Home > Khai Thị Phật Học
Người An Lạc Hạnh Phúc Nhất
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Thich Quang Định, Việt Dịch


Thiền định có thể khiến cho thân tâm chúng ta buông bỏ gánh nặng tạm thời để hưởng thụ tất cả cảm giác thoải mái nhẹ nhàng. Vì thế, khi con người theo đuổi niềm an vui trong thiền định thường thích thú với cảm giác trong thiền định nên không muốn tiếp xúc với thế giới bên ngoài, từ đó dẫn đến kết quả là nhàm chán trần thế, họ có thể ẩn cư một thời gian dài trên núi để ngồi thiền, sau đó họ qua đời luôn trong khi ngồi thiền tại đó. Song, qua đời khi thiền định cũng không thể đạt được giải thoát. Cho dù người đó có sức mạnh và năng lực thiền định thâm sâu thế nào thì có thể buông bỏ sự trói buộc sắc thân tạm bợ này, nhưng nếu chấp thủ tham đắm vào niềm vui trong thiền định, sau khi chết có thể lựa chọn cõi trời thiền định, tiếp tục nhập định ở đó. Sau khi trải qua một thời gian dài, khi sức mạnh thiền định không còn nữa thì người đó sẽ trở lại nhân gian, có lúc thậm chí ngay cả nhân gian cũng không được, mà phải bị đọa lạc vào con đường súc sinh hoặc những cảnh giới khác.

Sở dĩ bị đọa vào cảnh giới này là vì khi còn sống ở đời, tư tưởng và quan niệm của người đó không rõ ràng, chưa hề làm những việc tốt hay kết những duyên lành, cũng chẳng tạo được phước báo gì cả, chỉ là công phu thiền định giỏi, cho nên đợi sau khi định lực mất hết lại phải nhận lấy quả báo trong đường sinh tử. Người đó có thể trở thành thần tiên, cũng có thể trở thành ma quỷ, nhưng cho dù thế nào đi nữa thì người đó cũng phải bị luân hồi, vẫn phải chịu quả khổ đau trong vòng sinh tử luân hồi.

Người có quan niệm tiêu cực luôn nhàm chán thế gian như vậy, những người này không hề có tâm niệm muốn cứu độ chúng sinh, họ chỉ biết trốn tránh sự thật. Đâu biết rằng phàm người nào trốn tránh sự thật cũng như đang trốn tránh hình bóng của mình vậy, cho dù trốn đến đâu thì hình bóng kia vẫn cứ đuổi theo ta mãi, vung vẫy thế nào đi nữa cũng không mất. Vì thiếu nợ người ta thì cần phải trả lại, chỉ cần sức lực khi thiền định không còn nữa thì phải trở lại trong cảnh giới khổ đau để nhận lấy quả báo đau khổ, cho nên thiền định cũng không thể giải thoát được.

Con đường chỉ dẫn của Phật pháp thì thiền định chỉ là một quá trình, một thứ công cụ để tu tập. Nếu tu hành mà không có nền tảng thiền định thì con người rất dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh, bị kích động và mê hoặc hấp dẫn của nó, cộng thêm sự ham muốn của bản thân không cách gì ngừng lại được nên mới tạo ra vô số nghiệp xấu ác. Nếu con người có trải qua kinh nghiệm tu tập thiền định chắc chắn họ biết rằng niềm vui thú của ngũ dục không phải là cứu cánh, cùng lắm thì chỉ có thể bớt tạo nghiệp xấu ác, chứ không thể tâm lúc nào cũng theo ý mình, bất cứ khi nào cũng có thể làm chủ được bản thân, nắm rõ được hành động của mình, nên không chịu bất cứ ảnh hưởng nào từ bên ngoài chi phối.

Chúng ta cần phải lấy công phu tu tập thiền định làm nền tảng, nhưng do công phu tu tập thiền định này vẫn chưa đủ, cho nên cần phải tinh tấn hơn nữa để tìm cầu con đường giải thoát.

Sở dĩ gọi giải thoát chính là không còn lo buồn nghĩ lại những hồi ức đã qua, mà chỉ có quan niệm lấy niềm vui để làm điều cứu cánh, nên phát nguyện hành đạo Bồ tát đi khắp nhân gian để cứu độ chúng sinh, lấy thân mình để hoằng dương chánh pháp, cứu giúp chúng sinh thoát khỏi khổ đau được nhiều niềm vui. Nếu có thể làm được như thế, tuy là bản thân mình ra đời sống chung với những người khác, cũng không bị ảnh hưởng môi trường xung quanh và mê hoặc hấp dẫn được, vì thế sẽ không tạo nghiệp, đồng thời có thể kết thiện duyên với mọi người, cứu giúp họ lìa khổ được vui.

Bản thân quan niệm được như thế mới mới giải thoát, nhưng tu hành ở đây cũng không phải để mong cầu sự bức phá của bản thân hay làm hài lòng cảm giác thành tựu của bản thân. Người thực hành hạnh Bồ tát không bao giờ nghĩ đến bản thân mình, mà chỉ biết cố gắng cống hiến cho người khác không hề mệt mỏi, chúng sinh cần gì thì người đó đáp ứng đầy đủ cho họ những thứ đó, người đó không hề giành lấy bất cứ thứ gì cho bản thân, cũng không nghĩ phải dừng lại cảnh giới hạnh phúc vui vẻ nào để thưởng thức. Bản thân mình không những không bị ảnh hưởng bởi người khác mà cũng không bị người khác quấy nhiễu, có thể cùng sống bình thường với mọi người, cống hiến hết lòng vì mọi người, những người như thế mặc dù không giải thoát rốt ráo triệt để, nhưng họ đã đạt đến cảnh giới an vui giải thoát.

Người thực hành hạnh Bồ tát vì còn làm những việc khổ nhọc trong cuộc đời, cho nên trong mắt người khác có lẽ cho rằng người đó sống vất vả khổ sở. Nhưng thực ra, người đó cống hiến cho cuộc đời không phải vì ham muốn mong cầu của bản thân, cho dù họ không nhận được gì cũng chẳng hề tính toán, đây mới thật là người hạnh phúc nhất!