Người Ngu Ăn Bánh
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Một người nọ trong lúc đói cồn cào lấy bánh ăn, ăn đến cái thứ bẩy, mới được một nửa cảm thấy no nê, liền tự giác ngộ, nhận ra mình ngu, lấy tay tự vả, rồi nhủ thầm "ta no nhờ ăn nửa cái bánh này, nếu sớm biết thì ăn nửa cái này trước khỏi tốn công ăn sáu cái kia".
 
Thế nhân cũng vậy, từ xưa đến nay, chưa từng được lạc, nhưng do vô minh điên đảo vọng tưởng có lạc, như người ngu kia ăn nửa cái bánh cuối thấy no. Chúng sinh vô tri, cho phú quý là lạc, nhưng phú quý cầu đã khổ, được rồi giữ càng khổ, chung cục sẽ mất, khi ấy càng đau khổ với tiếc nuối, trải qua ba thời kỳ đều không có lạc. Giống như y thực, nuôi và che thân, trong sự cùng khổ, vọng thấy là lạc. Đức Phật dậy rằng, tam giới vô an, nơi nào cũng khổ, phàm phu điên đảo vọng hoặc cho là lạc.
 
Lời Bình:

Phàm nhân thường trụ vào 5 trần sinh tâm phân biệt, không thấy đúng nhân quả chỉ chấp vào hiện tượng của duyên, vọng cho đó là quả, vì thế mà tự phát sinh ra vọng nhân của quả vọng này.
 
Hai người học trò trong câu chuyện "Phủ da lạc đà", vì chấp vào thanh trần nên phân biệt theo thanh, tức y cú mà hiểu nên vong thất thật nghĩa. Kẻ ăn bánh ở đây trụ vào vị trần sinh cảm giác, chấp vào cảm giác sinh vọng, chỉ biết nửa cái bánh thứ 7, như hai gã học trò chỉ biết da lạc đà, người ngu này cho là nửa cái đó mới thực làm no đủ, đúng cái truy cầu của ta, nên sinh vọng trí, nhận rằng chỉ nên cầu nửa cái bánh này mà khỏi nhọc sức cầu 6 cái bánh kia. Khác nào phàm nhân bị khổ bức bách chưa từng có lạc, như đói nên phải ăn, nhờ ăn trừ được khổ đói nên cho ăn là phúc, nhưng thực sự phúc này chỉ là sự ngừng khổ. Hay như người cô đơn, sống buồn tẻ, gặp người kết bạn trừ được cô đơn, nên cho tình cảm là hạnh phúc, vì vậy truy cầu tình cảm, mà không diệt gốc khổ, làm sao có hạnh phúc khi gốc khổ vẫn còn, một gốc sinh ra muôn lá, nên bao nỗi khổ đều từ một gốc vô minh mà ra. Không trừ gốc khổ, chỉ truy cầu tình cảm trừ được cô đơn, nhưng lại sinh cái "khổ mâu thuẫn với nhau". Như ăn trừ khổ đói nhưng lại khổ vì bệnh. Bản chất của nhân sinh là khổ, nên trừ được khổ này lại sinh khổ khác, nếu không diệt khổ chỉ truy cầu phúc, thì không sao có phúc được. Thế nên phàm nhân vọng thấy có phúc nên mải lo truy cầu phúc để càng lún sâu trong khổ không có ngày ra. Một người đến với đạo để cầu diệt khổ, ắt chịu đựng được mọi nghịch cảnh bất như ý để tu tập, ngược lại nếu đến để cầu phúc tức cầu như ý, ắt sẽ đòi hỏi và dễ bất mãn nếu nghịch ý.
 
