Home > Khai Thị Phật Học
Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử
| Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch


“Văn Thù Sư Lợi”:

Ðôi khi còn phiên là Mạn Thù Thất Lợi, dịch nghĩa là Diệu Ðức vì Ngài đã chứng tam đức (Pháp Thân đức, Bát Nhã đức, Giải Thoát đức) vi diệu giống như Phật, từng làm thầy của bảy đức Phật. Chư kinh còn xưng tụng Ngài là “Chư Phật chi mẫu”, hàm ý: từ trí huệ thanh tịnh chứng đắc diệu quả. Hoặc còn dịch là Diệu Thủ vì trong các hàng đại Bồ Tát, Ngài được xưng tụng là đức hạnh bậc nhất.

Văn Thù Sư Lợi còn được dịch là Diệu Cát Tường: Trong ba thứ hoặc (Kiến hoặc, Tư hoặc, Trần Sa hoặc) và hai thứ sanh tử (phần đoạn và biến dịch), nếu đoạn được một phần phiền não hoặc dứt được một phần sanh tử, chứng được một phần Pháp Thân thì được gọi là Cát Tường, nhưng chưa thể gọi là Diệu. Nhưng vị Bồ Tát đây đã dứt trọn vẹn tam hoặc, vĩnh viễn xóa sạch hai thứ sanh tử, thành tựu trọn vẹn ba đức, nên hiệu là Diệu Cát Tường.

Thêm nữa, những ai trông thấy hình tướng của Ngài, nghe danh hiệu Ngài, đều phát Bồ Ðề tâm, vĩnh viễn thoát khỏi nỗi khổ luân hồi, thật là tốt lành chẳng thể nghĩ bàn, nên Ngài hiệu là Diệu Cát Tường.

Hơn nữa, lúc Bồ Tát này đản sanh, có mười thứ điềm tốt lành xuất hiện:

- Quang minh đầy nhà.
- Cam lộ ngập sân.
- Mặt đất phun lên thất bảo.
- Thần nhân mở toang kho tàng.
- Gà đẻ ra chim phượng con.
- Heo sanh ra heo con có tướng rồng.
- Ngựa đẻ ra kỳ lân.
- Trâu sanh ra bạch trạch (bạch trạch là một con vật tượng trưng cho điềm lành).
- Thực phẩm biến thành hạt vàng.
- Voi mọc sáu ngà.

Kinh Bi Hoa thuật bổn nhân của Bồ Tát như sau: “Ðối trước Bảo Tạng Phật phát hoằng thệ nguyện, được Phật thọ ký hiệu là Văn Thù”.

Nếu luận về bổn quả, theo kinh Thủ Lăng Nghiêm, trong quá khứ Ngài đã thành Phật hiệu là Long Chủng Thượng Tôn Vương Phật. Theo kinh Ương Quật Ma La, trong kiếp hiện tại, Ngài thành Phật trong thế giới Hoan Hỷ ở phương Bắc, hiệu là Hoan Hỷ Tạng Ma Ni Bảo Tích Phật. Nghe được danh hiệu này trừ diệt được bốn trọng tội. Theo kinh Bi Hoa và pháp hội Văn Thù Sư Lợi Thọ Ký trong kinh Bảo Tích, Ngài sẽ thành Phật trong thế giới Ly Cấu ở phương Nam, hiệu là Phổ Hiện Như Lai. Ai nghe được danh hiệu này sẽ tiêu diệt được tội Ngũ Vô Gián.

Nay vì hỗ trợ sự nghiệp độ sanh của đức Thích Ca Mâu Ni Phật nên thị hiện làm Bồ Tát. Chứ thật ra Ngài đã thành Phật từ lâu, nên mới có thể chứng trọn vẹn ba đức, đoạn trừ viên mãn ba Hoặc và hai thứ sanh tử.

“Pháp vương tử”: Nghĩa đen là con đấng Pháp Vương. Ðây là một mỹ hiệu của các đại Bồ Tát. Pháp Vương tức là Ðức Phật. Vương có nghĩa là người đứng đầu không ai hơn. Ðức Phật là đấng thuyết pháp khắp thế gian, xuất thế gian không ai hơn nên được gọi là Pháp Vương.

Vương còn có nghĩa là Tự Tại. Kinh chép: “Ta là pháp vương, tự tại trong các pháp”. Chỉ mình Phật được gọi là Pháp Vương. Chữ “Tử” (con) chỉ Bồ Tát. Theo Phật Ðịa Luận: “Từ miệng Chánh Pháp của Phật sanh ra, tiếp nối thân Phật chẳng đoạn tuyệt, nên gọi là Pháp Vương Tử”. 

Hơn nữa, Tử có hai nghĩa:

- Sở sanh (được sanh bởi): trí huệ, đạo quả của Bồ Tát được phát sanh bởi Ðức Phật. Kinh chép: “Từ Phật hóa sanh, sanh ra từ miệng Phật”.

- Kế thừa: công nghiệp cha sáng lập, con kế thừa, phát triển. Hết thảy Bồ Tát có trách nhiệm gánh vác Chánh Pháp của Như Lai, kế thừa gia nghiệp của Ðức Phật. Sự nghiệp của Phật chính là sự nghiệp thuyết pháp độ sanh.

Bồ Tát địa vị gần với Diệu Giác giống như con trưởng của Phật, khác nào hoàng thái tử sẽ kế vị ngôi vua nên gọi là Pháp Vương Tử. Theo Kinh Khê đại sư: “Trong các vị pháp vương tử, Ngài Văn Thù đức cao tột nên các kinh đều gọi Ngài là Thượng Thủ”.

Hơn nữa, bản thân Ngài đã là Phật, thị hiện thân Bồ Tát độ sanh, như vậy là “bổn tích xứng hợp”, nên gọi là Pháp Vương Tử.

Trong kinh Hoa Nghiêm Ngài là Căn Bản Sư; trong kinh Pháp Hoa, Ngài là Chư Phật Sư, trong kinh Lăng Nghiêm Ngài là Trạch Pháp Sư (vị thầy chọn lựa pháp cho tứ chúng tu tập), trong kinh này [ Kinh A Di Đà] Ngài là Ảnh Hưởng Chúng (thánh chúng tham dự pháp hội để chứng tín, tạo ảnh hưởng, khiến cho pháp môn này được hoằng truyền rộng rãi). Ngài là bậc Trí Huệ đệ nhất trong hàng đại Bồ Tát.

Không phải ngẫu nhiên hai vị Xá Lợi Phất và Văn Thù được nêu đầu tiên trong hàng thính chúng. Pháp môn trì danh niệm Phật này rất khó tin, khó lãnh hội. Nếu chẳng phải là bậc đại trí huệ thì chẳng thể nào tín ngưỡng, tuân hành nổi.
 
Trích từ: Kinh A Di Đà Hợp Giải