Chúng ta thường nghe mọi người phàn nàn “con người này quá tham lam, ích kỷ”. Thực ra, con người tham lam, ích kỷ là tâm lý phổ biến không ai tránh được, vì không ai có thể sinh tồn nếu không có tính tham lam ích kỷ, thế nhưng khi nghe câu đó, ai cũng nghĩ là họ đang chê trách nhau.
Mọi loài vật đều có tính ích kỷ. Thuyết tiến hóa của Charles Robert Darwin phát hiện quy luật cạnh tranh sinh tồn, thích ứng hóa môi trường là tiền đề sinh tồn, nghĩa là mọi loài sinh vật đều có bản năng cạnh tranh. Vì thế, nói theo cách khác, ích kỷ thực chất để tranh giành môi trường, duy trì sự sống. Con người bất quá chỉ là một trong vô số loài động vật, cố nhiên sẽ mang trong mình bản năng nguyên thủy kia, âu cũng là lẽ bình thường nên không thể nói đúng hay sai.
Hành vi “tự lợi” cũng thế, nhờ tìm kiếm những gì có lợi cho mình mới tồn tại, nếu không biết “tự lợi” bất kỳ loài động vật nào cũng sẽ tiêu vong.
Tuy nhiên tâm lý tự tư tự lợi được chia thành nhiều tầng bậc khác nhau.
Thứ nhất, tự tư tự lợi không ảnh hưởng đến người khác, đây là nguyên tắc cơ bản đồng thời còn là tiêu chuẩn của đạo đức con người.
Thứ hai, song song với làm lợi cho mình, biết cách phát triển cái lợi đó đến cho mọi người. Đây là công hạnh tự lợi tự tha, là bước đầu tu tập Bồ tát hạnh, tuy nhiên việc làm này vẫn hạn chế trong giới hạn phàm phu.
Thứ ba, dù bất lợi cho mình nhưng có ích cho số đông người khác vẫn sẽ hy sinh lợi ích cá nhân, thực hiện bằng được tinh thần vị tha, mang lại lợi ích cho mọi người. Đây còn là tinh thần chí công vô tư, hy sinh cái tôi nhỏ bé, hoàn thành công hạnh xóa bỏ cái tôi nhỏ bé, để hòa vào cái tôi lớn hơn, cho đến khi nào đạt đến tinh thần vô ngã, mà phần lớn các tôn giáo, các nhà triết học, đạo đức học xưa nay cổ xúy.
Vì thế, khi nói đến việc tự tư tự lợi, bạn chớ vội kết luận đó là điều không tốt. Tuy nhiên, xét trên quan điểm Phật giáo, nguồn gốc sâu xa của tự tư tự lợi là sự chấp ngã, nó là gốc rễ của tất cả phiền não. Thậm chí khi bạn đạt đến tầng thứ ba vẫn còn cái “đại ngã”, và bất luận thế nào thì nó vẫn không chạy thoát cái “ngã” cái tôi, và khi nào cái tôi còn tồn tại, thì lúc đó bạn vẫn còn phiền não. Vì thế khi đã đạt đến tầng thứ ba vẫn còn thêm một tầng nữa, mà bạn cần thực hiện: tinh thần vô ngã.
Vô ngã theo tinh thần Phật giáo tức xóa hết cái tôi, xóa nhỏ cái tôi vào trong vạn loại chúng sinh, chia lợi ích cá nhân cho hết thảy chúng sinh. Như thế có nghĩa là, khi bạn có tư tưởng chia đều lợi ích cho hết thảy chúng sinh, dâng hiến vô tư cho hết thảy chúng sinh, là lúc bạn đã đạt đến vô ngã. Sau khi mọi người được bạn chia sẻ lợi ích, giúp đỡ bạn hoàn toàn không khởi lên tâm lý rằng “mình đã lập công”, đồng thời bạn không còn mong muốn sẽ nhận được sự đền đáp từ việc làm kia của bạn. Lòng bạn thanh tịnh, không còn tính toán rằng mình đã giúp đỡ được bao nhiêu người, cứu giúp bao nhiêu chúng sinh, làm bao nhiêu việc tốt, đây là nội hàm đích thực của tinh thần Bồ tát.
Tinh thần Bồ tát được phân thành hai giai đoạn: thứ nhất, thượng cầu Phật đạo – tu hành với mong muốn chứng quả vô thượng Bồ đề (Phật đạo). Thứ hai, hóa độ chúng sinh.
Cầu Phật đạo tức tu tập làm tăng trưởng trí tuệ, tăng trưởng tâm từ bi. Hóa độ chúng sinh tức giúp đỡ hết thảy chúng sinh lìa xa đau khổ, đạt lợi ích an lạc. Tu tập theo tinh thần Bồ tát không tách rời khỏi “điều lợi”, từ trong việc thực hành “điều lợi” đó, trí tuệ, phúc đức và công đức 4 sẽ tăng trưởng. Hoàn thành việc tự lợi, lợi tha, xóa tan cái tôi riêng lẻ hòa vào muôn loài chúng sinh.
