Home > Khai Thị Phật Học
Hại Vợ Nên Mù
| Hòa Thượng Thích Thiện Huệ, Việt Dịch


Một người nọ cưới hai cô vợ về chung sống, hễ gần người này thì người kia sân hận, nên không biết phải làm sao, vì vậy quyết định không nghiêng về bên nào. Tối đến, người chồng nằm ngửa ở giữa, gặp lúc trời mưa to gío lớn, nước mưa và đất trên nóc nhà rơi xuống trúng mắt anh chồng, anh này không dám nghiêng qua một bên để tránh né, nên chung cục hỏng cả hai mắt.

Phàm phu cũng vậy, thân cận tà hữu, tập làm các việc phi pháp, tạo tác đủ mọi kết nghiệp, đọa tam ác đạo, ở mãi trong sinh tử, mất cặp mắt trí huệ, như người vì hai vợ mà đui mắt vậy.

Lời Bình:

Hai người vợ dụ cho nhị pháp. Thế nhân luôn sống trong nhị pháp thủ xả, thích thành nên sợ bại, muốn lạc nên sợ khổ, mà không rõ có cái này tất phải có cái kia, nhị pháp tuy mâu thuẫn nhưng tương sinh. Thế nhân loạn động với thủ xả, bị thủ xả che mất mắt huệ, như anh chồng vì sinh tâm ái dục cưới một lần hai cô vợ, cho đó là hạnh phúc nên mới thực hành, thế nhưng sau đó mới thấy hậu quả chân thật, chẳng những không hạnh phúc ngược lại còn rất phiền não, gần người này thì người kia giận, thực chẳng biết sử sự ra sao cho ổn, nên quyết định không thiên bên nào cho yên. Anh này không hiểu rằng tâm ái dục gây nên hành động cưới hai vợ, hành này đưa đến hậu quả phiền toái. Như vậy lẽ ra phải nhổ gốc ái dục là vọng tâm, bỏ đi tà hành, xả bỏ phi pháp là pháp thủ xả tức hai cô vợ, nhưng anh chồng vẫn giữ yên tâm tham dục, không dám xả hai cô vợ, và cũng không dám thủ cô nào, như thế thì khác gì xả. Tuy không khác gì xả, nhưng vẫn sợ mất bất kì cô nào, nên lại chẳng khác gì thủ. Thủ xả đều không thành, nên bị thủ  như nước mưa và xả như đất cát làm hỏng mắt huệ, tựa như anh chồng bị hỏng đôi mắt vì lấy hai vợ. 

Người tu hành cũng vậy, xả đời nhập đạo, coi như ta đã chết ở cuộc đời, lẽ ra trong mọi pháp thế gian như đắc thất thành bại, không còn có sự hiện hữu của ta trong đó, có như vậy mới thâm nhập vào được cảnh giới giải thoát. Nhưng vẫn đeo mang đắc thất thủ xả ngoài đời vào đạo, một tay ôm đời, một tay ôm đạo, đạo đời đều muốn, như anh chồng muốn cả hai cô vợ. Theo đạo thì tiếc đời, theo đời thì tiếc đạo, một mặt bon chen với thế nhân để hưởng thụ thú vui của đời, một mặt vẫn muốn đóng vai “hữu Thích tử tư cách, thọ nhân thiên cúng dường” (có tư cách của Thích tử nên được trời người cúng dường). Nhưng nếu đã không xả nổi thế gian tất không đủ tư cách của Thích tử để thọ nhận sự cúng dường của nhân thiên, nay nhờ “thờ Phật ăn oản” được phàm nhân cúng dường, lại cho như vậy đủ là tư cách sa môn, nên vẫn mang thói thế tục, kết bè phái với tà hữu, huân tập các hành phi pháp, hành đạo theo thói đời, do đó bị đọa tam đồ, lưu chuyển khó có ngày ra, “nhất thất nhân thân vạn kiếp nan phục” (một phen mất thân người muôn kiếp khó trở lại).

