Các vị thiện tri thức,
Hôm nay tôi cũng bắt chước Giáo sư Tsu xin chúc quý vị năm mới an vui. Happy New Year! Vậy thì năm cũ phải chăng chẳng an vui? Chúng ta phải cần an vui hằng năm, hằng tháng, hằng giờ. Vì sao mình cần phải an vui? An vui không phải là vì có đồ ăn ngon, cũng chẳng do mặc áo quần đẹp, mua đặng xe bóng nhoáng, ở chốn nhà cao cửa rộng. Vậy thì mình phải làm sao để an vui an vui? Thì đây: Trong thâm tâm mình phải thường luôn biết tri túc, bởi vì hễ biết đủ thì ta luôn an vui. Biết nhẫn nại thì ta sẽ thường đặng an ổn. Nhận rằng mình có đủ thì mình sẽ luôn luôn đầy đủ. Chúng ta phải thường thường biết tri túc. Con người có trí huệ, linh tri linh giác hơn hẳn loài vật, chúng ta hơn tất cả mọi loài về đủ thứ phương diện; do đó chúng ta phải biết tri túc. Khi biết tri túc thì mình sẽ an vui, chẳng phiền não. Cho nên chẳng phải năm mới tới mình mới vui vẻ mà phải an vui trong mọi thời mọi lúc. Khi chẳng có phiền não thì mình mới có thể:
Vun bồi khoảnh đất trên tâm,
Hàm dưỡng vòm trời nơi tánh.
Khi mảnh đất nơi tâm sáng tỏ thì vòm trời ở thể tánh cũng chói lọi. Sự rực rỡ ấy cũng chính là sự quang minh của Phật. Vì sao chúng ta chẳng thể phóng quang minh? Bởi vì mình chẳng vun bồi khoảnh đất trong tâm, chẳng hàm dưỡng vòm trời nơi tánh. Vì vậy, trong đạo Phật, nếu bạn có thể thường an vui thì tức là bạn tu hành rồi đó.
Trong quyển Trai Căn Ðàm có nói:
Quang phong tế nguyệt, thảo mộc hân hân.
Nghĩa là:
Gió trong, trăng tỏ, cây cỏ vui vui.
Lúc gió trong, trăng tỏ là lúc gió thổi nhè nhẹ, trăng sáng chẳng mây che. Cây cỏ vui vui là nói cây cỏ cũng tươi tốt, hân hoan, như thử là vui vẻ lắm lắm. Còn thế nào là nộ vũ tật phong? Tức là ám chỉ trời nổi cơn thịnh nộ, giáng cơn mưa lớn. Mưa lớn cũng như là nước mắt trời khóc vậy. Tật phong là cuồng phong, bão táp. Khi gió ấy thổi thì đừng kể là người, ngay cả loài vật, chim chóc cũng cảm thấy thắc thỏm chẳng yên. Ai cũng buồn bả. Toàn bài thơ viết như sau:
Quang phong tế nguyệt, thảo mộc hân hân.
Nộ vũ tật phong, cầm điểu thích thích.
Cố: thiên địa bất khả nhất nhật vô hòa khí,
Nhân tâm bất khả nhất khắc vô hỉ thần.
Nghĩa là:
Gió trong, trăng tỏ, cây cỏ vui vui
Mưa gầm, gió lộng, chim thú co ro,
Nên:Trời đất chẳng thể một ngày không hòa khí
Lòng người chẳng thể một phút thiếu niềm vui.
Khi trời đất nổi cơn giông tố, thì hòa khí mất hết. Do đó mới nói rằng trời đất chẳng thể một ngày không hòa khí; mà phải luôn có gió thổi hiu mát, tỏa khí cát tường. Lòng người cũng chẳng thể một phút thiếu niềm vui. Cũng như đức Di Lặc Bồ Tát, người ta đối với Ngài như thế nào Ngài cũng không sanh phiền não. Ngài dạy rằng:
Già khờ khoác áo nạp.
Cơm lạt dằn no bụng,
Vá víu đỡ rét hàn,
Vạn sự tùy duyên thôi!
Hễ ai chửi già khờ:
Già khờ tự nói: Giỏi.
Hễ ai đập già khờ,
Già khờ lăn ra ngủ.
Khạc nhổ nơi mặt già,
Cứ để nó tự khô.
Già này chẳng tốn công,
Bạn cũng không phiền não.
Như thế Ba la mật,
Ðúng là báu nhiệm mầu,
Thấu rõ lý lẽ nầy,
Lo gì Ðạo chẳng xong?
