Home > Khai Thị Phật Học > Phai-Chang-Ban-Dang-Lay-Kho-Lam-Vui
Phải Chăng Bạn Đang Lấy Khổ Làm Vui?
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Thich Quang Định, Việt Dịch


Phật dạy chúng ta rằng nếu thể nhập được diệu lí “sắc tức là không”, “tính không của duyên khởi” và “vô thường” thì có thể lìa khổ được vui và chứng nghiệm được niềm hạnh phúc đích thực.

Nhưng thông thường khi con người cảm thấy trong lòng không vui thì họ chỉ cần nghe nhạc, khiêu vũ, chơi bài hoặc tham gia một hoạt động nào đó là họ cho rằng mình đã lìa khổ tìm vui và việc tìm vui lánh khổ không nặng nề, quan trọng đến mức như trong kinh điển Phật giáo đề cập và cũng không đến nỗi khó thực hiện như thế.

Thế nên, nhiều người cho rằng phí sức, phí thời gian đi tìm hiểu giáo lí Phật giáo để lìa khổ tìm vui không bằng việc tự mình đi tìm cho mình một niềm vui trong một hoạt động hoặc một trò chơi nào đó.

Thực ra, về cơ bản, niềm vui sướng, hạnh phúc nói trên khác với hạnh phúc “lìa khổ được vui” mà Phật giáo đề cập. Thông thường người ta cho rằng có hai cách hưởng lạc: một là chìm vào các chất gây nghiện như thuốc lá, bia rượu, ma túy hoặc các chất kích thích khác. Các chất gây nghiện đều mang lại hưng phấn, khoái lạc tạm bợ, nhất thời cho con người, giúp con người quên đi thực trạng đau khổ của bản thân.

Nhưng một khi các chất gây nghiện hết tác dụng, con người tỉnh lại đối mặt với thực tế thì càng đau khổ hơn.

Cách hưởng lạc còn lại là “kích thích”, điều này chỉ mang lại khoái cảm của thân xác, cũng giống như việc gãi cho đỡ ngứa khi bị côn trùng đốt hoặc khi trời nóng bức chúng ta uống một cốc nước mát.

Thoạt tiên, nó cho ta cảm giác rất dễ chịu, sảng khoái vô cùng. Nhưng nếu chúng ta dùng các biện pháp kích thích kia để xử lí những việc gây khó chịu trước mắt thì nhất định sẽ mang bệnh, như khi gãi nhiều thì sưng tấy, uống nước đá nhiều thì viêm họng. Đấy là những hệ quả của việc dùng các biện pháp kích thích thân thể gây nên.

Thông thường mọi người nghĩ rằng hưởng thụ bất quá chỉ là các hình thức gây mê hoặc tăng thêm kích thích, hưng phấn cho cơ thể, xem đó là hạnh phúc. Thực ra, họ đang lấy khổ làm vui, hoàn toàn không phải là niềm hạnh phúc đích thực, thậm chí có lúc còn bị phản tác dụng do sử dụng không đúng cách. Ví dụ người mê đánh bạc, họ biết rõ rằng không thể ván nào cũng đánh thắng, nhưng lại luôn luôn mong thắng. Có thể chỉ thắng một ván đầu nhưng nhờ đó gây hưng phấn cho họ, họ bị kích thích ham muốn. Song, sự thực là càng đánh, càng hy vọng thì càng thua. Người đánh bạc thua đau khổ đã đành nhưng người thắng cũng không nhất định sẽ hạnh phúc. Có người chết vì quá vui mừng, hưng phấn do đánh thắng bạc. Khiêu vũ cũng thế: khi đang trên sàn nhảy, cảm giác lâng lâng khó tả, vô cùng thích thú, hưng phấn. Khi đó, họ đam mê đến nỗi không biết mình đang làm gì, nhưng sau khi về nhà tỉnh lại, cái cảm giác hưng phấn trên sàn nhảy tan tành mây khói, chỉ còn lại một mình trơ trọi, quanh mình vẫn thấy nhạt nhẽo, trống vắng ê chề.

Đương nhiên khi tham gia lao động quá mệt mỏi, vất vả, chúng ta có thể đi nghe nhạc, đánh cầu, đi bơi, đi dã ngoại, du lịch, ... đều là những cách giải trí lành mạnh, có tác dụng thư giãn thần kinh, tăng thêm hứng thú làm việc, đấy không phải là việc xấu. Tuy nhiên, đấy chỉ là những giải pháp tạm thời, thiếu tính triệt để, rốt ráo, càng không thể đảm bảo cho người tham gia rằng chỉ làm một lần như thế thì niềm vui kia đủ năng lượng để sử dụng cả đời.

Theo Phật pháp, niềm hạnh phúc do tu tập mang lại mới là niềm hạnh phúc đích thực. Quẳng hết gánh lo trong lòng mình giúp chúng ta thể nghiệm sự giải thoát nhẹ nhàng khi tâm lí không còn mang nặng điều gì nữa. Niềm hạnh phúc này hoàn toàn khác xa so với niềm hạnh phúc tạm bợ do những thú vui chơi, giải trí mang lại.

Phần lớn thời gian đời người tất bật vì mưu sinh, kiếm tiền. Gánh nặng tiền bạc, gánh nặng cuộc sống đè xuống hai vai khiến người ta cảm thấy cuộc sống ê chề, mệt mỏi. Vì thế, nếu có thời gian rỗi rãi, mọi người hãy thử tham gia công tác từ thiện, tham gia lao động công ích, lắng bớt tâm lí lao động để kiếm tiền, thay vào đó là tâm lí hiến dâng cho đồng loại, giúp chúng ta giảm bớt tham tâm, giảm nhẹ gánh nặng tiền bạc trong lòng. Hãy thử sống và làm việc không vì tiền trong một đôi ngày và thể nghiệm niềm hạnh phúc khi hiến dâng cho người khác xem sao! Giúp đỡ người khác theo cách này không những mang lại lợi ích cho họ mà còn có tác dụng điều hòa tâm sinh lí, xem đấy là thuốc điều trị đau khổ cho thân tâm, như thế bạn sẽ gặp được quả ngọt hạnh phúc.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Phải Chăng Bạn Đang Lấy Khổ Làm Vui?