Người Chăn Dê Mất Của
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Có một người rất giỏi chăn dê, bầy dê của gã nuôi chẳng bao lâu phát triển thành đàn, có đến cả ngàn, nhưng gã rất keo xẻn chưa từng giết dê đãi khách hay ngay chính cho mình ăn. Một kẻ nọ rất quỷ quyệt, tìm cách lân la làm quen với gã và nói rằng, chúng ta tình bạn gắn bó, không khác ruột thịt, tôi biết nhà kia có con gái rất xinh đẹp, nên muốn giúp anh cưới về làm vợ. Gã rất vui mừng, liền giao số lớn dê cùng với một số tài bảo làm sính lễ cho kẻ nọ. Một thời gian sau kẻ đó về nói, vợ anh đã sinh con. Gã nghe người vợ chưa gặp mặt, mới sinh con, càng hoan hỷ đưa thêm tài vật.
 

Trải qua một thời gian kẻ kia lại đến nói, con anh chết mất rồi. Gã đau đớn khóc mãi không thôi.
 
Người đời cũng vậy đã tu đa văn, lại vì danh lợi, giấu diếm mọi pháp, không thuyết pháp chỉ bầy cho nguời khác, bị lậu thân này dối hoặc, tham trước thế gian dục lạc, như tham đắm thê tử nhi nữ, bị những thứ này gạt gẫm, mà vứt bỏ hết tài bảo thiện pháp công đức. Kết quả tang thất thiện pháp, lẫn sinh mạng và tài bảo, bấy giờ than khóc kêu khổ, như gã chăn dê không khác.
 
Lời Bình:

Người chăn dê, nghe và tin lời bạn bất chấp sự thật, chưa thấy mặt vợ mà tin rằng mình đã có vợ, rồi đến có con, cứ vậy sinh tâm vui sướng, đến khi nghe tin con chết, sinh tâm đau đớn khóc kể. Hỷ lạc sầu bi của người chăn dê hoàn toàn do vọng tưởng phát sinh vọng thọ. Gọi là vọng bởi cho huyễn là thật, sở dĩ cho huyễn là thật, cũng do tư duy không xét đoán theo sự thật, mà chỉ chạy theo sắc thanh.
 
Chúng ta thường bị căn bệnh này, như khi nghe một người khen, bất chấp khen trúng sai cũng vẫn hớn hở, song đức Phật dậy rằng, khi được khen phải tư duy quán sát lời khen đúng hay sai, nếu đúng thay vì vui nên phát triển hơn nữa, nếu sai thì có gì để vui, vì điều khen đó thực không phải là ta. Chúng ta lại thường buồn giận nếu bị chê, bất luận đúng hay sai, đức Phật lại dậy rằng, khi bị chê phải tư duy quán sát điều đó đúng hay sai, nếu đúng thay vì buồn tốt hơn nên sửa để tương lai khỏi phải buồn, nếu sai thì điều chê đó thực chẳng phải là mình nên không có lý do để buồn.

Vẫn biết như vậy, nhưng do phan duyên thành tính, nên vẫn không tránh khỏi vui nhiều điều không thật, như người chăn dê vui, và buồn giận nhiều thứ chẳng thật, như gã chăn dê u sầu. « Biết » vốn là sự thật, « không tránh khỏi » là theo vọng tưởng phan duyên, thế mới biết tập khí vọng hoặc sâu dầy như thế nào, chỉ cần sơ hốt không vận dụng chính tư duy, liền bị vọng tưởng lôi kéo theo vọng duyên, do vậy cần phải đa niệm thành định, niệm tức khởi niệm để tư duy, thường khởi tất thành quen, không vận dụng mà vẫn khởi giống như vọng tưởng vậy, vì huân tập nhiều đời nên vọng tưởng thường hiện hành chướng ngại định huệ. Do vậy người tu học phải huân tập định huệ đề kháng lại vọng tưởng.
 
Được mất, vui buồn của thế gian đều do thức tình vọng phân biệt mà thành, kì thật nhất thiết sự vật ở thế gian không hề thật có cái được để vui, cái mất để buồn, như người trong nhà trọ, cảm thấy mọi thứ trong phòng trọ dường như là của mình, quả thật chúng chỉ là « dường như » mà chưa bao giờ thật sự là của mình, cho đến khi lìa nhà trọ mới biết mọi thứ đều chẳng hề là của mình, như người thế gian đến chết mới biết tài sản, vợ con đều không hề thật là của mình, vậy thì mọi thứ vui buồn của thế gian khác gì nỗi buồn vui hồ đồ của người chăn dê.
 
Bầy dê dụ cho đa văn, keo kiết dụ cho ôm giữ không dùng, không tự ăn dụ cho không sử dụng cho bản thân, không đãi khách tức không sử dụng hay chỉ bầy lại cho người. Gã bạn gian manh dụ cho tâm phan duyên. Tiền của dụ cho công đức thiện pháp.
 
Như người đa văn, nhưng thiếu tư, nên đa văn đó tăng trưởng mà trí huệ không tăng, như trường hợp đa số chúng ta học đạo nghe nhiều mà vẫn không phát sinh trí huệ để tự mình liễu giải các pháp, càng nghe càng tích tụ văn, nhưng văn đó không ứng dụng cho mình và cho người được, như rất nhiều người nghe pháp xong, bảo kể lại là đã không nói được, mình cũng chẳng dùng được cái văn đó chút nào, như người kia không dám giết dê nuôi mình, hà huống dùng đa văn chỉ bầy người khác, như gã chăn dê không dám giết dê đãi khách, vì đa văn mà thiếu tư nên không tiêu hóa được, văn càng thêm, tư vẫn bất động, như bầy dê càng lúc càng đông, vì thiếu tư nên bao nhiêu đa văn từ Phật pháp không giúp mình chống được vọng tưởng, vẫn bị phan duyên vọng cảnh mê hoặc như gã bạn mê hoặc người chăn dê. Do phan duyên nên đa văn bị suy giảm, công đức thiện pháp cũng hao mòn, như gã bạn đoạt đi tiền của và dê của gã khờ.
 
Giống như người xuất gia, nhờ tu hành tích tụ đa văn và các công đức thiện pháp, nhưng vì thiếu tư, nên không biết sử dụng tức hành, rốt cuộc bị tâm phan duyên lôi cuốn vào chuyện tình cảm, lợi dưỡng, vọng tưởng những vọng duyên này là thật nên chịu vui buồn với chúng, chung cục bị những vọng tưởng này đoạt sạch công đức thiện pháp cũng như bao đa văn tích tập xưa nay, chỉ còn lại một đống nghiệp quả, theo tới đời tương lai.
 
Trích từ: Kinh Bách Dụ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

Đốt Trầm Lầm Than
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Nấu Hắc Thạch Mật
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Lên Lầu Mài Dao
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Gấm Bao Áo Rách
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