Lìa cái thấy hiện tượng, xét cho thấu gốc rễ, tất chúng ta sẽ nhận ra thực chất "ta đã từng ăn 6 cái bánh trước đó, và do chỉ nhận thấy hiện tượng nên mới suy nghĩ điên đảo như vậy". Như khi học đạo với một đạo sư, ta chỉ thấy đạo sư đây là người giải trừ cái ngu cho ta, mà không biết đạo sư chỉ là nửa cái bánh chót, vì nhờ vào bao người khác, cũng như bao đạo sư khác góp phần ta mới được cảm giác no đủ từ vị đạo sư hiện tiền, khi dậy dỗ ta đạo sư cũng mượn lời của chư tổ để khai thị, những lời dậy có giá trị muôn đời đó của tổ sư đã đóng góp vào sự khai ngộ cho ta của đạo sư. Trước khi gặp đạo sư đã có bao vị khác duy trì sự tu tập cho ta, để đến ngày gặp đạo sư của ta, cũng như nhờ những cái bánh trước duy trì, cái thứ 7 mới làm no được. Song ta vô trí chỉ biết tri ân nửa cái bánh tức tri ân một người, và khi tỏ lòng tri ân tôn kính lại theo thói quen của phàm nhân, để biểu lộ sự tôn kính qua việc "ta chỉ tôn kính một vị đó", và tri ân thì "chỉ báo ân cho vị đó mà thôi".
 
Ngược lại có nhiều bậc thầy luôn "kể công ơn" với môn đồ, để nhấn mạnh cho đồ chúng biết là chỉ có ta mới là ân nhân duy nhất của họ. Và họ chỉ nên tôn sùng quy kính một mình ta, mà không cần kỉnh trọng ai khác. Những "bậc thầy" này cũng như đồ chúng của họ chỉ thấy hiện tượng mà không thấy căn bản, nên nửa cái bánh thứ bẩy tưởng thật là mình mới đem lại cái no cho người đói mà 6 cái trước đã không làm được, cũng như mọi cái bánh khác.
 
Đức Phật thường dậy ta cung kính y giáo nhất thiết chư Phật trong ba đời mười phương, mà không chỉ riêng mình ngài. "Lễ kính chư Phật" mà không chỉ riêng lễ đức Bổn sư. "Xưng tán Như lai" mà không chỉ riêng tán thán Thích Ca Như lai. Đức Phật không che giấu một vị Phật nào với chúng sinh, ngài chỉ bầy và giới thiệu cho chúng sinh biết đến Vô lượng đức Phật, để chúng sinh quy kính và tu theo một cách bình đẳng như họ đã đối với ngài. Bởi nhất thiết chư phật và giáo pháp của quý ngài đều có công năng làm chúng sinh no đủ giải thoát. Khác với tinh thần người ngu ngỡ nửa cái bánh thứ 7 mới đem lại no nê, hay nửa cái bánh đó tưởng rằng thật sự nhờ mình mà người đói kia được no, hay rằng, chỉ có bánh đó mới làm người đói được no, còn những thứ bánh khác là vô dụng và không cần ăn.
 
Tất cả những sai biệt giữa Phật và phàm đều ở điểm, Phật thấy đâu là cốt lỏi tức gốc của vấn đề, đó là cái thấy thật gọi là chính kiến.

Phàm chỉ thấy trên hiện tượng của năm trần, sắc thanh hương vị xúc, mà quên mất "bản pháp", do đó thường trụ vào năm trần sinh tâm phân biệt nhận thức, dẫn đến nhận thức sai lầm gọi là tà kiến hay vọng kiến, rồi phát sinh vọng hoặc như người ngu ăn bánh. Những người ngu ăn bánh đó chỉ nhận thành quả của nửa cái bánh cuối, như người học đạo coi "đạo sư" của mình như "nửa cái bánh" này, chỉ tôn sùng và nghe theo vị "nửa cái bánh", xem thường và lơ là với những cái bánh khác, cho dù là cùng loại hay khác loại bánh. Đó là căn bệnh "mạn" của người học đạo, chỉ biết nghe một người, ngoài ra thì phủ nhận hết cho dù chưa hề kiểm chứng là các đạo sư kia nói có đúng pháp hay không. Chỉ cần không phải nửa cái bánh đó hay không phải loại bánh đó đều chê bai là vô dụng không làm "no lòng" được. Họ không sao hiểu được bất kì bánh nào đều có công năng "diệt đói được no", vì thế cho dù có vô lượng bánh và vô lượng loại bánh, người này chỉ có thể được cứu đói bằng một thứ bánh duy nhất, và chỉ có nửa cái bánh "linh thiêng" kia mà thôi, thế thì xem ra sự cứu đói cho người đó thực khó khăn và hạn hẹp, mới biết rằng u mê là nguồn gốc của sự thiếu phúc tăng nghiệp và cương cường khó độ.
 
