Một hôm, đuôi rắn nói với đầu rắn « hôm nay phải để ta đi trước ». Đầu rắn đáp « hồi nào đến giờ ta vẫn đi trước, cớ sao lại đổi ngược như vậy? » Cả hai đều cho mình đúng, tranh mãi không phân, bấy giờ đầu rắn bỏ đi trước, đuôi rắn quấn chặt vào gốc cây không đi, cuối cùng đầu phải nhường đuôi đi trước, kết quả do đuôi không có mắt nên rơi vào hầm lửa làm rắn bị chết thiêu.
Thầy trò cũng vậy, thầy là bậc niên trưỏng, thường dẫn dắt hậu lai, nếu đệ tử trẻ tuổi cho thầy gìa nua, không tôn kính nghe theo, cho ta là người lãnh đạo, song vì trẻ tuổi không thông giới luật nên thường hay sai phạm, đọa vào địa ngục.
Lời Bình:
Câu chuyện này tương tự như câu chuyện con chim hai đầu. Mỗi người chúng ta là con rắn khùng này, trong cuộc sống nội tâm con người hay phát sinh những tư tưởng xung đột, không biết phải nghe theo điều nào, như đầu và đuôi rắn tương tranh. Đa phần là sự tương tranh giữa thiện và ác, ngu và trí, nhưng ác thường thắng thiện, ngu hay thắng trí. Như Trung bổn khởi kinh dậy, việc ác hại thân, ngu cho là dễ, thiện an thân nhất, ngu nói khó làm. Do vậy đủ thấy ngu đi đôi với ác, và thiện song hành với trí, ngu cho ác dễ làm, nên ngu hay chọn ác.
Do tham dục mờ mắt, mất hết lương tri, quên mọi nhân quả chỉ cố làm sao cho thỏa mãn dục vọng, nên có mắt như đui, có óc như không, vì vậy tâm tham dục được ví như đuôi. Lại nhờ trí huệ, lương tâm khởi phát, thấy rõ mọi nhân quả mà mắt thường không sao thấy được, nên tránh sa tham dục, chỉ hành thiện pháp, khiến mọi hầm lửa đều chẳng đáng ngại, nên mắt sáng hơn thường nhân, óc hiểu hơn thường tình, vì vậy tâm trí huệ được ví như đầu.
Tất cả chúng sinh đều có mắt thấy và óc suy nghĩ như nhau, nhưng nếu tâm thức tham dục tất làm mắt đui óc mê. Trái lại nếu tâm thức trí huệ tất làm mắt thấy được cả cái không thể thấy, óc hiểu được điều không thể hiểu. Tham dục lại do ngã chủ động sinh khởi, trí huệ do « đương nguyện chúng sinh » thành. Vì vậy căn bản của sự tu học chính pháp chính là lìa tham dục hay chính xác hơn là lìa ngã và ngã sở, phát tâm « vì chúng sinh » để trí huệ phát sinh và tăng trưởng. Nhờ con mắt và khối óc trí huệ dẫn dắt như đầu dẫn đuôi, thì mọi tham dục đều trở thành công cụ độ sinh, như Bồ tát thường hành « giả chư tham dục nhi nhập sinh tử, độ hóa chúng sinh ». Ngược lại hễ để tham dục đui mù mê muội của ngã hướng dẫn tư duy và hành động tất nhiên chắc chắn là sa vào hầm lửa, tiêu diệt mất chiếc đầu trí huệ.
Một số người cho rằng tại sao đầu lại nghe đuôi thật là ngu ngốc và hoang đường, như thầy đi nhượng bộ trò khiến cho đầu đuôi hay thầy trò đều bị rơi vào hầm lửa. Kì thật chuyện « ngu ngốc » hay « hoang đường » này rất phổ thông và lại là sự thật, thế mới « hoang đường », bởi hầu hết chúng sinh đều để vọng thức tham dục của ngã hướng dẫn mọi tư duy và hành động, có ai dám dùng trí huệ cưỡng lại không? Thông thường cho rằng nghe theo đuôi dễ dàng hơn là nghe theo đầu, vì nếu dùng đầu trí huệ cưỡng lại cái đuôi ngã mê dục kia không phải là khó khăn lắm ư? Thế nên theo đuôi thì dị hành, theo đầu tức « đương nguyện chúng sinh » rất nan hành, vì tư duy như vậy mà chuyện « ngu ngốc » và hoang đường » kia trở thành hiện thực, và tồi tệ hơn cả là « hầm lửa » trở thành mối đe dọa khó tránh vô cùng. Cái khó đấy so ra khó hơn phát tâm độ sinh, bởi nếu phát tâm độ sinh « nan hành » kia thì chuyện « hoang đường, ngu ngốc » và thậm chí ngay cả hầm lửa đều trở thành thật sự « hoang đường ».
Tóm lại người trí tất chọn thiện, ngu nhân ắt chọn ác, như vậy nếu ngu nặng hơn trí, tất sẽ hành ác như đuôi dẫn đầu, đuôi không có mắt biểu trưng cho vô huệ tức ngu muội, không mắt nên rơi vào hầm lửa khác nào vô huệ nên dẫn vào đường ác, rơi vào địa ngục.