Già khờ tức là chỉ lão già ngu dốt này, kẻ chẳng chút tri thức. Khoác áo nạp, tức là mặc áo vá víu. Cơm lạt dằn no bụng: Nghĩa là tôi chỉ ăn đạm bạc, miễn có ăn là đủ rồi. Lão già thường vỗ bụng, rằng: Coi, bụng tôi no lắm rồi đây! Vá víu đỡ rét hàn. Áo quần của tôi đã rách rồi, song chỉ cần vá lại để tôi tránh rét. Vạn sự tùy duyên thôi! Cứ tùy theo mọi chuyện - chuyện tới thì ứng phó, chuyện qua rồi thì im lặng. Chuyện gì làm cũng tùy theo duyên. Hễ ai chửi già khờ: Ðồ quái vật, già đầu mà chẳng chết! Già khờ tự nói: Giỏi, tốt lắm! Bạn chửi tôi thật là quá hay! Hễ ai đánh già khờ, Già khờ lăn ra ngủ: Nếu ai đánh tôi thì tôi lăn người ra ngủ, đưa lưng cho y đánh. Khạc nhổ nơi mặt già: Tức là bạn nhổ nước miếng lên mặt tôi, cứ để nó tự khô: Tôi sẽ chẳng lau nó, mặc nó tự khô. Bởi vì: Già này chẳng tốn công để lau nước miếng, Bạn cũng không phiền não, vì tôi sẽ không trả đủa, nhổ vào mặt bạn, do vậy bạn sẽ chẳng có gì bực bội. Như thế Ba la mật: Ðây là một pháp ba la mật, pháp đưa ta tới bờ giải thoát. Ðúng là báu nhiệm mầu: Mà đa số chúng ta không ai biết dùng nó, dùng phương pháp đưa ta tới bờ bên kia. Ðây đúng là sự mầu nhiệm trong sự mầu nhiệm, báu vật của tất cả của báu. Thấu rõ lý lẽ này: Nếu bạn biết được đạo lý này, Lo gì đạo chẳng xong, nhất định bạn sẽ thành tựu đạo nghiệp.
Có vị giáo sư ở đây giảng về từ bi của nhà Phật và nhân từ của đạo Khổng ở Trung Hoa. Kỳ thật đạo Khổng nói về lòng trung thứ, còn đạo Cơ Ðốc, Thiên Chúa Giáo thì nói về lòng bác ái. Hai chữ bác ái đều có bộ chữ tâm ở trong đó, tức là chỉ lòng thương ở trong tâm. Ðạo Lão thì nói về cảm ứng. Tuy đạo Lão dạy rằng thanh tịnh, vô vi, tu theo đạo tự nhiên, như Ðạo Ðức Kinh dạy: Con người học theo pháp Ðất, Ðất theo mẫu của Trời, Trời theo mẫu Ðạo, Ðạo làm theo tự nhiên. Song thật sự thì cốt tủy đạo Lão dạy ta hai chữ cảm ứng. Ðạo Phật thì chủ trương từ bi. Nho, Ðạo, Thích, ba tôn giáo chẳng thể tách rời cái tâm. Ra ngoài tâm thì chẳng có tôn giáo. Ðạo Khổng dạy hai chữ Trung và Thứ. Trung hay sự trung thành là để giữ mình (trì kỷ), thứ hay tha thứ thì dùng để đối đãi với người (đãi nhân). Giữ mình tức là khi mình làm việc gì mình cũng cần có lòng trung thành đối với người, phải làm cho tận lòng trung. Ðây là điều kiện căn bản để vun bồi phẩm đức của mình. Tha thứ với kẻ khác nghĩa là bỏ qua những điều sai trái của kẻ khác. Ai làm sai mình hãy biết tha thứ, khoan dung họ. Nếu biết trung thành để giữ mình, thì nhân cách của bạn sẽ thanh cao. Nếu biết tha thứ đối đãi người khác, thì bạn sẽ làm lợi kẻ khác, mà chẳng đi tìm lỗi lầm sai trái của họ. Ðây là giáo nghĩa của đạo Nho, nó nào có tách rời cái tâm này. Nếu bạn xem hai chữ trung thứ, sẽ thấy nó bao gồm chữ tâm đó.
Ðạo Lão dạy về cảm ứng. Thế nào là cảm? Cảm tức là thông đạt. Sao gọi là ứng? Chẳng có điều cầu mong gì mà chẳng thành, gọi là ứng. Ai cầu gì cũng sẽ được toại nguyện. Rằng: hễ cảm thì thông, cầu gì cũng ứng. Thế nào là cảm ứng? Ví như dòng điện: Hể điện nối tới đâu thì đèn sáng tới đó. Ðó là nghĩa của câu: Hễ cảm thì thông, cầu gì cũng ứng. Cũng vậy, lòng bạn nghĩ gì, kẻ khác cũng có thể thông hiểu được, đó là vì có dòng điện cảm ứng giữa tâm bạn với tâm người. Do đó, khi cầu chuyện gì với lòng chí thành khẩn thiết, thì bạn sẽ cảm, sẽ thông: Thông đạt, tiếp giao tới thần minh. Bởi vì Ðạo Lão nói cảm ứng nên Lão Quân mới có một bài viết về cảm ứng bắt đầu như sau:
Họa phước vô môn, duy nhân tự chiêu.
