Home > Khai Thị Phật Học
Tổng Quan Về Phước Đức
Thiện Phúc


I.Tổng Quan Về Phước Đức:

Phước đức là những cách thực hành khác nhau cho Phật tử, như thực hành bố thí, in kinh ấn tống, xây chùa dựng tháp, trì trai giữ giới, vân vân. Tuy nhiên, tâm không định tĩnh, không chuyên chú thực tập một pháp môn nhứt định thì khó mà đạt được nhất tâm. Do đó khó mà vãng sanh Cực Lạc. Người Phật tử chân thuần nên luôn nhớ rằng “Phước phải từ nơi chính mình mà cầu. Nếu mình biết tu phước thì có phước, nếu biết tu huệ thì có huệ. Tuy nhiên, phước huệ song tu thì vẫn tốt hơn. Tu phước là phải hướng về bên trong mà tu, tu nơi chính mình. Nếu mình làm việc thiện là mình có phước. Ngược lại, nếu mình làm việc ác là mình không có phước, thế thôi. Người tu Phật phải hướng về nơi chính mình mà tu, chứ đừng hướng ngoại cầu hình. Cổ đức có dạy: “Họa Phước vô môn, duy nhân tự chiêu,” hay “Bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất,” nghĩa là họa phước không có cửa ra vào, chỉ do tự mình chuốc lấy. Con người gặp phải đủ thứ tai họa, hoạn nạn là do ăn nói bậy bạ mà ra. Chúng ta có thể nhất thời khoái khẩu với những món ngon vật lạ như bò, gà, đồ biển, vân vân, nhưng về lâu về sau nầy chính những thực phẩm nầy có thể gây nên những căn bệnh chết người vì trong thịt động vật có chứa rất nhiều độc tố qua thức ăn tẩm hóa chất để nuôi chúng mau lớn. “Punya” là thuật ngữ Bắc Phạn, có nghĩa là “phước đức.” Kết quả của những việc làm thiện lành tự nguyện, còn có nghĩa là phước điền, hay hạnh phước điền. Phước điền, công lao hay công trạng qua việc bố thí, thờ phụng và những phục vụ về tôn giáo, tụng kinh, cầu nguyện, vân vân, bảo đảm cho những điều kiện tồn tại tốt hơn trong cuộc đời sau nầy. Việc đạt tới những công trạng karma là một nhân tố quan trọng khuyến khích Phật tử thế tục. Phật giáo Đại thừa cho rằng công lao tích lũy được dùng cho sự đạt tới đại giác. Sự hồi hướng một phần công lao mình cho việc cứu độ người khác là một phần trong những bổn nguyện của chư Bồ Tát. Trong các xứ theo Phật giáo Nguyên Thủy, làm phước là một trọng điểm trong đời sống tôn giáo của người tại gia, những người mà người ta cho rằng không có khả năng đạt được những mức độ thiền định cao hay Niết Bàn. Trong Phật giáo nguyên thủy, người ta cho rằng phước đức không thể hồi hướng được, nhưng trong giáo thuyết của Phật giáo Đại Thừa, “hồi hướng công đức” trở nên phổ quát, và người ta nói rằng đó là công đức chủ yếu của một vị Bồ Tát, người sẵn sàng ban bố công đức hay những việc thiện lành của chính mình vì lợi ích của người khác. Phước đức do quả báo thiện nghiệp mà có. Phước đức bao gồm tài sản và hạnh phước của cõi nhân thiên, nên chỉ là tạm bợ và vẫn chịu luân hồi sanh tử.

