Một người nọ cần dùng tới lửa và nước lạnh, nên lấy chậu đất đựng lửa, và một bình sắt đựng nước lạnh, để bên trên chậu lửa, rồi suy nghĩ, ta đã chuẩn bị sẵn lửa và nước lạnh, một lúc sau khi cần tới lửa thì lửa đã tắt, cần đến nước lạnh, nước đã thành sôi, lửa và nước lạnh đều mất.
 
Thế nhân cũng vậy, xuất gia cầu đạo, đến với Phật pháp, mà vẫn nhớ vợ con bạn bè, thú vui thế gian và sự hưởng thụ ngũ dục, làm mất lửa công đức, và nước giới, người niệm dục cũng giống vậy.
 
Lời Bình:

Câu chuyện này nêu lên vấn đề kết hợp hai thứ mâu thuẫn với nhau sẽ đưa đến hậu quả hư hoại. Có hai trường hợp để hành động mâu thuẫn, thứ nhất là làm hai việc nghịch nhau cùng lúc, thứ hai cùng một việc mà sử dụng hai thứ trái ngược.
 
Trường hợp thứ nhất như người tại gia, vừa học Phật trí huệ để nhận biết nhân duyên là vọng, vừa tu pháp giải thoát mọi trói buộc của nhân duyên pháp, qua những ngày thọ bát giới hay những khóa giảng, ngoài những ngày tháng ít ỏi nói trên, lại miệt mài trau giồi trí xảo thế gian, hành theo vọng duyên, nỗ lực tăng trưởng duyên trói buộc, chỉ sợ bị suy giảm hay mất mát nhân duyên trói buộc này. Vừa ôm tinh thần giải thoát vừa sợ mất đi sự trói buộc (của ngũ dục), khác nào người ngu kia để nước trên lửa, khiến nước sôi lửa tắt, do vậy người tại gia học Phật, bị sự trói buộc mê hoặc làm ô nhiễm trí huệ, tiêu mất chính tín, đạo bất năng thành, nên đời sống  không được thanh tịnh. Do tắng ái, thủ xả, đắc thất nhiễu loạn khiến tạo tác vọng nghiệp, mất nhân thanh tịnh nên quả an lạc không thành, và như thế đời sống trở thành bất tịnh dẫn đến cảnh giới bất an.
 
Trường hợp thứ hai như người xuất gia, cát ái từ thân lìa bỏ gia đình là hang ổ của ái, nhưng do nơi thiếu tư duy, hay tư duy không chính xác, họ bỏ gia đình cũ để lập gia đình mới, đồng hóa gia đình sau là nhập đạo. Bỏ nhà cửa và tình cảm vợ chồng con cái, cha mẹ, thay bằng dọn vào chùa và tình cảm thầy trò, huynh đệ, bổn đạo, khác gì bình mới rượu cũ, đức Phật không ngại bình làm tổn hại cho người tu, mà sợ rượu hay gây nghiện cho người, như ái dễ làm người say và ghiền, nhà cửa có gì đáng sợ. Ái như rượu, bình như nhà cửa chùa chiền, khi hiểu lầm do tư duy vụng về, người tu nghĩ chỉ cần bỏ bình mà vẫn giữ rượu, tức chỉ cần bỏ nhà mà vẫn giữ ái, mang ái vào chùa, tự cho vào chùa đồng nghĩa nhập đạo, lìa nhà đồng với xuất gia, đó là bệnh y cú bất y nghĩa, do nơi y thức bất y trí. Do vậy niệm ái vẫn được dung dưỡng và tăng trưởng bên cạnh sự tu hành giải thoát, niệm giải thoát chính là niệm ly ái, vì ái sinh thủ, thủ sinh hữu, nên thành quả sinh tử trong tương lai (12 nhân duyên). Đức Phật khẳng địng với Di lặc bồ tát, ái là căn bản luân hồi (đương tri luân hồi ái vi căn bản) . Ly ái tất ly thủ, ly thủ tất ly hữu, và không còn sinh tử tương lai nữa. Người tu thiếu tư duy huệ, nên duy trì ái niệm khiến niệm giải thoát bị thoái hóa, như nước và lửa để vào với nhau, vì vậy càng tu học ái càng phát triển, thành tư tưởng ái mạng sống này và những thứ thuộc về ngã ái, như đức Phật nói với Di lặc bồ tát, ái dục là nguyên nhân đưa đến ái ngã (ái dục vi nhân, ái mạng vi quả).
 
