Dã can nằm dưới gốc cây, gió thổi làm gẫy một cành khô rơi trúng ngay lưng, dã can giật mình kinh sợ, nhắm mắt không dám nhìn cây, phóng chạy đến chỗ đồng trống, cho đến chiều tối vẫn chưa chịu trở về. Rồi lại từ xa nhìn thấy gío thổi cành lá rung chuyển như vẫy tay vời gọi, dã can liền nghĩ, chắc cây vời ta về, nên lại chạy trở về dưới gốc cây cũ.
Hàng đệ tử ngu si cũng vậy, đã được xuất gia gần với sư trưởng. bị trách mắng nhẹ, liền bỏ trốn đi, đến nơi ác tri thức chịu đủ mọi phiền não, lúc đó lại tìm cách trở về với sư trưởng, sự đến đi đó thực do mê hoặc phát sinh.
Lời Bình:
Dã can bị một gậy rơi từ trên cao xuống, nó kinh sợ tưởng bị cây đập, nên trốn chạy, đến chốn đồng không, không có bóng mát che nắng và cũng chẳng cò tàng cây trú mưa, xét đi nghĩ lại không bằng chốn cũ, song vì vọng tưởng bị cây đánh nên không dám về, cho đến khi thấy cành lá rung chuyển vì gió lại vọng cho là được gọi trở về.
Thế nhân cũng giống vậy, thích tìm chỗ nương thân như ý, nhưng khi gặp chuyện bất như ý, lại bỏ đi tìm nơi như ý khác, khắp thế gian không nơi nào có thể được như ý trọn vẹn. Như chị vợ trong câu chuyện giả tiếng uyên ương, nếu không được hoa như ý sẽ bỏ chồng đi, họ không hiểu đa dục tất đa bất như ý, chỉ một bất như ý đủ để bỏ biết bao như ý khác sau lưng, ra đi tìm như ý mới, đó là kết quả của một tư duy quá tham cầu, không biết đủ, và vô trí không thấy những sự như ý, mà chỉ thấy cái bất như ý trước mắt. Điều này cho thấy, tham dục chỉ biết đòi hỏi, và không biết đủ. Do chỉ biết đòi hỏi nên phải bất an vì đấu tranh, đã đấu tranh tất nhiên khổ nhiều lạc ít, cho dù có đạt được sự mong cầu, lại sinh mong cầu khác, mà quên ngay thành quả mới được. Vô minh chỉ thấy lợi mà không biết hưởng lợi, có nghĩa ưa nỗi bất an của sự đấu tránh giành lợi không biết chán, mà không thích hân thưởng cảnh an lạc vô tránh của tri túc.
Do tri túc nên không khởi họa bất an của sự tranh giành, tránh được vọng nghiệp của đấu tránh, một thứ đưa đến quả báo và phiền não, nên ngăn chặn được ba chướng, được quả thanh tịnh an lạc. Do vô minh không biết gieo nhân hưởng quả tri túc, chỉ thích sống trong cảnh bất an của tranh danh đoạt lợi, vừa tạo nghiệp chướng vừa chịu báo chướng và phiền não chướng, bị ba chướng tuớc đoạt hết mọi công đức bảo, bắt làm nô lệ sống kiếp cùng tử, để càng sinh tâm khát dục khó xả, có vậy nghiệp chướng mới giam cầm chúng sinh thật chắc. Tựa như kẻ gian dùng ma túy để trói buộc thuộc hạ không dám lìa hắn.
Dã can bỏ gốc cây chạy trốn cũng vì vọng, sợ không như ý, vì bị cây đánh. Như người bỏ thiện giới, vì vọng cho là khó làm và hay gây trở ngại cho ý dục của họ, khiến họ không thoải mái như ý, nên lìa bỏ tìm đến với sự phóng túng ngũ dục, cho đến khi quả ác thành hình như đồng không đêm tối, lại sinh tâm hối hận muốn tìm về chốn cũ, làm lại từ đầu. Mất thời gian đi và về, lại trong suốt thời gian đó chịu đủ mùi nghiệp quả bầm dập.
Người tu vướng tình cảm hay danh lợi, bị sư trưởng hay thiện tri thức khiển trách, không nhân dịp này được khai thị để hồi đầu, sám hối diệt tội, lại cho rằng các vị kia cản trở, phá hoại hạnh phúc và lợi lạc của ta, nên thầm oán trách, và bỏ trốn đi nơi khác, tìm đến chỗ nào khả dĩ dung chứa ta và những ái dục của ta. Sự khiển trách đầy lợi lạc đó, bị ái dục vô minh khiến sinh vọng tưởng như là gậy đập ta vậy, còn những tình cảm danh lợi bịt mắt và hành hạ ta như một nô lệ, đối xử bằng quả khổ của nghiệp lực, còn hơn đao gậy đánh chặt, lại cho là hạnh phúc, và từ bỏ mọi thứ khác chúng, như thiện giới. Cho đến khi nào chịu không nổi quả khổ nữa mới mong hồi đầu, nhưng vẫn chưa thật sự hồi đầu vì nhận chân, mà chỉ hồi đầu nhất thời vì bất kham quả khổ, chờ khi yên lành rồi lại mon men ra đi.