II. Phước Điền:

Như đã đề cập trong những chương trước, phước là kết quả của những việc làm thiện lành tự nguyện. Phước bao gồm tài sản và hạnh phước của cõi nhân thiên, nên chỉ là tạm bợ và vẫn chịu luân hồi sanh tử. Trong Phật giáo, từ “phước điền” được dùng như một khu ruộng nơi người ta làm mùa. Hễ gieo ruộng phước bằng cúng dường cho bậc ứng cúng sẽ gặt quả phước theo đúng như vậy. Như vậy, phước điền là ruộng cho người gieo trồng phước báo. Người xứng đáng cho ta cúng dường. Giống như thửa ruộng gieo mùa, người ta sẽ gặt thiện nghiệp nếu người ấy biết vun trồng hay cúng dường cho người xứng đáng. Theo Phật giáo thì Phật, Bồ tát, A La Hán, và tất cả chúng sanh, dù bạn hay thù, đều là những ruộng phước đức cho ta gieo trồng phước đức và công đức. Nói về phước điền, có hai loại: Thứ nhất là Hữu lậu phước điền: Giúp con người cải thiện điều kiện sống trong kiếp lai sanh. Nói về hữu lậu phước điền, có ba thứ: a) Bi điền: Chăm sóc cho người bịnh đáng thương hay người nghèo khó. b) Kính điền: Hộ trợ chư Tăng Ni. Kính trọng Phật và Thánh chúng. c) Ân điền: Gieo phước nơi cha mẹ; gieo phước bằng cách đắp đường, đào giếng, xây cầu, bồi lộ. Thứ nhì là Vô lậu phước điền: Niết bàn là ruộng phước vĩnh cửu. Theo Vô Lượng Thọ Kinh, có ba loại phước điền: Thế phước, giới phước, và hành phước. Theo Câu Xá Luận, cũng có ba loại phước điền: ân phước hay thí loại phước (quả phước bố thí), giới loại phước (quả phước của trì giới), và tu loại phước (phước tu hành). Có bốn loại ruộng phước: thú điền (phước điền nơi súc sanh), khổ điền (phước điền nơi người nghèo), ân điền (phước điền nơi song thân), và đức điền (phước điền nơi các bậc hiền Thánh hay nơi việc hoằng pháp). Theo Phật giáo, có tám ruộng phước điền: 1 5) kính điền (Phật điền, thánh nhân, hòa thượng, a xà lê, tăng), 6 7) ân điền (cha, mẹ), 8) bi điền (người bịnh). Tám phước điền theo Kinh Phạm Võng: làm đường rộng giếng tốt, bắt cầu, tu sửa những đường xá nguy hiểm, hiếu dưỡng cha mẹ, hộ trì Tăng Già, chăm sóc người bệnh, giúp đở người lâm nạn tai ương, thương xót không sát hại súc sanh. Lại có tám ruộng phước điền khác: kính Phật, hộ pháp, trợ Tăng, hiếu kính cha mẹ, hộ trì người biết pháp, hoặc giả xem chư Tăng như những vị Thầy, thương xót và bố thí cho người nghèo, chăm sóc người bệnh, và không sát sanh hại vật.