Những người tu hành ôm giữ cả đời lẫn đạo, thủ chẳng xong, xả cũng chẳng nổi. Thủ đời thì mất đạo, thủ đạo thì mất đời, người này muốn được cả hai, nên nằm ở giữa đạo và đời không dám nghiêng theo cái nào, nửa đời nửa đạo ở thế gian bị chỉ trích và phỉ báng, ở nơi đạo bị chư thiên sân nộ. Do thủ xả lưỡng nan, nên bị thủ xả làm đui mắt huệ. Như con chó nọ hễ nghe tiếng khánh chùa thì đến tìm ăn, mỗi bên bờ sông đông và tây có một ngôi chùa, con chó nghe tiếng khánh chùa tây liền bơi qua bờ tây, giữa dòng nghe tiếng khánh bờ đông lại bơi qua bờ đông cứ vậy mà bị dòng nước thủ xả cuốn đi mạng sống.

Bất luận tại gia hay xuất gia, thế tục hay đạo nhân, phàm dính mắc vào “thủ xả” đều giống như người chồng 2 vợ, tất bị mù mắt vì cô vợ tên “thủ và xả”, thế nên Vĩnh Gia đại sư nói “Thủ xả chi tâm thành xảo ngụy”. Phật pháp chỉ dậy người tu học nhận ra tâm xảo ngụy tức tâm nhị biên, tâm này làm phàm nhân điên đảo tán loạn, từ thủ xả sinh đắc thất, thuận nghịch, khổ lạc, tạo tác ác nghiệp, các nghiệp này được tâm thủ xả gìn giữ, do vậy mà luân hồi mãi trong nghiệp thủ xả không có ngày ra. Phàm phu có biết đâu do chính tâm thủ xả dẫn đến sự thành hình của luân hồi nghiệp quả, xa lìa giải thoát, như lời dậy của Thiền tông Tam tổ Tăng Xán “chí đạo vô nan, duy hiềm giản trạch, đản mạc tắng ái, động nhiên minh bạch” (đạo cả không khó, hiềm do kén chọn, chẳng màng thương ghét, tất rõ mọi điều), giản trạch hay kén chọn chính là thủ xả. Tam tổ lại nói “vĩ thuận tương tranh, thị vi tâm bệnh, bất thức huyền chỉ, đồ lao tĩnh niệm” (thuận nghịch tương tranh, đó là tâm bệnh, không rõ huyền chỉ, uổng công niệm tĩnh), “vĩ thuận tương tranh” đó chính là thủ xả. Thủ xả là tâm bệnh, là tâm xảo ngụy, nếu không hiểu rõ điều này thì uổng công tu hành, dùng tâm bệnh hành đạo tất thành đạo bệnh, một thứ đạo đầy tâm thủ xả, tức đầy thuận nghịch. Phàm có thủ xả, thuận nghịch tất nhiên nội tâm động loạn, ngoại lại phan duyên, và như thế ắt đi ngược dòng giải thoát.

Song vấn đề của hành giả là nếu xả bằng cách tránh né hết các hình thức thế gian, tất nhiên sẽ không thể tiếp cận với tha nhân để cứu độ, nếu muốn cứu độ tất nhiên phải hòa mình với mọi người, và như thế lại rơi vào thủ?. Để có thể xả mà vẫn hành xử pháp thế gian, thân cận cứu giúp tha nhân, tuy thủ các pháp thế gian mà vẫn không chấp trước, hành giả phải ngay trong xả hành thủ, ngay trong thủ hành xả, nói cách khác đó là thủ bằng xả và xả nơi thủ, như bài kệ của Thiện Huệ đại sư tức Phó Đại Sỹ “Không thủ bả sừ đầu, bộ hành kị thủy ngưu, nhân tùng kiều thượng quá, kiều lưu thủy bất lưu” (tay không cầm cán cuốc, đi bộ ngồi lưng trâu, người đi băng qua cầu, cầu trôi nước chẳng trôi).

Tay không dưới mắt thế tục tất không có một vật, chỉ cho xả, song tuy tay không nhưng lại cầm cán cuốc. Cán cuốc là công cụ lao động của người dân, dùng để canh tác sinh sống, là sinh hoạt thường ngày. Hành giả lấy việc độ sinh làm sinh hoạt thường ngày, do độ sinh nên hòa mình vào đời sống thế tục “thủ xả” của chúng sinh, để cứu độ tha nhân ra khỏi vòng luân hồi của thủ xả, do đó hành động thủ xả của người hành đạo chỉ là phương tiện mà không phải cứu cánh, như “lớn tiếng để bảo im” vậy, còn như nếu lấy chuyện thủ xả khổ lạc với tha nhân làm cứu cánh tất nhiên chấp thủ cái thủ xả đó. Như vậy “lớn tiếng để bảo im” là ý nghĩa của “tay không cầm cán cuốc”, cầm cán cuốc tức thủ, bằng bàn tay không tức xả, tựa như “lớn tiếng” tức thủ, “bảo im” tức xả. Do xả mà phương tiện thủ, thủ chỉ để xả, đó là thật nghĩa của Xả vô lượng trong tứ vô lượng.