Thế nhân thường lập luận phải chuyên nhất, trung thành với một pháp, đó là thượng sách. Điều này cũng là con dao hai lưỡi, nó cũng có mặt tốt và mặt xấu, vì nó có thể dẫn đến sự lún sâu trong sai lầm mà không thể hồi đầu, như ngoại đạo luôn chủ trương "tuyệt đối" trung thành với đức tin, vì vậy đưa đến nhiều tư tưởng và hành động quá khích cực đoan, và rất khó hồi đầu. Ngược lại chúng ta cũng thấy rất nhiều Tổ sư hay Cao tăng đều đã chịu hồi đầu trong quá khứ, chuyển từ phái này sang tông khác, dám bỏ định kiến cố hữu, để sức tư duy được tự tại không trói buộc bởi bất cứ một đức tin nào. Các ngài chỉ đặt tư duy trên căn bản của thật pháp tức chân lý. Chân lý và đức tin khi nào cũng phải là một. Phàm nhân đặt để sẵn đức tin và không cho phép ta nhìn nhận một điều nào cho dù nó chân thật đến đâu, nhưng trái với đức tin sẵn có của mình, ta có thể gọi đức tin này là mê tín hay cuồng tín. Thánh nhân hay bậc trí chỉ tin vào sự thật, nên nếu đức tin nào được chứng minh là hoang đường không thật đều sẵn sàng vứt bỏ, và lấy thật pháp làm đức tin, đó gọi là chính tín. Cũng chính vì vậy mà Thế Tôn dậy bảo "Tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng Như Lai", có nghĩa tin những gì về ta hay ta nói là bởi nhờ đó hiểu được sự chân thật về ta hay lời ta, mà không phải tin nó chỉ vì nó thuộc về ta. Nói chính xác là "Hãy tin ta vì tin nhận được sự thật, Như lai với sự thật là một. Hãy tin Như lai vì sự thật, hãy vì sự thật mà tin Như lai. Đừng bỏ sự thật riêng tin Như lai, nếu bỏ sự thật riêng tin Như lai, như thế là mê tín Như lai, vì Như lai mà mê tín là hủy báng Như lai".
 
giả sử tuyệt đối trung thành với đức tin là hoàn toàn đúng, như vậy làm sao Như lai cứu được chúng sinh, khi ngài đản sinh, tất cả chúng sinh đều có sẵn đức tin của họ, và nếu họ chỉ tin đức tin có sẵn, mà không tin vào chân lý tất nhiên chư Phật hoàn toàn vô năng lực cứu hộ. Song bất cứ người nào dám xét lại đức tin, tức phải tin vì chân lý mà không vì nó là đức tin cố hữu đã thành thói quen, mà họ cho là công phu của họ đã tích lũy bao năm qua, thì những người ấy chứng ngộ được thật pháp bỏ hết được mọi tà tín khó bỏ thuộc về tập đế, thành tựu diệt đạo. Như vậy rõ ràng với Phật pháp đức tin phải lập trên cơ sở thật đức năng, và thật đức năng chỉ có thể được kiểm chứng bằng chính tư duy. Có thật đức năng thì tất cả pháp đều là Phật pháp, không thật đức năng thì Phật pháp cũng thành tà pháp. Vì vậy ai dám khẳng định là không cần đến thật đức năng mà vẫn thành đạo?
 Kết luận chính tín thành tựu do tư duy thật đức năng, tức nhận chân được bản pháp hay thật pháp. Một khi nhận chân ra thật pháp, phàm pháp nào thật đưa đến khổ (tập đế) thì loại trừ và thật pháp nào đưa đến diệt (đạo đế) thì hành xử, đó là năng. Khi đã có năng lực hành như vậy tất kết quả sẽ là Diệt tận gốc khổ và thành tựu quả của diệt, đó là đức. Như vậy "thật" là "đế", "đế" hàm nhiếp 4 pháp chân thật là Khổ Tập Diệt Đạo, cũng như hết mọi nhân quả của thế gian pháp là Khổ Tập, và của xuất thế gian là Diệt Đạo. Chỉ bao giờ nhận chân được "thật" mới phát sinh khả "năng" thực hành đạo đế diệt tận tập đế. Và cũng chỉ khi nào "năng" hành đạo đế diệt sạch tập đế mới thành tựu công "đức" chứng quả của diệt đế.
 