III.  Phước Báo:

Phước đức do quả báo thiện nghiệp mà có. Phước đức bao gồm tài sản và hạnh phước của cõi nhân thiên, nên chỉ là tạm bợ và vẫn chịu luân hồi sanh tử. Phước đức là tính chất trong chúng ta bảo đảm những ơn phước sắp đến, cả vật chất lẫn tinh thần. Không cần khó khăn lắm người ta cũng nhìn thấy ngay rằng ước ao công đức, tạo phước đức, tàng chứa phước đức, hay thu thập phước đức, dù xứng đáng thế nào chăng nữa vẫn ẩn tàng một mức độ ích kỷ đáng kể. Phước đức luôn luôn là những những chiến thuật mà các Phật tử, những thành phần yếu kém về phương diện tâm linh trong giáo hội,  dùng để làm yếu đi những bản năng chấp thủ, bằng cách tách rời mình với của cải và gia đình, bằng cách ngược lại hướng dẫn họ về một mục đích duy nhất, nghĩa là sự thủ đắc công đức từ lâu vẫn nằm trong chiến thuật của Phật giáo. Nhưng, dĩ nhiên việc này chỉ có giá trị ở mức độ tinh thần thấp kém. Ở những giai đoạn cao hơn người ta phải quay lưng lại với cả hình thức thủ đắc này, người ta phải sẵn sàng buông bỏ kho tàng phước đức của mình vì hạnh phúc của người khác. Đại Thừa đã rút ra kết luận này, và mong mỏi tín đồ cấp cho chúng sanh khác phước đức của riêng mình, như kinh điển đã dạy: “Hồi hướng hay trao tặng phước đức của họ cho sự giác ngộ của mọi chúng sanh.” “Qua phước đức của mọi thiện pháp của tôi, tôi mong ước xoa dịu nỗi khổ đau của hết thảy chúng sanh, tôi ao ước là thầy thuốc và kẻ nuôi bệnh chừng nào còn có bệnh tật. Qua những cơn mưa thực phẩm và đồ uống, tôi ao ước dập tắt ngọn lửa của đói và khát. Tôi ao ước là một kho báu vô tận cho kẻ bần cùng, một tôi tớ cung cấp tất cả những gì họ thiếu. Cuộc sống của tôi, và tất cả mọi cuộc tái sanh, tất cả mọi của cải, tất cả mọi phước đức mà tôi thủ đắc hay sẽ thủ đắc, tất cả những điều đó tôi xin từ bỏ không chút hy vọng lợi lộc cho riêng tôi, hầu sự giải thoát của tất cả chúng sanh có thể thực hiện.” Theo Vô Lượng Thọ Kinh: Thế phước, giới phước, và hành phước. Theo Câu Xá Luận: ân phước hay thí loại phước (quả phước bố thí), giới loại phước (quả phước của trì giới), và tu loại phước (phước tu hành). Lại có ba loại Phước Nghiệp Sự: thí hành phước nghiệp sự, giới hành phước nghiệp sự, và tu hành phước nghiệp sự.

Trong khi Báo là những hệ quả của tiền kiếp. Hết thảy các pháp hữu vi là trước sau nối tiếp, cho nên đối với nguyên nhân trước mà nói thì các pháp sinh ra về sau là quả. Theo Phật giáo, những vui sướng hay đau khổ trong kiếp nầy là ảnh hưởng hay quả báo của tiền kiếp. Thế cho nên cổ đức có nói: “Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị. Dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị.” Có nghĩa là muốn biết nhân kiếp trước của ta như thế nào, thì hãy nhìn xem quả báo mà chúng ta đang thọ lãnh trong kiếp nầy. Muốn biết quả báo kế tiếp của ta ra sao, thì hãy nhìn vào những nhân mà chúng ta đã và đang gây tạo ra trong kiếp hiện tại. Một khi hiểu rõ được nguyên lý nầy rồi, thì trong cuộc sống hằng ngày của người con Phật chơn thuần, chúng ta sẽ luôn có khả năng tránh các điều dữ, làm các điều lành. Như trên đã nói, Phật tử chân thuần nên luôn nhớ rằng những vui sướng hay đau khổ trong kiếp nầy là ảnh hưởng hay quả báo của tiền kiếp. Có rất nhiều loại quả báo khác nhau, trong hạn hẹp của chương sách này, dưới đây chúng ta chỉ liệt kê vài loại tiêu biểu: Thứ nhất là quả báo của ăn cắp vặt là nghèo nàn khốn khó. Thứ nhì là quả báo của bỏn xẻn là cầu bất đắc. Thứ ba là quả báo của của việc phỉ báng là không lưỡi hay thối miệng. Thứ tư là quả báo của bần tiện tham lam là nghèo nàn. Thứ năm là quả báo của việc gây thù chuốc oán là bản thân bị hại. Thứ sáu là quả báo của việc mắng chưỡi kẻ ăn xin là chết đói giữa đường. Thứ bảy là quả báo của vị kỷ hại người là suốt đời canh cô (không ai muốn gần gủi mình). Thứ tám là quả báo của việc loan tin thất thiệt hại nguời là không còn ai tin mình về sau nầy nữa. Thứ chín là quả báo của việc phỉ báng Tam Bảo là vĩnh viễn đi vào địa ngục vô gián.