Lại cũng có thể so sánh tinh thần này với lời nói của thiền sư Đặng Ẩn Phong “can mộc tùy thân, phùng trường tác hý” (có gậy tùy thân, gặp sân khấu thì đóng trò), gậy chỉ để đóng trò khi đối phó với sân khấu, tức phương tiện hành sử, mà không là cứu cánh để thủ. Cây gậy của Đặng Ẩn Phong là cán cuốc của Phó Đại Sỹ, cầm nó bằng bàn tay “không chấp trước một vật”, không coi đó là vật sở hữu của ta, chỉ là vật sử dụng nhất thời khi ứng sử vào việc độ sinh. Bàn tay này không thủ một vật, nên cũng chẳng vật để xả, cán cuốc chỉ là phương tiện ứng xử và chưa từng là vật sở hữu của bàn tay, do không thủ xả nên thủ xả tự tại gọi là “phùng trường tác hý”. Người hành đạo chân chính coi chùa chiền, tín đồ như cán cuốc trong bàn tay không chấp thủ, cầm giữ cũng chỉ vì nhân duyên độ sinh, “phùng trường” thì thủ, “tác hý” rồi thì xả. Bất luận tại gia hay xuất gia phàm tự tại thủ xả tất năng độ sinh, hễ còn thủ xả trói buộc tất cần được cứu độ.

Một khi bỏ được sự trói buộc của thủ xả, ắt tự độ và độ tha viên mãn, ngộ nhập cảnh giới giải thoát của nhất thiết chư Phật. Độ sinh bằng “không thủ” tuy độ mà chẳng thấy người độ và kẻ đắc độ, độ sinh trong tinh thần “không độ” đó nên không hề mỏi mệt hay phiền não, Phó Đại Sỹ diễn bầy bằng câu “đi bộ, ngồi lưng trâu”, “đi bộ” dụ cho việc độ sinh, “ngồi lưng trâu” hàm ý nhàn nhã do không thủ xả. Người hành đạo độ sinh bằng thủ xả tất thấy thuận nghịch khổ lạc, nên bị phiền nhiễu nhọc nhằn, phàm bản thân đã bị khổ lạc chi phối, làm thế nào độ được chúng sinh? Độ sinh là “nhiệm trọng nhi viễn hành” (gánh nặng đi đường xa), tự tại thủ xả độ sinh, tuy gánh nặng đường xa mà ung dung nhàn nhã như ngồi lưng trâu.

Cầu là phương tiện qua sông, giống như thuyền bè, qua bờ kia rồi thì bỏ phương tiện, không sinh tử tất một pháp cũng chẳng thủ, như lời Phật dậy “Như Lai thuyết pháp như phiệt dụ giả, pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp” (lời thuyết pháp của Như Lai tựa như thuyền bè, đến chính pháp còn xả, huống hồ phi pháp). Phi pháp chính là thủ xả, vứt bỏ mọi thủ xả tất là chính pháp, giác ngộ rồi thì chính pháp còn phải bỏ, huống gì là các phi pháp mê muội thủ xả. Phó Đại Sỹ ví cầu như chính pháp, nước sông như luân hồi sinh tử, qua cầu rồi thì xả cầu (cầu trôi), lìa mọi pháp phương tiện mới biết dòng sông sinh tử chỉ là mộng huyễn nên chưa từng trôi chẩy. “Người đi băng qua cầu, cầu trôi, nước chẳng trôi”.

Tóm lại nhất thiết chúng sinh vì thủ xả nên sinh tử luân hồi. Người hành đạo vì thủ xả mà không đạt được giải thoát, tự độ và tha độ. Tựu chung thủ xả làm mù cả mắt đạo lẫn mắt đời, như anh chồng vì thủ xả mà hỏng cả đôi mắt.