Home > Khai Thị Phật Học > Cao-Rau-Cho-Vua
Cạo Râu Cho Vua
| Hòa Thượng Thích Thiện Huệ, Việt Dịch


Vua có người thị vệ thân tín, trong một lần giao tranh với địch quân, người này liều chết cứu vua thoát hiểm, vua rất vui mừng, muốn phong thưởng cho thị vệ nên hỏi « khanh muốn thứ gì, trẩm sẽ đáp ứng mọi yêu cầu của khanh ». Thị vệ thưa « thần chỉ xin mỗi ngày được cạo râu cho bệ hạ ». Vua đáp « trẫm sẽ y lời thỉnh nguyện của khanh ». Người ngu này bị cười chê, vì muốn cai trị nửa nước hay làm đại thần phụ tướng đều được vua phê chuẩn, song chỉ xin việc thấp hèn.

Người ngu cũng vậy, chư Phật tu hành vô lượng kiếp, cho đến thành đạo, giả như có chúng sinh được thân người, lại được thấy Phật, và được nghe Phật nói pháp, điều này khó như rùa mù bơi trong biển lớn, gặp được miếng ván trôi, chui đầu vào được lỗ hổng của ván để nghỉ ngơi. Cả hai việc này thực khó được như nhau, nhưng khi được rồi, vì ý chí hèn kém, nên phụng trì chút giới cho là quá đủ, không cầu pháp thắng diệu niết bàn, không tâm cầu tiến, tự hành tà sự, cho vậy là đủ.

Lời Bình:

Con rùa đen đui mù trôi dạt trong biển lớn, gặp được tấm ván trôi là chuyện khó, mà còn chui vào được lỗ hổng của ván để nghỉ ngơi lại càng hy hữu. Như một chúng sinh nếu đưọc trọn vẹn ba điều sau, thì cũng hy hữu chẳng khác nào con rùa đen kia. Ba việc này gồm:

1. Sinh được thân người là chuyện khó, lại sinh nhằm lúc Phật tại thế, và được nghe Phật thuyết pháp lại càng khó và hy hữu. Trong ngũ đạo, trí huệ của nhân đạo là trí huệ tối thiểu để nghe hiểu Phật pháp, còn như trí huệ của tam ác đạo không sao hiểu nổi Phật pháp, vì vậy được thân người là hy hữu. Nếu là thân tam ác đạo ắt gặp Pháp hay nghe pháp cũng vô lợi vì không hiểu.

2. Được thấy Phật là điều nan đắc. Chúng ta chẳng may sinh vào thời Phật tiền Phật hậu tức trước hay sau Phật đều nằm trong bát nạn. Nhờ thấy Phật mà dễ sinh tín tâm, thính pháp khai huệ. Như chúng ta hiện nay chỉ có duyên thân cận thiện tri thức cũng đủ thấy may mắn và mãn nguyện, hà huống nếu có đại Bồ tát nào ở bên cạnh chỉ dẫn, khẳng nhiên sẽ tinh tiến hơn nhiều, đức tin cũng vững chắc không thối thất, hà huống nếu gặp được Phật. Như quý ngài Xá lợi Phật, Mục kiền liên, nhờ gặp Phật mà đốt giai đoạn tu hành, mau chóng chứng thánh quả. Nên gặp Phật là hy hữu.  

3. Được nghe pháp là điều nan đắc. Nghe ở đây tức nghĩa của văn huệ, văn huệ là nghe và hiểu được thật nghĩa của pháp. Do văn huệ hiểu được thật nghĩa của chư pháp nên thành tựu chân trí huệ, chấm dứt mọi mê hoặc điên đảo, qua được bờ nhất thật, bình đẳng không tịch, bất động tùy duyên. Bất động nên vô phiền vô não, tùy duyên nên « giả chư tham dục nhi nhập sinh tử độ hóa chúng sinh », ra vào bất động trong trốn triền phược (thùy thủ nhập triền). Nhờ nghe hiểu pháp mới thành tựu công đức thanh tịnh trang nghiêm, do nghe hiểu pháp mới biết chân giá trị quý báu của Phật và chính pháp, mới thật sự thấy được Phật là bảo và pháp là bảo. Những ai chân thật thấy được chỗ bảo của Phật và pháp gọi là tăng bảo, vì nhận chân được tức chứng ngộ bảo này nên người đó cũng thành tăng bảo.  

Được trọn vẹn cả ba điều này tức thành tựu tam bảo, nên nói là hy hữu nan đắc, như rùa mù được nghỉ ngơi trên biển vậy. Thiếu một trong ba tức không còn là bảo nữa, và vì thế không thể là hy hữu nan đắc. Dụ như nếu được thân người, nhưng không nghe hiểu Phật pháp, tất không nhận ra được bảo của pháp, đã không thấy được bảo nơi Phật, làm thế nào thành tựu được bảo ở nơi ta. Do vậy nên trong sâu xa đáy lòng cho rằng Phật và pháp không có giá trị bằng ngũ dục, như trẻ con thích kẹo hơn ngọc báu, những người này vẫn là cùng tử trong ngũ thú, nên là phàm phu hay ngoại đạo.

