Một anh thợ cầy nọ lên thành thị chơi, thấy được dung mạo xinh đẹp tuyệt vời của công chúa, đêm ngày nhớ nhung, chỉ mong được cùng công chúa ước hẹn, nhưng không sao được nên nỗi nhớ biến thành bệnh, nhan sắc tiều tụy. Bạn bè thân bằng thấy vậy hỏi duyên cớ, thợ cầy mới bộc lộ tâm sự, từ khi thấy nhan sắc công chúa, ngày đêm không sao quên được hình bóng yêu kiều này, chỉ mong được hẹn hò cùng công chúa, mà sinh bệnh, nếu thực không hẹn được thì thà chết còn hơn. Bạn bè khuyên giải « cứ yên tâm chúng tôi sẽ tìm cách giúp anh như nguyện ». Một thời gian sau, những người này nói với anh thợ cầy « chúng tôi đã tìm cách giúp anh rồi, mọi sự đều tốt đẹp, chỉ duy có công chúa không chịu gặp mà thôi ». Thợ cầy nghe xong vui mừng vô cùng, hô lên « nhất định sẽ được ».
Người ngu ở đời cũng vậy, bất kể thời tiết xuân hạ thu đông, ngay mùa đông cũng gieo hạt, mong được thật quả, nhưng chỉ phí công vô ích, chẳng đạt được gì, và mất trọn hết mầm, nụ lá cành. Người ngu ở đời tu tập chút thiểu phúc, cho là đầy đủ, đạo quả bồ đề chắc chắn đắc được, như thợ cầy mơ được công chúa.
Lời Bình: Người ngu này vừa không biết thời tiết nhân duyên, vừa vọng tưởng bỏ công ít mà được quả nhiều.
Nhân duyên mà không đúng thời tiết tất không thành quả, như vào mùa đông mà gieo hạt tất không thể nẩy mầm lên cây được, hay giữa sa mạc mà trồng cây thông, như anh thợ cầy muốn phối hợp với công chúa. Thợ cầy như mùa đông, công chúa như cây nho, thời tiết và nhân duyên hoàn toàn sai biệt vì thế không thể kết hợp được.
Phàm phu không biết như vậy, nên đem ngã này mong thành Phật đạo, nào hay ngã như lửa bỏng, đạo như nước mát, ngã muốn được nước mát, nhưng khi nước mát đến với ngã thì lại thành nước sôi, nên ngã không sao đạt được đạo, vì bệnh lửa bỏng của ngã. Lại ngã như thợ cầy, Phật đạo như công chúa, thợ cầy mơ tưởng công chúa, chỉ là 1 niệm hoang tưởng vô ích chung quy thành bệnh tương tư đơn phương. Thợ cầy cho dù được nhiều người giúp đỡ, nhưng công chúa không hứa gặp, thì vẫn không thể toại nguyện hẹn ước, như người tu đem ngã chấp học đạo với bao nhiêu thiện tri thức, mà không hề nhận ra đạo không thể thọ kí cho ngã chấp được, vì không thấy cái kết quả vô vọng trên nên vẫn hí hửng tưởng là « nhất định sẽ được », do vậy người tu dù không thật đạt đạo mà vẫn thỏa mãn với những cái đắc phúc báo mộng mơ của mình, vẫn không thức tỉnh với sự thật là không được đạo thọ kí là hoàn toàn thất bại trong việc tu hành, như thợ cầy hoàn toàn thất bại trong chuyện được công chúa chấp nhận sự hẹn hò.
Lại cũng tựa như tu biết bao thiện pháp trợ duyên bằng ngã chấp, như Lương Vũ đế tu phúc, dù có được phúc báo ủng hộ nhưng vẫn không ra khỏi luân hồi, do giải thoát không hứa hẹn, tựa như cho dẫu bạn bè rất mực giúp đỡ nhưng công chúa không chịu gặp.
Ngã chấp là nhân tố tạo thành chúng sinh, một cùng tử, một thợ cầy. Vô ngã chấp là yếu tố thành Thánh quả, như trưởng giả, như công chúa. Cùng tử muốn thành trưởng giả mà không xả bỏ kiếp cùng khốn thì vĩnh viễn không đương nổi sự nghiệp của trưởng giả. Thợ cầy muốn sánh đôi với công chúa mà không bỏ cái nghiệp dĩ nghèo nàn thì muôn đời không được công chúa hẹn hò nói chi đến nên duyên. Cũng vậy tu tập mà không xả bỏ ngã chấp và các pháp đắc thất của ngã thì làm sao hẹn nổi với quả giải thoát. Vì thế cho dẫu có sự trợ giúp của tha nhân, hay của phúc báo tu tập, giải thoát vẫn quyết không hẹn với người « bần cùng trí huệ » này.