Ba Loại Báo: Theo Phật giáo, có ba quả báo liên hệ tới bốn nhân khiến cho đứa trẻ sanh vào một gia đình nào đó. Trong nghĩa này, quả đối nghĩa lại với nhân: Thứ nhất là Hiện báo: Quả báo thứ nhất là báo ứng ngay trong kiếp hiện tại, hay quả báo của những hành động, lành hay dữ, ngay trong đời nầy. Thứ nhì là Sinh báo: Quả báo thứ nhì là hành động bây giờ mà đến đời sau mới chịu quả báo. Quả báo thứ ba là hậu báo: Hậu báo là quả báo về lâu xa sau nầy mới gặt. Cũng có Bốn Loại Báo Ứng: Thứ nhất là Thuận Hiện Nghiệp Định Báo Ứng: Hành động gây ra báo ứng tức khắc. Thứ nhì là Thuận Hiện Nghiệp Bất Định Báo Ứng: Hành động gây báo ứng trong đời hiện tại (không nhứt định thời gian). Thứ ba là Thuận Sinh Nghiệp Báo Ứng: Hành động gây báo ứng trong đời sống kế tiếp. Thứ tư là Thuận Hậu Nghiệp Báo Ứng: Hành động gây báo ứng trong các đời sau, không nhứt định thời gian.

Theo Phật giáo, có Năm Loại Báo hay Ngũ Quả: Thứ nhất là Dị Thục Quả: Khi chạm phải một hành động xấu, người phạm phải chịu khổ đau; khi làm được một hành động tốt, người ấy hưởng sung sướng. Sung sướng và khổ đau trong tự chúng là không thuộc tính cách đạo đức, xét về nghiệp của chúng thì chúng trung tính. Do đó mà quả nầy có tên “Dị Thục” hay “chín muồi theo những cách khác nhau.” Quả khổ đau hay an lạc của đời nầy là do nghiệp ác thiện của đời trước. Thứ nhì  là Đẳng Lưu Quả: Khi làm một hành động xấu hay tốt, khiến cho người làm hành động ấy dễ có xu hướng tiến đến những hành động xấu hay tốt. Vì nhân quả thuộc cùng một bản chất, nên quả nầy được gọi là “chảy trong cùng một dòng” hay “đẳng lưu.” Do thiện tâm đời trước mà chuyển thành thiện tâm sau khi tái sanh; do ác tâm đời trước mà ác tâm đời nầy tăng trưởng. Từ thiện nhân sinh ra thiện quả, từ ác nhân sinh ra ác quả, từ vô ký nhân sinh ra vô ký quả (từ cái thiện tâm của ý nghĩ trước, mà chuyển thành thiện tâm sau; hoặc từ cái bất thiện tâm của ý nghĩ trước, mà sinh ra cái bất thiện tâm sau, hay bất thiện nghiệp của ý nghĩ sau), tính quả giống tính nhân mà trôi chảy ra nên gọi là Đẳng Lưu Quả. Đẳng Lưu Quả là loại nào sanh ra loại đó. Thứ ba  là Độ Dụng Quả: Nghĩa đen có nghĩa là sự vận dụng của người. Nó là kết quả của nhân tố trong công việc. Rau quả hay ngũ cốc sinh sôi từ đất lên do bởi ý chí, trí tuệ, và sự cần mẫn của người nông dân; vì mùa gặt là kết quả do bởi nhân tố con người mang lại, nên “Độ Dụng Quả” được đặt tên cho kết quả nầy. Vị thế hiện tại và quả hành về sau, sự thưởng phạt đời nầy do công đức đời trước mà ra. Thứ tư là Tăng Thượng Quả: Hễ có sự vật nào hiện hữu được là do bởi sự hợp tác tích cực hay tiêu cực của tất cả các sự vật khác, vì nếu sự hợp tác nầy thay đổi theo một cách nào đó thì sự vật kia sẽ không còn hiện hữu nữa. Khi sự đồng hiện hữu của các sự vật như thế được xem là kết quả của tính hỗ tương phổ quát, thì nó được gọi là “tăng thượng duyên.” Quả siêu việt đời nầy là do khả năng siêu việt đời trước hay cái quả do tăng thượng duyên mà sinh ra, như nhãn thức đối với nhãn căn là tăng thượng quả. Thứ năm là Ly Hệ Quả: Quả không bị ràng buộc bởi bất cứ hệ lụy nào, quả Niết bàn. Niết Bàn là kết quả của sự tu tập tâm linh, và vì nó khiến cho người ta thoát khỏi sự trói buộc của sinh và tử nên nó được gọi là “giải thoát khỏi sự trói buộc” hay “ly hệ quả.” Quả dựa vào đạo lực giải thoát của Niết Bàn mà chứng được, quả nầy tạo nên bởi lục nhân.

Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển Tám, Đức Phật đã nhắc nhở ngài A Nan về Sáu Loại Báo như sau: “Ông A Nan! Chúng sanh vì lục thức tạo nghiệp, bị chiêu lấy ác báo theo sáu căn ra.” Lục báo bao gồm: kiến báo (chiêu dẫn ác nghiệp), văn báo (chiêu dẫn ác quả), khứu báo (chiêu dẫn ác quả, khứu nghiệp nầy giao kết, lúc chết thấy độc khí đầy dẫy xa gần. Thần thức nương theo khí vào vô gián địa ngục), vị báo (chiêu dẫn ác quả. Vị nghiệp nầy giao kết, lúc chết thấy lưới sắt phát ra lửa dữ, cháy rực khắp thế giới. Thần thức mắc lưới vào ngục vô gián), xúc báo (chiêu dẫn ác quả; xúc nghiệp nầy giao kết, lúc chết thấy núi lớn bốn phía họp lại, không có đường đi ra, thần thức thấy thành lớn bằng sắt, các rắn lửa, chó lửa, cọp, gấu, sư tử, những lính đầu trâu, quỷ la sát đầu ngựa cầm thương đao, lùa người vào thành đến ngục vô gián), tư báo (chiêu dẫn ác quả; tư nghiệp nầy giao kết, lúc chết thấy gió dữ thổi hư nát quốc độ. Thần thức bị thổi bay lên hư không, theo gió rơi vào ngục vô gián).

 IV.  Tu Phước:

Trong Phật giáo, tu phước bao gồm những cách thực hành khác nhau cho Phật tử, như thực hành bố thí, in kinh ấn tống, xây chùa dựng tháp, trì trai giữ giới, vân vân. Tuy nhiên, tâm không định tĩnh, không chuyên chú thực tập một pháp môn nhứt định thì khó mà đạt được nhất tâm. Phước đức là những cách thực hành khác nhau trong tu tập cho Phật tử, như thực hành bố thí, in kinh ấn tống, xây chùa dựng tháp, trì trai giữ giới, vân vân. Người Phật tử chân thuần nên luôn nhớ rằng “Phước phải từ nơi chính mình mà cầu. Nếu mình biết tu phước thì có phước, nếu biết tu huệ thì có huệ. Tuy nhiên, phước huệ song tu thì vẫn tốt hơn. Tu phước là phải hướng về bên trong mà tu, tu nơi chính mình. Nếu mình làm việc thiện là mình có phước. Ngược lại, nếu mình làm việc ác là mình không có phước, thế thôi. Người tu Phật phải hướng về nơi chính mình mà tu, chứ đừng hướng ngoại cầu hình. Cổ đức có dạy: “Họa Phước vô môn, duy nhân tự chiêu,” hay “Bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất,” nghĩa là họa phước không có cửa ra vào, chỉ do tự mình chuốc lấy. Con người gặp phải đủ thứ tai họa, hoạn nạn là do ăn nói bậy bạ mà ra. Chúng ta có thể nhất thời khoái khẩu với những món ngon vật lạ như bò, gà, đồ biển, vân vân, nhưng về lâu về sau nầy chính những thực phẩm nầy có thể gây nên những căn bệnh chết người vì trong thịt động vật có chứa rất nhiều độc tố qua thức ăn tẩm hóa chất để nuôi chúng mau lớn. Tuy nhiên, hành giả nên luôn nhớ rằng trong tu tậpn, một việc làm được coi như hoàn toàn thanh tịnh khi nó được làm hoàn toàn không phải với ý được thưởng công, dù là trần tục hay thiên công. Việc làm nầy được gọi là ‘việc làm không cầu phước’. Do bởi không cầu phước, mà việc làm nầy được phước vô kể, công đức vô tận. Một việc làm lớn, không nhất thiết phải là việc vĩ đại. Cái quan trọng ở đây là lý do thúc đẩy việc làm chứ không phải tầm mức lớn nhỏ của việc làm đó. Nếu sự thúc đẩy thanh tịnh, thì việc làm thanh tịnh; còn nếu sự thúc đẩy bất tịnh, thì dầu cho việc có lớn thế mấy, vẫn là bất tịnh. Có lẽ đây là lý do tại sao, khi Lương Võ Đế hỏi tổ Bồ Đề Đạt Ma xem coi ông được bao nhiêu công đức khi xiển dương Phật giáo trên một bình diện rộng lớn, và tổ lại trả lời ‘Không có công đức gì cả.’

Phước đức là kết quả của những việc tu tập làm thiện lành tự nguyện: Phước đức là công lao hay công trạng qua việc bố thí, thờ phụng và những phục vụ về tôn giáo, tụng kinh, cầu nguyện, vân vân, bảo đảm cho những điều kiện tồn tại tốt hơn trong cuộc đời sau nầy. Việc đạt tới những công trạng là một nhân tố quan trọng khuyến khích Phật tử thế tục. Phật giáo Đại thừa cho rằng công lao tích lũy được dùng cho sự đạt tới đại giác. Sự hồi hướng một phần công lao mình cho việc cứu độ người khác là một phần trong những bổn nguyện của chư Bồ Tát. Tuy nhiên, trong các xứ theo Phật giáo Nguyên Thủy, làm phước là một trọng điểm trong đời sống tôn giáo của người tại gia, những người mà người ta cho rằng không có khả năng đạt được những mức độ thiền định cao hay Niết Bàn. Trong Phật giáo nguyên thủy, người ta cho rằng phước đức không thể hồi hướng được, nhưng trong giáo thuyết của Phật giáo Đại Thừa, “hồi hướng công đức” trở nên phổ quát, và người ta nói rằng đó là công đức chủ yếu của một vị Bồ Tát, người sẵn sàng ban bố công đức hay những việc thiện lành của chính mình vì lợi ích của người khác. Phước đức do quả báo thiện nghiệp mà có: Phước đức bao gồm tài sản và hạnh phước của cõi nhân thiên, nên chỉ là tạm bợ và vẫn chịu luân hồi sanh tử. Những cách thực hành khác nhau cho Phật tử, như thực hành bố thí, in kinh ấn tống, xây chùa dựng tháp, trì trai giữ giới, vân vân. Người Phật chân thuần tử nên luôn nhớ rằng luật nhân quả hay sự tương quan giữa nguyên nhân và kết quả trong luật về “Nghiệp” của Phật giáo là không thể nghĩ bàn. Mọi hành động là nhân sẽ có kết quả hay hậu quả của nó. Giống như vậy, mọi hậu quả đều có nhân của nó. Luật nhân quả là luật căn bản  trong Phật giáo chi phối mọi hoàn cảnh. Luật ấy dạy rằng người làm việc lành, dữ hoặc vô ký sẽ nhận lấy hậu quả tương đương. Người lành được phước, người dữ bị khổ. Nhưng thường thường người ta không hiểu chữ phước theo nghĩa tâm linh, mà hiểu theo nghĩa giàu có, địa vị xã hội, hoặc uy quyền chánh trị. Chẳng hạn như người ta bảo rằng được làm vua là do quả của mười nhân thiện đã gieo trước, còn người chết bất đắc kỳ tử là do trả quả xấu ở kiếp nào, dầu kiếp nầy người ấy không làm gì đáng trách. Hành giả, nhất là hành giả Tịnh Độ nên luôn nhớ rằng Phước đức là cái mà chúng ta làm lợi ích cho người, trong khi công đức là cái mà chúng ta tu tập để cải thiện tự thân như giảm thiểu tham sân si. Hai thứ phước đức và công đức phải được tu tập cùng một lúc. Hai từ nầy thỉnh thoảng được dùng lẫn lộn. Tuy nhiên, có sự khác biệt đáng kể. Phước đức bao gồm tài vật của cõi nhân thiên, nên chỉ tạm bợ và còn trong vòng luân hồi sanh tử. Trái lại, công đức siêu việt khỏi luân hồi sanh tử để dẫn đến Phật quả. Cùng một hành động có thể dẫn đến hoặc phước đức, hoặc công đức. Nếu chúng ta bố thí với ý định được phước báu nhân thiên thì chúng ta gặt được phần phước đức, nếu chúng ta bố thí với tâm ý giảm thiểu tham sân si thì chúng ta đạt được phần công đức. Trong “Lá Thư Từ Tổ Ấn Quang,” Đại Sư Ấn Quang dạy: “Hành giả niệm Phật, mỗi khi tụng kinh, trì chú, lễ bái, sám hối, cứu hộ tai nạn, giúp kẻ nghèo khổ, không nên tìm kiếm công đức phước đức nơi cõi nhân thiên. Nếu có tâm niệm ấy thì mất phần lợi lạc của sự vãng sanh Tịnh Độ và phải bị chìm đắm trong biển đời Sanh Tử. Hành giả nên biết rằng hưởng phúc càng nhiều ác nghiệp càng lớn, khó mà thoát được tam đồ địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh qua một đời sau nữa. Chừng đó muốn trở lại làm thân người, được nghe pháp Tịnh Độ hiện đời giải thoát còn khó hơn lên cõi trời! Chính vì lý do này mà đức Phật dạy chúng sanh niệm Phật cầu về Tây Phương Tịnh Độ, vì chúng sanh mà giải quyết vấn đề sinh tử ngay trong hiện kiếp. Nếu lại cầu đời sau hưởng phước báo ở cõi nhân thiên tức là trái lại với lời Phật dạy, cũng giống như đem hạt ngọc mà đổi lấy một viên kẹo để ăn, há chẳng đáng tiếc lắm sao!”