Chư Phật thị hiện nơi đời vì một đại sự nhân duyên, đó là mang đến cho chúng ta bảo vật, bảo này là trí huệ của Như lai tức chính pháp, khi nhận được bảo này thì bảo vật xưa nay của chúng ta tự hiển bầy, đó là thành tựu Phật bảo. Chúng ta nhờ được bảo này mà thấy được bảo của ta và của chư Phật bình đẳng không sai khác, Đại thừa gọi là tính bản giác. Vì vậy Như lai dậy « ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành ». Có nghĩa Phật đã tu hành đắc được pháp bảo nên thành tựu Phật bảo, nay ngài dùng pháp bảo này khai thị cho chúng ta nhận được bảo ở nơi ta. Bảo của tam bảo chính thật chỉ là một bảo, đó là tính giác, nơi chúng sinh nơi pháp và nơi Phật bình đẳng không sai khác.

Do vậy pháp là điều trọng yếu để thấy Phật, để thành Phật, có nghĩa để diệt sạch vô minh khổ, thành tựu chân trí huệ giải thoát sinh tử khổ. Chỉ vì không hiểu hay hiểu sai lạc chính pháp nên thành ngoại đạo phàm phu. Phàm phu và ngoại đạo do không hiểu pháp, nên tuy thấy sắc thân Phật, nhưng không thấy nổi Phật bảo, do vậy không đạt được thật ích nào cả. Chư vị cao tăng tổ sư thấy biết thật pháp nên thấy thật Phật. Mười người thấy sắc thân Phật, may ra có một hai người thấy đó là Phật, như ngoại đạo và súc sinh thấy sắc thân tướng hảo của Phật cũng không biết là Phật. Lại trong mười người ấy, may ra chỉ có 1 người nhận ra « bảo của Phật ». Thấy được chỗ bảo đó mới thật sự là thấy Phật. Mười người thấy được thật nghĩa của pháp thì cả mười người đều thành tựu được tam bảo, tức không chỉ thấy được sắc thân hay ứng thân, mà còn thấy được chân thân tức pháp thân Phật nữa. Do vậy Như lai dậy « nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như lai » (nếu thấy tường chẳng phải là tướng tức thấy Như lai), và Tu bồ đề khẳng định với Như lai, không thể do thấy thân tướng (32 tướng tốt của Như lai) mà nói là thấy Như lai (Kim cương kinh chương 5).

Đã biết thấy pháp mới thực thấy Phật. Phật tức là pháp, pháp tức là Phật. Như kinh Hoa nghiêm dậy  « Phật dĩ pháp vi thân, thanh tịnh như hư không » (Phật lấy pháp làm thân, thân này thanh tịnh như hư không). Do vậy thấy Phật chưa hẳn đã thấy Phật, thấy pháp mới chân thật thấy Phật.  Chư đại bồ tát chư hiền thánh tăng đều do nơi pháp thấy Phật. Nên để thành Phật đạo chúng ta phải tu học pháp. Nhờ học pháp mà nhận được chân tính, thấy được Phật, như kinh Hoa nghiêm dậy « bất liễu bỉ chân tính, thị nhân bất kiến Phật » (không thấy tự chân tính, tất không thấy được Phật). Vì thế hạ phẫm vãng sinh không thấy được chân Phật A Di Đà, mà không hề do nơi Phật không cho họ thấy. Thành Phật là cứu cánh, học pháp là phương tiện, nếu cầu cứu cánh mà vong phương tiện tất không thể được cứu cánh. Tín chúng đa số thờ Phật nhưng không kỉnh pháp, hờ hững với pháp, nên chẳng biết và hiểu thật pháp, do vậy thờ Phật bao năm, vẫn như ngoại đạo, không rõ Phật pháp, chẳng thấy thật Phật, chẳng hiểu thật pháp, nên không đắc bảo (giác ngộ).

Bản hoài của chư Phật là ứng hiện nơi đời để khai thị chỉ bầy chúng sinh pháp thành Phật, song chúng sinh chỉ biết rằng, chư Phật thành đạo để chúng sinh thờ phụng và cầu xin ngài thỏa mãn những khát dục của họ, bù lại sự thờ phụng ngài của họ. Còn giáo pháp mà đức Phật thị hiện nơi đời để cho nhất thiết chúng sinh, thì đều bị đa số bỏ qua, chẳng ngó ngàng gì đến. Thiểu số lãnh hội đuợc pháp đó thì gọi là thánh tăng hay tổ sư.

