Lại nói về lúc cư sĩ A Minh còn sống, đã có nuôi một con chó dữ, cư sĩ cũng đã quy y Tam Bảo cho nó. Đây là một con vật rất trung thành với chủ, đã có trồng căn lành. Lúc huynh A Minh ở trên núi dưỡng bệnh (nhà cô Chơn, cô Phụng truyện 27), con chó này mỗi ngày phải đi lại bốn lần từ trên núi xuống Bắc Cấu một đoạn đường dài. Mỗi ngày vào buổi sáng cô Chơn dùng khăn tay bao lại cái đơn thuốc của A Minh đưa cho con chó ngậm lấy đi đến tiệm thuốc bắc ở Bắc Cấu hốt thuốc. Trước đó đương nhiên cô Chơn phải có thỏa ước với chủ tiệm thuốc phải ghi nợ, và việc con chó sẽ đến lấy thuốc, cho nên chủ tiệm coi đơn hốt thuốc xong vẫn cứ dùng khăn tay đó bao gói thuốc lại, đưa cho con chó ngậm quay trở về. Trên đường nhất định phải đi qua một khe nước lớn, có lúc nước trong suối vừa lớn vừa chảy mạnh, con chó do vì miệng ngậm gói thuốc, sợ thuốc bị ướt, nó ngẩng đầu cao lên trời lội qua, về nhà để gói thuốc xuống, chủ nhơn xem, quả nhiên không có ướt một chút nào hết.
Trưa mỗi ngày huynh A Minh đều phải tắm và thay đồ. Đồ dơ thay ra cô Chơn vẫn dùng cái khăn gói lại, dặn dò con chó ngậm chạy về nhà ở Bắc Cấu đưa cho vợ của huynh A Minh, vợ huynh A Minh sau khi giặt sạch đồ xong, gói lại như cũ đưa cho con chó ngậm quay về trên núi, nhưng buổi trưa lúc quay về con chó nhất định phải tắm một lần trong dòng suối trong mát, con chó thông minh tha bao đồ lựa một hòn đá sạch và không ướt để xuống, rồi tự mình nhảy xuống nước tắm, tắm xong lại ngậm bao đồ về trên núi. Trong mấy tháng huynh A Minh dưỡng bệnh, ngày nào cũng như thế, đi, về bốn lần, so với mướn người giúp việc còn tiện lợi và biết nghe lời hơn.
Con chó dữ này cũng có căn lành rất lớn, ưa thích nghe Phật pháp. Lúc đó, cô Chơn mỗi tối chủ nhựt đều đến cơ sở hoằng pháp nghe kinh, con chó dữ này thường đi theo cô, nó ngồi một góc trong đại điện, chỗ gần với vị giảng sư, bộ dạng của nó còn thành khẩn hơn con người, ánh mắt long lanh, yên lặng nghe pháp, không có loạn động một chút nào hết; mỗi lần nghe kinh xong đều không cho cô Chơn nói chuyện với người nào hết, cứ nhảy lên muốn đi ra. Ra khỏi cửa lớn liền phóng chạy nhanh đến nơi cách điện Phật rất xa, nó mới đi tiểu, đi tiểu xong thì không có chạy nữa, đi chậm chậm theo chủ. Có thể thấy con chó này cũng biết nơi điện Phật trang nghiêm thanh tịnh, không dám mặc ý tiểu bậy, làm ô uế đạo tràng, thật là ít có, khó được. Đáng tiếc đời người vô thường, sau khi huynh A Minh vãng sanh, con chó dữ vừa thông minh vừa đầy đủ căn lành này cũng đau buồn không thể tả, thật đúng như tục ngữ nói “như chó nhà đám tang” suốt ngày gục đầu tiu nghỉu, mất đi vẻ lanh lợi thường ngày. Đợi đám tang chôn cất xong, con chó đáng thương này đi đâu mất không biết. Hai chuyện trên đây là sự thật của động vật bốn chân, nhờ duyên của Phật mà hun đúc nên.