Đốt Trầm Lầm Than
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Có người con của trưởng giả, ra biển vớt trầm thủy, hơn một năm mới vớt được đầy một xe, chở về đem ra chợ bán. Song vì là thứ trân bảo nên giá tiền cao, bán đã lâu ngày mà không có ai mua, sinh tâm chán nản, thấy người bán than bên cạnh, luôn có khách hàng, nên khởi suy nghĩ, hay là ta đem trầm đốt hết thành than, có lẽ bán mau hơn. Thế rồi liền mang trầm thủy đốt thành than, chở ra chợ bán được số tiền chỉ hơn nửa xe than.

Người ngu cũng vậy, cần hành tinh tiến tu cầu Phật quả, lâu ngày cảm thấy khó đạt thánh quả, nên sinh tâm thối thất, suy nghĩ cho rằng, chẳng bằng cầu Thanh văn quả, chứng A la hán mau đoạn sinh tử hơn.

Lời Bình:

Câu chuyện này cho chúng ta nhận ra 2 điểm chính yếu sau:
 
1. Đức tin không kiên cố.

Vào biển tìm trầm, ví như người đi học thuốc học được 6 năm còn hai năm nữa tốt nghiệp, nhưng cảm thấy áp lực chuyện học, tốn kém tiền của, căng thẳng với chuyện thi cử, đè nặng hằng 6 năm nay, thực là phiền, nhìn thấy người lao động tay chân cạnh mình, làm việc mỗi ngày đã không tốn kém, lại chẳng chịu áp lực hay căng thẳng của sự học, mà lại có tiền tiêu sài, nên bỏ học làm nghề tay chân kiếm sống, người ngu này đã không biết là chỉ cần chịu phiền 2 năm nữa thì cuộc sống trong tương lai sẽ bớt đi cả đời phiền, vì chỉ đủ kiếm sống mỗi ngày của nghề tay chân, mà còn hí hửng nghĩ là mình giải quyết được nỗi phiền học hành, quả là điên đảo, coi sự thành nhân là phiền. coi sự bất thành nhân là giải thoát.

Như người xuất gia, từ bỏ mọi tham ái để vào đạo cầu tìm trí huệ, được tín chúng nuôi dưỡng, tránh khỏi gia duyên bận buộc, nhờ lực công đức xuất gia, sống vô vi tịch tĩnh tu tập trí huệ. Không bận buộc nên vô vi, không thủ xả nên tịch tĩnh, nhờ hai yếu tố này mới đạt được trí huệ, ngược lại do bận buộc sinh ái thủ, do thủ xả sinh tán loạn, ái thủ tán loạn tạo thành si mê, một thứ trí vô minh. Người xuất gia quán sát thấy Phật pháp có lực công đức năng sinh an lạc thanh tịnh nhờ vô vi tịch tĩnh, một niềm an lạc tịch tĩnh như cảm thọ của không ghẻ, không cần gãi. Nên càng củng cố cảnh giới thanh tịnh này thêm vững chắc, cho đến khi chẳng còn một pháp nào có thể làm dao động cảnh giới vô vi tịch tĩnh này, điều này đồng với không gì mê hoặc được là chân trí huệ.

Nhưng trải qua lâu năm huân tập, người này vì một niệm vọng khởi, quán sát thấy những người truy cầu ngũ dục vui thú và không thấy họ có áp lực bởi nhẫn lực tu hành như mình đang phải chịu trong sự tu tập, lại suy nghĩ, ta phải chịu nhọc nhằn chiến đấu để giữ vững cảnh giới tịch tĩnh đến buồn tẻ này, một cách vất vả, thực là phiền muộn. Và rồi chỉ thấy quả phiền trước mắt, mà chẳng cứu xét sự việc trên thật đức năng, nên vô trí phá bỏ cảnh giới an lành, biến vô vi thành ái thũ hữu vi, tịch tĩnh thành động loạn, và lại cũng chỉ thấy quả trước mắt, nên mừng cho là đã giải thoát được mọi nỗi vất vả của sự tu hành, khác nào đà điểu bị sói đuổi, chạy mệt, lủi đầu vào đám cây bên đường, rồi vui mừng cho là hết sói và hết mệt rồi, nào hay hết mệt là thấy chết. Vì nào hay biết vọng niệm này đưa ta từ con đường giải thoát vào con đường sinh tử. Vừa nuốt lại những thứ đã ói mửa trước kia, vừa tạo nhân duyên hủy diệt Phật pháp nơi mình. Như gã bán trầm thủy, thoạt đầu bỏ mọi nghề đi tìm trầm thủy, sau thấy kẻ bán than đắt hàng nên chỉ thấy quả trước mắt là đắt hàng, mà không thấy đúng thật, tuy đắt hàng nhưng hàng này chỉ đủ sống một ngày để ngày mai lại phải tiếp tục như vậy cho đến chết, vật vã cả đời, lao lự trọn kiếp. Họ nào hay, nào biết bán bao nhiêu xe than suốt đời cũng không bằng bán hết một xe trầm thủy. Do một niệm vô minh không thấy sự lợi hại lâu dài,mà chỉ thấy cái trước mắt, nên cả xe trầm với biết bao công lao khó nhọc, chịu đựng bão bùng nguy nan trên biển mới tìm được, bị một niệm vô minh đốt sạch thành than, khiến gã trở lại kiếp lầm than, bỏ lỡ dịp giầu có.