Thị vệ hầu vua trong câu chuyện chính là nhược điểm trọng Phật khinh pháp của chúng ta, chỉ mong được thân cận hầu hạ vua, mà không biết giá trị của vua là quyền hành cai trị khắp nước. Nếu là người chân kính vua, thì nên hết lòng vì vua mà phụng sự bá tính, khiến cho người người được an cư, nhà nhà được ấm no, đó là chân thật hầu hạ và phụng sự nhà vua, phụng sự vua không phải là phụng sự hình hài của vua, mà phụng sự việc làm của vua, đó là giúp vua trị nước. Có hai hạng phụng sự, hạng thứ nhất phụng sự hình hài của vua, là thị vệ, thị tỳ, là những người có thân phận hèn kém. Hạng thứ hai phụng sự sự nghiệp của vua, đó là các vị đại thần, phụ tướng là những người có địa vị cao quý. Nay thị vệ lập công lớn, nên nếu muốn làm quan đại thần hay thậm chí phó vương cai trị nửa nước cũng được, nhưng do ý chí ty liệt nên không muốn phụng sự cho sự nghiệp của vua mà chỉ muốn bên cạnh hầu hạ cạo râu cắt tóc cho vua. Chúng ta cũng vậy chỉ thích làm thị vệ hầu hạ tượng Phật bàn thờ, mà giáo pháp của bậc pháp vương ban cho thì ta chẳng màng nhận lãnh. Gánh vác giáo pháp tức thành Như lai sứ giả đi khắp nơi, thay Như lai độ hóa chúng sinh, hay được bổ xứ thuyết giáo độ sinh ở một quốc độ, tựa như quan đại thần thay vua trị quốc an dân ở trong nước.

Do hiểu rõ được thật nghĩa lợi ích của chư pháp, các vị Tổ sư thường dốc tâm quán sát chân nghĩa của các pháp, hơn là chỉ lo thờ Phật, lau chùi trang trí bàn thờ. Ngài Ma ha Ca diếp thường ở trong rừng, nơi gò hoang tu quán bất tịnh, ít thân cận với Như lai hơn A nan, nhưng được Như lai giao phó trách nhiệm dẫn dắt tăng đoàn, sau khi Như lai nhập bát niết bàn. A nan làm thị giả hầu Phật, nhưng không đắc pháp, nên cho đến khi Như lai nhập diệt vẫn chưa chứng quả A la hán. Ca diếp gần pháp, A nan cạnh Phật, kết quả Ma ha Ca diếp gần Phật hơn. Cũng vì lý do trên thiền sư Triệu châu nói « ngã kiến thiên bá ức cá, tận thị mịch tác Phật hán tử, ư trung mịch cá vô tâm để, nan đắc »(ta thấy trăm ngàn ức người cầu thằnh Phật, trong số đó thật khó tìm ra một kẻ vô tâm). Không phải ngài chê việc cầu thành Phật, mà chê vì hữu tâm cầu Phật, mà không biết dùng vô tâm cầu thành Phật. Phật bổn không tâm, nên dùng hữu tâm cầu « Phật vô tâm » tất không thành tựu, như kinh Kim cương tam muội dậy « nhược đắc không tâm, tâm vô huyễn hóa » (nếu được không tâm, tất tâm không còn huyễn hóa). Sở dĩ hữu tâm nên tâm sinh huyễn hóa, dùng tâm này cầu thành Phật tất Phật thành huyễn hóa. Hơn nữa « vô tâm » ấy là pháp thành Phật. Hữu tâm đều là trụ nơi lục trần sinh tâm, tức phan duyên tâm hay vọng tâm.

Người xuất gia thờ Phật học pháp, được Phật mong mỏi thọ kí việc độ chúng sinh, nhưng không dám thọ nhận, chỉ mong thờ Phật ăn oản, xin tí phúc báo nhân thiên đủ để mãn nguyện. Khác nào người thị vệ hầu vua, vua những mong tưởng thưởng mọi chức quan trọng yếu để thay vua trị nước an dân, nhưng chỉ xin cạo râu cắt tóc cho vua, an phận thấp hèn. Người xuất gia còn vậy tất nhiên người tại gia học theo, cũng chỉ biết phát tâm « cạo râu » mà không dám phát tâm « bồ đề », chỉ biết xin xỏ hầu hạ hình hài, mà không dám phát tâm nhận lãnh trọng trách, phục vụ cho sự nghiệp độ sinh của ba đời mười phương chư Phật. Thử hỏi nếu mọi người quanh vua đều chỉ mong cạo râu cắt tóc cho vua, trên từ Tể tướng dưới đến thị vệ đều chỉ lo chuyện « hớt tóc cạo râu» thì còn gì là triều chính và cơ đồ nữa. Phật pháp cũng vậy, nếu trên từ thầy dưới đến trò, chỉ bu quanh Phật xin « cạo râu cắt tóc » cho ngài, thì chúng sinh bị bỏ rơi, vất vưởng không nơi cứu giúp, nương tựa, thế thì cả những người phát tâm đó, cho đến chúng sinh đều tự mất lợi. Phật pháp cũng sẽ sụp đổ vì những người phát tâm « cạo râu » này. Chúng ta hãy tự xét lại sự phát tâm của ta thuộc loại nào?

Phật do pháp thành nên cầu pháp tất thành Phật. Chúng sinh trọng Phật không trọng pháp, khác nào thị vệ chỉ trọng vua mà không trọng pháp của vua, nên chỉ thích gần vua mà không cầu pháp của vua, như người tu không cầu pháp, mà chỉ thích thờ Phật.