Home > Khai Thị Phật Học > Muon-Cau-Them-Con
Muốn Cầu Thêm Con
| Hòa Thượng Thích Thiện Huệ, Việt Dịch


Một người phụ nữ vừa mới sinh con, nhưng muốn có thêm con, nên hỏi những người khác, có ai giúp tôi sinh được thêm con không? Một bà lão nói: tôi có cách giúp cô, nhưng phải tế trời đã. Cô gái hỏi: dùng vật gì tế trời? Bà lão nói: cô giết đứa con, lấy máu tế trời sẽ sinh được nhiều con. Cô gái liền muốn giết con, có người trí bên cạnh thấy vậy liền khuyên: thực là ngu si vô trí đến nỗi như vậy, đứa con chưa sinh, chưa biết chắc có sinh hay không, mà lại giết mất đứa con đang có.

Người ngu cũng vậy, vì phúc báo chưa có, nhẩy vào hầm lửa, làm đủ việc hại thân, để cầu sinh thiên.

Lời Bình:

Phần đầu câu chuyện này tương tự chuyện Bà la môn giết con thứ 11. Cả hai đều từ một gốc tham dục mà giết con, một người vì muốn danh, một người vì muốn được thêm con. Bà la môn chủ động, phụ nữ này thụ động, do vậy mới biết hai phương diện tai hại của tham ái. Thứ nhất là chủ động tự suy nghĩ và hành động. Thứ hai là bị động tức bị dị đoan tà thuyết mê hoặc. Cả hai hạng này từ tham ái khởi niệm chỉ muốn được như ý mà hy sinh mọi thứ (ác), và bất kể hậu quả (ngu). Một hạng hiểu lệch lạc nhân quả, nghĩ với những nhân xảo trá này sẽ đem đến kết quả tốt đẹp, gọi là tà tín (tà có nghĩa sai lệch), hạng kia bác nhân quả, tin là cứ dựa vào quỷ thần sẽ được mọi kết quả tốt đẹp, mà không cần gieo chính nhân, đó là mê tín (mê muội sự thật là nhân quả). Từ một niệm vô minh căn bản phát sinh tà tín và mê tín. Như thế mới biết sức mạnh của một niệm (niệm lực), và không nên coi thường. Bà la môn nọ và phụ nữ đó chỉ khởi một niệm tham si (tà tư duy) đã dẫn đến hậu quả tai hại khôn lường cho hiện tại và tương lai. Cũng vậy với một niệm tư duy thật đức năng cũng sẽ đưa đến công đức khó bàn cho hiện đời và vị lai.

Tín là biểu hiện của tâm, tín và tâm bất nhị, như hình với bóng, tín sao tâm vậy, tâm sao tín thế. Tín tà thì tâm tà, tín mê thì tâm mê, tín chính thì tâm chính. Chính tín tức tin nhân quả đúng thật, do biết nhân quả đúng thật nên không dựa vào quỷ thần, không tà kiến (thấy sai nhân quả), do không tà kiến và nỗ lực tự gieo chính nhân gặt chính quả, nên lìa chư bệnh, thành tựu giác ngộ. Do lẽ này người Phật tử chính tín không quy y quỷ thần, tà thuyết và đám tà sư, mà chỉ quy y Phật là bậc chính trí huệ, hiểu rõ ba đời nhân quả của sinh diệt, khổ lạc và mê ngộ. Quy y pháp là chính pháp thật đức năng. Quy tăng là tập thể tu hành chính pháp, hướng đến quả Phật.

Phần kế tiếp đề cập đến vấn đề đã có con song do muốn có nhiều con, nên giết đứa con hiện hữu, để cầu những đứa con chưa rõ có được trong tương lai. Người nữ này lẽ ra phải tự hiểu rõ nhân quả của sự sinh con, nhưng lại u mê không rõ, nên cầu nơi ngoại nhân, sinh tâm mê tín làm chuyện vô nhân quả.

Người đời thường cho sắc dục là hạnh phúc, nên mặc dù đã có gia đình, khi thấy một nhan sắc nào khác, liền khởi niệm tham dục, nên một mặt khởi tâm chiếm đoạt sắc mới, một mặt khởi tâm loại bỏ sắc cũ, gây nên bao tội ác. Đó cũng là hình thức giết sắc cầu sắc, tương đồng với giết con cầu con.

Như người xuất gia, khi sơ phát tâm chỉ nghĩ đến cứu cánh giải thoát, dốc tâm hành đạo, nên được tín chúng cung kính, cúng dường, được mọi lợi dưỡng. Do chỉ thấy quả lợi dưỡng trước mắt, phát sinh nhất niệm vọng tưởng, đánh thức chủng tử tham ái từ vô lượng kiếp, khởi suy tư rằng, làm thế nào để lợi dưỡng được tăng trưởng, quên đi lý do từ đâu nhận được lợi dưỡng, và mục đích chính tín ban đầu. Vọng tưởng này làm sai lệch chính tín sơ tâm, biến thành tà tín, phát sinh tà kiến, giết hết chính kiến ban đầu, để mong cầu được lợi dưỡng nơi tương lai, khác nào người nữ giết con hiện tại để cầu con mới. Một niệm hướng đến lợi dưỡng, xa lìa niệm hướng đến quả giải thoát vô vi tịch tĩnh, khác nào đem bò con xa lìa bò mẹ, như người ngu cất sữa (chuyện thứ 2). Cải biến cứu cánh, hướng đến lợi dưỡng hầu thỏa mãn ái dục, thay vì diệt tận ái dục, để được bất động tịch tĩnh, thế nên càng tu càng xa lìa cứu cánh giác ngộ, và càng tăng trưởng ái dục, như thiền tông tam tổ Tăng xán nói, hào ly hữu sai, thiên địa huyền cách (sai một li thành đất trời xa cách). Những tưởng ái dục là hạnh phúc, nhưng khi đạt được mới biết chính là lửa hỏa ngục, thiêu đốt thân tâm như lửa đốt loài thiêu thân. Vừa khởi một niệm vô minh, cánh cửa giải thoát lập tức bị phong kín, và cánh cửa sinh tử luân hồi mở rộng mời đón.

Điều đáng tiếc là những người này không thấy được sự thật, mà ngược lại cho danh văn lợi dưỡng đổi được bằng tâm thượng cầu hạ hóa, là thành quả tu hành, mà không phải chỉ riêng họ mà những người quanh họ cũng tin như vậy. Lợi dưỡng ngũ dục và danh văn là thước đo công phu tu hành thực là đảo điên điên đảo lắm thay.