Do vậy tu hành không đạt được công đức giải thoát, mà lại thêm đắm nhiễm ngũ dục, tức danh văn lợi dưỡng, thấy mọi thứ của ta, và sợ mất đi những thứ này, đó là ái kiến. Có ái mới sợ mất, không ái không sợ mất, có ái mới thấy của ta, không ái không thấy của ta. Ái kiến là vọng thức ngược với chính kiến là chân trí, ái kiến chấp lấy những thứ vọng duyên giả hợp, cho là của ta, khởi tâm chấp thủ, vọng tưởng thành các pháp đắc thất, thành bại, khổ lạc… Nên vọng thọ đủ mọi khổ lạc thuận nghịch, và vì vậy vọng hành mọi nghiệp thiện ác, chiêu cảm quả khổ nơi tương lai.
 
Chính kiến thấy mọi thứ đó là vọng huyễn, nên thọ được an lạc, tưởng được bất động, hành được tự tại, nhờ vậy đời sống thanh tịnh, cảnh giới an lạc, thành tựu hạnh nguyện giải thoát.
 
Thế nhưng những pháp mâu thuẫn này nếu được trí huệ hướng dẫn, không những không gây tai hại, mà trái lại trở thành phương tiện thiện xảo. Thí như nước và lửa sung khắc, nhưng nếu biết sử dụng sự sung khắc này, thì chúng ta có trà uống, có cơm ăn, và đưa đến nhiều phát minh khoa học ích lợi.
 
Người có trí huệ không đắm ngũ dục, nên biết lợi dụng ngũ dục, Người không có trí huệ tất tham đắm ngũ dục, nên thường bị ngũ dục lợi dụng.
 
Thế nên người tu học nếu biết lợi dụng ngũ dục trong việc tu hành, thì ngũ dục lại là phương tiện hành đạo. Như biết chúng sinh phải ái mới chịu nghe pháp, nên không ngại gì nói lời êm tai, hành động vỗ về, khiến chúng sinh khởi ái mộ tâm mà nghe pháp. Như biết chúng sinh thích sự hoa lệ hoành tráng, nên chẳng ngại gì không trang nghiêm đạo tràng, nhiếp phục chúng sinh, khiến họ nghe pháp. Lại biết chúng sinh ham thích danh vọng, nên chẳng ngại gì không lập danh thanh, để chúng sinh nể sợ danh tiếng đó mà lắng nghe lời dậy.
 
Do đa phần tín đồ khởi đầu vào đạo bằng cửa ái và cổng dục, nên đạo đó là đạo ái dục, thế nhưng họ vẫn ngỡ căn nhà ái dục đó là nhà đạo. Nên họ càng ở lâu trong đó, càng tăng trưởng ái dục, ngã và ngã sở. Vì thế người trí dùng ngũ dục làm phương tiện nhiếp phục chúng sinh, khiến chúng sinh nể phục, chịu nghe giáo pháp. Bấy giờ người trí mới thuyết các pháp ly dục, khai thị khiến chúng sinh lìa ái và dục mà trụ vào trong pháp. Khi đó nhà ái dục trở thành nhà viễn ly, như vậy gọi là nhập đạo.
 
Vì lẽ đó mà Phật pháp mới cần phải được đóng bởi ba dấu ấn Vô thường, Vô ngã và Niết bàn.
 
Tóm lại không phải tính xung khắc của nước và lửa đưa đến tai hại, mà sự vô trí mới là chính nhân gây mọi họa hại. Ngược lạu bằng trí huệ hoạ hại nào cũng thành lợi ích.
Trích từ: Kinh Bách Dụ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

Lên Lầu Mài Dao
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Gấm Bao Áo Rách
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Trồng Hạt Vừng Mè Rang
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