Đầu rắn tiêu biểu cho trí huệ, đuôi rắn tượng trưng cho vọng thức, người tu học thường như con rắn đầu và đuôi mâu thuẫn, chống trái lẫn nhau. Người học đạo nỗ lực chiến đấu với vọng thức bằng trí huệ tu học được của mình, nhưng thường hay thất bại phải chịu để vọng thức lãnh đạo, hướng đến ác đạo. Điều này có hai lý do:
1. Do ngã của chúng sinh từ nhất niệm vô minh tạo thành, nên căn bản của ngã vốn là vô minh, trải qua nhiều đời huân tập nghiệp vô minh này thành thói quen, gọi là tính nghiệp, tính nghiệp này thúc đẩy ba nghiệp tạo tác theo thói quen, khiến thói quen ngày càng tăng trưởng. Hễ làm nghịch với thói quen là chuyện rất khó, và thuận theo thì dễ. Vì vậy tuy do học đạo biết thiện là chính pháp nhưng vì nghịch với nghiệp lực của ta, tức trái với thói quen nên cảm thấy thực khó làm, và nếu hành ác pháp thì thuận với thói quen nên thấy dễ hành và hạp ý hơn, đó là lý do ngu hay thắng trí, ác hay lấn thiện, và vì thế chúng ta tự biết xưa nay quen tạo ác nghiệp, tức đã tạo tội từ vô thủy, nếu không hồi đầu tất không sao giải thoát được những triền phược đưa ta đến con đường tăng trưởng ác nghiệp, khiến khổ quả ngày thêm lớn nhiều. Hồi đầu tức để đầu đi trước đuôi theo sau, có nghĩa y giáo phụng hành, tuân thủ lời dậy của Như lai dẫn dắt cái đuôi nghiệp của ta về nẻo thiện.
2. Do nơi giới định huệ kém trọng lượng so với trọng lượng vượt trội của nghiệp lực. Khi tu học huệ nghiệp ta thường phan duyên, gặp duyên tu học thì tu học, gặp duyên thế tục lại thuận theo thế tục, nên trí huệ phan duyên đó không định, mà thường dao động theo cảnh. Trí huệ phan duyên này trôi nổi không định như bong bóng, vì vậy không đủ trọng lượng để kéo cái đuôi nghiệp nặng nề kia. Cần phải có trí huệ đủ lực mới kéo được đuôi nghiệp, trí huệ nào mới đủ lực? Trí huệ có định, do định giữ huệ không mất, nên huệ mới có thể phát sinh năng lực kéo đuôi nghiệp một cách dễ dàng. Muốn thành tựu huệ định đó, tất phải tu định là thường hằng, tu huệ là quán sát, do thường hằng nên tu học ngay khi tu học và ngay cả khi không tu học, tức thường quán chiếu mọi nhân duyên biến hiện trước ta, nhân duyên thay đổi nhưng sự quán chiếu vẫn thường hằng không đổi, nhờ vậy không còn phan duyên mà là quán sát nhân duyên và tùy duyên ứng sử. Nhờ vào định huệ này mà kéo phăng cái đuôi phan duyên tạo nghiệp, về hướng bất động. Nói một cách khác sở dĩ định huệ mờ mờ ảo ảo như vậy là do đức tin không chính xác, nên nguyện hành từ đức tin mù mờ đó cũng đượm đầy tính chất hư ảo. Nếu chính tín tức năng phát và hành bồ đề tâm nguyện. Nhờ vào lực của bồ đề tâm nguyện mới chế ngự được cái lực hung mãnh nhiều đời của nghiệp, khi ấy đầu dẫn đuôi đi, an toàn vô sự.
Theo lời bàn của câu chuyện, học trò muốn lãnh đạo thầy, nhưng do thiếu trí và giới đức nên đưa nhau xuống hầm lửa địa ngục. Thầy ở đây cũng có nghĩa là Phật pháp, chúng ta học Phật pháp, Phật pháp không hề học chúng ta, thế nhưng dù là học trò của Phật pháp, nhưng chúng ta vẫn muốn và đòi hỏi lãnh đạo Phật pháp theo ngu ý của chúng ta, không phải Phật pháp hướng dẫn chúng ta thành Phật độ hóa chúng sinh, mà là chúng ta hướng dẫn Phật pháp theo nẻo đường danh văn lợi dưỡng, dối gạt chúng sinh, khiến ta cùng Phật pháp đều rơi vào hầm lửa tham dục. Khác nào đuôi hướng dẫn đầu đi.
Lại cũng có một số tín đồ tại gia thường đến chùa chiền bắt bẻ dậy bảo tăng ni phải tu hành thế nào, nhưng khi bảo họ thuyết giảng Phật pháp cho đại chúng hay hành thiền lễ bái tụng kinh một ngày bốn thời như tăng ni, thì họ nói là không có thì giờ và không đủ khả năng giảng pháp. Điều này khác nào đuôi muốn lãnh đạo đầu.
Câu chuyện trên cho ta ý thức được rằng, nếu tu hành mà cứ phát triển ngã và ngã sở đó chính là đuôi dẫn đầu đi, và chuyện rơi vào hầm lửa là điều khó tránh. Cũng vì vô lượng đời để đuôi dẫn, nên trầm luân trong nhà lửa không có ngày ra.