Xả bỏ ngã chấp không gì khác hơn là tinh thần « đương nguyện chúng sinh » của bồ đề tâm, mà không phải hành ngã bằng khổ hạnh, hay giết nó đi, vì vậy kinh Hoa Nghiêm dậy « vong thất bồ đề tâm, tu chư thiện nghiệp thị danh ma nghiệp ».
Vẫn bám chặt vào kiếp sống lam lũ bần cùng của gã ăn mày mà mơ tưởng thành phú gia, hay an phận bần cùng làm kiếp cầy mướn mà mong nên duyên đôi lứa với công chúa thì chỉ là chuyện có trong vọng tưởng mà thôi. Cũng vậy người tu một mặt vẫn củng cố bám víu xây dựng cái cảnh giới thế gian lợi lộc của ngã chấp, mặt khác mơ được giải thoát hẹn hò, kết duyên với bồ đề, khác nào thợ cầy mơ mộng sánh đôi cùng công chúa. Ngũ dục xả không nổi mà đòi hẹn hò với giải thoát, tựa như kiếp nghèo khổ bỏ không xong mà mong được nên duyên với công chúa.
Phàm phu biếng nhác tham lam, nên khi nào cũng muốn nhất bổn vạn lợi, bỏ một được vạn, tu tập được chút phúc báo, thí như được mọi người kính trọng, cúng dường, tự cho như vậy là tu hành rốt ráo, chẳng cứu xét tâm tính xem bi trí của ta có khả quan chưa, mà cứ tự hào là đạo hạnh và duy trì như vậy cho đến chết, để chờ Phật đi đón ta về với ngài, quên đi yếu tố mà đức bổn sư ân cần dậy bảo « bất khả dĩ thiểu thiện căn phúc đức nhân duyên đắc sinh bỉ quốc ». Như có một gã nghèo rớt mồng tơi, lại biếng nhác, không lo lao động kiếm ăn, mà chỉ mộng giầu sang, một hôm, gã nhặt được một quả trứng gà trong bụi cỏ, gã chạy vội về nhà, hô lên “mình ơi chúng ta sắp phát tài rồi”, chị vợ vội chạy ra hỏi, gã trân trọng moi quả trứng ra nói, “chúng ta sẽ nhờ gà mái nhà hàng xóm ấp, khi trứng nở chúng ta sẽ lấy một con gà mái, vài tháng sau gà mái sẽ sinh trứng, mỗi tháng chúng ta sẽ có thêm 15 con gà con, những con gà con này sẽ sinh thêm trứng và chẳng bao lâu chúng ta sẽ con một đàn gà đông đảo, và cứ bán đi 300 con gà, chúng ta sẽ mua được 5 con bò, và cứ thế chúng ta sẽ phát tài trong nay mai”, mặc cho anh chồng thao thao bất tuyệt với giấc mộng tương lai, chị vợ lặng lẽ đem trứng đi luộc ăn cho qua cơn đói cồn cào hiện tại.
Muốn được phú quý ở đời cũng phải vất vả lao nhọc một đời, hà huống muốn được công đức của đạo, thứ công đức vượt quá khả năng của mình bỏ ra, như công chúa phú quý vượt xa thợ cầy, người tu học chỉ học thuộc vài bài kinh nhật tụng, mỗi ngày tụng niệm hai thời tự cho đủ để vãng sinh thành Phật, khác nào bỏ công phu nghèo hèn bằng với thợ cầy mơ một kết quả cao quý như công chúa. Chính vì vậy đức Thế Tôn khuyến cáo, cái công sức chúng ta bỏ ra tu phúc thật sự chỉ là thiểu thiện căn phúc đức nhân duyên, một chút công sức của thợ cầy làm thế nào xứng đôi với công chúa tức cảnh giới của chư Phật. Không giác ngộ điều này dù có tu phúc đến đâu mà không phát tâm bồ đề thì chỉ là anh thợ cầy mê nàng công chúa mà thôi.