Đức tin không kiên cố hay lập trường không vững chắc dẫn đến sự tư duy và hành động điên đảo như trưởng giả tử này.

2. Không biết quán sát đối tượng.

Không nên đánh giá trị một sự vật hay một người qua thị hiếu của phàm nhân. Sở thích của phàm nhân bao giờ cũng ngược với bậc thánh. Như Tăng tử nói : « Hễ được lòng thế tục thì trái ý thánh nhân, và hễ vui lòng thánh nhân thì phàm nhân muộn phiền». Khúc nhạc bình dân thì ai cũng biết, như Hạ lý ba nhân. Tiền tài sắc dục thì lắm người ưa, công đức trí huệ thì chẳng ai màng. Lợi mình thì ai cũng hành, lợi người thì chê là khó là ngu. Thế thì tiền tài sắc dục có giá trị hơn công đức trí huệ ư ? Lợi mình là lý tưởng hơn lợi người sao ? Nay vì thiếu tư duy thật đức năng nên ngỡ rằng than xem ra khá hơn trầm bởi được nhiều người chiếu cố.

Phải biết vật hay người quý không ở chỗ được chuộng hay bị ghét của thế gian, mà ở nơi bản chất chân thật của vật hay người, như Khổng tử nói : « Chúng ố chi tất sát yên, chúng ái chi tất sát yên » có nghĩa ta nên xét lại cái thiên hạ ghét cũng như cái thiên hạ ưa.

Đem trầm ra chợ than bầy bán khác nào rao bán sách cho người mù. giả như không ai biết hân thưởng trầm thũy thì ta vẫn giữ vững lập trường chờ thời tiết nhân duyên, mà không bán tháo để đổi lấy chút lợi nhỏ. Như Khổng tử nói : « Đốc tín hiếu học, thủ tử thiện đạo. Nguy bang bất nhập, loạn bang bất cư, thiên hạ hữu đạo tắc hiện, vô đạo tắc ẩn. Bang hữu đạo bần thả tiện yên, sỉ dã. Bang vô đạo phú thả quý yên, sỉ dã. (thành tín hiếu học, giữ đạo thiện đến chết, chỗ nguy không đến, chỗ loạn không ở, thiên hạ hữu đạo thì hiện, vô đạo thì ẩn. Ở xứ hữu đạo mà nghèo hèn là nhục, ở xứ vô đạo mà phú quý cũng là ô nhục).

Do thẩm lự không chính xác dẫn đến quyết định và phát động việc làm điên đảo nơi thân, khiến lợi thành hại. Song hại hơn cả là không nhận chân ra cái hại đó là thật hại, mà lại cho hại là thật lợi. Xét ra cái hại và cái ngu đó chẳng phải từ sự thiếu kém tư duy mà phát sinh hay sao ? Thế mới biết tư duy quyết định mọi hành động, và như vậy người học đạo cần phải xây dựng và củng cố cho bản thân một lực tư duy thật đức năng, để tránh điên đảo vọng tưởng, để thành tựu mọi kết quả chân chính.

Tóm lại câu chuyện cho ta bài học từ một niệm ngu ngốc tức tư duy không đúng thật, khiến thối thất niềm tin và năng sinh ra nhiều thứ ngu. Thứ hai không biết quán sát đối tượng, nên tự đánh mất lý tưởng, biến bảo vật thành thứ tầm thường, lại không biết đó là ngu, mà ngược lại cho đó là sự khôn ngoan.
 
Trích từ: Kinh Bách Dụ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

Người Không Dễ Sân
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Giết Hướng Đạo Tế Trời
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Thuốc Làm Mau Trưởng Thành
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