhất.

"Phật vấn Viên Thông" Trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật hỏi tất cả đệ tử rằng sau khi nghe qua thập bát giới, theo sự nhận thức của họ thì pháp môn nào viên dung vô ngại nhứt, viên mãn nhứt, hợp căn cơ của họ nhứt? Do đó Ðại Thế Chí Bồ Tát mới nói "Phật Vấn Viên Thông." Phần trước của Kinh, Phật có hỏi các vị đệ tử của Ngài về pháp môn mà họ đã chứng đắc để thành tựu đạo quả viên thông, cho nên Ðại Thế Chí Bồ Tát mới nói:

"Ngã vô tuyển trạch, đô nhiếp lục căn," tức tôi không có tuyển chọn như thế, rằng xem pháp môn nào là đệ nhứt? là viên thông? Nhưng tự mình cảm thấy pháp môn niệm Phật đều thâu nhiếp lục căn, vì rằng:

Nhứt niệm Di Ðà nhứt niệm Phật,
Niệm niệm Di Ðà niệm niệm Phật.

Mình lấy cái tâm niệm Phật để cầu sanh Tịnh Ðộ, và chận đứng mọi vọng tưởng tạp niệm, không để chúng dấy khởi. Nếu có thể dùng một niệm của cái tâm niệm Phật để "đô nhiếp lục căn," thì cả sáu căn đều nghe theo lời mình, không làm nghịch ý mình, tức là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý không bị cảnh giới của sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, làm dao động. Cho nên nói rằng: "lấy niệm phật để chuyển hóa hết thảy các cảnh," lấy niệm Phật để không bị hết thảy các cảnh chuyển hóa mình. Mình chỉ cần niệm sáu chữ "Nam Mô A Di Ðà Phật" thì sẽ thâu nhiếp sáu căn dễ dàng, rồi sáu căn này sẽ chịu nghe theo và phục tùng mệnh lệnh, không dẫn dắt mình đến pháp nhiễm ô. Cho nên, "đô nhiếp lục căn" tức là một pháp môn tổng trì (Dharani - Ðà la ni), cũng là tổng nhất thiết pháp, trì vô lượng nghĩa vậy!

"Tịnh niệm tương kế." "Tịnh" là gì? Không còn tạp niệm, không còn vọng tưởng, gọi là tịnh. Niệm là gì? Nhứt niệm Phật tức là niệm niệm Phật, niệm niệm Phật tức là nhứt niệm Phật, một niệm cũng không gián đoạn thì ngay trong một niệm này, nhứt định được vãng sanh về thế giới Cực-Lạc. Cho nên nói rằng tịnh niệm tương kế. Hai chữ "tương kế" này rất hệ trọng, chẳng phải niệm niệm là không niệm. Mình phải:

Niệm mà không niệm
Không niệm mà niệm.

Hãy niệm một cách tự nhiên, dù cho mình không muốn niệm Phật cũng không được, tâm mình vẫn tự niệm. Cho nên nói rằng muốn dứt cũng không dứt được, muốn tiếng niệm Phật ngưng hẳn cũng không thể nào làm cho nó ngưng được. Chẳng khác gì uống rượu say, niệm Phật đến say, muốn không niệm cũng không được, chỉ còn lại một cái tâm niệm Phật.

Bởi vậy mới nói là "tịnh niệm tương kế". Tương kế là kế tục, không gián đoạn. Niệm Phật phải liên tục, không gián đoạn, ngày này qua ngày nọ, tháng này qua tháng nọ, năm này qua năm nọ, đời đời kiếp kiếp không lúc nào ngưng nghỉ. Nếu mình phát tâm được như vậy thì đó gọi là tịnh niệm tương kế.

"Ðắc Tam Ma Ðịa" Tam-ma-địa là "đẳng trì," có người dịch là "đẳng trị." Có người cho rằng tam-ma-địa là tam muội, thực ra tam-ma-địa là định huệ viên dung, định huệ không hai. Ðược như vậy gọi là đắc tam-ma-địa.

"Tư vi đệ nhứt" Ðại Thế Chí Bồ Tát nói "Nếu đứng trên cương vị của tôi, với kinh nghiệm tu hành và sở đắc của bản thân tôi từ vô lượng kiếp cho đến nay và nếu ai hỏi tôi pháp môn nào là hạng nhất thì tôi xin thưa rằng tôi không chú ý đến các pháp môn khác, chỉ pháp môn thâu nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế, đắc tam-ma-địa, là đệ nhất."
 
Trích từ: Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Lược Giảng