Nghĩa là:
Họa, phước chẳng có chỗ nhất định,
Chỉ do mình chiêu cảm mà tới.
Ðây tức là giải về cảm ứng. Bởi vì tai họa chẳng có cửa ngõ, mà hạnh phúc cũng chẳng có cửa vào. Nếu bạn làm thiện thì phước tới, làm ác thì họa tới. Do đó họa phước chẳng có nhất định, chỉ do mình chiêu cảm mà chúng tới.
Thiện ác chi báo như ảnh tùy hình.
Nghĩa là:
Quả báo lành, dữ, như bóng theo hình.
Quả báo lành hay dữ cũng hệt như cái bóng lúc nào cũng theo thân hình ta. Mình đi tới đâu, bóng đi tới đó. Quả lành cũng là bóng mà quả dữ cũng là bóng, chúng luôn đeo đuổi theo thân ta. Bởi vậy thiên địa có thần minh coi xét việc sai trái. Thiên địa cũng có thần năm, thần tháng, thần ngày, thần giờ, gọi là tứ trực công tào. Các vị ấy yên lặng xem xét mọi chuyện. Cho nên nói: Thiên địa hữu ty quá chi thần, nhân nhân sở phạm khinh trọng, dĩ đoạt nhân toán, toán giảm tắc bần hao. Nghĩa là: Trời đất có thần xét việc sai trái, tùy theo lỗi nặng nhẹ của người mà thần giảm thiểu phước phần kẻ ấy, khi phước phần giảm thiểu thì kẻ ấy sanh ra nghèo cùng, khốn đốn. Giảm thiểu phước phần tức là giảm thiểu thọ mạng. Tức là kẻ ấy đáng lẽ sống lâu, bây giờ phải đoản mạng. Theo như cách tính này thì giảm thiểu tính theo đơn vị 12 năm, hay một kỷ. Khi mạng sống giảm bớt thì với nó là sự nghèo nàn, khốn đốn. Lúc đó thì đủ thứ tai nạn, họa hoạn, bịnh tật, thị phi, đều tới cả. Ðó cũng chính là sự cảm ứng. Rằng: Hễ cảm thì thông, cầu gì cũng ứng. Tức là giáo nghĩa mà Ðạo Lão dạy.
Ðạo Phật chủ trương từ bi. Từ là gì? Có câu rằng: Vô duyên đại từ. Nghĩa là thái độ hiền hòa, hiền từ đối với kẻ ta chẳng có duyên. Bạn đối với kẻ ấy hiền từ, tốt đẹp bất kể là y có đối xử tốt với bạn hay không. Kẻ ấy chẳng có duyên với bạn? Thì mình mới dùng lòng từ hòa với họ chớ. Ðó là lòng đại từ đối với kẻ chẳng có duyên. Làm sao để có lòng đại bi? Lòng đại bi là lòng đồng tình, xem cái khổ của kẻ khác như là khổ mình chịu, như khổ nơi thân mình vậy. Cho nên mới nói: Ðồng thể đại bi. Mình phải thực hành từ bi hỉ xả bởi vì lòng hiền từ có thể đem lại sự an lạc, lòng đại bi có thể xóa tan sự đau khổ, vì khiến ta thông cảm nổi khổ của kẻ khác. Ðó cũng chính là thương người như thương mình vậy.
Ðạo Thiên Chúa hay Tin Lành đều dạy về lòng bác ái (博愛). Chữ Bác (博) có bộ tâm viết ở một bên, còn chữ ái (愛) cũng có bộ tâm viết ở giữa. Ái hay tình thương này cũng gần giống như tình yêu thương nam nữ vậy. Song tình yêu nam nữ là tình chẳng thanh tịnh, tình thương ô nhiễm. Tình thương thanh tịnh thì chẳng có nhiễm ô tạp nhạp. Thiên Chúa Giáo dạy rằng ta phải biết yêu thương, thương yêu tất cả mọi người. Tình thương chân chính thì vô hình vô tướng, không thể diễn bày. Lòng bác ái không phải là tình yêu nam nữ, rằng: Nam nữ ăn ở với nhau là chuyện tự nhiên của con người. Ðạo của người quân tử bắt đầu bằng quan hệ vợ chồng. Ðây là pháp thế gian. Trong pháp xuất thế thì tình thương chẳng hề còn ý tưởng nhiễm ô nữa. Vì vậy mình phải thông hiểu ý nghĩa và phạm vi của chữ tình thương. Tình yêu giữa nam nữ là thứ tình si mê, trong khi đó tình thương xuất thế mới đúng là thứ tình bao la thương khắp chúng sanh.
Khai Thị ngày 6 tháng 2 năm 1994 tại Viện Dịch Kinh Quốc Tế