Nhờ tư duy thật đức năng mà ta có thể nghe được mọi pháp một cách có lợi và hoàn toàn vô hại, nếu không biết tư duy thật đức năng có ngồi nghe đạo sư chân chính hay thậm chí Phật thuyết cũng hiểu sai theo tà kiến. Ngược lại nhờ tư duy thật đức năng, cho dẫu nghe ngoại đạo hay người ngu thuyết đều được lợi lạc, như chúng ta đang hân thưởng những câu chuyện ngu này.
 
Lại nhờ tư duy thật đức năng mà ta biết tri ân ba đời sư trưởng, phụ mẫu và nhất thiết chúng sinh, do thiếu tư duy nên vô tình thành kẻ bạc bẻo bao đời, vong ân 6 cái bánh, riêng thọ ân nửa cái cuối. Song phải biết đâu là tính thật của bánh?, một thứ không chỉ làm no mà còn đưa đến sức khỏe, lìa xa các mần bệnh, đừng vọng niệm mà ăn loạn mọi thứ bánh, cũng làm no nhưng gây bệnh khổ, so ra còn khổ hơn cái khổ của đói. Có tư duy tất sẽ phân được loại bánh độc và bánh không độc, ngay cả trong cùng một loại cũng nhận ra cái nào có độc hoặc không độc. Nếu vụng tư duy chỉ nhìn hiện tượng như người ngu ăn bánh tất sẽ thấy bánh nào cũng no và như thế bình đẳng với nhau, đều đáng được trân quý và phổ biến cho mọi người. Vọng niệm này sẽ gieo rắc tai họa và hủy diệt sức khỏe tâm linh của chúng sinh.
 
Qua câu chuyện này chúng ta rút ra được các bài học trên. Và nhận định rằng người tu học không nên rơi vào cái tư duy mê muội chỉ chấp vào hiện tượng của nhân duyên, mà không thấy thật pháp (bản pháp). Người dậy đồ chúng không nên tưởng mình là nửa cái bánh cuối, để chứng nhận cho người tư duy vô trí kia ngỡ là ta đã hiểu đúng, đưa đến sự tôn sùng cá nhân, mà không nhận chân thật pháp của vị "nửa cái bánh" đó (y nhân bất y pháp), một thứ tin người mà thật không hiểu người. Hệ quả dẫn tới việc khởi "ngạo mạn" coi thường các pháp (6 cái bánh trước và những cái bánh từ giữa cái thứ 7 trở đi) và các vị thầy khác (các thứ bánh khác), hễ không phải nửa cái bánh đó là không ăn tức không thèm nghe. Đối với pháp và tăng khởi mạn đều là tà mạn hủy phạm Bồ tát giới, những người như thế đều là ngoại đạo ẩn mình trong hàng ngũ thất chúng, đồng với người ngu ăn bánh. Nhưng cũng tuyệt đối nhận chân tính độc hại hay tính chân thật của "bánh", không nên ăn bừa bãi vì chỉ cần no, mà không cứu xét hậu quả chân thật của bánh, nhờ vậy tránh được tà sư và tà pháp. Muốn như thế tất phải dựa vào tư duy thật đức năng để muôn thuở không làm người ngu ăn bánh.
Trích từ: Kinh Bách Dụ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

Đốn Cây Tìm Quả
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Ăn Cắp Vàng
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Thợ Gốm Và Con Lừa
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Giết Hết Đàn Bò
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