Giả Tiếng Uyên Ương
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Có một xứ nọ, vào ngày quốc lễ, phụ nữ thường dùng hoa ưu bát la cài trên búi tóc, có người phụ nữ nói với chồng “anh kiếm hoa ưu bát la cho tôi cài tóc thì vẫn làm vợ anh, nếu không tôi sẽ bỏ anh”. Người chồng vốn giỏi giả tiếng uyên ương, nên lẻn vào ao vua, giả tiếng uyên ương ăn trộm hoa ưu bát la, người canh hồ, nghe động liền hỏi “ai đó?”. Người này buột miệng đáp “tôi đây”, nên bị bắt giải đến vua, trên đường đi, người này kêu như uyên ương, người giữ hồ nói “lúc trước anh không kêu, bây giờ kêu ích gì nữa”.

Người ngu ở đời cũng vậy, cả đời làm ác, tích tập biết bao vọng nghiệp, không biết tu tập tâm hành, để điều tâm hướng thiện, khi sắp chết ngục tốt dẫn đến Diêm vương, lúc đó mới nói, tôi muốn tu thiện. tất không kịp nữa như người ngu kia vậy.

Lời Bình:

Người ngu cả đời làm ác, như chị vợ vì tham dục, muốn được hoa trang điểm, ép người chồng phải thỏa mãn ý mình, nếu không được như ý thì bỏ chồng, người vợ không cần biết đến sự an nguy của người chồng, chỉ biết đến đóa hoa dùng trong ít ngày, còn người chồng thì sống đời với mình, song do tham dục sai sử, như người mù, chỉ thấy được như ý, mà không biết đến hậu quả, đổi chổng lấy đóa hoa, đem sự an nguy của người chồng phục vụ cho việc trang điểm nhan sắc trong một ngày, khác nào hai người ngu lấy gấm vóc lụa là phủ che cho da lạc đà, hay gã trộm lấy gấm vóc bọc quần áo rách. Cũng bởi do vô minh che mờ, chỉ thấy cái trước mắt mà không thấy sự dài lâu, chỉ thấy dục mà không thấy họa. Tình cảm thế gian đều xu hướng đến tham dục, vì tham dục, họ muốn tất cả những ngưòi thương họ cũng như được họ thương đều phải như ý họ, nếu không tình thương sẽ bị tổn hoại. Chị vợ cho rằng người chồng có liều mạng vì mình mới là tình yêu, và rất thích hân thưởng cái hương vị tình yêu này. Ngay đến người chồng cũng nhận thấy như vậy, nên sẵn sàng liều mạng. Hoặc giả có nỗ lực làm cho người mình thương như ý, nhưng chung quy cũng chỉ để mình được như ý, như anh chồng này vậy.

Người chồng vì ái dục, sợ mất vợ, nên để được như ý tức không mất vợ, liền bất chấp hiểm nguy, đi ăn trộm hoa trong vườn vua.

Thế nhân đều như người chồng, đem cả thân tâm phụng sự cho ái dục, truy cầu ái dục bất tích thân mạng, ôm giữ bảo vệ ái dục như bảo vệ tròng mắt, thà chết không buông bỏ, vì nghĩ rằng mất dục thì đời sống trở nên vô nghĩa. Dục chỉ là thứ nhất thời đạt được, trả bằng nghiệp lực phải gánh bao đời. Chấp nhận trả giá gánh nghiệp nhiều đời cho chút dục tạm bợ là quyết định của vô minh. Dục sinh vô minh, vô minh sinh dục, kẻ tham dục ắt vô minh, người xả dục ắt quang minh trí huệ.