Như người tại gia, chán cuộc đời bon chen, ghét ghen thấp hèn, nên không như ý, lìa nhà như dã can lìa cây, vào chùa xin xuất gia tu hành, để tìm một cuộc sống như ý, rồi cũng như ở thế tục, do muốn như ý nên sinh phiền não, trong chùa cũng lại vì vấn đề như ý, nên không tuân thủ lục hòa pháp, phát sinh phiền não, ra đi tìm đạo tràng nào như ý để trụ, mà không hiểu rằng vất bỏ cái nhu cầu như ý, sống theo lục hòa thì ai cũng được hưởng hương vị của như ý, song thế nhân nhất định bỏ lục hòa để đòi như ý nên không bao giờ được như ý. Vì người tham dục thấy lục hòa là pháp không đáp ứng được như ý, do yếu tố phải chia sẻ mọi thứ, nên hành động ngược lại, chủ trương muốn được như ý, ta phải độc quyền không phải san sẻ bất cứ thứ gì với ai. Do kẻ nào cũng nghĩ vậy nên con đường đến như ý trở thành gay go, và trả giá đắt với những xung đột một mất một còn, giúp bao ác nghiệp phát triển, đẻ ra hàng loạt quả khổ chờ đón như món quà tặng, thưởng cho những kẻ đấu tranh để được như ý.
Tóm lại Dã can hoàn toàn vọng tưởng về cây, mà kì thật cây kia vốn bất động, tức không hề đánh đuổi hay mời về, mà chỉ thuận kì tự nhiên. Cảnh vốn bất động, do tâm động phân biệt (vọng thức), sinh vọng tưởng thành đánh và mời về, từ vọng tưởng đó phát sinh vọng thọ sợ sệt vì “bị đánh” và vui mừng “được mời về”, rong ruổi với sự kiện “đi và về” trở thành vọng hành. Chung cục Dã can chỉ hao phí thời gian và công sức trong vọng, nếu nhận chân tức không “vọng thức phân biệt”, tất không vọng tưởng, không vọng thọ và không vọng hành, không mọi vọng nên bất động, chẳng phân biệt, chẳng tưởng, chẳng sợ sệt, chẳng hân hoan, chẳng đến đi….
Đã không tất cả vọng tức vô minh diệt, vô minh diệt tất hành diệt và cho đến lão tử cũng diệt, nên mười hai nhân duyên đều không. Vọng đã không tất tập không còn, tập không còn thì khổ cũng không, khổ không thì đạo cũng không, đạo không ắt diệt cũng không, nên bốn đế đều không. Do chấp vọng làm chân, thành có chúng sinh, mọi tạo tác của chúng sinh từ vọng sinh đều là vọng, như tạo tác thân tâm của Dã can đều là vọng. Từ chỗ bất động (cây), nhất niệm vọng khởi (bị đánh) thành có vô số tạo tác hư vọng, những tạo tác này sẽ không bao giờ dừng, vì do vọng mà đi, rồi do vọng trở về, và những nhân duyên đó cứ thế tái diễn không ngừng, tiếp tục đi đi về về, sợ sợ vui vui, trước thật cảnh bất động, không có hồi kết của chuỗi nhân duyên vọng vô tận này. Nếu không khởi vọng tất mọi tạo tác hư huyễn đều không, mọi nhân duyên vọng đều dứt.
Giác hay mê, phúc hay hoạ đều từ nhất niệm sinh, nhất niệm này không sinh (vô niệm) tất giác mê phúc hoạ đều vô, đó là bản thể tịch tĩnh bất động, còn gọi là chân như, bản giác, bản thể này vốn bất động, vô nhị niệm. Cây động hay gío động đều chỉ là nhân duyên thuận kì tự nhiên, nhưng tâm vừa khởi động liền thành dã can, tâm bất động tức thành Tổ sư, “bổn lai vô nhất vật”.
Tổ sư hay Dã can chỉ cách nhau một niệm, nhưng chưa từng xa thành hai thể.
Tạc nhật Dạ xoa tâm
Kim triêu Bồ tát diện
Bồ tát dữ Dạ xoa
Bất cách nhất điều tuyến.
Hôm qua tâm Dạ xoa chiều nay mặt Bồ tát Dạ xoa và Bồ tát chẳng cách nhau mảy may. Trư Đầu thiền sư (Tống đại).