Có người ngu ăn hạt mè sống thấy không được ngon, đem mè rang lên ăn thử, cảm thấy ngon hơn, nên khởi suy nghĩ, nếu trồng loại mè rang chắc sẽ ngon hơn mè bình thường, vì thế rang hết mè rồi đem trồng, vĩnh viễn không có kết quả.
Người ngu cũng vậy, nghĩ bồ tát đạo tu hành nhiều kiếp, hành nan hành sự, thật là bất lạc, chẳng bằng cầu A la hán, dễ hành và mau đoạn sinh tử hơn. Sau đó lại dùng tâm niệm này cầu Phật quả, vĩnh viễn không đắc được, như chủng tử đã rang, tất không nẩy mầm.
Lời Bình:
Làm việc không theo thứ lớp nhân quả, tương tự Xây lầu trong không thứ 10. Do vì muốn đốt giai đoạn như Thuốc mau trưởng thành thứ 15, nên thành vô trí.
Người vô trí hiểu sai nhân quả, như người ngu ăn muối, muốn được vị ngon, nhưng dùng sai nhân, bỏ đi các vị, chỉ riêng dùng muối, nên chỉ được hưởng quả của muối, người ngu trồng vừng rang cũng vậy, đem vừng duyên với lửa nên đã thành quả là vừng rang, mà không còn là nhân tức vừng sống nữa, trồng vừng sống tức tạo pháp sinh, khiến vừng sinh sản phát triển, rang vừng tức tạo pháp diệt, khiến vừng không còn sinh được nữa. Như người sinh ác tâm tức đã diệt mất chủng tử từ bi, lại muốn thực hiện từ bi bằng ác tâm tất không thể được, vì càng thực hiện từ bi càng làm tăng thêm sự oán hờn. Thế nhân cũng vậy, vì muốn đem lại công bằng cho xã hội mà thực hiện nhiều điều bất công, kết quả càng làm tăng thêm sự bất công trong xã hội.
Từ bi hay bình đẳng khi đã bị ngã hóa tất biến thành tình cảm và thiên chấp, như người ngu thấy vừng rang ngon hơn vừng sống, tựa như người đời thấy vị đã bị ngã hóa thích ý hơn vị đúng thật, nên đem các pháp đúng thật đó ngã hóa, để mong được quả như ý, mà chẳng phải quả đúng thật của pháp. Thành thử kết quả sai khác với chính nhân, tức không đưa đến chính quả.
Người vô trí muốn hành từ bi, nhưng theo ý mình, nên từ bi đó đã bị cái theo như ý rang lên thành tình cảm, vì vậy tuy nỗ lực tu từ bi nhưng thành tu tình cảm, do đó quả bình đẳng của từ bi không thể thành tựu được, vì thế muốn thể hiện tinh thần thống lý đại chúng, nhất thiết vô ngại, mà chung cục cũng chỉ thành phe nhóm, tăng trưởng phân biệt thân sơ tắng ái, khác nào người ngu trồng vừng rang.
Người xuất gia do tu hành thanh tịnh, được lợi dưỡng, thấy lợi dưỡng là hơn thanh tịnh nên lợi dưỡng hóa (rang) mọi thanh tịnh, bấy giờ tuy nỗ lực tu thanh tịnh, lòng vẫn ngỡ là tu thanh tịnh nhưng kì thật chỉ tu vì lợi dưỡng, như người trồng vừng, ngỡ là ta vẫn trồng vừng nhưng thật là trồng vừng rang, nên kết quả đi xa ngàn dặm.
Ngã khi hành thiện pháp công đức sinh trưởng, khi hành ác pháp công đức tận diệt. Như vừng gặp nhân duyên đúng thật năng sinh trưởng, gặp ác duyên tất bị diệt như bị lửa rang, đã bị diệt mà muốn sinh trưởng là chuyện không có được.
Mè sống là nhân, mè rang là quả gieo nhân gặt quả, không thể gieo quả gặt quả. Chúng sinh chưa thành Phật, mà muốn thành Phật thì phải gieo nhân độ sinh như chư Phật đã gieo, không thể lấy cái quả vị Phật làm nhân, vì nhân đó chúng sinh chưa hề có nên làm sao lấy làm nhân được. Độ sinh bao gồm độ tha là hạ hóa, tự độ là thượng cầu. Chúng ta chỉ có cách tự độ bằng chính sự độ tha, do vậy lấy mình làm thang cho người, tất mình sẽ trở thành thang, và như thế tự mình đã có thang để lên rồi. Hay nói khác hơn trong hạ hóa có nghĩa của thượng cầu là tự độ, và trong tự độ hay là thượng cầu, lại có nghĩa hạ hóa ẩn bên trong, vì chỉ có tự độ được bằng con đường lợi tha, nên thượng cầu với hạ hóa là bất nhị.
Còn như vấn đề tu theo tiểu thừa dễ hành và mau đoạn sinh tử. Thế nhân nhận ngã là một thật thể, nên vì vậy thành có sinh tử, và để tránh sinh tử cần hướng đến niết bàn. Thanh văn chứng được vô ngã đoạn sinh tử, lấy pháp vô ngã đoạn sinh tử làm niết bàn thủ chứng. Do thủ chứng như vậy nên không đạt đến chỗ tịch tĩnh dứt sạch khổ lạc. Vì thế khi người tu mất lợi lớn này, tất nhiên chúng sinh cũng mất lây cơ hội được tu học pháp niết bàn và sinh tử đều tịch tĩnh. Như vậy Thanh văn vừa mất tự lợi và cũng mất luôn cả lợi tha, có nghĩa mất quả bồ đề, và mất luôn phương tiện độ sinh của quả này.
Vì thế nếu người tu nào cũng kiến lý thủ chứng tất nhiên Phật pháp bị mất đi "Bảo sở" chỉ còn có "hóa thành", như vậy sẽ khiến chính pháp bị tổn thất khá nặng, việc độ sinh cũng không còn rốt ráo. Vì vậy hàng Cao tăng của Đại thừa đều đồng thanh từ chối quả Nhị thừa và ngay cả quyền thừa Bồ tát, mà chỉ cầu pháp tối thượng thừa tức Phật quả (Bảo sở).
Bởi những lý lẽ nói trên, Đại thừa hay chê trách để ngăn chặn tâm ham thích tiểu pháp.
Dưới mắt phàm nhân thì giả như khi tu hành ta chứng được pháp tiểu pháp đại gì cũng tốt thôi, có còn hơn không. Nhưng trí huệ của Đại thừa không cho như thế là đúng. Bởi sinh thiên cũng hại cho con đường thành Phật. Chứng quả Nhị thừa cũng trở ngại cho con đường thành Phật. Mọi trở ngại cần phải vượt qua và loại bỏ, bất kể đó là chướng ngại loại thuận hay nghịch.