Thế gian ái “người làm họ như ý”, tình ái trói buộc lẫn nhau, khi ái họ nghĩ rằng, họ lo cho nhau, nhưng kì thật làm khổ lẫn nhau như vợ chồng trong câu chuyện này. Ngay người xuất gia đã có chút tư duy hiểu biết, muốn hồi đầu, nên quy y tam bảo, nhưng tuy thân đi trên con đường bội trần hợp giác, nhưng tâm bội giác hợp trần hãy còn, do vẫn luyến tiếc ái dục trần lao, nên cũng sinh tâm tìm kiếm đối tượng ái trên con đường bội trần hợp giác, ban đầu thì lấy cớ tu hành có bạn, giúp nhau tu tập, rồi thì chỉ thấy nhau, ngoài nhau chẳng còn ai hết, nếu giữa nhau có thấy ai ngoài nhau tất giữa nhau sẽ sinh sự. Ngay khi khởi tâm tìm ái, con đường đạo lập tức thành bội giác hợp trần. Và rồi vì ái mà bỏ sự hồi đầu, bỏ sư trưởng, bỏ chư Phật để hy sinh hết cho dục như cặp vợ chồng trên. Tình thương của chư Phật đưa chúng sinh thoát khỏi cảnh khổ đến với an lạc, còn tình thương của thế gian đẩy nhau vào chốn đọa lạc, song chúng sinh lại chỉ ưa cái giả đầy hoạ hoạn mà không thích cái thật đầy an lạc. Như Trung bổn khởi kinh dậy, “ác hành nguy thân, ngu vị vi dị, thiện tối an thân, ngu nhân vị nan” (việc ác hại thân, ngu nói dễ làm, thiện an thân nhất, ngu bảo thật khó).

Người nhận chân được sự thật này mới hồi đầu, bỏ con đường bội giác hợp trần đầy quả khổ nhiều như cát trong biển, mà mỗi một bước tiến trên con đường đó là thêm nhân khổ được gieo, và lãnh thêm quả khổ hiện tại và tương lai, bằng sự quay về trên con đường theo hướng bội trần hợp giác. Cùng đi một con đường, chúng sinh càng đi càng mệt mỏi nhọc nhằn với bao chướng ngại bức bách thân tâm, trước mặt là đủ sự khổ đón chờ. Còn người trí càng đi càng thanh thản khinh an, và trước mặt là cung trạch của Như lai. Nên kinh Bảo đàn dậy “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mịch bồ đề, kháp như cầu thố giác” (Phật pháp ngay tại thế gian, không lìa thế gian có sự giác, lìa thế cầu giác ngộ, khác nào cầu sừng thỏ). Bổ đề và niết bàn, Phật và chúng sinh không phải là hai ngả đường khác hẳn nhau, thật sự chỉ khác nhau hai chữ hồi đầu.

Nhìn theo các ẩn nghĩa trong cảnh vật, như ao Ưu bát la ví cho cõi Tịnh, uyên ương ví cho tâm hòa hợp thanh tịnh không đấu tranh, kẻ gác vườn là nghiệp lực, người chồng là chúng ta, chị vợ là dục tâm. Người tu tịnh nghiệp để về cõi tịnh cần phải thanh tịnh ba nghiệp, không tâm tranh chấp nhân ngã, nay chúng ta tu hành tịnh nghiệp tựa như người chồng làm uyên ương, nhưng trong giây phút nào đó, bị dục tâm kích động, lìa tính thanh tịnh trở lại bản chất “tôi” đầy nhân ngã, liền bị nghiệp lực như kẻ gác cổng thộp cổ đem trở lại chốn luân hồi cho sinh tử trừng trị. Khi bị thất công đức phải gánh quả khổ bấy giờ có ra sức tu hành thì cũng đã trễ rồi.

Qua câu chuyện này chúng ta nhận chân ra rằng, người dám thẳng tay vứt bỏ mọi thỏ thẻ xui bảo của dục là đại trượng phu. Người tu hành không hề có niệm “tôi đây” dù trong giây lát là bậc đạo hạnh thanh tịnh. Người quyết định sống với lẽ phải mà không sống với tình cảm là bậc giải thoát. Và tất cả những ai thọ trì hay tùy hỷ những người và các pháp nói trên là thân bằng quyến thuộc của tất cả chư Phật, chư Bồ tát.
 
Trích từ: Kinh Bách Dụ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan