Có người đến chơi nhà bạn, thấy vách tường rất phẳng trơn tru và sạch sẽ, mới hỏi "anh dùng thứ gì quét tường mà láng vậy". Người bạn đáp "dùng cám cho vào nước rồi trộn với đất sét, quét tường sẽ rất trơn láng". Người này nghe xong suy nghĩ, dùng cám mà còn được vậy, nếu ta dùng thóc sẽ còn khá hơn nhiều, về nhà, gã lấy thóc ngâm nước trộn với đất sét, rồi đem quét tường, mong được trơn phẳng sạch đẹp, nào dè kết quả chẳng những không láng sạch, mà lại vừa lồi lõm, vừa bị lủng nhiều nơi, đã vậy lại mất biết bao thóc, kết cục chẳng đạt được gì.
Phàm phu cũng vậy nghe thánh nhân thuyết pháp, tu hành thiện xả không tiếc thân mạng, sẽ được sinh thiên cho đến giải thoát, liền tự giết thân, vọng cầu sinh thiên và được giải thoát, rốt cục chỉ mất thân mạng chẳng được chút lợi, như người ngu kia.
Lời Bình:
Tư duy giúp con người lợi dụng được mọi sự vật, bất kể sang hèn, xấu tốt, bẩn sạch. Như cám và đất bùn, trộn vào nhau tráng tường sẽ khiến vách tường trơn tru, sạch sẽ và đẹp đẽ. Từ hạt lúa giúp ta đủ mọi việc, như trấu để ủ, cám để nuôi heo hay tô tường, gạo để nuôi người. Mỗi thứ có tác dụng riêng biệt, nếu vô trí dùng không đúng công năng tất muốn lợi thành hại, không thứ nào có tác dụng mọi mặt, có nghĩa tác dụng của sự vật luôn giới hạn. Khi sự vật biến đổi, tác dụng cũng biến theo, dụ như khi cám đơn độc có thể làm thức ăn, nhưng khi hỗn hợp với nhân tố khác, như đất sét tất thành hồ, hồ có tác dụng tô tường, cứ như vậy khi hòa hợp với nhân tố khác, tất sự thay đổi và tác dụng cũng thay đổi. Sự sự vật vật đều riêng có bản chất, tác dụng và hình tướng, gọi chung là thể, tướng và dụng, khi theo duyên hòa hợp với những thứ khác, thì chúng sẽ sinh ra một hợp tướng tạm gọi là cộng thể tướng dụng, do đó mỗi sự vật có biệt và cộng thể tướng dụng, cái cộng thể tướng dụng này lại thành một sự vật mới, sự vật duyên với nhau bất tận thành vô lượng sự vật. Tất cả sự vật này đều là nhất hợp tướng tức do nhiều thứ hợp lại thành, sự tác hợp đó là duyên khởi, nên theo tướng thì gọi các sự vật đó là nhất hợp tướng, gọi theo tính là duyên khởi pháp. Các hợp tướng và duyên khởi này có xấu tốt, thuận nghịch, các hợp tướng này do các biệt tướng tự duyên thành như núi đồi cây cỏ, hoặc do người tạo tác như nhà cửa, khí cụ... Do tư duy biết được công năng của nhất hợp tướng, mà mọi sự vật đều có thể thành công dụng, các pháp cũng vậy, nếu có chính tư duy tất pháp nào cũng có thể hành sử tự tại theo ý được. Ví bằng ngược lại tất viên giác cũng thành luân hồi sinh tử. Vì vậy Như lai không ngại dùng đủ phương tiện thiện xảo pháp làm pháp môn cho chúng sinh vào đạo, vì nếu không khế cơ ắt tác dụng sẽ phản ngược, dụ như đức Phật nếu khởi đầu bằng ngay nhất thật pháp ắt chúng sinh càng mơ hồ điên đảo, bấy giờ chẳng khác nào người lấy gạo thóc dùng làm vật liệu tô tường, không những tốn không gạo thóc lại làm hỏng tường, cũng vậy nếu không biết khế cơ mà hành pháp tất vừa mất pháp lại hỏng người hỏng vật.
Do vậy mới thấy chính tư duy hay chính kiến sử dụng muôn pháp một cách tự tại, còn như tà kiến, tà tư tất càng dụng công càng tổn thất, vì thế mà người tu học cũng chẳng khác nào người tô tường, tư duy thật đức năng (chính kiến) thì gieo đúng nhân thành đúng quả, ví bằng tà kiến tà tư gieo sai nhân ắt gặt quả tai hại. Người tà tư đó cho dù gần thiện tri thức được chỉ bầy, mà không y lời thực hành, lại tư duy theo kiến giải của họ mà thực hành, thì nhân duyên gần thiện tri thức cũng không thành, điều này gọi là « vô duyên đối diện bất tương phùng », nên học Phật nghe pháp bao năm vẫn không thành quả mà còn chịu tổn thất.
Người ngu nghe tu hành thiện pháp bất tích thân mạng, sẽ mau sinh thiên hay được giải thoát, nên thay vì đem thân mạng hành mọi thiện pháp, không sợ chết chỉ sợ không hành được thiện pháp, lại hiểu lầm rằng không tích thân mạng là tự giết mình để cầu quả báo sinh thiên hay được giải thoát, nào dè sát thân để cầu lợi cho bản thân, trái với tinh thần hành thiện pháp không tiếc thân mạng, tinh thần hành thiện chẳng quản thân mạng này có nghĩa hành thiện vì lợi ích cho nhất thiết chúng sinh mà không vì mình, hễ còn vì mình là còn tíếc thân mạng, nhờ vậy được quả báo sinh thiên cho đến giải thoát, quả báo này là từ nhân mà thành không cần phải cầu, chỉ cần hành viên mãn, như người ăn không cần cầu no, chỉ cần ăn đủ số lượng thì no tự đến.
Phàm phu không hiểu điều này nên thường cầu quả mà nhân không hành đúng hay đầy đủ, do vậy có thể nói phàm phu trọng quả khinh nhân, nên đa cầu mà vô sở đắc. Bồ tát trọng nhân khinh quả, nhờ vậy bồ tát vô cầu mà được. Hữu cầu mà vô sở đắc là bạch phí công phu, vì không gây nhân, thì quả không thể sinh bằng sự cầu nguyện. Vô cầu mà đắc, là thực đắc, đắc cái vô sở cầu, mới thực là vô sở đắc. Vì vậy muốn cầu giải thoát Như lai chỉ bầy cho con đường thật đạo đó là hành vô cầu, một trong tam môn để nhập cung trạch của Như lai.
Tu thiện pháp trong câu chuyện ví như sự tô tường, không tiếc thân mạng hành mọi thiện pháp, như dùng cám và đất sét làm vật liệu tô tường, sát thân cầu sinh thiên tức sử dụng lúa gạo vào việc tô tường. chỉ làm uổng phí lúa gạo, cũng vậy hành động sát thân này chỉ uổng phí tính mạng.