Home > Khai Thị Phật Học
Ăn Cắp Vàng
| Hòa Thượng Thích Thiện Huệ, Việt Dịch


Hai người cùng đi buôn, một người buôn vàng và một người buôn gấm hoa, người buôn vàng dùng lửa đốt vàng để thử thật giả, người buôn gấm thừa dịp đánh cắp, lấy gấm bọc vàng, nào dè sức nóng hãy còn, nên gấm bốc cháy, để lộ ra vàng, vì vậy đánh cắp vàng thất bại, lại bị thiêu hủy hết gấm.

Giống như ngoại đạo đánh cắp Phật pháp, dấu trong pháp mình, dối là của mình, không phải Phật pháp. Do vì không hiểu Phật pháp, nên sử dụng không được, lại bị pháp đánh cắp và pháp của mình làm hỗn loạn, khiến kinh điển này của ngoại đạo không lưu truyền được, như vàng làm cháy gấm, chỉ còn lại vàng.

Lời Bình:

Vàng dụ Phật pháp, người buôn vàng dụ cho người tu học Phật, người buôn gấm dụ cho ngoại đạo và thế gian. Lửa dụ cho ngũ dục phiền não. Gấm dụ cho phúc đức hữu lậu, thế nhân dễ nhận được vẻ hào nhoáng xa hoa của gấm vóc lụa là, nhưng khó nhận ra chân kim.

Phàm nhân thường nhắm đến phúc báo nhân thiên, như người đi buôn gấm. Trí giả nhắm đến công đức vô lậu, như người đi buôn vàng.

Chân kim tức vàng thật không sợ lửa nên thường dùng lửa để thử thật hay giả, gìa hay non. Người tu học Phật như người đi buôn chân kim, cần phải thử để khỏi lầm giả và chân kim. Dùng phiền não ngũ dục thử bồ đề tâm, như lửa thử vàng, nếu tâm dao động tất bồ đề tâm giả, nếu vô động chuyển tất bồ đề tâm thật. Bồ đề tâm như chân kim, người được tâm chân kim tất không bị lửa thiên ma ngoại đạo và thế gian làm tiêu chẩy, như các vị cao tăng thạc đức, bất động trước mọi phiền não ngũ dục, không cầu tìm cũng chẳng né tránh. Vì trốn tránh hay truy cầu ngũ dục đều thuộc tán loạn động tâm, người tu không phải người trốn chạy, pháp tu không phải pháp chuyên né tránh, tu hành đúng thật là dựa vào chính tư duy quán sát đúng thật nhân quả các pháp nên không lầm lẫn sinh tâm si mê, vì vậy bất động trước nhiễm pháp, như chân kim bất động trước lửa. chẳng chút sợ hay ưa lửa, đó là chỗ bảo của chân kim.

Tu học có chính kiến tất không si mê, vì nhờ chính kiến biết đâu là thật nhiễm pháp, do biết rõ nên lìa bỏ, sở dĩ bị nhiễm pháp làm cấu ô là do thiếu chính tư duy để biết đó là nhiễm, lại cũng do thiếu chính tư duy nên vô trí tưởng đó là lợi ích nên hành theo nhiễm pháp, vì vậy tu học có chính kiến tất được bất động trước các nhiễm pháp, không cần tránh né và chẳng màng truy cầu chúng.

Cảnh giới thật sự của giải thoát chính là bất động, vì sao? Vì không thể giải thoát bằng cách né tránh hay trốn chạy mọi nhiễm pháp. Phàm phu tu học phát tâm hạ liệt như vàng giả, nên vừa đối diện với ngũ dục phiền não là sơ phát tâm chẩy tiêu tan, mất hết Phật pháp chỉ còn ngũ dục. Trí giả phát tâm như chân kim không nao núng trong lửa, nên bậc trí bất động trong dục nhiễm.

Người buôn vàng có hai hạng. Hạng thứ nhất chuyên buôn chân kim, phải bỏ vốn nhiều, người mua thì ít, giữ gìn lại khó, nhưng có chân giá trị. Hạng thứ hai chuyên buôn vàng giả, bỏ vốn ít, người mua nhiều, duy trì dễ, nhưng không có giá trị. Người tu học cũng có hai hạng. Hạng thứ nhất phát chân tâm, dụng công sâu rộng, ít người dám học theo, không để thối thất, đạt được thắng quả, nên "Thường độc hành, thường độc bộ, đạt giả thường du niết bàn lộ" (Chứng đạo ca). Hạng thứ hai phát tâm cầu ngũ dục, dụng công ít, nhiều người học theo, duy trì ngũ dục dễ hơn chính pháp, song chỉ được lợi nhất thời không có giá trị, chung cục vẫn lang thang theo ngũ dục trong lục đạo.

Thế nhân sợ khó thích dễ, sợ cho thích nhận, sợ thiệt thích lợi, nên cảm giác chính pháp khó tu khó học khổ nhọc không biết đến bao giờ mới thành quả, do đó chỉ muốn tu hành hưởng dục vừa bỏ công ít vừa được quả mau (quả lợi dưỡng), dùng tâm tham dục lợi dụng pháp Phật cầu quả ngũ dục, đó là hành động trộm Phật pháp làm điều phi pháp.

Ngoại đạo trộm Phật pháp pha vào giáo pháp của mình, nhưng không biết dùng, nên tự gây tổn thất, khiến pháp của họ pha lẫn Phật pháp này không thể lưu truyền, khác nào người sơn dã ăn cắp bảo y của vua mà không biết sử dụng. Phàm nhân giống như người buôn gấm, chỉ thích phúc báo ngũ dục, nên khi phát tâm tu học thường đem Phật pháp pha trộn với tham sân si của mình (như lửa bao quanh vàng), muốn dùng Phật pháp bị lửa tham dục bao phủ này, tăng trưởng phúc báo ngũ dục cho mình, nào dè lửa ngũ dục nơi Phật pháp đốt sạch hết phúc đức, như lửa thiêu gấm. Thế nên tu hành mượn Phật pháp để cầu phúc báo ngũ dục bị ngài Huệ Viễn khuyến cáo, ngài Đạt Ma chê trách. Và hành động mượn Phật pháp cầu ngũ dục này bị coi là trộm vàng, chung quy không đạt được ngũ dục mà còn tổn phúc như gấm bị cháy. Khác nào gã lấy gấm bọc vàng trộm trong câu chuyện này.