Home > Khai Thị Phật Học > Hai-Tre-Tranh-Long
Hai Trẻ Tranh Lông
| Hòa Thượng Thích Thiện Huệ, Việt Dịch


Hai đứa trẻ tắm sông, tìm được một sợi lông dưới đáy sông. Đứa này bảo “đây là râu tiên”. Đứa kia nói “đó là lông gấu”. Bấy giờ bên cạnh bờ sông có vị tiên nhân, hai trẻ không ngớt tranh cãi, cùng kéo đến chỗ tiên nhân để hỏi. Tiên nhân không đáp mà chỉ lấy trong túi ra vài hạt gạo và mè, cho vào miệng nhai, rồi nhè ra lòng bàn tay cho hai trẻ xem rồi nói “cái này giống cứt chim sẻ chứ”. Rõ ràng là tiên nhân không trả lời hai trẻ.

Người ngu ở đời cũng vậy, khi thuyết pháp, chỉ hí luận chư pháp, không đáp chính lý, như tiên nhân kia không đáp câu hỏi, bị mọi người chê cười, lời nói bâng quơ cũng lại như vậy.

Lời Bình:

Cuộc sống của thế nhân có hai việc chính yếu, là ăn để sống và sống để đấu tranh. Hai đứa trẻ ở đây không chỉ thuần là hai người chưa trưởng thành còn ấu trĩ trong sự suy nghĩ, nên hay phát sinh xung đột ý kiến, mà còn chỉ cho hai người đã trưởng thành, nhưng tư duy còn non kém như trẻ con, hay hai tập thể, hoặc hai quốc gia thường xuyên xung đột. Khi phát sinh mâu thuẫn họ phải nhờ đến bậc tri thức ở đời giải quyết, như hai trẻ nhờ tiên nhân.

Về vấn đề giải đáp của tiên nhân, ta có thể phân làm 2 loại, một là đáp không đúng vấn đề, hai là gián tiếp đáp.

1. Giải quyết sai vấn đề.

Sở dĩ tiên nhân không đáp đúng vấn đề vì lẽ tiên nhân cũng không biết là râu tiên hay lông gấu, nhưng không trả lời lũ trẻ là “không biết” mà vẫn trả lời theo lối không biết nên không trúng đề.

Và cũng vớ vẩn như tiên nhân, giải đáp không dính dáng gì đến câu hỏi, thế nhân thường lấy cái đầu óc hàm hồ “cứt chim” làm trọng tài phán quyết “đúng sai”. Dụ như hai xứ tranh chấp đất đai, những nhà lãnh đạo của hai xứ trên, để xử lý xem đất thuộc về ai, chỉ biết chứng minh bằng vũ lực, đất sẽ thuộc về kẻ mạnh, song kẻ mạnh hẳn nhiên chưa chắc đã là chân lý, chẳng khác gì tranh chấp sợi lông là râu tiên hay lông gấu, mà câu đáp là cứt chim, cũng vậy tranh chấp đất vốn chân thật thuộc về ai, thì giải đáp là kẻ thắng, nên từ sự dựa vào cái trí huệ “tiên nhân” hôn ám đó của bản thân, tranh chấp đất đai chưa ngã ngũ, lại sinh thêm vấn đề phải giải quyết là cuộc chiến và những hậu quả thê lương của nó. Song thế nhân thường cho sự suy nghĩ và cách giải quyết nói trên là đỉnh cao trí huệ như là bậc “tiên nhân” phi phàm.

Nếu như câu chuyện trên còn tiếp diễn, tất nhiên giữa hai đứa trẻ và tiên nhân sẽ phát sinh sự tranh luận mới do tiên nhân đưa ra, vì tiên nhân thì cho đó là phân khổng tước, hai trẻ có thể thấy giống phân quạ hay phân cú, do đó tranh luận sẽ tiếp diễn và khó được giải quyết, như cái tranh luận ban sơ. Tựu chung với bản tính đấu tranh và chấp chặt vào ngã kiến của chúng sinh, nên thế giới trở thành trường đấu tranh khốc liệt không ngừng, do vì các đối tượng tranh chấp đều không biết và tôn trọng sự thật, họ chỉ biết và tôn trọng sự thắng lợi, dù thắng lợi đó có trái ngược với chân lý, vẫn được họ tôn trọng và theo đuổi.