Phần lớn mọi người khi nghe xong điều này đều cảm thấy chí lý, dễ hiểu. Nhưng khi bạn thực sự đưa nó vào hành động cụ thể, sẽ không đơn giản như bạn nghĩ. Trong bốn cấp độ đó, chúng ta ít nhất phải thực hiện cấp độ đầu tiên để làm nền cho cấp độ thứ hai. Cấp thứ ba rất khó, và khó nhất là cấp độ thứ tư.
Khó không có nghĩa là không thể làm được, ít nhất chúng ta xem đó là mục tiêu phấn đấu, là phương hướng cho mình nỗ lực, cố gắng.
Cái tôi ngu xuẩn này phải chăng có thực?
Nhìn theo quan điểm đạo Phật, cái “tôi” này là tướng trạng thể hiện của chuỗi nhân quả, nghiệp lực có từ vô thủy. “Tôi” là kết quả của nghiệp.
Người tạo nghiệp là ta, người chịu quả báo cũng là ta, sự sống là quá trình tạo nghiệp, thụ nghiệp tiếp nối không dứt. Nhân, quả của nghiệp đều là “ta”.
Sống trong đời không ai có thể nhịn ăn, không ai có thể nhịn ăn, không ai không mặc quần áo, không ai không uống nước. Giữa người với người luôn có sự tác động qua lại lẫn nhau, bất luận bạn đang cho đi hay đang tiếp thu thì sự tác động qua lại của con người đều là quá trình tạo nghiệp. Dù không tiếp xúc với ai, bản thân bạn cũng sẽ đang tạo nghiệp. Ví dụ bạn bực tức khi không có ai, bạn tự hành hạ, trừng phạt bản thân; khi vui vẻ hớn hở, bạn hài lòng, mãn nguyện với chính mình… tất cả hành động đó đều có nghĩa là bạn đang tạo nghiệp.
Một khi đã tạo nghiệp, nhất định sẽ có quả báo. Trong quá trình từ khi tạo nghiệp đến khi chịu nhận quả báo, sẽ tiếp tục tạo nghiệp mới, chịu quả báo mới. Đây là quá trình tạo nên cái mà chúng ta cho là “tôi” – đối tượng chịu sướng, khổ. Có nhiều cái tôi khác nhau, có cái tôi siêng năng, có cái tôi biếng nhác, có cái tôi ích kỷ, có cái tôi khỏe mạnh… Cái tôi đó thoạt nhìn chúng khác nhau, nhưng thực ra tất cả đều là nhân do mình tạo nghiệp, cùng là quả do mình thụ nhận.
Tốt, xấu do nhân mình tạo, sướng khổ là quả mình thụ nhận. Con người không ngừng tạo thêm nghiệp mới trong quá trình thụ nhận các quả báo tốt xấu. Từ đó, ai cũng ngộ nhận bản thân của nghiệp nhân, nghiệp quả đó là “tôi”, có cái “tôi” tồn tại thực sự. Sự tồn tại của cái tôi này rất mãnh liệt, vô cùng rõ ràng đến nỗi không một người nào nhận thấy “đây không phải của tôi”, không thể thoát khỏi “tôi”. Chúng ta thử nghĩ kỹ lại xem: Cái tôi này có thực sự là tôi?
Mọi người cho rằng “cái tôi” đây là có thực, nhưng thực ra nó là quá trình của một chuỗi nhân quả, bản thân chuỗi nhân quả kia không phải là cái gì đó vĩnh hằng, bất biến. Vì thế nếu cảm giác tồn tại của tự ngã chỉ là chuỗi nghiệp lực, nhân quả tạo nên, khi chuỗi nhân quả đó kết thúc thì cái “tôi” tạo nghiệp, chịu nhận quả báo này tự nhiên sẽ không còn tồn tại nữa.
Ví dụ có người phạm pháp, bị tù đày, đến khi mãn hạn được phóng thích tự do, làm lại người bình thường. Nhưng nếu vẫn tiếp tục phạm pháp sẽ tiếp tục bị giam ngục. Bị giam trong lần tiếp theo là quá trình tạo nghiệp, quá trình chịu quả báo mới, đây là chu kỳ tạo nghiệp và thụ nhận quả báo.
Vì thế chúng ta thấy, người phạm tội không phải sẽ mãi mãi là người phạm tội; cái tôi trong quá trình tạo nghiệp, thụ quả báo cũng không phải là cái tôi bất biến, bản thân nhân quả cũng không phải vĩnh hằng bấn biến. Chấp trước vào cái tôi chẳng qua do quá trình chịu nhận quả báo, người đó tiếp tục tạo nghiệp mới mà thôi.
Không một người nào muốn mình khổ, ai cũng có bản năng tìm kiếm hạnh phúc. Không ai muốn cho đi, nhưng ai cũng mong muốn thu nhận thật nhiều! Cái tôi hẹp hòi ích kỷ có thể tạm thời có quả báo tốt, nhưng phải chịu cái khổ lâu dài. Có thể nói, đây là cách lấy cái khổ lâu dài để đổi lấy cái vui nhất thời.
Cái “tôi” của chúng ta là quá trình tiếp diễn không ngừng nghỉ giữa khổ và vui, khổ nhiều vui ít, lấy khổ làm vui. Cái tôi này không có thực, có chăng chỉ là cái tôi ngu xuẩn.