Trong Phật giáo, từ “phước điền” được dùng như một khu ruộng nơi người ta làm mùa. Hễ gieo ruộng phước bằng cúng dường cho bậc ứng cúng sẽ gặt quả phước theo đúng như vậy. Phật tử chân thuần nên tu tập phước đức (Lương phước điền) bằng cách cúng dường Phật, Pháp, Tăng. Phước điền là ruộng cho người gieo trồng phước báo. Người xứng đáng cho ta cúng dường. Giống như thửa ruộng gieo mùa, người ta sẽ gặt thiện nghiệp nếu người ấy biết vun trồng hay cúng dường cho người xứng đáng. Theo Phật giáo thì Phật, Bồ Tát, A La Hán, và tất cả chúng sanh, dù bạn hay thù, đều là những ruộng phước đức cho ta gieo trồng phước đức và công đức. Hiếu dưỡng cha mẹ và tu hành thập thiện, bao gồm cả việc phụng thờ sư trưởng, tâm từ bi không giết hại, và tu thập thiện. Phụng dưỡng song thân, một trong bốn mảnh ruộng phước điền. Đức Phật dạy: “Con cái nên triệt để lưu ý đến cha mẹ. Khi cha mẹ lớn tuổi, không thể nào tránh khỏi cảnh thân hình từ từ già yếu suy nhược bằng nhiều cách, làm cho họ không ngớt phải chịu đựng bệnh khổ làm suy nhược mỗi cơ quan trong hệ tuần hoàn. Điều này là tất nhiên không tránh khỏi. Dù con cái không bị bắt buộc phải chăm sóc cha mẹ già yếu bệnh hoạn, và cha mẹ chỉ trông chờ vào thiện chí của con cái mà thôi. Hành giả nên chăm sóc cha mẹ già bằng tất cả lòng hiếu thảo của mình, và hành giả nên luôn nhớ rằng không có một cơ sở nào có thể chăm sóc cha mẹ già tốt bằng chính gia đình mình.” Ngoài việc hiếu dưỡng cha mẹ, hành giả tu thiền còn phải thọ tam qui, trì ngũ giới, luôn nên phụng thờ sư trưởng, tâm từ bi không giết hại, và tu thập thiện. Theo Kinh Địa Tạng Bồ Tát, Đức Phật bảo ngài Quán Thế Âm Bồ Tát: “Trong đời sau, như có kẻ thiện nam, người thiện nữ nào muốn cầu trăm ngàn muôn ức sự về hiện tại cùng vị lai, thời chỉ nên quy y chiêm ngưỡng đảnh lễ, cúng dường, ngợi khen hình tượng của ngài Địa Tạng Bồ Tát. Được như thế thời nguyện những chi và cầu những chi thảy đều thành tựu cả. Lại cầu mong Địa Tạng Bồ Tát vận đức từ bi rộng lớn ủng hộ mãi cho; người đó trong giấc chiêm bao liền đặng ngài Địa Tạng Bồ Tát xoa đảnh thọ ký.”

Trích từ: Phước Đức Và Công Đức Theo Quan Điểm Phật Giáo


Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Dục Và Tình Theo Quan Điểm Phật Giáo, Thiện Phúc
2.    Khái Niệm Tánh Không Phật Giáo, Hoang Phong, Việt Dịch
3.    Lược Sử Phật Giáo, Edward Conze | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
4.    Nhận Thức Phật Giáo, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Vọng Tây, Việt Dịch
5.    Những Hạt Ngọc Trí Tuệ Phật Giáo, Hòa Thượng Thích Tâm Quang
6.    Phật Giáo, Trần Trọng Kim
7.    Phật Giáo Chánh Tín, Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học, Việt Dịch
8.    Phật Giáo Khái Luận, Thượng Tọa Thích Mật Thể
9.    Phật Giáo Là Gi?, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Thích Tâm An, Việt Dịch
10.    Phật Giáo Nhân Gian Của Pháp Môn Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Minh Chánh, Việt Dịch
11.    Phật Giáo Sử Đông Nam Á, Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền
12.    Phật Giáo Và Cuộc Sống, Đại Sư Thích Ấn Thuận | Thượng Tọa Thích Hạnh Bình, Việt Dịch
13.    Phật Giáo và Giáo Dục, Hòa Thượng Thích Viên Lý
14.    Phật Giáo Và Nhân Sanh, Pháp Sư Thích Huyền Đức | Đại Lão Hòa Thượng Thích Thắng Hoan, Việt Dịch
15.    Phật Giáo Và Những Dòng Suy Tư, Hòa Thượng Thích Đồng Bổn
16.    Phật Giáo Và Vũ Trụ Quan, Cư Sĩ Lê Huy Trứ MSEE
17.    Phật Giáo Vấn Đáp, Hòa Thượng Thích Trí Chơn
18.    Phật Giáo Việt Nam, Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền
19.    Phật Giáo Yếu Lược Song Ngữ, Narada Maha Thera | Hòa Thượng Thích Trí Chơn, Việt Dịch
20.    Phước Huệ Song Tu - Việt Anh - Tập 1, Thiện Phúc