Bản chất mê muội của tính đấu tranh thì từ mè trông giống cứt chim, sẽ thành tranh cãi giống cứt chim nào và quên mất cái gốc của cứt chim đó là mè. Thế nhân cũng vậy do nghiệp đấu tranh như nghiệp gà chọi, nên luôn quên mất chân lý, tức bản chất thật của sự vậy để hơn thua nhau trong vọng tưởng tà kiến. Do không nắm bắt chính xác được đâu là nguyên nhân phát sinh và đâu là hậu quả của vấn đề, cũng như vấn đề hay sự vật đó do những yếu tố nào hợp thành, tất cả đều mù mờ nên có tự giải quyết cũng chỉ là sự giải quyết bằng cầu nguyện vào cái trí “tiên nhân hồ đồ” rồi nhắm mắt đưa chân, như một người mù qua đường với bao hiểm nguy quanh mình.

2. Gián tiếp trả lời.

Tiên nhân thấy hai trẻ tranh cãi quyết liệt về một vấn đề không cần phải tranh, lông gấu hay râu tiên hoặc giả có thể là một thứ khác, nhưng nó trở thành râu tiên đối với trẻ A và thành lông gấu đối với trẻ B, cũng bởi do ngã kiến của chúng, thật chất của sợi lông là gì thì chúng không cần tìm hiểu, chúng chỉ cần thỏa mãn cái ngã kiến của tự thân, vì vậy phát sinh xung đột, và khi đã xung đột thì chúng không cần biết sự thật của sợi lông, mà chỉ cần chiến thắng, nếu chúng nhìn sự vật bằng chân lý thì cả hai sẽ cùng truy nguyên gốc gác của cọng lông mà không vội đưa ra kết luận theo cái thấy của mình, đẳ gây tranh cãi. Vì vậy tiên nhân nhai mè nhè ra cho chúng xem, giả sử chúng không biết rõ nguồn gốc của “bã mè”, với cái thấy của chúng, hai trẻ có thể tranh luận là cứt chim hay đất, hoặc là cứt chim này hay chim nọ. Nhưng nhờ vào trí biết rõ nguồn gốc của cái giống cứt chim nọ, nên cái thấy “giống cứt chim” của chúng không còn đánh lừa chúng được, và cả 2 trẻ đều không sinh tranh cãi với nhau về cứt chim. Đây là bài học về “y trí bất y thức”.

Trí là sự nhận biết thật tướng hay thật tính của sự vật, còn thức là biết theo cái thấy về hình tướng. Nếu hai trẻ giác ngộ qua phương tiện bâng quơ nhưng chính xác này của tiên nhân, hai trẻ sẽ ngừng tranh cãi và thức sẽ chuyển thành trí.

Song thức không chỉ chấp trên hình tướng, mà còn chấp trên nghĩa của “tướng văn tự”, như hai trẻ chấp trên hình tướng mà nói là râu tiên hay lông gấu, trong khi “những trẻ khác” khi nghe chuyện này cũng thấy tiên nhân ngớ ngẩn, khi trả lời lạc đề. Nếu dùng trí tức biết thật thể của cọng lông hay thật nghĩa của câu đáp vu vơ lạc đề, thì mọi sự mới được giải quyết đúng đắn. Quả vậy chỉ có trí mới giải quyết chính xác tận gốc mọi vấn đề, thức thì luôn vu vơ lạc đề và không bao giờ giải quyết được bất cứ nan đề nào, bởi thức là gốc sinh mọi nan đề.

Kết luận

Qua câu chuyện trên cho ta thấy sức mạnh của trí, bất luận tiên nhân đáp có ngu ngơ hay không, trí cũng cho ta thấy được sự thật, một sự thật luôn chấm dứt mọi tranh cãi và không bao giờ sinh tranh chấp. Ngược lại bất luận tiên nhân đáp thế nào, thức cũng khiến thiên hạ tăng thêm sự tranh cãi, một sự tranh cãi ngớ ngẩn còn hơn cả câu đáp mà thiên hạ cho là vớ vẩn của vị tiên nhân. Thế mới biết cảnh giới đầy đấu tranh của chúng sinh là cảnh giới ngớ ngẩn, nói theo thuật ngữ của Phật giáo là vô minh. Làm sao có thể tranh luận với hạng người “hai trẻ” này được? Tốt nhất là vô tranh, nếu có phải tranh thì “tranh cãi bằng vô tranh” theo hình thức của tiên nhai nhai mè vậy.